Góp ý của ông Trần Thế Vượng – Trưởng Ban Dân nguyện

Thứ Ba 09:32 22-12-2009

Kính thưa đồng chí Phó chủ tịch,

Kính thưa các đồng chí,

Về cơ bản tôi tán thành với báo cáo của Ủy ban kinh tế về vấn đề cả Ban soạn thảo cũng như Ủy ban đã thống nhất về một số những phần về kinh tế còn khác nhau thì đa số tôi cũng nghiêng về ý kiến của Ủy ban kinh tế. Tuy nhiên có hai vấn đề tôi xin phép trình bày để các đồng chí cân nhắc.

Thứ nhất, phần 5 mà cả hai bên đã thống nhất, có ý kiến đề nghị không nên chấp thuận danh sách dự kiến những người được bầu bổ nhiệm làm thành viên hội đồng quản trị v.v... Ở đây tôi thấy rõ ràng về mặt chủ trương dứt khoát cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm soát được nhân sự này, ở đó quan điểm là đúng rồi nhưng về cách thì thấy nó chặt quá cả trước khi bầu cũng phải duyệt danh sách rồi sau khi bầu và bổ nhiệm thì cũng không được ngoài danh sách đó, thế thì cơ quan quản lý Nhà nước bổ nhiệm quách đi cho rồi. Cho nên mình kiểm soát nhưng phải nghĩ ra cơ chế cách như thế nào?

Thứ nhất là luật anh phải quy định và tiêu chuẩn những người nắm giữ chức danh nào ở trong ngân hàng, tiêu chuẩn phải rõ để bảo đảm cho yêu cầu của chúng ta, thế thì anh bầu, anh bổ nhiệm là anh phải đảm bảo đúng những tiêu chuẩn mà do luật này quy định. Sau khi anh bầu, anh bổ nhiệm rồi thì cái đó là cơ quan quản lý Nhà nước phê chuẩn, anh phê chuẩn anh mới thấy rằng như vậy người các anh bầu ra là không đúng với những tiêu chuẩn mà Luật của Quốc hội đã quy định, cho nên tôi không đồng ý và các anh bầu người khác, bổ nhiệm người khác thì không biết có nên theo cách đấy không. Chứ đây là vừa duyệt danh sách ứng cử viên, song bảo là bầu không được ngoài danh sách đó. Đến bây giờ thì tất nhiên Ngân hàng có nguyên tắc và đặc điểm của nó thì chủ trương này là đúng rồi. Nhưng tôi muốn nói là như thế phải quy định rõ từng chức danh này, những tiêu chuẩn rất rõ ràng về năng lực, về chuyên môn nghiệp vụ, về phẩm chất v.v... và nhiều cái mọi thứ thế thôi, thẩm phán chúng ta cũng quy định như thế, tuyên án tử hình một người cũng có tiêu chuẩn, còn việc bổ nhiệm là việc của ông Chủ tịch nước, của ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Nếu làm không đúng tiêu chuẩn đó thì lúc đó ta tính, tôi nghĩ cách như vậy nó hay hơn, chứ đây mình khóa cả đầu, khóa cả sau như thế thì người ta thấy bản chất nó không còn ý nghĩa gì về bầu và bổ nhiệm nữa. Tôi đề nghị hướng của điểm 5 là như thế.

Còn một vấn đề nữa ở điểm 6, công khai thông tin trong trường hợp tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt thì tôi nghiêng vào ý kiến của Ủy ban kinh tế và tôi cũng muốn thêm một ý này thì không biết có phải không, tôi không phải là người am hiểu lắm, nhưng mà tôi cũng có tìm hiểu biết là ví dụ nay mai ta có bảo hiểm tiền gửi. Nếu mà bây giờ mình để nói về tâm lý người gửi, rồi nó lan truyền ra nếu mà anh lộ thông tin ra. Nhưng mà có một cái rất hay là tới mình có bảo hiểm tiền gửi và công khai thông tin về việc này nhưng mà khách hàng yên tâm, yên tâm vì làm sao? là vì có chuyện gì thì anh bảo hiểm phải đứng ra. Ví dụ mình có tiền mình gửi vào đấy thì rõ ràng mình nhận được thông tin tình hình anh này là được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt rồi, nhưng trước đây ta không có cái đó. Bây giờ anh bảo hiểm hiền gửi này là anh phải đứng ra dù có chuyện gì đi chăng nữa thì mọi người yên tâm, nếu anh ấy có chuyện gì tôi là người sẽ trả các anh cơ mà. Tôi hiểu vai trò của bảo hiểm tiền gửi là như vậy. Tôi nghiêng về Ủy ban Kinh tế, nhưng tôi muốn bổ sung thêm ý đó nữa, ý là sẽ phải có anh bảo hiểm tiền gửi anh phải đứng ra, ít nhất về mặt tâm lý cũng giải quyết được một phần. Anh bảo hiểm tiền gửi sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc này. Còn bây giờ mức độ bao nhiêu, như thế nào sau này chúng ta sẽ tính, nó còn phụ thuộc vào chuyện ông mua bảo hiểm như thế nào. Nói tóm lại tôi nghiêng về ý của Ủy ban Kinh tế, nhưng tôi đề nghị bổ sung thêm có vai trò của anh này thì chừng mực nào nó cũng trấn an được tâm lý của khách hàng. Tôi xin có 2 ý kiến như vậy, xin hết.

Các văn bản liên quan