Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga – Thái Nguyên

Thứ Hai 14:04 24-05-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi thấy dự án luật này được chỉnh lý khá công phu và Báo cáo giải trình cũng khá rõ ràng. Tôi chỉ xin phát biểu về một vấn đề là vấn đề tự do hóa lãi suất và bỏ trần lãi suất quy định tại Điều 91 của dự án luật này.

Kính thưa Quốc hội, câu chuyện tự do hóa lãi suất và bỏ trần lãi suất có thể nói dăm năm nay đã làm tốn rất nhiều giấy mực của các nhà khoa học về luật, của các nhà hoạt động ngân hàng và câu chuyện này ý kiến khác nhau cũng rất nhiều. Vấn đề trần lãi suất thì liên quan đến Luật ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Bộ luật hình sự. Hôm qua thảo luận về Luật ngân hàng cũng có nhiều ý kiến phát biểu có liên quan đến vấn đề này.

Hiện nay luật này ở Điều 91 có quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 như sau. Khoản 2 quy định: tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 điều này. Khoản 3 quy định: trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định về cơ chế xác định lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. Với quy định này chúng ta có thể hiểu được rằng luật cho phép khách hàng và tổ chức tín dụng có quyền thỏa thuận về lãi suất. Lãi suất ở đây có thể hiểu là cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay về cơ bản là được thỏa thuận còn trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn hệ thống thì Khoản 3 quy định Ngân hàng Nhà nước sẽ có quyền quy định cơ chế xác định lãi suất chứ không quy định về lãi suất. Như vậy có thể hiểu là bằng hai khoản này đã quy định về tự do hoá lãi suất và bỏ trần lãi suất, chúng tôi thấy có băn khoăn về quy định này. Chúng ta đã biết quy định tại Điều 476 của Bộ luật dân sự có quy định về lãi suất trong hợp đồng vay, quy định lãi suất cho vay là do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. Vấn đề này chúng ta đã nêu ra rất nhiều lần rồi. Chúng tôi đề nghị giải trình rõ có phải bằng quy định này, với quy định của Bộ luật dân sự thì còn thực hiện được không, hay là nếu có quy định này thì theo nguyên tắc luật quy định sau thì có hiệu lực với tầm luật là như nhau. Bằng quy định này thì Điều 476 đương nhiên không thực hiện nữa. Chúng ta cần giải trình rõ thêm nếu chúng ta quy định về bỏ trần lãi suất và tự do hoá lãi suất, cần giải trình cho đại biểu rõ nếu định tự do hoá lãi suất thì mặt được và mặt chưa được ở chỗ nào, cái nào thuận lợi hơn thì chúng tôi đề nghị cần giải trình rõ để qua thực tiễn thực hiện chúng ta có thể tạo sự đồng thuận trong dư luận. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan