Góp ý của Hiệp hội sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA)

Thứ Sáu 14:38 01-08-2008

VAMA

HIỆP HỘI CÁC NHÀ SẢN XUẤT Ô TÔ VIỆT NAM

13 Quang Trung , Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

Tel. (84) (8) 8959100              Fax: (84) (8) 8958714

 

 

Ý kiến của VAMA về dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

 

Kính thưa Quý Cơ quan,

 

Trước tiên, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) xin gửi lời cám ơn chân thành nhất tới Quý Cơ quan vì đã cho chúng tôi cơ hội được đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đây là vấn đề rất quan trọng và có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường và ngành công nghiệp ô tô. Chúng tôi đánh giá cao ý định tích cực của Bộ tài chính nhằm tránh sự thay đổi đột ngột Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (SCT) đối với ngành công nghiệp qua việc ấn định chắc chắn thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

 

Về việc phúc đáp yêu cầu nêu trong công văn của Bộ tài chính số 5002/BTC-CST ngày 29 tháng 4 năm 2008, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) xin được bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi đến đề nghị của Bộ Tài chính về việc thay đổi một cách đáng kể kết cấu Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô, đặc biệt là sự gia tăng SCT rất lớn đối với ô tô dưới 09 chỗ ngồi.

 

Chúng tôi xin mạn phép nêu lại quan điểm cơ bản của VAMA đối với Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) như chúng tôi đã từng trình bày rất rõ trước Ban Biên Tập và Tổ Soạn Thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt tại cuộc họp vào ngày 19 tháng 3 năm 2008 như sau:

 

1.      Giải pháp cùng có lợi cho tất cả các bên: Chính phủ, người tiêu dùng và ngành công nghiệp.

2.      Áp dụng đối xử bình đẳng giữa xe lắp ráp CKD và xe nhập khẩu nguyên           chiếc CBU về phương pháp tính thuế (giá tính thuế).

3.      Sự thay đổi cấu trúc thuế tiêu thụ đặc biệt (áp dụng cả hai tiêu chí chỗ ngồi và dung tích máy) nên kết hợp với việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

4.      Đề nghị Bộ Tài chính không nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô bởi vì có tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường và ngành công nghiệp, trong khi thuế suất hiện hành thì rất cao và thị trường vẫn còn rất nhỏ.

 

Xin vui lòng tham khảo bản đề xuất của VAMA đã được trình bày tại cuộc họp nói trên.trong tài liệu chi tiết đính kèm.

 

Chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi bản dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) của Bộ Tài chính hoàn toàn đối lập với những kiến nghị của VAMA. Sau khi nghiên cứu bản dự thảo, chúng tôi xin đóng góp một vài ý kiến cơ bản như sau:

 

1.      VAMA không rõ mục tiêu của Bộ Tài chính trong đề nghị sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt lần này là gì, nhưng chúng tôi phỏng đoán một vài mục tiêu như sau:

1.1.                        Lựa chọn 01: kiềm chế thâm hụt thương mại (nhập siêu)

1.2.                        Lựa chọn 02: hạn chế tình trạng kẹt xe ở Hà Nội và TPHCM

1.3.                        Lựa chọn 03: kiềm chế lạm phát (chúng tôi tin rằng đây không phải là lựa chọn khả thi, bởi vì rõ ràng là nếu thuế tiêu thụ đặc biệt  tăng sẽ dẫn đến giá xe và lạm phát tăng)

 

2.      Nếu mục tiêu hoặc là lựa chọn 01: thâm hụt thương mại, hay lựa chọn 02: ách tắc giao thông, chúng tôi thiết nghĩ rằng đề xuất của Bộ Tài chính sẽ không chắc đạt được cả hai mục tiêu trên, chúng tôi sẽ giải thích lý do ngay ở phần sau của công văn này. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ nên giữ cấu trúc thuế tiêu thụ đặc biệt như hiện nay (số chỗ ngồi: 1-5 chỗ, 6-15 chỗ, 16-23 chỗ). Và một trong những nguyên nhân chính gây ra thâm hụt thương mại là sự gia tăng mạnh mẽ của xe nhập khẩu CBU (cả xe mới và xe đã qua sử dụng), chúng tôi xin đề nghị Chính phủ nên kiểm soát chặt chẽ vấn đề gian lận thương mại nên áp dụng nhanh chóng hàng rào kỹ thuật đối với xe CBU nhập khẩu.

 

3.      Dựa trên cấu trúc và tiến trình thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành (số chỗ ngồi: 1-5 chỗ, 6-15 chỗ, 16-23 chỗ), cấu trúc nhu cầu mua xe đã được thiết lập trong 10-15 năm qua. Và dựa vào cấu trúc nhu cầu đó, nhiều kế hoạch đầu tư đã được quyết định. Trong thực tế, nhiều nhà sản xuất (như Toyota với sản phẩm Innova, GM Daewoo với Captiva, Ford với Everest, Mercedes-Benz với sản phẩm E-class mới, vv...) cùng với các nhà cung cấp phụ tùng của họ đã và đang thực hiện nhiều dự án giới thiệu các sản phẩm khác nhau, đầu tư, nội địa hóa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để nâng cao tính cạnh tranh của CKD đối với CBU.

 

Tu y nhiên, hiện nay liên quan đến sự thay đổi cấu trúc thuế tiêu thụ đặc biệt, mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe MPV/SUV (phân khúc 6-9 chỗ ngồi) sẽ tăng hơn gấp đôi (30% đến 70%). Thực tế hiện nay, trong phân khúc 6-9 chỗ ngồi, thị trường của 12 doanh nghiệp FDI sản xuất ô tô chiếm tỉ trọng cao nhất (chiếm 42% tổng thị trường và 58% của thị trường ô tô dưới 09 chỗ ngồi) và đạt tỷ lệ nội địa hóa cao nhất (vài mẫu đạt mức nội địa hóa 33% và sẽ tăng trên 40% và hơn thế nữa trong những năm sắp tới nếu chính sách của Chính phủ vẫn ổn định, đúng như chỉ tiêu đề ra trong bản Qui Hoạch Tổng Thể của Chính phủ). Nếu xảy ra sự thay đổi đáng kể về SCT, thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ bỏ qua đà phát triển tốt này và cả cơ hội hiếm có để phát triển phân khúc xe 6-9 chỗ ngồi được xem như là sự phát triển chủ đạo của thị trường và ngành công nghiệp trong tương lai và hơn thế nữa, chúng ta sẽ đánh mất mọi cố gắng và thành tựu to lớn trong suốt 10-15 năm qua và lại bắt đầu lại từ đầu, chúng tôi rất e ngại điều này

 

 

4.      Đặc biệt là hiện nay Việt nam chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn cho việc phát triển ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ và ngành công nghiệp phụ trợ của mình trước khi phải mở cửa hoàn toàn thị trường ô tô cho các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2018 (0% thuế nhập khẩu theo lộ trình AFTA-CEPT  đối với xe nhập khẩu CBU từ các quốc gia Đông Nam Á) cũng như cam kết của chúng ta với Hiệp Hội các nước Đông Nam Á. Giai đoạn từ năm 2008-2018 là thời điểm quyết định nhất đối với Việt Nam, chúng ta nên có những chính sách về ô tô ổn định và thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của thị trường nội địa, cũng như ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ trong nước nhằm mang lại những lợi ích lâu dài cho đất nước, người tiêu dùng và các ngành công nghiệp trước khi mở cửa hoàn toàn thị trường đầy tiềm năng cho xe CBU từ các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2018.

 

5.      Sự thay đổi lớn về cấu trúc và kế hoạch thực hiện SCT sẽ lãng phí hoặc thiêu rụi hoàn toàn tất cả những nỗ lực của chúng tôi và cuối cùng hầu hết các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô có lẽ sẽ phải xem xét lại hoặc hủy bỏ các kế hoạch đầu tư của họ. Với chính sách ô tô khá bất ổn định như vậy, không ai có khả năng tạo ra sự phát triển cho ngành công nghiệp và ngành phụ trợ vì tính rủi ro đầu tư quá lớn.

 

6.      Nếu tình huống đó xảy ra và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không có đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á trước thời điểm năm 2018, tiếp theo đó là xu hướng cơ giới hóa trong tương lai (việc lưu thông bằng xe mô tô 02 bánh sẽ được thay dần bằng xe ô tô) sẽ xảy đến khi nhu cầu di chuyển cá nhân gia tăng một cách đáng kể cùng với việc phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và sự tăng trưởng của mức GDP trên đầu người. Kết quả là, việc cơ giới hóa phải dựa vào nguồn cung từ xe nhập khẩu CBU do không có ngành công nghiệp ô tô trong nước và chắc chắn rằng điều này sẽ lại tạo ra sự thâm hụt cán cân thương mại trong một thời gian dài.

 

7.      Ngoài ra, sự gia tăng SCT và sự thay đổi cấu trúc lớn đối với dòng xe 6-9 chỗ ngồi sẽ gây ra sự thay đổi đáng kể về cấu trúc nhu cầu và sẽ có sự chuyển dịch lớn từ phân khúc MPV/SUV sang phân khúc khác, chúng tôi rất lo lắng rằng tổng nhu cầu thì không thay đổi hay vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cho dù một loạt chính sách thay đổi. Sau cùng thì cả hai mục tiêu kiềm chế thâm hụt thương mại và ách tắc giao thông có thể không đạt được như mong muốn.

 

8.      Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi nhận thấy rằng các đề nghị của VAMA về việc áp dụng sự đối xử công bằng giữa CKD và CBU trong phương pháp tính SCT (giá tính thuế) đã không được phản ánh. Chúng tôi một lần nữa khẩn thiết đề nghị Bộ Tài chính về việc áp dụng sự đối xử công bằng này.

 

9.      Do tác động đáng kể của sự thay đổi này lên ngành công nghiệp ô tô, lên khả năng sinh tồn của doanh nghiệp, những kế hoạch sản xuất và những nỗ lực nội địa hóa của hầu hết các thành viên VAMA, chúng tôi khẩn thiết đề nghị được có thêm thời gian để các thành viên trong Hiệp hội có thể đánh giá bản đề xuất này và có sự trả lời đến quý Bộ. Thay mặt cho các thành viên, chúng tôi mạn phép đề nghị thêm 04 tuần để tham vấn và phản hồi.

 

10.  Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng bản dự thảo thay đổi có bao gồm điều khoản giảmthuế đối với dòng xe thân thiện với môi trường. Các thành viên chúng tôi cũng đề nghị nên xác định rõ hơn nữa về chủng loại xe, định nghĩa xe và động cơ xe nào sẽ đủ điều kiện để áp dụng việc giảmthuế, và chúng tôi xin trân trọng những thông tin này từ quý Bộ trước khi tổng hợp những phản hồi để gửi đến quý Bộ.

 

11.  Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng Bộ Tài chính cũng đã đề nghị mốc thời gian thực tế để thực hiện sẽ có hiệu lực từ tháng 01 năm 2010. Bất kỳ sự thay đổi nào về SCT sẽ dẫn đến nhiều nhà sản xuất phải tiến hành cơ cấu lại hoạt động, quy trình lắp ráp, mua hàng và trang bị máy móc – dụng cụ, những việc sẽ cần hết khoảng thời gian từ nay đến tháng 01 năm 2010. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị nên duy trì hay thậm chí kéo dài thời gian này để có sự chuyển tiếp suôn sẻ theo sau bất kỳ sự thay đổi SCT nào.

 

 

Tóm lại, VAMA xin nhấn mạnh rằng đề xuất sửa đổi SCT lần này sẽ làm gia tăng sự thâm hụt thương mại và tình trạng ách tắc giao thông cũng sẽ không giảm. Hơn thế nữa, đề xuất này sẽ đi ngược lại với các mục tiêu của Chính phủ cũng như mâu thuẫn với các hướng dẫn của Chính phủ trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam (theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong công văn số No. 819/VPCP-CN ngày 04 tháng 02 năm 2008), và sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực dài hạn lên sự phát triển của nền kinh tế.

 

 

Sau cùng, VAMA xin trân trọng và khẩn thiết đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại việc sửa đổi luật thuế SCT dựa trên các đề xuất và ý kiến mang tính xây dựng và tích cực của VAMA. Chúng tôi rất sẵn sàng trao đổi thêm với Bộ Tài chính và Chính phủ nhằm làm sáng tỏ mục tiêu thực sự của việc sửa đổi SCT đối với ô tô, và sau đó là tìm ra giải pháp thích hợp nhất để đạt được mục tiêu đó. Một lần nữa, chúng tôi xin phép được nhấn mạnh rằng các chính sách ô tô ổn định và tổng thể là rất cần thiết cho sự phát triển dài lâu của ngành công nghiệp và thị trường ô tô còn non trẻ. Nếu có thể, chúng tôi xin phép có cuộc họp gấp với Bộ Tài chính và Chính phủ để trao đổi chi tiết hơn.

 

 

Chúng tôi mong sớm nhận được ý kiến phản hồi từ Quý cơ quan.

 

 

Xin chân thành cám ơn sự quan tâm xem xét và giúp đỡ của Quý cơ quan.

 

 

Xin kính chào trân trọng,

 

 

 

 

Tiến sỹ Udo F. Loersch

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam

 

Đính kèm : Quan điểm cơ bản của VAMA về việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm 2008 (đã trình bày với Ban Biên tập và Tổ soạn thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt tại cuộc họp ngày 19 tháng 3 năm 2008).

Các văn bản liên quan