Dự thảo Luật Công nghệ cao: Hành lang phát triển công nghệ

Thứ Sáu 09:31 14-03-2008

Dự thảo Luật Công nghệ cao: Hành lang phát triển công nghệ

 

 

 

Sau một thời gian ngắn xây dựng, ngày 19/2/2008, tại trụ sở Bộ KH&CN, lần đầu tiên Dự án Luật Công nghệ cao (CNC) đã được giới thiệu, lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đây là bước đi quan trọng trong quá trình hoàn thiện bộ luật, góp phần thúc đẩy ứng dụng CNC, phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước.

Luật Công nghệ cao - Đòi hỏi khách quan

Theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), CNC là các ngành công nghệ có một số đặc điểm như: đòi hỏi có nỗ lực lớn trong nghiên cứu & phát triển (R&D); có ý nghĩa chiến lược đối với quốc gia; các sản phẩm và quy trình công nghệ được đổi mới nhanh chóng; có tác động mạnh mẽ trong hợp tác và cạnh tranh quốc tế, trong sản xuất và tìm kiếm thị trường trên quy mô toàn cầu.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của CNC đối với sự phát triển KT-XH của đất nước, ngay từ những năm 90 của Thế kỷ XX, Đảng ta đã có những định hướng, quyết sách đúng đắn để phát triển KH&CN, đặc biệt là CNC. Theo đó, đã có nhiều quy định, chính sách được ban hành nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng CNC như: Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 của Chính phủ ban hành Quy chế  Khu CNC, Quyết định số 53/204/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/4/2004 về một số chính sách khuyến khích đầu tư tại Khu CNC cùng nhiều điều khoản ưu đãi được quy định trong các Luật Thuế, Luật Đầu tư... Những quy định đó đã tạo điều kiện quan trọng để CNC góp phần phát triển KT - XH của đất nước trong thời gian qua.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, CNC đòi hỏi phải được phát triển và ứng dụng một cách có hệ thống, rộng rãi và nhanh chóng. Do vậy, việc hoàn thiện và đưa các chính sách về CNC lên tầm Luật, mang tính hệ thống và đồng bộ là cần thiết và cấp bách.

Nhiều quy định có tính đột  phá

Dự thảo Luật Công nghệ cao do Bộ KH&CN lần đầu tiên đưa ra giới thiệu gồm 35 điều, chia làm 7 chương, nhìn chung được đánh giá là đầy đủ về các lĩnh vực quy định (từ R&D, ứng dụng CNC cho tới hợp tác quốc tế về CNC), chặt chẽ và có hệ thống, kế thừa được các yếu tố hợp lý trong những văn bản quy định trước đó và đặc biệt, có nhiều quy định ưu đãi rất đột phá.

Ví dụ, tại Khoản 1 Điều 9 về Biện pháp thúc đẩy ứng dụng CNC có đưa ra một loạt những ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập trong 2 năm và giảm 80% trong năm tiếp theo, miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị..., miễn thuế đất thực hiện dự án...

Đối với doanh nghiệp CNC, Khoản 2 Điều 16 quy định doanh nghiệp CNC mới thành lập được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% và miễn thuế 4 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và 9 năm tiếp theo chỉ chịu 50% thuế suất phải nộp...

Theo ông Đoàn Năng, Vụ trưởng Vụ Pháp Chế - Bộ KH&CN, các chính sách và biện pháp đặc biệt trên với mức ưu đãi cao nhất, có thể vượt trên các quy định hiện hành nhằm tạo ra những bước đột phá trong ứng dụng và phát triển CNC của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Sẽ tiếp tục được hoàn thiện

Lần đầu tiên được giới thiệu, Dự án Luật Công nghệ cao đã có được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc từ những nhà quản lý và các chuyên gia của các bộ ngành.

Theo ông Ngô Hữu Lợi, cán bộ Vụ Pháp Chế Bộ Tài chính, các quy định ưu đãi về tài chính của Luật rất tích cực, song cũng cần điều chỉnh một số điểm và làm rõ cho từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, ưu đãi Thuế thu nhập cá nhân, cần chú ý đến đối tượng người nước ngoài bởi có những quy định tránh đánh thuế 2 lần nên đôi khi việc nộp thuế thu nhập cá nhân thấp hơn tại Việt Nam với họ lại là ưu đãi thực sự.

Về khấu hao, ông Lợi cho rằng thời gian khấu hao ưu đãi của dự thảo Luật (nhanh gấp 3 lần theo quy định) cần tính đến trường hợp các tài sản công nghệ cao hiện đã có khung thời gian khá ngắn, ví dụ thiết bị tin học chỉ hơn 1 năm. Do đó, nếu tiếp tục giảm 3 lần sẽ không còn là tài sản cần khấu hao nữa.

Về quy định Cơ sở dữ liệu công nghệ cao quốc gia được cung cấp miễn phí, ông Trần Văn Hai, cán bộ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định là chưa hợp lý. Theo ông Hai, đôi khi thông tin công nghệ cao mang tính chất sở hữu trí tuệ, không nên cung cấp miễn phí để tránh gây khó khăn và rủi ro  cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo. Sau khi hoàn thiện, dựa trên các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, các tổ chức khoa học, nhà quản lý và giới doanh nghiệp, Dự thảo Luật Công nghệ cao sẽ được Bộ Tư pháp thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi trình lên Quốc Hội lần đầu tiên vào tháng 5. Đến tháng 10, Quốc Hội sẽ cho ý kiến thông qua Luật này.

 

Tuấn Long -29/02/2008

Các văn bản liên quan