Góp ý của Tổng Công ty Sản xuất Kinh doanh Đầu tư và Dịch vụ Việt Hà

Thứ Năm 10:23 28-08-2008

Qua nghiên cứu và thảo luận tại hai cuộc hội thảo do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức về Dự án sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có nổi lên một số vấn đề chúng tôi xin được trình bày như sau:

Trước hết nhất trí với quan điểm và nguyên tắc sửa đổi thuế lần này là:

-  Nhằm thực hiện các điều cam kết trong quá trình đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO, chính sách thuế phù hợp nhằm khuyến khích đầu tư, sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, đảm bảo động viên nguồn thu, nuôi dưỡng bảo vệ nguồn thu, không làm giảm thu ngân sách nhà nước, hạn chế sự thay đổi chính sách thuế, tạo môi trường ổn định cho nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm làm ăn.

Từ các quan điểm và nguyên tắc trên xét thấy việc điều chỉnh thuế suất đối với mặt hàng bia như Dự thảo là chưa phù hợp cụ thể:
  1. Đối với bia hơi:

Bia hơi với 40 cồn, được coi như một loại nước giải khát rất thông dụng hiện nay, có sinh tố, có vi lượng cần thiết cho cơ thể, 1 cốc bia 400ml có lượng calo tương đương 1 chiếc bánh mì 250 gram, uống 1 ly bia mỗi ngày có lợi cho tim mạch (mọi thứ quá mức đều có hại). Với mục tiêu phục vụ người lao động là đối tượng tiêu dùng chính nên thuế suất bia hơi luôn luôn được giảm so với các sản phẩm bia khác, cụ thể năm 2003 Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thuế TTĐB bia hơi xuống còn 30% với 3 lý do:

-  Thể hiện quan điểm và chính sách thuế đối với người tiêu dùng bia hơi có sự khuyến khích hơn các loại bia khác. Thực tế ở nhiều địa phương còn rất nhiều nhà máy bia nhỏ thiết bị chủ yếu chế tạo trong nước, sản phẩm chủ yếu là bia hơi nhưng đã đang góp phần tạo ra sản phẩm xã hội, nguồn thu cho ngân sách địa phương, việc làm cho hàng vạn lao động. Thực tế cho thấy với mức thuế hợp lý thì các nhà máy này mới có thể nộp thuế và tồn tại.

Dự thảo đưa mức thuế TTĐB bia hơi lên 50% cộng với thuế giá trị gia tăng thì tổng số thuế tăng lên quá cao, sẽ gây áp lực đối với các nhà sản xuất, nhiều cơ sở rơi vào tình trạng khó khăn, lỗ và không nộp được thuế. Nhớ lại kết luận của Chủ tịch Hiệp hội, Bia rượu – NGK trong toạ đàm đầu năm 2003 “… nếu mức thuế bia hơi lớn hơn 30% thì chỉ có 30% doanh nghiệp Nhà nước là chịu đựng được còn 70% doanh nghiệp là thua lỗ phá sản …” các nhà máy bia Phú Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương, Hạ Long, Thanh Hoá, Ninh Bình … đồng tình với ý kiến trên. Qua Dự thảo sửa đổi luật thuế lần này – năm 2008, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu NGK Việt Nam đã kết luận “với mức thuế suất 50% hầu hết các doanh nghiệp sản xuất bia hơi sẽ gặp khó khăn, có nguy cơ ngừng sản xuất, giải thể, phá sản”. Sức ép tăng giá nguyên vật liệu, giá cả mọi thứ đều tăng, thời tiết bất thường, độ rủi ro cao của mặt hàng bia hơi, sức mua giảm, Công ty CP bia Á châu cho biết nguyên liệu sản xuất bia năm 2008 tăng hơn 300%, hoa houblon tăng hơn 700% các nguyên liệu hoá chất, gạo đều tăng … Nay “Dự thảo tăng thuế lên 50% làm chúng tôi rất hoang mang, doanh nghiệp chắc chắn không chịu được sức ép tăng thuế và tăng giá đột biến” Giám đốc Công ty CP bia Bắc Giang phát biểu.

Hơn nữa, mức thuế bia càng cao còn tạo điều kiện cho bia cỏ chất lượng kém, càng phát triển mạnh, vì các cơ sở này trốn thuế nên không tăng giá bia như các cơ sở làm ăn chân chính, ảnh hưởng sức khoẻ, an toàn vệ sinh thực phẩm, thất thu ngân sách nhà nước.

Vấn đề ổn định thuế suất cực kỳ quan trọng, nhiều doanh nghiệp đã triển khai đầu tư vay vốn xây dựng nhà máy, nay thuế bia tăng vọt giá cả cũng tăng, mức sống người tiêu dùng eo hẹp, đẩy nhà máy vào tình trạng nợ khó trả, thậm chí phá sản.

Giải thích tăng thuế bia hơi sẽ khiến các doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sang bia chai, bia hộp là điều không thể thực hiện được vì đã khó khăn đến mức giải thể thì không thể có vốn để đầu tư bia hộp, bia chai, số vốn này không ít hơn hàng trăm tỷ đồng, mà cũng không có thương hiệu để tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa người lao động cũng không chuyển sang uống bia hộp, bia chai vì không có nhiều tiền, mà nhà nước cũng mất một nguồn thu lớn.

Giải thích rằng các nhà máy đang có lãi lớn do sản xuất bia chai sẽ sản xuất thêm sản phẩm bia hơi (lấy lãi bù lỗ), như vậy hàng ngàn nhà máy bia hơi chết oan do chưa được hưởng sự công bằng về luật thuế, không chịu được áp lực cạnh tranh của bia địa phương với các tập đoàn bia lớn.

Bia hơi là sản phẩm đặc thù mà chỉ Việt Nam mới có, chủ yếu phục vụ tại chỗ, bảo quản 1 đến 3 ngày, độ rủi ro cao với thời tiết bất thường. Loại bia bình dân phục vụ người lao động, người bình dân này không thể xếp hạng cạnh tranh với các loại bia nổi tiếng trên thế giới như Heineken Hà Lan, Budweiser, Miller của Mỹ, Carlsberg Đan Mạch, không thể chịu chung một thuế suất trong khi các loại bia này có giá bán rất cao, trừ phí, thuế vẫn còn có lãi lớn, còn bia hơi sau khi trừ phí với mức thuế cao đã không nộp đủ thuế, trả nợ … Ở nhiều nước, làng nào cũng có cơ sở sản xuất bia, nếu chỉ tập trung sản xuất bia ở các nhà máy lớn buộc các nhà máy nhỏ phải chuyển đổi cơ cấu hoặc chuyển hướng là không thực hiện được, cạnh tranh không bình đẳng về luật thuế như vậy, bia hơi địa phương sẽ không tồn tại. Người thua thiệt đầu tiên là Ngân sách Nhà nước trong đó ngân sách địa phương là chủ yếu, hàng loạt các nhà máy phá sản, công nhân thất nghiệp, không còn bia hơi là loại giải khát hấp dẫn, rất phổ biến phục vụ đông đảo người lao động, những người bình dân ít tiền.

Để thực hiện cam kết đã ký gia nhập WTO, phải tìm hướng giải quyết cứu mặt hàng bia hơi của Việt Nam, khi soạn thảo danh mục các mặt hàng vào khung thuế suất thuế TTĐB năm 1990, ông Nguyễn Thiện Luân, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Công nghiệp Thực phẩm nhớ lại: “… khi đó cùng với đồng chí Mai Thúc Lân, Lý Tài Luận … có cân nhắc việc đưa bia hơi vào khung thuế suất thuế TTĐB, nhưng xét thấy khi đó bia hơi cực kỳ khó mua vì chỉ có bia hơi Trúc Bạch nên tạm thời đưa vào khung thuế suất TTĐB, khi nào cung đủ cầu thì rút …”. Nay cung đã đủ cầu, có mặt hàng được bổ sung vào thuế TTĐB thì cũng có mặt hàng được rút khỏi khung thuế suất TTĐB. Bia hơi 40 cồn thuế suất 50%, rượu 200 cồn thuế suất 20% là không hợp lý. Bia hơi dưới 40 cồn nguyên liệu chủ yếu là gạo, (các loại bia cao cấp nguyên liệu chủ yếu là malt), đề nghị tách bia hơi ra khỏi bia chai, bia hộp, bia tươi hiện nay. Cũng nên tham khảo thực tế một số nước như ở Nhật, trong những năm thập kỷ 90 nền kinh tế xuống thấp, người tiêu dùng Nhật đã phải cắt giảm chi tiêu và tìm kiếm các mặt hàng giá rẻ và năm 1994 “bia rẻ” của Nhật ra đời, theo quy định của luật, được áp dụng mức thuế khác đã lấy tên là Happoshu hay nước uống vị bia có tỷ lệ mạch nha thấp (theo quy định của Nhật thì đồ uống có tỷ lệ mạch nha 67% trở lên mới được gọi là bia. Bia hơi của ta nguyên liệu chủ yếu là gạo chiếm 70%. Thuế suất của Happoshu/bia là 30/50).

Happoshu đáp ứng được nhu cầu đông đảo của người tiêu dùng có thu nhập thấp, bảo hộ được ngành sản xuất trong nước, bảo vệ được việc làm cho người lao động trong sản xuất và kinh doanh bia, khuyến khích sử dụng nguyên liệu nội địa và giảm nhập khẩu.

Đề nghị không xếp bia hơi vào khung thuế suất chung đã ký kết khi gia nhập và được lấy tên là: “Nước giải khát hương bia” hoặc tuỳ chọn tên mới.

Với những lý do trên, đề nghị mức thuế nước giải khát hương bia là 30%. Như vậy, hội nhập quốc tế vẫn đảm bảo tôn trọng chủ quyền, phong tục tập quán của ta, lấy lợi ích quốc gia làm chủ đạo không vi phạm quy định phân biệt đối xử quốc gia, đảm bảo duy trì sản xuất trong nước nhất là đối với bia địa phương sản xuấtbằng công nghệ thấp, duy trì được số đông người có việc làm và đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp, có điều kiện phấn đấu nâng dần chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, chính sách thuế ổn định là rấtcần thiết, tạo môi trường cho nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm làm ăn, nhà nước không thất thu ngân sách như hiện nay, hạn chế việc trốn thuế, địa phương có nguồn thu.

2. Đối với bia hộp, bia chai


Luật hiện hành: Bia hộp, bia chai thuế suất 75% (không tính thuế TTĐB vỏ hộp)

Dự thảo: Bia hộp, bia chai thuế suất 50% (có tính thuế TTĐB vỏ hộp).

Về vấn đề này có những bất hợp lý sau:

- Đưa thuế suất bai về một mức thống nhất 50%, trong đó bia hộp không được trừ giá trị vỏ hộp như Luật hiện hành được thực hiện từ năm 2000 và Luật sửa đổi vào năm 2005 có trừ vỏ hộp khi tính thuế TTĐB, công bằng với bia chai, tránh sự bất hợp lý cùng một loại bia từ một mẻ bia của một nồi nấu bia chiết ra chỉ khác bao bì mà thuế chênh nhau tới 150%. Tính ra là thuế suất của 1 lít bia đựng trong chai là 50% còn thuế suất thực tế của 1 lít bia đựng trong hộp là 80% vì phải gánh vỏ hộp;

- Cùng một vỏ hộp từ một nhà máy sản xuất ra nhưng vỏ hộp đựng bia phải chịu thuế suất thuế TTĐB còn vỏ hộp đựng các thực phẩm, đồ uống khác thì không phải chịu thuế này (sản lượng vỏ hộp ở Việt Nam khoảng 3 tỷ chiếc, trong đó chỉ có 1tỷ chiếc đựng bia chịu thuế TTĐB, cùng không công bằng);

- Thuế suất như Dự thảo còn thể hiện sự không công bằng hơn nhiều so với thuế trước sửa đổi luật năm 2005. Trước 2005 quy định thuế suất bia hộp luôn luôn nhỏ hơn bia chai ít nhất 10%, (bia chai 75%, bia hộp 60%) vì cho rằng bia hộp khi đó không được trừ vỏ hộp còn Dự thảo lần này lại thuế suất bia hộp bằng bia chai 50% lại cũng không trừ vỏ hộp;

- Trong cùng một đợt sửa đổi luật thuế, có sự không công bằng: bia chai giảm thuế 28%, bia hộp tăng thuế 5%, bia hơi tăng 20% - tính từ năm 2008. Trong Dự thảo có giải trình bia chai giảm thuế do đổi vỏ, không bị tính thuế nên thâm hụt ngân sách 1200tỷ đồng, bia hộp do lại thu thuế TTĐB vỏ hộp nên không được giảm thuế 28% như bia chai và tiền thu được bù cho ngân sách từ 1 tỷ vỏ hộp đựng bia là 500tỷ đồng.

- Từ Dự thảo này dẫn đến các nhà máy sản xuất bia chai chiếm tỷ trọng lớn thu lợi từ luật thuế mới hàng trăm tỷ đồng, ngược lại các nhà máy chiếm tỷ trọng bia hộp lớn bị hại từ luật thuế mới hàng trăm tỷ đồng. Hậu quả trên không phải do hiệu quả sản xuất kinh doanh giỏi hay kém mà do luật thuế đem lại.

Để có luật thuế đối xử công bằng giữa bia chai và bia hộp, đề nghị giữ nguyên luật hiện hành có trừ vỏ hộp khi tính thuế với những lý do sau:

- Nếu theo cam kết gia nhập WTO thì không có yêu cầu gì về vỏ bao bì mà do cách tính thuế của Nhà nước ta quyết định.

- Việc quy định ấn định giá trị vỏ hộp cũng không gặp khó khăn đối với bia nhập khẩu, hơn nữa hiện nay các hãng bia lớn của thế giới đang sản xuất tại Việt Nam đã có đủ khả năng cung cấp bia cao cấp cho thị trường, chính họ cũng cần phân chia điều chỉnh thị phần ở các nước. Theo Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam thì: “lượng bia nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay có tỷ trọng rất thấp dưới 1%, xu hướng trung và dài hạn sẽ không thay đổi nhiều vì hầu hết các thương hiệu bia hàng đầu thế giới đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam hoặc hợp tác liên doanh liên kết với các doanh nghiệp bia trong nước”.

- Hơn nữa việc cho trừ giá trị vỏ bao bì sẽ không bị coi là phân biệt đối xử giữa bia chai nhập khẩu và bia chai nội địa. Bia chai nội địa đổi vỏ nên không phải tính thuế vỏ bao bì, còn bia chai nhập khẩu không đổi vỏ được nên chịu thuế cao hơn.

- Hậu quả của việc tăng thuế bia hộp còn dẫn đến người sử dụng chuyển sang uống bia chai, không những gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất bia hộp, doanh nghiệp sản xuất vỏ hộp mà còn làm giảm nguồn thu từ bia hộp mức thuế rất cao so với bia chai sang thu từ thuế bia chai mức thuế rất thấp so với bia hộp. Cuối cùng là số thu ngân sách thâm hụt còn cao hơn theo tính toán của Dự thảo.

Các nước tính thuế bia theo lít và theo độ cồn, thuế bia từ 10% đến 30%. Bia hộp còn để phục vụ ngành du lịch, vùng sâu, vùng xa, tiện lợi khi cần vận chuyển đường dài mà bia chai lỉnh kỉnh dễ vỡ.

- Giải quyết được những bất hợp lý kể trên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phấn đấu sản xuất kinh doanh có hiệu quả tốt nhất chứ không phải lo lắng từ sự “may rủi”, sự không công bằng, sự thay đổi quá nhanh của luật thuế.

- Việc tính thuế TTĐB bia hộp có từ vỏ bao bì cũng tương tự như tính thuế TTĐB theo lít (không có bao bì) như bia hơi, bia tươi, bia chai (đổi vỏ). Hiện nay Nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp tự làm, nếu cần cơ quan thuế Nhà nước tiến hành kiểm trả đã được thực hiện thuận lợi không gặp khó khăn gì lại thể hiện chính sách và quan điểm của luật thuế, vừa công bằng, vừa quan tâm, khuyến khích sự phát triển và ổn định của các doanh nghiệp.

Mứcthuế suất đề nghị như Dự thảo 50%.

Xin trân trọng cảm ơn!

Các văn bản liên quan