Ý kiến của công ty CP Kinh Đô Miền Bắc

Thứ Tư 09:16 12-08-2009

MỘT SỐ GÓP Ý VỀ

DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG

1. Góp ý khoản 2 điều 12: Điều khoản vô hiệu: Người tiêu dùng có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố toàn bộ hợp đồng vô hiệu nếu trong hợp đồng có nội dung quy định tại khoản 1 Điều này”.

- Theo tôi, nếu vi phạm các nội dung trong khoản 1 điều 12 Dự thảo thì chỉ vô hiệu từng phần đó thôi, chứ các nội dung khác vẫn có hiệu lực. Luật quy định vô hiệu toàn bộ thì vô hình chung trái với Điều 135 Bộ luật dân sự (vì Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 là Bộ luật chung. Trên cơ sở đó các quy định của pháp luật liên quan phải phù hợp với Bộ luật này). Điều 135 Bộ luật dân sự quy định: “Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần của giao dịch vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch ».

- Ngoài ra, nếu quy định chỉ vi phạm một trong các khoản đó thôi mà tuyên bố vô hiệu toàn bộ Hợp đồng thì hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không thể lường trước được. Khoản 2 Điều 137 Bộ luật dân sự quy định : «Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.

ð Theo tôi nên sửa như sau: “Người tiêu dùng có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu từng phần nếu một trong các phần nội dung hợp đồng đó vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này”.

2. Góp ý khoản 4 Điều 16 về trách nhiệm bảo hành: «Trong thời gian thực hiện bảo hành, thương nhân có nghĩa vụ cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa tương tự để người tiêu dùng sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận”.

- Theo tôi nên bỏ quy định này. Việc sản phẩm phải bảo hành là điều không mong muốn của doanh nghiệp (đa số), hơn nữa khoản 5 điều 16 dự thảo Luật cũng đã quy định: “Khi hết thời gian thực hiện bảo hành, thương nhân không sửa chữa hoặc khắc phục được khuyết tật thì phải đổi hàng hóa, linh kiện mới tương tự cho người tiêu dùng hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền cho người tiêu dùng.” Như vậy, xét đến cùng thì nếu việc bảo hành không được thì thương nhân đều phải chịu trách nhiệm. Do đó, nếu lai quy định trong thời gian bảo hành còn phải có nghĩa vụ cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa tương tự để người tiêu dùng sử dụng tạm thời. Vậy thì liệu hàng hóa sử dụng tạm thời này có được người tiêu dùng bảo quản cẩn thận? không tráo linh kiện của doanh nghiệp trong thời gian mượn? muợn rồi thấy giá trị lớn hơn nên không trả?...

3. Góp ý khoản 4 Điều 16 về trách nhiệm bảo hành:Thương nhân phải chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển hàng hóa, linh kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến nơi cư trú của người tiêu dùng.

- Thương nhân chịu chi phí về sửa chữa là đúng. Tuy nhiên, về chi phí vận chuyển theo tôi không phải mọi loại hàng hóa thương nhân phải chịu chi phí vận chuyển? Chi phí vận chuyển như thế nào là hợp lý ? Theo tôi thương nhân chỉ chịu chi phí vận chuyển đối với hàng hóa, linh kiện có kích thước quá khổ, cồng kềnh mà người tiêu dùng không thể vận chuyển bằng phương tiện cá nhân, phương tiện thô sơ.

4. Góp ý khoảng 2 Điều 18 về xác định sản phẩm có khuyết tật: “Một sản phẩm không bị coi là có khuyết tật chỉ vì lý do duy nhất là có một sản phẩm cùng loại khác an toàn hơn được đưa vào lưu thông sau đó. Câu này viết rất khó hiểu?

5. Góp ý khoản 3,4 Điều 21 về thương lượng:

“3. Thương nhân có nghĩa vụ trả lời khiếu nại của người tiêu dùng trong thời hạn hợp lý nhưng không quá ba ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

4. Thương nhân có nghĩa vụ bắt đầu thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá bảy ngày kể từ nhận được khiếu nại.

- Tôi thấy thời gian này chưa hợp lý và xem ra chưa công bằng lắm với thương nhân. Tôi lấy ví dụ: đối với các cơ quan nhà nước, Luật khiếu nại tố cáo được sửa đổi bổ sung ngày 29/11/2005 có quy định tại về thời gian giải quyết khiếu nại của các cơ quan nhà nước. Điều 36 khoản 1: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 45 ngày…”

- Như vậy, rõ ràng các cơ quan nhà nước có thời hạn nhiều hơn để giải quyết trong khi các thương nhân chỉ có 3 ngày phải trả lời và không quá 7 ngày phải thương lượng. Vậy thì đối với các sản phẩm thương nhân bị làm giả phải đợi các cơ quan chuyên môn kiểm tra thật giả, đối với sản phẩm phải có thời gian xét nghiệm (sản phẩm thực phẩm) … thì sẽ ra sao?

ð Theo tôi thời gian trả lời không được 30, 45 ngày như cơ quan nhà nước thì ít nhất cũng phải được 07 ngày. Thời gian thương lượng cũng phải 10-15 ngày. Ngoài ra, Luật cũng quy định thêm: đối với vùng sâu, vùng xa hoặc vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết cũng phải tương đối để thương nhân giải quyết. Luật đã chỉ rõ các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân (chương V) chủ yếu là bằng thương lượng và hòa giải mà.

6. Góp ý: Đề nghị bổ sung điều khoản về thời hiệu khiếu nại.

- Tôi thấy mục này rất quan trọng mà Luật không đề cập đến. Ví dụ: Khi người tiêu dùng nộp đơn khởi kiện lên tòa án thì Tòa phải xem là có còn thời hiệu khởi kiện hay không chứ? Hoặc Luật phải quy định rõ, đối với hàng hóa có in rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng thì người tiêu dùng được quyền khiếu nại về chất lượng sản phẩm trong thời gian này.

7. Luật phải làm rõ 02 Điều sau: Điều 61. Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (tổ chức xã hội) và Điều 68 Quy định về thẩm quyền xử phạt có đề cập đến cụm từ: Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt quy định tại Điều 67 của Luật này.

- Vậy thì cơ quan bảo vệ người tiêu dùng khác như thế nào với tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay là giống nhau? Nếu không làm rõ mà cứ dọa phạt doanh nghiệp là cũng phiền lắm đây?

Nguyễn Hữu Thành

CÔNG TY CP KINH ĐÔ MIỀN BẮC

Các văn bản liên quan