Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã – Phú Yên

Thứ Hai 14:05 24-05-2010

Thưa Quốc hội,

Tôi tán thành cao với nội dung Báo cáo giải trình tiếp thu và chỉnh lý của dự án luật này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ở đây 3 vấn đề Đoàn Chủ tịch gợi ý để thảo luận tôi xin phép phát biểu về Điều 55 quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần. Ở đây xin tranh luận với đại biểu Quyền một chút, theo tôi nghĩ quy định về giới hạn tỷ lệ cổ phần ở cả cá nhân cũng như tổ chức quy định tại Điều 55 thì có lẽ đây là những quy định để nó đảm bảo an toàn, hạn chế chi phối cũng như kiểm soát của cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức đối với một tổ chức tín dụng là cổ phần thì có lẽ nó cũng không thể hiện ở ý là tính thống nhất hay là tính phân biệt giữa cổ đông trong và ngoài nước. Cái này tôi nghĩ rằng có lẽ nó không thể hiện tính đó, mà đây để nhằm cho giới hạn về chi phối và sự kiểm soát của các cổ đông với một tổ chức cổ phần. Đấy là cái có lẽ cũng nên tranh luận để rõ hơn quan điểm này.

Về điểm này tôi cũng hơi băn khoăn mặc dù trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giải trình rất rõ là chúng ta dự kiến tiếp thu tỷ lệ sở hữu của cổ đông là tổ chức là 15% đối với vốn điều động của một tổ chức tín dụng, tôi tán thành như trong dự thảo luật là tốt, tức là tỷ lệ là 10%. Bởi vì 15% thì nó là tỷ lệ hiện nay, nhưng cũng rất lo là bắt đầu từ sang năm là vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại và theo yêu cầu phải nâng lên 3 nghìn tỷ, 3 nghìn tỷ mà là 15% thì ít nhất dưới phải là 450 tỷ, một tổ chức mà đầu tư vào một cổ phần một tổ chức tín dụng là 450 tỷ thì chắc là cũng ít có một tổ chức nào có vốn lớn như vậy khi mức vốn điều lệ đòi hỏi phải nâng cao. Nếu chúng ta giữ ở mức là 10% như dự thảo đã đề nghị thì có lẽ 300 tỷ, tôi nghĩ 300 tỷ cũng là một đòi hỏi cao đối với một tổ chức tín dụng là tổ chức mà đầu tư vào tổ chức tín dụng. Nên tôi nghĩ rằng ở mức như giai đoạn vừa qua 15% khi vốn điều lệ nhỏ thì nó phù hợp. Nhưng sắp tới là 3 nghìn tỷ tối thiểu, thì có lẽ 10% hợp lý hơn và nó cũng rất thực tế. Đề nghị ta có thể xem xét kỹ thêm điểm này.

Ngoài ra, tôi xin góp ý thêm mấy nội dung khác sau khi nghiên cứu kỹ, đọc kỹ dự thảo, các điều luật, có một vấn đề quy định tại 3 điều là Điều 17, Điều 42 và Điều 75 quy định về kiểm toán độc lập, tức là ta nhấn mạnh vai trò kiểm toán độc lập đối với các tổ chức tín dụng sau kết quả hàng năm tài chính, đây là việc rất quan trọng. Tuy nhiên, tôi thấy chúng ta lại xem nhẹ vai trò của kiểm toán Nhà nước; trong luật này không đề cập đến vai trò của kiểm toán Nhà nước. Thực tế hiện nay, từ khi kiểm toán ra đời, đặc biệt theo quy định của Chính phủ, hai ngân hàng chính sách lâu nay là do kiểm toán Nhà nước kiểm toán hàng năm, đây là công cụ quan trọng để các cơ quan Quốc hội cũng như các cơ quan của Chính phủ xem xét, báo cáo kết quả kiểm toán đối với hai ngân hàng chính sách này, là cơ sở quan trọng để chúng ta quyết định hỗ trợ cấp kinh phí, đặc biệt là kinh phí ngân sách Nhà nước hành năm phải hỗ trợ để bổ sung hỗ trợ bù lãi suất, lâu nay kiểm toán Nhà nước là kiểm toán hai ngân hàng chính sách này.

Đồng thời hàng năm Quốc hội cũng cho ý kiến về kế hoạch của kiểm toán Nhà nước, trong đó có không ít các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, tức là các tổ chức tín dụng có vốn Nhà nước thì cũng là đối tượng của kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán. Trong luật này chúng tôi chưa thấy vai trò của kiểm toán nhà nước, không có điều nào, câu nào nói về điểm này. Tôi cho rằng chúng ta đang đề cao thì càng phải đề cao vai trò kiểm toán nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán hoạt động đối với các tổ chức tín dụng. Tôi đề nghị Điều 17 nên sửa là: "Ngân hàng chính sách phải thực hiện kiểm toán nội bộ, kiểm toán nhà nước, thay cho kiểm toán độc lập". Tôi nghĩ 2 ngân hàng chính sách này toàn bộ là vốn và tài sản của Nhà nước, lâu nay kiểm toán Nhà nước làm rất tốt, tôi nghĩ không nên đưa đối tượng kiểm toán độc lập để kiểm toán 2 ngân hàng chính sách này, thay vào đó phải là kiểm toán Nhà nước.

Điều 42, hiện nay có 4 khoản, tôi thấy có lẽ nên bổ sung thêm một khoản, có thể đó là khoản mũ vào trong Điều 42 quy định hàng năm các tổ chức tín dụng phải thực hiện kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán Nhà nước. Trường hợp kiểm toán độc lập sẽ thực hiện theo đúng nội dung của 4 khoản trong quy định của Điều 42. Như vậy sẽ có cả kiểm toán Nhà nước tham gia vào đây, chỉ riêng có kiểm toán độc lập thì tôi e không ổn, như vậy vai trò kiểm toán Nhà nước chúng ta lại xem nhẹ, nhất là kiểm toán về vốn, tài sản ở khu vực ngân hàng là quan trọng. Tôi nghĩ nên xem xét, bổ sung thêm điều này.

Ngoài ra ở Điều 106, quy định về nghiệp vụ ủy thác cũng như đại lý của các ngân hàng thương mại. Tôi có nghiên cứu kỹ thấy hiện nay các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước lớn đang có ký kết hợp đồng với Kho bạc Nhà nước để thực hiện dịch vụ, tức là nhận ủy thác thu ngân sách Nhà nước qua hệ thống các ngân hàng thương mại, bây giờ đang triển khai rất tốt. Đây là một kênh rất tốt để giúp cho ngành tài chính thu đúng, thu đủ, thu kịp thời cho ngân sách Nhà nước qua hệ thống ngân hàng thương mại mà vốn lâu nay chỉ qua hệ thống kho bạc thì có thể tiến độ thu không đảm bảo kịp thời. Phải chăng trong Điều 106 này liên quan đến nghiệp vụ ủy thác đại lý cũng nên luật hóa hoạt động này, khi mà các các ngân hàng thương mại đang triển khai các hợp đồng rất tốt với hệ thống Kho bạc Nhà nước, như vậy dịch vụ làm đại lý, ủy nhiệm thu ngân sách Nhà nước thì tôi nghĩ là cũng đáp ứng được yêu cầu thực tế mà hiện nay chúng ta đang làm. Đó là điều mà tôi cho rằng cần phải nghiên cứu để bổ sung thêm.

Xin có một số ý kiến như vậy. Xin hết. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan