Luật Thuế giá trị gia tăng nên sửa đổi theo hướng nào?

Thứ Bảy 12:40 10-05-2008

Sau 9 năm ban hành và thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng (Luật thuế GTGT) đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn thu lợi nhuận với các mức thuế suất khác nhau, linh hoạt, tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, góp phần tạo nguồn thu không nhỏ và ổn định cho ngân sách nhà nước.

Sau 9 năm ban hành và thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng (Luật thuế GTGT) đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn thu lợi nhuận với các mức thuế suất khác nhau, linh hoạt, tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, góp phần tạo nguồn thu không nhỏ và ổn định cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, những cơ hội và thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam rất lớn. Để giúp các doanh nghiệp có thể đứng vững trên thương trường và cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài, để các sản phẩm của doanh nghiệp được người tiêu dùng ưa chuộng, đòi hỏi chính sách, pháp luật thương mại nói chung, pháp luật thuế nói riêng của Việt Nam phải có những sửa đổi cơ bản, hướng tới các mục tiêu minh bạch, hiệu quả, công bằng, đảm bảo các nguyên tắc của WTO. Đặc biệt đối với Luật thuế GTGT, nếu chúng ta sửa không khéo sẽ làm nảy sinh những tác động tiêu cực của thuế GTGT đối với hoạt động thương mại, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, gây bất bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các đối tượng nộp thuế, sẽ làm thất thoát số tiền rất lớn của ngân sách nhà nước, bởi lẽ các hiện tượng mua bán hoá đơn chứng từ xuất khẩu khống, hành vi gian lận thuế GTGT diễn ra ngày càng tinh vi và rất phức tạp. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật thuế GTGT theo hướng nào là điều băn khoăn, không chỉ từ phía các nhà doanh nghiệp, người tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ mà còn là nỗi lo của các nhà quản lý, những người làm chính sách.

Sửa đổi Luật Thuế GTGT phải phù hợp với xu hướng cải cách hệ thống thuế trên thế giới

Việt Nam hiện đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), vì vậy, một yêu cầu đặt ra là phải từng bước mở cửa thị trường hàng hoá, thị trường tài chính trong nước, thông qua các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu, tuân thủ các nguyên tắc thương mại về không phân biệt đối xử, việc bảo hộ nền sản xuất trong nước chỉ được thực hiện thông qua thuế xuất, nhập khẩu, không được duy trì các biện pháp bảo hộ phi thuế quan. Để bù đắp sự suy giảm nguồn thu từ thuế nhập khẩu, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, những loại thuế tiêu dùng (VAT, tiêu thụ đặc biệt), thuế thu nhập, thuế tài sản trở thành chỗ dựa chủ yếu về nguồn thu cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên các sắc thuế này cần có những sửa đổi cơ bản, dựa trên các nguyên tắc nhất định: mở rộng đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, từng bước thu hẹp phạm vi các đối tượng được hưởng ưu đãi, miễn, giảm thuế, không chịu thuế, tách chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế; giảm số lượng và mức thuế suất nhằm đảm bảo mức động viên hợp lý vào ngân sách nhà nước theo hướng thu trên diện rộng, tăng cường tính hiệu quả và công bằng của thuế nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cơ cấu hệ thống thuế hợp lý, tính cân đối của các loại thuế trực thu đánh trên thu nhập, gián thu đánh trên hàng hoá, dịch vụ và thuế đánh trên tài sản, trên cơ sở đó góp phần đảm bảo nguồn thu và sự ổn định của thu ngân sách nhà nước.

Kinh nghiệm cải cách hệ thống thuế của các nước có nền kinh tế đang phát triển và có nền kinh tế chuyển đổi cho thấy, VAT là nguồn thu quan trọng nhất trong các nguồn thu từ thuế với việc áp dụng VAT đơn thuế suất (ngoài mức thuế suất 0% đối với hàng xuất khẩu), cơ sở đánh thuế trên diện rộng, áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, cơ chế khấu trừ và hoàn thuế đơn giản, minh bạch. Bên cạnh đó, thuế GTGT chỉ phát huy tối đa hiệu quả trong một môi trường pháp lý đồng bộ, mặt bằng dân trí cũng như các điều kiện kinh tế - xã hội tương đối phát triển. Vì vậy, việc sửa đổi Luật thuế GTGT không những cần đáp ứng các yêu cầu trên mà còn phải phù hợp với các đạo luật khác điều chỉnh đời sống kinh tế của người dân, của doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế, Luật Cạnh tranh, các đạo luật về thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, thuế chống bán phá giá...

Sửa đổi trên cơ sở các bất cập của pháp luật thuế hiện hành và phải phù hợp với thông lệ quốc tế

Hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia luôn trong quá trình hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn. Thậm chí một đạo luật khi vừa mới ra đời cũng đã thấy những bất cập nhất định, ví dụ như Luật Cạnh tranh. Chính vì vậy, để tránh tình trạng lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn, các nhà làm luật nên trân trọng thông lệ quốc tế và đương nhiên là có tính tới các điều kiện đặc thù của Việt Nam. Có thể nói, sự tham gia của Việt Nam vào Tổ chức thương mại thế giới là cơ hội để chúng ta sửa đổi hệ thống pháp luật cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, chúng ta phải chớp lấy cơ hội này mà sửa đổi luật, tư duy luật phải đổi mới, bỏ bao cấp đối với mọi doanh nghiệp trong nước.

Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế: Luật thuế GTGT sửa đổi nên quy định hoạt động chịu thuế GTGT là các hoạt động chuyển giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ ở Việt Nam của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, nhập khẩu hàng hoá thay vì đối tượng chịu thuế theo Luật hiện hành, bởi lẽ thuế GTGT xét dưới góc độ pháp lý là quan hệ pháp luật phát sinh giữa người tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ chịu thuế với Nhà nước nên sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ thuế GTGT là hành vi, trong trường hợp này là các hoạt động làm gia tăng giá trị hàng hoá, dịch vụ. Các hoạt động chuyển giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ được thực hiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng ở Việt Nam mới là hoạt động chịu thuế, chứ không chỉ đơn thuần hàng hoá, dịch vụ.

Thứ hai, về đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT: Luật thuế GTGT hiện hành quy định đối tượng không chịu thuế GTGT với 28 nhóm là quá rộng, làm cho chính sách thuế trở nên phức tạp. Do không chịu thuế nên các đơn vị sản xuất kinh doanh mua hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế sẽ không được khấu trừ thuế đầu vào. Mặt khác, nhóm hàng hoá dịch vụ không chịu thuế thuộc Khoản 28 Điều 4 Luật hiện hành lại được xác định trên cơ sở thu nhập của các cá nhân kinh doanh để quy định mức không chịu thuế là chưa hợp lý.

Để đảm bảo tính liên hoàn của thuế GTGT trong việc khấu trừ, tính thuế đầu vào, đầu ra, cần thu hẹp hơn nữa diện không chịu thuế, mở rộng diện chịu thuế. Hàng hoá dịch vụ không chịu thuế GTGT chỉ nên để các nhóm như sản phẩm nông nghiệp và một số nguyên liệu đầu vào phục vụ cho lĩnh vực này, dịch vụ giáo dục, y tế, dịch vụ tài chính, hoạt động viện trợ, văn hoá phẩm thiết yếu và hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Cần xác định rõ mục tiêu của việc ban hành Luật thuế này là đảm bảo nguồn thuC, tính hiệu quả của công tác quản lý thuế, chứ không nên kết hợp nhiều mục tiêu quá như: cả đảm bảo nguồn thu, vừa đảm bảo chính sách kinh tế, ngành vùng, lãnh thổ, vừa thực hiện chính sách xã hội. Có những trường hợp việc liệt kê vào đối tượng không chịu thuế gây bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chịu thuế GTGT vì không được khấu trừ thuế đầu vào. Để đảm bảo tính liên hoàn của thuế GTGT và đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, Luật thuế GTGT cần tránh đặc ân đối với nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Nên quy định: sản phẩm là bộ phận nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể người bệnh, nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác cho người tàn tật thuộc vào diện chịu thuế suất 0% vì các cơ sở sản xuất các sản phẩm như nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác được khấu trừ đầu vào sẽ kích thích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, tạo điều kiện cho cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng lợi từ quy định này. Ngoài ra, phải loại bỏ hàng hoá dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức lương tối thiểu của công chức nhà nước khỏi danh mục không chịu thuế GTGT, vì thuế GTGT được xác định trên cơ sở hàng hoá dịch vụ khi tiêu dùng, bán ra chứ không dựa trên thu nhập của chủ thể kinh doanh hàng hoá dịch vụ. Đây không phải là đối tượng thuộc sự điều chỉnh của Luật thuế GTGT. Nếu đưa đối tượng này vào sẽ vừa gây phức tạp trong quản lý thuế vừa không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Luật thuế GTGT nên đưa hàng hoá, dịch vụ cung ứng trong hoạt động vận tải quốc tế vào diện chịu thuế suất 0%. Điều này là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ nó là cơ sở cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, tận dụng vốn đầu tư, tái đầu tư mở rộng, khuyến khích tăng tỷ trọng doanh thu vận tải quốc tế.

Bên cạnh những quy định trên, Luật thuế GTGT sửa đổi cũng cần làm rõ những vấn đề như dịch vụ tín dụng, dịch vụ tài chính phái sinh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là những dịch vụ nào, vì các khái niệm trên không thể tìm thấy trong bất kỳ văn bản pháp luật nào, do vậy, không thể áp dụng trên thực tế. Vì thế, Luật thuế GTGT nên có điều luật về giải thích từ ngữ để tránh tình trạng có các cách hiểu và vận dụng khác nhau về cùng một vấn đề.

Ngoài ra, Luật thuế GTGT nên có sự sắp xếp lại các điều luật một cách hợp lý theo hướng: Điều 1 là phạm vi điều chỉnh, Điều 2 là người nộp thuế, sau đó Điều 3 là hoạt động chịu thuế, Điều 4 là hoạt động không thuộc diện chịu thuế, như vậy sẽ logic hơn.

Thứ ba, về người nộp thuế: Nên có quy định cụ thể những đối tượng nào phải nộp thuế và đối tượng nào không phải nộp thuế GTGT. Có như vậy thì người nộp thuế mới hiểu rõ và thấy được tính minh bạch của Luật thuế GTGT và vì vậy, tính tuân thủ sẽ được nâng lên.

Thứ tư, về ngưỡng chịu thuế GTGT: Theo quy định của Luật thuế GTGT hiện hành thì tất cả các cơ sở kinh doanh và người nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT đều là người nộp thuế, trừ cá nhân kinh doanh hàng hoá dịch vụ có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức lương tối thiểu của công chức nhà nước. Thực tế cho thấy, phương pháp trực tiếp được áp dụng chủ yếu đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ, có chế độ kế toán, hoá đơn chứng từ chưa hoàn thiện. Doanh số hoạt động của các cơ sở này thấp, việc quản lý thu thuế tốn kém, không hiệu quả. Kinh nghiệm các nước áp dụng thuế GTGT cho thấy, họ thường quy định ngưỡng doanh thu chịu thuế. Những đối tượng nào không đạt mức doanh số này thì chuyển sang áp dụng thuế khoán ấn định trên doanh thu, còn các hộ kinh doanh còn lại bắt buộc phải thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ để tính thuế theo phương pháp khấu trừ.

Bên cạnh ngưỡng chịu thuế, Luật thuế GTGT nên quy định các đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT nếu thấy đảm bảo được đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ thì có thể làm đơn xin áp dụng thuế GTGT. Như vậy sẽ khuyến khích mở rộng đối tượng chịu thuế, đảm bảo tính liên hoàn, trung lập của thuế GTGT.

Thứ năm, về thuế suất: Để đảm bảo tính trung lập của thuế và tính thống nhất trong áp dụng, cần quy định 1 mức thuế suất 10% bên cạnh mức thuế suất 0%. Quy định như vậy sẽ tạo sự thuận lợi cho công tác quản lý thuế và tạo mặt bằng pháp lý giữa các hoạt động kinh tế. Đa số các mặt hàng hiện nay cũng áp mức thuế suất thuế GTGT 10% nên quy định như vậy sẽ không gây sự xáo trộn thị trường giá cả, vẫn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Luật nên xác định các đối tượng chịu thuế suất 0%, sau đó áp dụng phương pháp loại trừ để quy định đối tượng còn lại áp dụng thuế suất 10% mà không nhất thiết phải liệt kê. Nếu sử dụng phương pháp liệt kê có thể dẫn tới tình trạng bỏ sót đối tượng.

Cơ chế nhiều thuế suất dễ tạo cơ hội cho sự nhập nhằng và tuỳ tiện khi vận dụng, trốn lậu thuế, tăng chi phí kiểm soát, thanh tra thuế, giảm tính hiệu quả của thuế.

Thứ sáu, về phương pháp tính thuế: Luật thuế GTGT hiện hành quy định hai phương pháp tính thuế GTGT là khấu trừ thuế và tính trực tiếp trên GTGT. Điều này đã và sẽ lại dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các cở sở kinh doanh khi cùng tham gia thị trường nhưng lại có cách tính thuế và hưởng chế độ khấu trừ khác nhau. Thêm vào đó, phương pháp tính trực tiếp trên GTGT không phải là phương pháp dùng để tính và thu thuế trong thực hành thuế. Đây chỉ là thể hiện cách tiếp cận khoa học trong nghiên cứu nhằm chỉ rõ thuế GTGT là loại thuế đánh vào phần giá trị tăng thêm mỗi khi có GTGT xuất hiện. Phần lớn các cơ sở kinh doanh đang áp dụng phương pháp tính trực tiếp này đều không thực hiện tốt chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ. Do vậy, trong thực tiễn các cơ quan thuế thường xác định GTGT thông qua việc ấn định tỷ lệ GTGT hoặc ấn định doanh thu. Có trường hợp do xác định GTGT khá cao, dẫn đến mức nộp thuế GTGT trên doanh thu thực tế của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, nên các cơ sở kinh doanh có xu hướng kê khai doanh thu thấp hơn thực tế rất nhiều để trốn thuế. Như thế, thuế GTGT chỉ tồn tại về mặt lý thuyết. Vì vậy, theo chúng tôi, nên bỏ phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT và có thể cho áp dụng sớm ngưỡng thu thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh có doanh thu đến một mức doanh thu nhất định nào đó mới áp dụng thuế GTGT và chỉ áp dụng thống nhất phương pháp khấu trừ thuế. Đối tượng kinh doanh dưới ngưỡng doanh thu này sẽ không áp dụng thuế GTGT mà chuyến sang nộp thuế theo một tỷ lệ cố định trên doanh thu 1%, 2% chẳng hạn theo từng loại hình kinh doanh.

Thứ bảy, về khấu trừ thuế và hoàn thuế: Quy định về khấu trừ thuế phải làm sao để bảo đảm tính liên hoàn, trung lập, kinh tế cao của thuế GTGT. Các đối tượng nộp thuế thường lợi dụng cơ chế khấu trừ thuế nhằm lẩn tránh nghĩa vụ nộp thuế GTGT. Vì vậy, việc quy định về các điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là rất cần thiết. Đặc biệt, cần có điều kiện về chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hoá dịch vụ mua vào, trừ các trường hợp đặc biệt và hàng hoá dịch vụ mua từng lần có giá trị thấp. Thêm vào đó, nên làm rõ mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ ở mức bao nhiêu thì mới cần thiết phải có chứng từ qua ngân hàng và đòi hỏi phải có các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh phải có thực trên thực tế, bởi lẽ trong thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, việc mua bán khống hàng hoá nhằm mục đích rửa tiền là câu chuyện vẫn xảy ra. Ngoài ra, trong quá trình hoàn thiện Luật thuế GTGT, việc loại trừ dần đối tượng được hoàn thuế như: hoá đơn bán hàng thông thường, hàng hoá nông lâm thuỷ hải sản... lập bảng kê, không có hoá đơn chứng từ v.v... để giảm thiểu các trường hợp gian lận trong hoàn thuế GTGT, đảm bảo được mục tiêu yêu cầu của việc hoàn thuế, là vô cùng quan trọng.

Đối với cơ sở kinh doanh khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế nộp thừa không nên quy định trong điều luật về hoàn thuế, mà đây là trường hợp quyết toán thuế. Không phải mọi khoản tiền khi nhà nước trả lại cho doanh nghiệp đều xếp vào diện hoàn thuế.

Ngoài ra, Luật thuế GTGT nên thêm quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT là thời điểm xuất hoá đơn đối với hoạt động chuyển giao hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bởi lẽ khi xuất hoá đơn, các hàng hoá, dịch vụ đã được coi như chuyển giao, cung ứng cho khách hàng, khách hàng có thể thanh toán ngay hoặc trả chậm tuỳ thuộc vào sự thoả thuận. Thêm vào đó, tại thời điểm xuất hoá đơn, GTGT của hàng hoá, dịch vụ đã được xác định, do đó nghĩa vụ thuế GTGT mặc nhiên phát sinh.

Thứ tám, về hoá đơn, chứng từ: nên quy định cụ thể hơn về các loại hoá đơn chứng từ, cách thức sử dụng, mức chiết khấu, giảm giá cho người mua hàng, người cung ứng dịch vụ.giúp các cơ quan quản lý dễ dàng kiểm tra ngược các hoạt động phát sinh kèm theo và trước đó.

Tóm lại, phạm vi sửa đổi của Luật thuế GTGT lần này cần thể hiện tính toàn diện từ đối tượng nộp thuế, đối tượng không thuộc diện chịu thuế, phương pháp tính thuế, ngưỡng thu thuế, thuế suất, khấu trừ thuế, hoàn thuế. Bên cạnh đó, các quy định của Luật sửa đổi cũng nên theo hướng chi tiết, cụ thể và phù hợp với thông lệ quốc tế để dễ áp dụng trong thực tế, tránh tình trạng luật khung, luật ống.

 

TS Lê Thị Thu Thuỷ

 

 

 

Các văn bản liên quan