Một số ý kiến về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

Thứ Bảy 12:41 10-05-2008

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Luật TTNDN) hiện hành được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 17/6/2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2004 thay thế cho Luật TTNDN năm 1997.

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Luật TTNDN) hiện hành được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 17/6/2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2004 thay thế cho Luật  TTNDN năm 1997. Thực tiễn thi hành luật này trong thời gian qua cho thấy, về cơ bản,  Luật đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, Luật cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, cần được nghiên cứu sửa đổi. Ví dụ, về mức thuế suất hiện hành (28%) là cao (so với các nước trong khu vực), ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) còn dàn trải, phức tạp, chưa phát huy hiệu quả phân bổ nguồn lực trong đầu tư để đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế theo vùng, lãnh thổ, đặc biệt là thu hút đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các căn cứ tính thuế chưa đảm bảo sự minh bạch. Luật TTNDN sửa đổi không những mang tính kế thừa những ưu điểm của luật cũ, mà còn phải đảm bảo tính đơn giản, rõ ràng, minh bạch của chính sách thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý thuế. Luật sửa đổi phải đồng thời khuyến khích được ý thức tự giác nộp thuế của các doanh nghiệp và thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề khác nhau, kích thích phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trên cơ sở đó thu được nhiều lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề cần được bàn thấu đáo hơn để Dự thảo Luật có chất lượng tốt hơn. Sau đây là một số nội dung.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng nộp thuế

Dự thảo Luật TTNDN sửa đổi hoàn toàn hợp lý khi bổ sung thêm một điều quy định về phạm vi điều chỉnh, bao gồm các vấn đề cụ thể như đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, chi phí được khấu trừ, căn cứ tính thuế, cách tính thuế, ưu đãi thuế TNDN. Các nội dung về quản lý thuế không được quy định trong luật thuế này, bởi đã có trong Luật Quản lý thuế (có hiệu lực từ ngày 01/07/2007). Cách quy định này đã thể hiện tính rõ ràng, nhất quán và đồng bộ với các đạo luật khác (ví dụ với Luật Thuế thu nhập cá nhân, có hiệu lực từ 1/1/2009).

Tuy nhiên, đối với đối tượng nộp thuế, Dự Luật sửa đổi (Khoản 2, Điều 2) liệt kê các loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư là không cần thiết, vì không bao quát được hết các loại hình doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong nền kinh tế hiện nay (ví dụ, công ty chứng khoán, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, công ty bảo hiểm thành lập và hoạt động trước hết phải tuân thủ theo Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và giấy phép thành lập, hoạt động đồng thời cũng là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Do vậy, Luật chỉ cần quy định doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là đủ, không nên   sử dụng phương pháp liệt kê, dàn trải mà vẫn không bao quát được hết các loại hình doanh nghiệp - đối tượng phải nộp thuế TNDN. Hoặc có thể quy định đối tượng nộp thuế theo phương pháp loại trừ, chỉ rõ những trường hợp, đối tượng không phải nộp, số còn lại là phải nộp thuế TNDN nếu có thu nhập chịu thuế. Cách quy định như vậy sẽ tránh được sự bất nhất khi xác định đối tượng nộp thuế, bớt đi những tranh luận không cần thiết.

Đối với công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp đặc thù, công ty có tư cách pháp nhân nhưng các thành viên hợp danh lại chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của công ty (Điểm đ, khoản 2 Điều 134 Luật Doanh nghiệp), Luật nên có những quy định đặc thù khi nộp thuế TNDN, hoặc có quy định ưu đãi về các khoản chi được khấu trừ đối với công ty hợp danh để các thành viên hợp danh đảm bảo được năng lực tài chính của mình, có thể duy trì được công việc kinh doanh và sự tồn tại của loại hình doanh nghiệp vốn dĩ đang rất kém phát triển ở Việt Nam.

Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh rằng, về đối tượng nộp thuế hiện nay, vấn đề rất bức xúc là việc thu thuế TNDN đối với trường học, báo, tạp chí v.v.. Có quan điểm cho rằng, việc đánh thuế như vậy là đánh đồng trường học, báo chí với doanh nghiệp, trong khi đó mục tiêu của các tổ chức này chủ yếu là để phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, sự nghiệp trăm năm trồng người, hoặc báo chí là công cụ tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, mạng lưới trường dân lập rất phát triển, thu học phí cao, trường công lập thu học phí của học sinh ngoài kinh phí của ngân sách nhà nước (NSNN) cũng không thấp; các báo, tạp chí thì doanh thu từ hoạt động quảng cáo cũng không hề nhỏ. Do vậy, thiết nghĩ, nếu doanh thu của các tổ chức trên đạt được mức chỉ để đảm bảo thu hồi chi phí như chi phí cho đào tạo, giảng dạy, khấu hao trường lớp; chi phí nhuận bút, biên tập, in xuất bản, phát hành... thì các hoạt động này chỉ lấy thu bù chi, không có lãi, không có thu nhập chịu thuế và đương nhiên sẽ không phải nộp thuế TNDN. Còn trong trường hợp doanh thu lớn hơn chi phí, tức là có thu lợi từ hoạt động này thì đương nhiên sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật TTNDN. Điều này cho thấy, Dự luật TTNDN sửa đổi hoàn toàn hợp lý khi quy định đối tượng nộp thuế bao gồm cả tổ chức được thành lập và hoạt động theo luật pháp Việt Nam trong các lĩnh vực từ thiện, nhân đạo, văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội khác vì mục tiêu hoà bình, hữu nghị, phát triển kinh tế - xã hội có thu nhập nhưng không chia (gọi tắt là tổ chức có thu nhập không chia), bao gồm cả tổ chức nước ngoài được hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (Khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Luật). Có thể nói, đây là một quy định rất tiến bộ, bảo đảm được sự bình đẳng của các tổ chức trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Điều này vô cùng quan trọng vì thuế thu nhập là loại thuế trực thu, nếu không đảm bảo sự bình đẳng thì rất khó thu. Bên cạnh đó, quy định này cũng phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Ngoài các đối tượng là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang nộp thuế TNDN theo luật hiện hành, các tổ chức hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không có tên gọi là doanh nghiệp như các đơn vị sự nghiệp, báo chí, các trường, cơ sở đào tạo... cũng phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách nhà nước nếu có những hoạt động tạo ra thu nhập. Tuy nhiên, ở đây cũng cần lưu ý một số đặc thù trong hoạt động của các tổ chức này, không hoàn toàn giống như doanh nghiệp, do vậy, Luật thuế cũng nên có các quy định ưu đãi tương ứng để khuyến khích, động viên các cơ sở trên thực hiện pháp luật thuế được tốt hơn, thuận lợi hơn.

Về các khoản chi được trừ và không được trừ 

Tên của điều luật này nên sửa thành các khoản chi phí cho phù hợp với với Điều 8 về cách xác định thu nhập chịu thuế.

Khoản 1 Điều 10 quy định về các điều kiện để khoản chi được khấu trừ còn chung chung, có thể gây ra cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề như thế nào là các khoản chi hợp pháp, có đủ hóa đơn, chứng từ, các khoản chi thực tế phát sinh, do vậy Dự thảo cần có phần giải thích từ ngữ như thường thấy trong bất kỳ một đạo luật nào.

Khoản 2 Điều 10 Điểm e quy định về Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của đối tượng ngoài các ngân hàng, tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế vượt quá 1, 2 lần mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại tại thời điểm vay là không cụ thể vì mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại rất khác nhau. Đặc biệt khi có sự thành lập nhiều ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam thì mức lãi suất cho vay của các ngân hàng này sẽ thấp hơn so với các ngân hàng thương mại thành lập từ vốn của nhà đầu tư trong nước, tạo ra sự chênh lệch lớn giữa các mức lãi suất. Thêm vào đó, hiện nay mức lãi suất kinh doanh của ngân hàng đang theo xu hướng tự do hoá, nên quy định như trên sẽ rất khó áp dụng. Đương nhiên, các doanh nghiệp sẽ chọn mức lãi suất có lợi cho mình. Vì vậy nên quy định đây là mức lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại tại thời điểm vay thì hợp lý hơn. Thêm vào đó, mức quá 1, 2 lần đã không được trừ là quá thấp. Hiện nay doanh nghiệp cần vốn có thể vay qua nhiều kênh (ngân hàng, thị trường chứng khoán), nhưng kênh ngân hàng vẫn là kênh truyền thống (đặc biệt đối với doanh nghiệp mới thành lập). Nếu ngân hàng không cho vay thì việc vay vốn trong dân cư thường với giá rất cao, chứ không phải chỉ đến 1, 2 lần so với lãi vay ngân hàng. Vì vậy, cũng nên xem xét lại mức 1, 2 lần cho hợp lý, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khỏi bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp.

Điểm m, khoản 2 Điều 10 đưa ra hạn mức 10% và không cho phép các chi phí sau được khấu trừ khi tính thuế TNDN nếu các chi phí này vượt quá 10% tổng chi phí được trừ: chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, chi tiếp tân, khánh tiết, chi hoa hồng môi giới, chi phí hội nghị; chi phí hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chi phí chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của các cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Quy định như trên không hợp lý đối với các doanh nghiệp đã gây dựng được thương hiệu, uy tín trong con mắt của cộng đồng, và đặc biệt là với các doanh nghiệp mới thành lập. Mức 10% này là quá thấp, vì các doanh nghiệp thời nay (thời hội nhập) phải chi phí rất nhiều cho công tác tiếp thị, quảng cáo để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn cầu. Có thể nói, các chi phí trên luôn đồng hành với doanh nghiệp trên mọi chặng đường kinh doanh. Nếu khống chế như vậy, sẽ không tạo được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường, doanh nghiệp thậm chí không thể tồn tại được, người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng theo.

Ngoài ra, Dự luật cũng nên quy định rõ cơ sở của việc đưa ra hạn mức 10% là gì. Trên thực tế, doanh nghiệp trong mỗi lĩnh vực ngành nghề, mỗi quy mô khác nhau có các loại chi phí đặc thù khác nhau và mức chi phí khác nhau. Để đảm bảo tính thực thi của điều khoản này, Dự thảo nên đưa ra các mức loại chi phí khác nhau và các tỉ lệ khống chế phù hợp tương ứng cho từng loại ngành nghề và quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Thậm chí, nếu cần thiết, một số loại chi phí nhất định thực tế phát sinh ở mức cao và phổ biến cho các doanh nghiệp, Dự thảo nên cho phép doanh nghiệp khấu trừ toàn bộ 100%.

Về thuế suất 

Mức thuế suất trong Dự thảo quy định 25% là hơi cao so với nhiều quốc gia trên thế giới. Nên hạ mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (có thể ở mức 22%) nhằm khuyến khích, động viên ý thức tự giác doanh nghiệp nộp thuế, đảm bảo nguồn thu và phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời tránh sự sửa đổi, bổ sung luật ít nhất là trong thời gian 5 năm, kể từ khi Luật có hiệu lực.

Xu hướng những năm gần đây cho thấy nhiều nước chuyển từ ưu đãi theo tiêu chí ngành nghề, lĩnh vực sang ưu đãi cách khuyến khích tổng thể nền kinh tế bằng chính sách điều tiết thuế TNDN hợp lý (hạ thuế suất), chỉ tập trung ưu đãi vào phát triển một số rất ít ngành mũi nhọn và vùng khó khăn. Ví dụ, Trung Quốc, bên cạnh việc hạ thuế suất thuế TNDN từ 33% xuống còn 25% đã mạnh dạn xoá bỏ (theo lộ trình 5 năm) hầu hết các ưu đãi thuế, kể cả ưu đãi đối với các doanh nghiệp nước ngoài trước đây. Về lĩnh vực, Trung Quốc chỉ còn ưu tiên cho doanh nghiệp có công nghệ cao đồng thời là công nghệ mới; về địa bàn, Trung Quốc chỉ còn ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng tự trị và khó khăn ở phía Tây. Singapore đã hạ thuế suất thuế TNDN từ 20% xuống còn 19%; Philippine giảm thuế suất từ 35% xuống 30%. Riêng Hồng Kông, với lợi thế đặc biệt và mức thu nhập bình quân cao, họ đã áp dụng mức thuế 17,5% trong khoảng hai chục năm nay và coi đây chính là mức ưu đãi cho toàn xã hội, kể cả doanh nghiệp và cá nhân, nhằm tạo sức cạnh tranh của cả cộng đồng đối với phần còn lại của thế giới[1].

Dựa vào kinh nghiệm trên của các nước trong khu vực, việc ban hành Luật TTNDN mới cũng phải tính tới một mức thuế suất hợp lý, cách thức ưu đãi đầu tư để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đảm bảo nguồn thu cho NSNN.

Về ưu đãi thuế TNDN 

Hiện nay, xu hướng thuế TNDN với mức lãi suất thấp với ít ưu đãi đầu tư đang được các nước ưa chuộng. Vì vậy, ưu đãi thuế TNDN phải có mục tiêu rõ ràng, minh bạch, đảm bảo cho nhà đầu tư có thể dự đoán được chi phí và lợi ích mang lại. Điều tiết thuế TNDN theo hướng không cần ưu đãi nhiều, chỉ tập trung cho một số ngành mũi nhọn, vùng đặc biệt khó khăn để giảm bớt chi phí cho nhà đầu tư, coi trọng tính hiệu quả của chính sách thuế.

Không nên lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi thuế TNDN, vì sẽ làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý. Khoản 3 Điều 17 Dự thảo quy định, miễn thuế TNDN đối với phần thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số thay vì chi từ ngân sách nhà nước sẽ dẫn đến sự phức tạp trong chính sách, không đảm bảo công bằng. Thực tế việc miễn, giảm thuế chỉ có ý nghĩa khi người được miễn, giảm có phát sinh số thuế phải nộp, còn đối với đơn vị không phát sinh số thuế phải nộp thì việc miễn giảm thuế không có ý nghĩa thiết thực.

Về miễn, giảm thuế 

Quy định này sẽ không có ý nghĩa khi doanh nghiệp đã thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chưa có lợi nhuận. Việc phân biệt thời hạn áp dụng thuế suất ưu đãi 10 nămQ, 15 năm, hay việc quy định quá chi li về ưu đãi thuế đối với nhiều ngành nghề, lĩnh vực địa bàn cũng như mức thuế suất sẽ gây phức tạp cho chính sách thuế. Nên thống nhất một mức thuế suất ưu đãi và thời hạn có thể khác nhau đối với địa bàn khác nhau.

Về chuyển lỗ 

Điều này quy định thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm là không hợp lý. Việc chuyển lỗ trên thực tế giữa các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn, nhóm công ty hiện cũng gặp nhiều rắc rối, chưa có quy định cụ thể, làm gia tăng tình trạng chuyển lợi nhuận qua xác định giá bán trong nước với nhau, làm cho việc quản lý các chi phí và thu nhập ngày càng phức tạp. Về nguyên tắc thuế thu nhập tính trên lãi của doanh nghiệp, nếu lỗ thì doanh nghiệp không phải nộp thuế. Mặt khác nếu quy định thời gian thì khi áp dụng, doanh nghiệp trả thuế phải đăng ký và thực hiện một số thủ tục nhất định, nếu không thì doanh nghiệp không được phép chuyển lỗ. Điều này có thể tạo cơ hội cho tình trạng cửa quyền và hành vi xin /cho của cơ quan thuế. Vậy, nên bỏ quy định về chuyển lỗ.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật TTNDN sửa đổi. Về cơ bản, Dự luật đã có những thay đổi tiến bộ, dần phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thuế TNDN là một sắc thuế trực thu, trực tiếp đánh vào thu nhập của doanh nghiệp, do vậy luật pháp điều chỉnh loại thuế này phải được thiết kế một cách hợp lý để giải quyết hài hoà mối quan hệ về lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Thuế TNDN tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đáng kể đến cạnh tranh quốc tế trong thu hút nguồn vốn đầu tư. Các nước thường sử dụng các quy định cụ thể trong luật TTNDN nhằm tạo sự thuận lợi và hấp dẫn hơn so với nước khác, nói cách khác, tạo lợi thế so sánh về thuế để thu hút đầu tư nước ngoài. Do vậy, luật thuế cũng cần bổ sung các quy định như về vấn đề chuyển nợ xấu của các doanh nghiệp, ưu đãi đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ, về xử lý các khoản lỗ hoặc thiệt hại của doanh nghiệp từ sự thay đổi tỷ giá hối đoái hay lạm phát, trượt giá, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường và tự giác nộp thuế./.

[1] Xem Tờ Trình Chính phủ về dự án sửa đổi Luật Thuế TNDN ngày 20/2/2008.


 TS Lê Thị Thu Thuỷ 

Các văn bản liên quan