Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: 13 vấn đề cần làm rõ

Thứ Tư 09:15 12-08-2009

Đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng

Phùng Đắc Lộc

Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Bảo vệ người tiêu dùng đã được điều chỉnh rải rác trong hệ thống pháp luật hiện hành như Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Kinh doanh bảo hiểm… vì hướng chung của các luật, nhất là luật chuyên ngành đều phải nhằm mục đích chung là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng - người đóng góp thuế tạo ra nguồn thu quan trọng phục vụ cho nhu cầu chi tiêu của Chính phủ. Song việc ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã khẳng định quyền được bảo vệ của người tiêu dùng trước những lợi ích hợp pháp của họ trong giai đoạn hiện nay khi người tiêu dùng, người cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng và các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa thông hiểu rõ vấn đề này là một vấn đề cần thiết, cấp bách.

Sau đây chúng tôi xin muốn làm rõ hơn một số vấn đè nêu trong Dự thảo 4 Luật Bảo vệ người tiêu dùng:

1. Thương nhân: Luật không nên giới hạn ở thương nhân vì có rất nhiều tổ chức cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng nhưng không phải là thương nhân như Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, bệnh viện, trường học, văn phòng luật sư, văn phòng công chứng, nhà hát, rạp chiếu phim, bóng đá…

2. Người tiêu dùng: bao gồm người dùng sản phẩm mua được tiêu dùng cho cá nhân, cho gia đình và quan trọng nhất là tiêu dùng cho sản xuất (nguyên nhiên vật liệu, dịch vụ…) Như vậy, Người tiêu dùng cần được hiểu rộng hơn.

3. Luật nên có quy phạm điều chỉnh hành vi hạn chế người tiêu dùng về lựa chọn sản phẩm và nhà cung cấp. Hiện nay nhà cung cấp sản phẩm thường lấy được sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền (bằng văn bản hoặc bằng lời) buộc những người dưới quyền phải mua sản phẩm của một nhà cung cấp mặc dù chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ của họ hoặc giá cả chưa phải là tốt hơn nhà cung cấp khác. Không nên quy việc vi phạm này cho nhà cung cấp (Điều 9) mà quy trách nhiệm ngay cho người ra sự chỉ đạo hạn chế ép buộc người tiêu dùng (bằng văn bản hoặc bằng lời nói của họ)

4. Nên có quy phạm điều chỉnh hành vi ép người tiêu dùng phải mua một lượng sản phẩm nhiều hơn nhu cầu, mong muốn của họ hoặc ngược lại hành vi ngừng cung cấp hoặc cung cấp ít hơn số lượng sản phẩm đã thoả thuận. Đây là hành vi gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng sản xuất kinh doanh (mua nguyên vật liệu) làm yếu khả năng cạnh tranh của họ hoặc làm tăng năng lực cạnh tranh của đối phương (được cung cấp sản phẩm đầu vào thuận lợi hơn).

5. Hợp đồng vô hiệu: Người tiêu dùng có quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu nếu đủ điều kiện của khoản 1 điều 12 và phải gửi văn bản thông báo cho nhà cung cấp. Nếu nhà cung cấp không chấp thuận sẽ đưa ra Toà án hoặc trọng tài phán quyết, án phí do bên thua kiện phải trả.

6. Hợp đồng mẫu: Việc nêu trong điều 13 chưa thoả mãn trường hợp sau

- Hợp đồng mẫu là thể hiện ý chí của bên cung cấp sản phẩm đưa ra, nếu không chấp thuận thì người tiêu dùng không ký hợp đồng, nếu đã ký hợp đồng coi như là chấp thuận. Thực tế rất khó có thể sửa được những nội dung điều khoản trong hợp đồng mẫu vì dẫn tới những điều sửa đổi này nhà cung cấp khó có thể thực hiện được.

- Nhà cung cấp sản phẩm ban hành hợp đồng mẫu là phải chịu trách nhiệm tính đúng đắn của hợp đồng với pháp luật hiện hành, nếu sai thì hợp đồng đã đương nhiên vô hiệu. Hơn nữa để bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Luật Dân sự đã quy định trong hợp đồng soạn sẵn nếu có từ ngữ hoặc điều nào khó hiểu, có nhiều cách giải thích khác nhau thì sẽ được giải thích có lợi cho người tiêu dùng. Vì vậy không nên yêu cầu phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng. Làm như vậy là hạn chế quyền tự do kinh doanh và hơn nữa nếu cơ quan này cần bao nhiêu người để phân tích , hiểu rõ nội dung hợp đồng mẫu đó là chưa kể phát sinh sự phiền hà sách nhiễu có thể xảy ra.

Tuy nhiên nhà nước nên khuyến khích nhà cung cấp đưa ra hợp đồng mẫu trong đó có những điều khoản, điều kiện đưa ra nhiều nội dung để người tiêu dùng lựa chọn.

7. Quyền được trả lại sản phẩm, dịch vụ chưa đưa vào sử dụng mà người tiêu dùng đã phát hiện, chỉ ra khuyết tật của chúng. Đây là quyền quan trọng và hay xảy ra tranh chấp cần có quy phạm điều chỉnh kể cả khi sự phát hiện này xả ra trong khu vực mua bán hay ngoài khu vực mua bán.

8. Trách nhiệm sản phẩm theo nội dung điều 17: chưa phải là trách nhiệm sản phẩm mà mới nêu ra một số trường hợp dẫn đến phát sinh trách nhiệm sản phẩm của người cung cấp và nên đổi điều này thành Các trường hợp dẫn đến trách nhiệm đối với sản phẩm của nhà cung cấp. Cần bổ sung các trường hợp gây thiệt hại về tài sản (kể cả vật liệu công trình), thiệt hại kinh doanh, thiệt hại cho người thứ ba, thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ cho người tiêu dùng.

9. Trách nhiệm của nhà cung cấp với sản phẩm gây thiệt hại cho người tiêu dùng: Cần có thêm điều này để phân định rõ thiệt hại phải bồi thường trong thương lượng, hoà giải, xét xử. Trách nhiệm này bao gồm:

- Bồi thường thiệt hại thực tế về tài sản và thiệt hại kinh doanh cho người tiêu dùng (Bộ Luật Dân sự đã điều chỉnh). Một người cung cấp con giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xi măng, sắt thép… kém chất lượng làm thất bát mùa màng hay hư hỏng công trình xây dựng gây thiệt hại rất lớn.

- Bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, giảm sút thu nhập của người tiêu dùng (Bộ Luật Dân sự đã điều chỉnh) bao gồm tiền cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng, chi phí cho người chăm sóc, giảm sút thu nhập của người tiêu dùng khi bị thương tật do tiêu dùng sản phẩm hoặc bị chết phải mai táng, chi phí nuôi dưỡng những người phụ thuộc, tổn thất về tinh thần cho những sự kiện trên.

- Thu hồi sản phẩm khuyết tật.

- Truy thu lợi nhuận thu được từ những sản phẩm trên.

10. Miễn giảm trách nhiệm:

- Không nên đưa vào các điều sau:

Điểm b. Thực tế các nước đã xử phạt vụ nicotin của hãng thuốc lá 555, chất silicon gây ung thư vú.

Điểm d. Không vì mục đích lợi nhuận vẫn phải bồi thường nếu không sẽ thử nghiệm sản phẩm một cách vô trách nhiệm.

- Nên bổ sung vào trường hợp:

Sản phẩm được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền công bố vì lỗi là thuộc cơ quan này;

Bất khả kháng như ngừng cung cấp điện, than…

11. Nên quy định rõ trách nhiệm của các cấp các ngành, nhất là cơ quan quản lý nhà nước về sản phẩm của ngành mình trong việc:

- Ban hành tiêu chuẩn sản phẩm Việt Nam là hàng rào kỹ thuật, không biến Việt Nam là thị trường tiêu thụ sản phẩm độc hại kém chất lượng của nước ngoài và không để cho doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đưa ra sản phẩm độc hại kém chất lượng;

- Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm nếu phát hiện thấy sản phẩm có vấn đề phải công bố công khai cho người tiêu dùng và xử lý nhà cung cấp.

12. Chương Giải quyết tranh chấp nêu quá dài, phức tạp, khó hiểu cho người tiêu dùng. Chỉ nên nêu thời hiệu khiếu nại, cơ quan giải quyết khiếu nại. Cần bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt vi phạm có chính quyền địa phương và các bộ quản lý chuyên ngành.

13. Cần phải sửa đổi bổ sung một số luật liên quan:

Hiện nay một số sản phẩm đưa ra cho người tiêu dùng chưa mang tính thị trường rất khó quy trách nhiệm nhà cung cấp

- Mua Bảo hiểm y tế không được khám chữa bệnh kịp thời hoặc chỉ được khám chữa bệnh bằng một số thuốc không có hiệu quả cao dẫn tới bệnh nặng hơn, thời gian chữa bệnh dài, nghỉ việc nhiều, không khỏi bệnh thì bảo hiểm y tế chịu hay bệnh viện chịu.

- Bác sỹ kê đơn thuốc sai hoặc nhiều loại thuốc không có hiệu quả, thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả điều trị thì bác sỹ chịu hay bệnh viện chịu.

- Trường học không dạy đúng thời khoá biểu, bỏ giảng bỏ tiết, không có giáo viên, sinh viên đi về bị tai nạn thì ai chịu trách nhiệm.

Các văn bản liên quan