Góp ý của ông Hà Văn Hiền – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế
Kính thưa các đồng chí,
Tôi xin báo cáo thêm với các đồng
chí mấy điểm như sau:
Khi làm dự thảo luật này chúng tôi
biết nó có tính đặc thù, trên thực tế các đồng chí ngân hàng cũng cho biết luật
hiện nay về tổ chức tín dụng cũng nổi lên nhiều vấn đề không thích hợp với vận
hành trong thời gian vừa qua. Khi tổ chức các cuộc hội thảo, nhất là khi gặp gỡ
các nhóm các đồng chí giám đốc các ngân hàng thương mại hiện nay, kể cả ngân
hàng thương mại nhà nước, kể cả ngân hàng thương mại cổ phần nổi lên một vấn đề
là các đồng chí quan ngại nhiều về những vấn đề mà hiện nay chúng ta đang cấm.
Các đồng chí nghiên cứu dự thảo luật
này cũng quan ngại nhiều về những cái mà chúng ta quy định ở đây. Có những đồng
chí nói rất gay gắt, ví dụ nói là khi dự luật này ra đời thì các tổ chức tín
dụng bó tay rất khó hoạt động, đấy là về phía các đồng chí nói thế thôi, nhưng
chúng tôi muốn mô tả lại để các đồng chí trong Thường vụ thấy được bối cảnh
hiện nay khi chúng ta xây dựng dự thảo luật này.
Xung quanh vấn đề hoạt động của các
tổ chức tín dụng thì quan điểm của chúng tôi là chúng ta làm sao giải quyết hài
hòa giữa 2 vấn đề: Một là làm sao chúng ta quản lý được và tránh được rủi ro;
Hai là chúng ta phải tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thể hoạt động
phù hợp với những cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, nếu chúng ta cứ cấm
hoàn toàn thì khó.
Ví dụ vấn đề đầu tư giữa tổ chức tín
dụng này với tổ chức tín dụng khác, nếu chúng ta quy định về điều kiện như anh
được đầu tư bao nhiêu, một tổ chức tín dụng có thể được đầu tư vào một hoặc hai
tổ chức tín dụng khác. Ở mỗi tổ chức tín dụng như vậy thì anh được đầu tư với
số vốn là bao nhiêu. Chúng ta quy định như vậy thì phù hợp hơn là chúng ta cấm
không cho các tổ chức tín dụng đầu tư chéo lẫn nhau, cái đó không phù hợp với
thông lệ chung hiện nay, thực tế hiện nay vấn đề đó đang diễn ra. Chúng ta nên
đi theo hướng chúng ta đặt ra những điều kiện, những hàng rào kỹ thuật để chúng
ta bảo đảm được an toàn của hệ thống, tránh rủi ro. Nếu chúng ta cấm hoàn toàn
thì nó lại không là thị trường nữa.
Vấn đề các tổ chức tín dụng có được
mua cổ phiếu và chứng khoán không? nếu chúng ta cấm hoàn toàn thì cũng lại ảnh
hưởng đến thị trường chứng khoán của chúng ta, chúng ta nên quy định ở trong
phạm vi như thế nào thì được còn vượt qua đấy thì thôi. Theo chúng tôi nghĩ
chúng ta thiết kế những dự án luật này theo hướng như vậy thì nó thỏa mãn được
cả hai vấn đề.
Một là chúng ta quản lý được, chúng
ta kiểm soát được,
Hai là chúng ta tạo điều kiện cho các
tổ chức tín dụng hoạt động theo thông lệ chung hiện nay. Thế thì nó còn nhiều
vấn đề khác nữa chứ không chỉ một hai điều kiện này. Một số vấn đề cụ thể các
đồng chí nêu thì chúng tôi xin báo cáo thêm một ý như sau:
Tại sao chúng tôi lại đặt vấn đề là
chúng ta công khai thông tin, vì trên thực tế chúng ta không giấu được mà một
kinh nghiệm trong thời gian vừa qua chúng ta điều hành chính sách tiền tệ cũng
như chúng ta thực hiện các chính sách chống lạm phát và sau này chống giảm phát
là một trong những điều kiện, một trong những yếu tố mà chúng ta đạt được kết
quả là minh bạch thông tin của chúng ta, có những thời kỳ chúng ta không minh
bạch thông tin về dự trữ ngoại tệ và một số cái khác, việc đó không có lợi
trong môi trường đầu tư chung của chúng ta. Nhưng trên thực tế có một điều
chúng ta không giấu được bởi vì bây giờ có rất nhiều cái mà chúng ta không kiểm
soát hết được, thế thì thà chúng ta minh bạch bằng một thông tin chính thống
thì sẽ có hiệu quả hơn là để cho thông tin ngoài luồng nó chi phối tâm lý xã
hội. Ở đây chúng tôi có đặt ra vấn đề là nói như thế không có nghĩa là chúng ta
nói toạc ra hết mà chúng ta lựa chọn thời điểm nào chúng ta thông tin và nội
dung cách thức thông tin như thế nào nhưng chúng ta bưng bít hoàn toàn thì
không phù hợp với xu hướng hiện nay. Trên thực tế vừa qua chúng ta đã có những
kinh nghiệm này rồi, đấy là quan điểm của chúng tôi là như vậy. Còn xung quanh
vấn đề chấp nhận danh sách bầu thì xin thưa với các đồng chí khi làm việc với
các tổ chức tín dụng thì tâm lý của các tổ chức tín dụng là không muốn chuyện
này, không muốn chấp nhận danh sách, cũng không muốn chấp nhận phê duyệt danh
sách. Nhưng chúng tôi thì chúng tôi thấy hoạt động của các tổ chức tín dụng rất
đặc thù chỉ một tổ chức tín dụng bị đổ bể thì ảnh hưởng đến cả một hệ thống.
Cho nên vấn đề lựa chọn nhân sự của hệ thống tổ chức tín dụng là phải được quản
lý chặt chẽ, quản lý chặt chẽ thì bằng cách như thế nào? trong luật chúng ta đã
quy định một hệ thống tiêu chuẩn những đối tượng trong thành viên hội đồng quản
trị của một tổ chức tín dụng rồi nhưng nếu chúng ta cứ theo đối tượng đấy để
cho đại hội cổ đông người ta cứ bầu, sau đó Ngân hàng Nhà nước xem xét, không
đủ điều kiện thì chúng ta bỏ, hoặc đủ điều kiện thì chúng ta chấp thuận thì xảy
ra hiện tượng như sau: Nếu không đủ điều kiện mà chúng ta bỏ thì có nghĩa phải
đại hội cổ đông lại để bầu thêm.
Thứ hai là nếu chúng ta đưa danh
sách để chấp thuận trước, nhưng trong quá trình đại hội diễn ra người ta lại
bầu, lại giới thiệu người không có trong danh sách thì cũng rất phiền toái.
Giữa 2 cái đấy đều có bất cập cả, chúng tôi lựa chọn theo cái thứ nhất là phải
chấp thuận danh sách trước rồi anh phải bầu theo danh sách được chấp thuận đó.
Vì sao? Vì quá trình anh rà soát danh sách mà người ta đưa lên, anh có điều
kiện anh rà soát kỹ lưỡng hơn. Mặt khác, để hạn chế việc trong quá trình đại
hội phát sinh giới thiệu ngoài danh sách thì có thể anh phải đưa danh sách chấp
thuận nhiều hơn hoặc anh phải có một giải pháp, ví dụ Ngân hàng Nhà nước phải
theo dõi đại hội đấy để anh có thể xử lý điều bất thường đó trong đại hội.
Nhưng mỗi cái đều có những cái bất cập riêng, nhưng chúng tôi thấy lựa chọn
hình thức ngân hàng Nhà nước chấp thuận danh sách trước, trên cơ sở đó đại hội
cổ đông của các tổ chức tín dụng bầu theo danh sách đó thì có lợi nhiều hơn.
Báo cáo các anh trong Thường vụ, chúng tôi xin báo cáo thêm mấy vấn đề như vậy
để các anh có thêm cơ sở. Xin hết.