Ý kiến của luật gia Dương Thanh Minh – Baoviet Bank

Thứ Hai 15:30 29-06-2009

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

 

Dương Thanh Minh

Ban Pháp chế - BAOVIET BANK

 

Nhìn chung, dự thảo Luật được soạn thảo công phu, có chất lượng cao. Trong đó, chứa đựng những tư tưởng, quan điểm cải cách lớn, thể hiện ở việc chú trọng nâng cao quyền tự chủ kinh doanh và tự chịu trách nhiệm của các TCTD (sau đây viết tắt là TCTD);  thể chế hóa các yêu cầu cải cách hành chính trong lĩnh vực ngân hàng; hướng tới và đáp ứng nhu cầu đa dạng hoá, tính năng động, linh hoạt trong hoạt động kinh doanh của các TCTD; đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập và xây dựng hệ thống các TCTD hiện đại… Đồng thời, cơ bản khắc phục được những bất cập của Luật Các TCTD hiện hành; kế thừa những quy định hợp lý đã được chứng minh trong thực tế áp dụng; bảo đảm sự đồng bộ giữa các quy định của Luật này và các Luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã…

Tuy nhiên, nhằm góp phần hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật, xin có một số ý kiến góp ý như sau:

1.       Về mối quan hệ giữa Luật Các TCTD với quy định của pháp luật liên quan

Chúng tôi cho rằng Luật Các TCTD với vị trí là Luật “chuyên ngành”, điều chỉnh trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của các TCTD, cần phải đáp ứng một số yêu cầu cơ bản trong mối quan hệ với quy định của pháp luật liên quan, như sau:

a)       Khẳng định vị trí của mình, Luật Các TCTD phải đóng vai trò như là một “Luật Doanh nghiệp thứ hai” điều chỉnh toàn diện, bao quát về các TCTD.

b)       Trong mối quan hệ với Luật Doanh nghiệp, cần quan tâm để giải quyết vấn đề sau:

-               Trong trường hợp, nội dung tại Luật này khác với Luật Doanh nghiệp thì những nội dung đó cần được quy định cụ thể và bảo đảm phù hợp với đặc thù của các TCTD.

Ví dụ, cần quy định về điều kiện, thủ tục họp Đại hội đồng cổ đông của TCTD cổ phần, bởi nếu không quy định thì vấn đề này sẽ được áp dụng theo quy định của Luật Doanh nghiệp (căn cứ vào quy định về nguyên tắc áp dụng Luật tại Điều 2), theo đó, sẽ phát sinh một số vướng mắc xuất phát từ những điểm đặc thủ của TCTD so với loại hình doanh nghiệp khác. Đơn cử như, việc áp dụng quy định tại Điều 100 của Luật Doanh nghiệp: việc mời họp Đại hội đồng cổ đông thì thông báo họp phải được “gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ thường trú của cổ đông” cho “tất cả cổ đông có quyền dự họp” sẽ gây khó khăn và tốn kém cho các TCTD có số lượng cổ đông lớn. Ví dụ, Ngân hàng với 60.000 cổ đông, thì việc bắt buộc phải gửi thư bảo đảm đến 60.000 cổ đông và với chi phí khoảng 10.000 đồng/1 thư bảo đảm, thì tổng chi phí cho việc thông báo là rất lớn, trong đó chưa kể các khó khăn về thời gian, thủ tục, công sức và chi phí khác,… Trong lúc đó dự thảo Luật Các TCTD có thể giải quyết tốt hơn vấn đề này thông qua quy định về các phương thức thông báo khác như trên Website của TCTD, trên các phương tiên thông tin đại chúng, qua email,…;

-               Trong trường hợp nội dung tương tư như quy định của Luật Doanh nghiệp thì cần cân nhắc việc có thu hút quy định của Luật Doanh nghiệp vào Luật này không, hay chỉ dẫn chiếu theo Luật Doanh nghiệp. Bởi mỗi cách thức đều có những ưu và nhược điểm riêng. Ví dụ: Nếu chỉ dẫn chiếu theo Luật Doanh nghiệp, thì trong tương lai khi Luật Doanh nghiệp hiện hành bị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế và có những quy định không thể áp dụng đối với các TCTD, lúc đó sẽ kéo theo yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Luật Các TCTD. Nhưng nếu, không dẫn chiếu mà “thu hút” vào Luật Các TCTD thì Luật này sẽ “nặng” hơn và đặc biệt là không bảo đảm sự “kết nối” giữa Luật này với Luật Doanh nghiệp,…

c)       Trong mối quan hệ với quy định của pháp luật liên quan:

-               Cần rà soát các quy định tại Dự thảo và quy định của các Luật có liên quan để thống nhất và cụ thể hóa, bảo đảm tính thực thi.

Ví dụ: Cần thống nhất về tỷ lệ biểu quyết tối thiểu thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông để áp dụng đối với TCTD cổ phần, trong “bối cảnh” pháp luật hiện hành có sự mâu thuẫn về tỷ lệ này, cụ thể: 65% (theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Công văn số 2217/NHNN-CNH ngày 19-3-2007 của NHNN về việc áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp, Công văn 771/BHK-TCT ngày 26-12-2007 của Bộ KH&ĐT) hay 51% (theo Nghị quyết số  71/2006/QH11 ngày 29-11-2006 của Quốc hội Phê chuẩn Nghị định thư gia nhập hiệp định Thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Nước CHXHCN Việt Nam Công văn số 11388 NHNN-CNH ngày 24-10-07 của NHNN về việc thực hiện Nghị quyết số 71).

-               Cần “Luật hoá” những vấn đề có tính chất cơ bản tại các văn bản dưới luật đã chứng minh tính hợp lý trong thực tế để quy định chi tiết.

Ví dụ: Thu hút các quy định về tỷ lệ an toàn đối với hoạt động ngân hàng vào Dự thảo. Quy định về Hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị cấp Giấy phép (Điều 21 để Chính phủ quy định), hồ sơ và thủ tục mở, chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện; thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp của từng loại hình TCTD,…

-               Luật Các TCTD hiện hành quy định “Việc đảo nợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Tuy nhiên, thực tế quy định này đã không được hướng dẫn, không được thực thi, nên đã gây nhiều lúng túng, vướng mắc cho TCTD. Tại Dự thảo này, đáng nhẽ vẫn đề này phải được “luật hóa”, được quy định cụ thể để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của TCTD trên cơ sở quyền tự do kinh doanh, thì lại không được nhắc đến. Đây là một trong những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu để quy định, bảo đảm tính “pháp chế”, tính ổn định của quy phạm và tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế.

2.       Về phạm vi điều chỉnh

Chúng tôi không đưa ra nhận định đồng ý hay không đối với các phương án, mà xin nêu một số vấn đề cần giải quyết hoặc mâu thuẫn, như sau:

a)       Quan điểm của NHNN là “không nên đưa ra khái niệm hoạt động ngân hàng của tổ chức khác". Theo chúng tôi vấn đề này không phải là vấn đề quan trọng, cốt lõi, nếu chỉ là vấn đề “đưa ra khái niệm”, cái quan trọng và đáng lẽ cần đề cập một cách trực diện là Luật CTCTD có điều chỉnh "hoạt động ngân hàng của tổ chức khác" hay không thì lại chưa được thể hiện rõ ràng.

b)       Thay “lăn tăn” về “đưa khái niệm”, chúng tôi đi thẳng vào việc có điều chỉnh hay không, với một số vấn đề như:

-              Một là, cách thể hiện tại Dự thảo không nhất quán, khi “tinh thần” là không điều chỉnh “hoạt động ngân hàng của tổ chức khác”, nhưng tại Điều 8 lại quy định: “Mọi tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật được NHNN cấp Giấy phép thì được thực hiện một, một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam”.

-               Hai là, Trong thực tế có một số tổ chức không phải là TCTD có hoạt động  nhận tiền gửi, thanh toán (căn cứ vào quy định tại khoản 11 Điều 4 (giải thích từ ngữ) thì đây là “hoạt động ngân hàng”). Tuy nhiên, khoản 2 Điều 8 quy định: “Không một tổ chức, cá nhân nào ngoài TCTD được thực hiện hoạt động ngân hàng”. Vậy, thực tế trên sẽ được giải quyết thế nào trước quy định cấm đoán này của pháp luật.

-               Ba là, nếu không điều chỉnh “hoạt động ngân hàng của tổ chức khác" tại Luật này thì sẽ điều chỉnh ở đâu?

3.       Về các loại hình ngân hàng chính sách

Chúng tôi đồng tình với việc bổ sung quy định về ngân hàng chính sách (Điều 17), vì một số lý do sau:

-           Xét ở khía cạnh pháp chế và yêu cầu về tính bao quát, đồng bộ và thống nhất, thì việc một Luật có tên và đối tượng áp dụng là “Các TDTD”, thì đương nhiên bất kỳ loại TCTD nào đều phải được quy định tập trung tại Luật này;

-           Việc đưa ra lý do: “thành lập, tổ chức và hoạt động của các ngân hàng chính sách đều thực hiện theo văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”“NHNN không quản lý, giám sát hoạt động của các ngân hàng này” để loại các tổ chức này ra khỏi phạm vi điều chỉnh là chưa thỏa đáng. Chúng tôi cho rằng, có sự nhầm lẫn giữa việc “không quản lý, giám sát” với việc “không quy định”, đây là hai vấn đề khác nhau giữa trách nhiệm với quy phạm điều chỉnh về tộ chức, hoạt động và quản lý đối với một tổ chức trong một văn bản thống nhất; có sự nhầm lẫn giữa việc tổ chức và quản lý “thực hiện theo văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” với việc xây dựng cơ chế điều chỉnh tập trung trong Luật do Quốc Hội ban hành, trong đó có quy định phân cấp quản lý TCTD, chứ không phải chia tách như ý kiến tại Phương án 1, hay không phải thuộc NHNN quản lý thì không quy định.

4.       Về lãi suất trong hoạt động ngân hàng (Điều 91 Dự thảo Luật)

Chúng tôi hoan nghênh việc Dự thảo bổ sung quy định “TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất”. Tuy nhiên, quy định này chưa “toát” được nguyên tắc “cởi trói” theo hướng khẳng định quyền thỏa thuận này không bị ràng buộc bởi quy định cứng 150% tại khoản 1 Điều 476 của BLDS (“Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại cho vay tương ứng”), do đó, cần được quy định rõ.

5.       Về phạm vi hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân (Điều 118)

Điều 118 của Dự thảo quy định về hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân có bổ sung hoạt động “nhận tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân” không phải là thành viên (điểm b khoản 1). Chúng tôi đề nghị xem xét lại vấn đề này, vì một số lý do sau:

-           Từ mục tiêu tại Đề án thí điểm về Quỹ tín dụng nhân dân, đến quy định tại Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13-8-2001 về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân đều khẳng định: Quỹ tín dụng nhân dân “thực hiện mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên, nhằm phát huy sức mạnh của tập thể và của từng thành viên giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống.

-           Quy định tại  khoản 5 Điều 4 của Dự thảo cũng khẳng định hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân là “nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống”.

Do đó, việc cho phép huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên, dù là tỷ lệ nào đi chăng nữa đều không phù hợp với nguyên tắc nêu trên, thậm chí có thể tác động làm sai lệch mục đích xây dựng và vận hành “gốc” của tổ chức này.

6.       Về chấp thuận danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm (Điều 51)

Tại khoản 1, Điều 51 quy định : “Danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên HĐQT, HĐTV, thành viên BKS, TGĐ (GĐ) của TCTD phải được NHNN chấp thuận trước khi bầu, bổ nhiệm các chức danh này. Những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên HĐQT, HĐTV, thành viên BKS, TGĐ (GĐ) của TCTD phải thuộc danh sách đã được NHNN chấp thuận”. Chúng tôi cho rằng, quy định này chưa hợp lý vì một số lý do sau:

-           Trực tiếp “hành chính hóa công tác tổ chức, quản trị doanh nghiệp”, mang nặng cơ chế “xin – cho” và can thiệp quá sâu sâu vào công tác tổ chức của TCTD, đặc biệt là các TCTD “ngoài quốc doanh”;

-           Nếu cần có sự “can thiệp” của NHNN vì lý do “quản lý theo tiêu chuẩn” nào đó, thì việc quản lý này thể hiện ở việc quy định cụ thể, rõ ràng trong Dự thảo về tiêu chuẩn, điều kiện để được bầu, bổ nhiệm, cũng như thủ tục bãi miễn đối với từng chức danh, chứ không phải thông qua quy định bất hợp lý như trên;

-           Điều 29 của Dự thảo đã bỏ quy định về việc phải được sự chấp thuận của NHNN trong trường hợp thay đổi “Thành viên HĐQT, TGĐ (GĐ) và thành viên BKS” tại điểm g, khoản 1 Điều 31 của Luật Các TCTD hiện hành. Qua đó đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc trong thực tế, đặc biệt là thể hiện quan điểm cải cách trong công tác quản lý và tôn trọng quyền tổ chức, quản trị nội bộ của TCTD. Từ đó, việc tồn tại các quy định chưa phù hợp với “quan điểm” như đã được “thể hiện” tại Điều 27, trong đó có quy định tại khoản 1, Điều 51 cần phải được sửa, bỏ để đảm bảo tính thống nhất, hợp lý và thực thi.

7.       Về người quản lý và người điều hành của TCTD (Điều 4)

Khoản 33 quy định: “Người quản lý TCTD bao gồm Chủ tịch, thành viên HĐQT, Chủ tịch, thành viên HĐTV, TGĐ (GĐ) và các chức danh quản lý khác theo quy định tại điều lệ của TCTD”. Khoản 34 quy định: “Người điều hành TCTD bao gồm TGĐ (GĐ), Phó TGĐ (Phó GĐ), Kế toán trưởng, GĐ chi nhánh và các chức danh điều hành khác theo quy định tại điều lệ của TCTD. Liên quan đến các quy định này, có một số ý kiến như sau:

-           Với quy định tại khoản 33 thì “người quản lý” là thuật ngữ để sử dụng chung, còn  “các chức danh quản lý khác” chỉ là một “tập hợp con” trong các thuật ngữ này.  Tuy nhiên, trong Dự thảo lại sử dụng “con” thay thế cho thuật ngữ chung, ví dụ: tại khoản 10 Điều 49, điểm c khoản 3 Điều 52, điểm c khoản 2 Điều 67,...

-           Các “chức danh quản lý khác”,  “chức danh điều hành khác” là “lưới quét” các đối tượng khác, nếu có. Nhưng ngoài các đối tượng được liệt kê nêu trên, chúng tôi nhân thấy không còn “chức danh quản lý khác”,  “chức danh điều hành khác” của TCTD. Về lý luận của một số NHTM đối với chức danh trưởng phòng cũng tương đồng với loại này là chưa chính xác, bởi nó không bao quát và đại diện cho cả TCTD.

Mặt khác, Dự thảo không quy định các tiêu chí cụ thể để ấn định các “chức danh” này vào “người quản lý”, “người điều hành”, nhưng lại áp đặt hạn chế: (...) và các chức danh quản lý, điều hành khác của TCTD không được mua cổ phần ưu đãi cổ tức do chính TCTD phát hành tại  điểm c khoản 3 Điều 52.   

8.       Giải thích thuật ngữ (điều 4)

a)       Khoản 7  quy định: “TCTD nước ngoài được hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức văn phòng đại diện...”. Việc sử dụng cum từ “được hiện diện thương mại” (hiện diện = có mặt) là không chính xác và cụ thể. Do đó, đề nghị nói rõ là “được mở văn phòng đại diện....”.

b)       Tại Khoản 11, các điểm a, b, c là “việc cung ứng” “nghiệp vụ” (nhận tiền gửi; cấp tín dụng; cung ứng dịch vụ thanh toán) chứ không phải là việc “kinh doanh”, vì vậy đề nghị bỏ cụm từ “kinh doanh”.

c)       Tại khoản 13 quy định “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để cá nhân, tổ chức sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng các nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác theo quy định của NHNN” là chưa chính xác vì một số nghiệp vụ như cho thuê tài chính (cho thuê tài sản), bao thanh toán (mua lại khoản phải thu) không phải là việc “sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả”, do đó đề nghị chỉnh lý cho phù hợp.

d)       Tại khoản 14, đề nghị làm rõ “phương tiện” với phương thức vì chưa rõ ràng và chồng lấn trong nội dung tại khoản này.

e)       Tại khoản 16 và khoản 19, đề nghị thay khách hàng bằng bên vay để phân biệt với bên cho vay (khoản 16), bằng bên có nghĩa vụ để phân biệt với bên có quyền (khoản 19).

f)        Khoản 22: Nội dung không phù hợp với thuật ngữ. Vì nếu giải thích như vậy thì đây là môi giới tín dụng (“làm trung gian thu xếp thực hiện các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác giữa các TCTD, tổ chức tài chính khác, có thu phí môi giới”) chứ không phải môi giới tiền tệ.

g)       Quy định tại khoản 31 (“Công ty liên kết của TCTD là công ty trong đó TCTD hoặc người có liên quan của TCTD hoặc TCTD và người có liên quan của TCTD sở hữu từ hơn 11% vốn điều lệ trở lên hoặc từ hơn 11% vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên, nhưng không phải là công ty con của TCTD đó”) bao quát cả người có liên quan tại điểm d và điểm e khoản 30 là bất hợp lý. Do đó đề nghị loại trừ hai điểm này.

h)       Tại điểm c khoản 32 quy định “TCTD có quyền sửa đổi, bổ sung điều lệ của công ty con” là chưa chính xác mà chính xác là quyền quyết định sửa đổi, bổ sung.

9.       Về thời hạn cấp Giấy phép và lệ phí cấp Giấy phép

a)       Quy định về thời hạn là “360 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định”, theo chúng tôi là quá dài, vì vậy đề nghị rà soát lại các thủ tục để rút ngắn tối đa thời hạn theo một trong các cách thức sau:

-          PA1: Quy định về các trường hơp phải thực hiện trong thời hạn ngắn hơn (ví dụ 100 ngày) và trong một số trường hợp (các trường hợp này phải được cụ thể hóa) thì có thể kéo dài nhưng không quá bao nhiêu ngày (ví dụ 300 ngày).

Đề xuất này trên cơ sở đúc rút thực tế áp dụng về thời hạn đăng ký giao dịch bảo đảm trước đây (thời hạn là 5 ngày làm việc và 15 ngày làm việc đối với địa phương thuộc khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa ) và hiện nay (trong ngày làm việc, nếu nộp hồ sơ sau 15 giờ thì đăng ký trong ngày làm việc tiếp theo, trường hợp phức tạp... thì có thể kéo dài nhưng không được vượt quá 05 ngày làm việc) .

-          PA2: Rút ngắn thời hạn cấp Giấy phép so với thời hạn trong Dự thảo.

b)       Về lệ phí cấp Giấy phép

Chúng tôi cho rằng mức quy định “lệ phí cấp Giấy phép bằng 1% vốn điều lệ hoặc vốn được cấp” là quá cao và có thể nói là mức lệ phí cao nhất hiện nay. Do đó, đề nghị xem xét giảm để phù hợp với mục tiệu cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, hiệu quả phục vụ môi trường kinh doanh, đầu tư....

10.  Vấn đề khác

a)       Điều 5 quy định (“Các tổ chức không phải là TCTD không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “TCTD”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính” hoặc các thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong các tiêu đề hoá đơn, văn bản, thông báo hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một ngân hàng hoặc TCTD khác”) chưa súc tích, dễ hiểu. Theo tôi, cần quy định lại và ấn định nguyên tắc không được sử dụng những cụm từ trên trong văn bản hay khi tham gia các giao dịch.

b)       Điều 6 đề nghị bỏ cụm từ “thành lập” trong cum từ “thành lập, tổ chức”, vì như vậy là thừa, nội dung điều chỉ đề cập đến “hình thức tổ chức”.

c)       Nhiều quy định trong Dự thảo chưa đề cập đến chức danh Chủ tịch công ty (đối với TCTD theo hình thức THNN), như Điều 12, Điều 32,... do đó đề nghị xem xét, bổ sung.

d)       Về tỷ lệ sở hữu cổ phần, tại Điều 53, khoản 2 của Dự thảo trước quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD”, tuy nhiên cũng là tổ chức nhưng tại khoản 3 quy định “Cổ đông chiến lược là ngân hàng nước ngoài được sở hữu không quá 20% vốn Điều lệ của một TCTD Việt Nam” và chúng tôi đã phản ánh về sự “phân biệt, đối xử” và không bình đẳng trong quy định tỷ lệ giữa hai loại tổ chức này.

Tại dự thảo này đã bỏ quy định trên, đồng thời để cho Chính phủ quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài (khoản 2 Điều 16). Điều này cũng không hợp lý vì luật này phải ấn định tỷ lệ trên làm nguyên tắc cho văn bản dưới luật quy định, đảm bảo tính bình đẳng, thống nhất và hợp lý.

e)       Khoản 2 Điều 19 (“TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì giá trị thực của vốn điều lệ hoặc vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định): Đề nghị làm rõ nghĩa của cum từ “giá trị thực” trong mối quan hệ với giá trị danh nghĩa, giá trị ảo, giá trị thực tế...

f)        Điểm h khoản 2 Điều 20 quy định: “Cơ quan giám sát, thanh tra có thẩm quyền của nước ngoài có văn bản cam kết giám sát hoạt động của TCTD nước ngoài trên cơ sở tổng hợp theo thông lệ quốc tế; cơ quan giám sát, thanh tra có thẩm quyền của nước ngoài đã ký kết thoả thuận về thanh tra, giám sát hoạt động và trao đổi thông tin giám sát an toàn với NHNN”. Chúng tôi cho rằng quy định này khó khả thi, vì vậy đề nghị xem xet bỏ.

g)       Điều 33

-          Tại điểm b khoản 1, đề nghị bỏ cụm từ “đã từng” để đảm bảo tính chính xác;

-          Đề nghị bỏ điểm g khoản 2, vì những đối tượng này là cán bộ, công chức thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ công chức và đã được quy định tại điểm e khoản này.

h)       Đề nghị hạn chế hoặc làm rõ cac quy định mang tinh “trừu tượng” trong Dự thảo như: đủ để chi phối quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên” (điểm b khoản 26 Điều 4); “TCTD và người có liên quan của TCTD trực tiếp hay gián tiếp kiểm soát việc thông qua các nội dung của nghị quyết, quyết định” (điểm d khoản 32 Điều 4),....

i)        Nhiều quy định tại Dự thảo sử dụng từ “hoặc” sau dấu “;” tại các điểm. VD:

a) TCTD ... biểu quyết; hoặc  

b) TCTD ...của công ty con; hoặc

c) TCTD ... công ty con; hoặc

Theo chúng tôi, cách thức quy định này không phổ biến và phù hợp với “kỹ thuật lập pháp” của VN, do đó đề nghị bỏ từ “hoặc” và thay bằng việc quy định bao quát “một trong các điều kiện sau:”, “một trong các trường hợp sau:”,... để thể hiện tính loại trừ.

j)        Đề nghị rà soát để đảm bảo tính thống nhất trong thuật ngữ, ví dụ nơi thì sử dụng “cổ đông là pháp nhân”, nơi lại gọi “cổ đông là tổ chức”; nơi thì gọi là “nhân viên”, nơi thì gọi là “cán bộ” của doanh nghiệp,...

Trân trọng tham gia!

Các văn bản liên quan