Hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng – nhìn từ nguyên tắc đánh thuế

Thứ Bảy 12:38 10-05-2008
Hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - nhìn từ nguyên tắc đánh thuế
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế gián thu đánh vào việc tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, doanh nghiệp là người nộp thuế còn người tiêu dùng là người chịu thuế. Trên thế giới, Pháp là nước đề xướng và pháp điển hóa thuế GTGT đầu tiên, sau đó là Đan Mạch và Braxin. Và các nước khu vực châu Á đã du nhập sắc thuế này.

 

1. Thuế đánh vào giá trị gia tăng thêm hay thuế đánh vào tiêu dùng? 

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế gián thu đánh vào việc tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, doanh nghiệp là người nộp thuế còn người tiêu dùng là người chịu thuế. Trên thế giới, Pháp là nước đề xướng và pháp điển hóa thuế GTGT đầu tiên, sau đó là Đan Mạch và Braxin. Và các nước khu vực châu Á đã du nhập sắc thuế này. Về nguyên tắc, thuế GTGT đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa và dịch vụ qua các khâu. Tuy nhiên, không hẳn ngay từ đầu nguyên tắc đánh thuế này đã được quán triệt. ở Indonesia, vào thời điểm du nhập năm 1985, thuế GTGT chỉ đánh ở khâu sản xuất nhằm đơn giản hóa việc xác định nghĩa vụ nộp thuế. Sau đó, từ năm 1989, thuế GTGT mới đánh trên giá trị tăng thêm ở khâu bán buôn.

Ở nước ta, Luật thuế GTGT được Quốc hội thông qua ngày 10/5/1997, thay thế cho Luật Thuế doanh thu 1990. Thuế GTGT tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa và dịch vụ qua các khâu từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng (Điều 1 Luật thuế GTGT).

Cùng tên gọi Luật thuế GTGT, nhưng ở nước ta, thuế GTGT áp dụng đối với đối tượng là các hàng hóa và dịch vụ dùng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, còn ở Trung Quốc, thuế GTGT áp dụng đối với đối tượng là hàng hóa, và dịch vụ sửa chữa, gia công [1] . Khác với Việt Nam và Trung Quốc, ở Nhật Bản, thuế GTGT được pháp điển hóa với tên gọi Luật Thuế tiêu dùng, đối tượng chịu thuế là các tài sản chuyển nhượng, tài sản cho thuê và dịch vụ cung cấp.

Với tính chất động viên công bằng và trong diện rộng từ việc tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, Luật thuế GTGT giới hạn một số hàng hóa và dịch vụ không thuộc diện chịu thuế. Hàng hóa và dịch vụ này được phân thành hai nhóm: (i) nhóm hàng hóa và dịch vụ không mang tính chất tiêu dùng; và (ii) nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng mang tính chính sách xã hội.

Về nguyên tắc, khi doanh nghiệp bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp có nghĩa vụ cộng thêm thuế GTGT trên tổng giá hàng hóa hoặc dịch vụ. Trong một số trường hợp, giá bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ đã bao gồm cả thuế GTGT. Với tính chất gián thu, thuế GTGT không tạo ra sức ép trực tiếp đến người tiêu dùng. Sau khi chi trả tiền hàng hóa, dịch vụ có thuế cho doanh nghiệp, người tiêu dùng tách khỏi quá trình kê khai nộp thuế GTGT vào ngân sách nhà nước.

Đối với doanh nghiệp bán lẻ, tại thời điểm bán hàng có thể xác định chính xác mức thuế mà Nhà nước được quyền thu theo pháp luật thuế GTGT. Tuy nhiên, tổng số thuế người tiêu dùng phải nộp ở khâu bán lẻ đã được các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, bán buôn đã nộp ở khâu trước. Có nghĩa là, thuế GTGT do doanh nghiệp nộp ở khâu trước được chuyển hóa thành nghĩa vụ nộp thuế của người tiêu dùng.

 Đối với hàng hóa và dịch vụ không thuộc diện chịu thuế, người mua hàng hóa và được cung cấp dịch vụ sẽ được Nhà nước hoàn lại thuế đã nộp, còn doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Như vậy, cả Luật thuế GTGT và Luật Thuế tiêu dùng đều có mục đích đánh thuế như nhau, tuy nhiên, tên gọi Luật thuế GTGT đặt trọng tâm xác định nghĩa vụ nộp thuế GTGT của các doanh nghiệp, vị trí của người tiêu dùng không thể hiện rõ bằng qui định pháp luật cụ thể. Trong khi đó, tên gọi Luật Thuế tiêu dùng xác định nghĩa vụ chịu thuế của người tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ. Tên gọi này ít nhiều tác động trực tiếp đến ý thức thực hiện nghĩa vụ chịu thuế của người tiêu dùng và đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh hợp lý nghĩa vụ nộp thuế của người tiêu dùng.

2. Sửa đổi Luật thuế GTGT điều chỉnh lợi ích của người tiêu dùng hay lợi ích của doanh nghiệp2?

Qui định về đối tượng hàng hóa và dịch vụ chịu thuế là cơ sở thực hiện quyền thu thuế của Nhà nước, nghĩa vụ kê khai nộp thuế của doanh nghiệp và nghĩa vụ chịu thuế của  người tiêu dùng.

Dự thảo Luật thuế GTGT có điều chỉnh mới về đối tượng hàng hóa dịch vụ chịu thuế. Cụ thể là, trước đây hàng hóa, dịch vụ cung cấp trực tiếp cho vận tải quốc tế không thuộc diện chịu thuế GTGT, nhưng nay chuyển thành đối tượng thuộc diện chịu thuế GTGT[2]. Theo tờ trình của Chính phủ về sửa đổi Luật thuế GTGT, mục đích của việc sửa đổi là để góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải Việt Nam cạnh tranh với các hãng vận tải nước ngoài [3] . Tuy nhiên, khi xem xét bản chất của dịch vụ vận tải quốc tế thì có thể thấy, thực chất của việc sửa đổi là nhằm tạo ra quyền thu thuế của Nhà nước, chứ không phải lợi ích của doanh nghiệp. Ngoài ra, sửa đổi này chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Sự bất hợp lý là do theo Luật thuế GTGT 2003, vận tải quốc tế  được xếp vào loại dịch vụ không thuộc diện chịu thuế (khoản 22 Điều 4), đương nhiên, dịch vụ này không được áp dụng mức thuế suất 0% đối với xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ theo Điều 8 Luật Thuế GTGT (Điều 7 Dự thảo) và không được khấu trừ thuế đầu vào. 

Theo thông lệ quốc tế, vận tải quốc tế là một hoạt động cung cấp dịch vụ xuất khẩu với thuế suất bằng 0%. Theo đó, hàng hóa và dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp vận tải quốc tế là phục vụ cho xuất khẩu dịch vụ, bởi vậy, doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào [4] . Nếu sửa đổi qui định này phù hợp với thông lệ quốc tế thì cần có một điều khoản qui định về hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu áp dụng mức thuế suất là 0%, trong đó cần liệt kê các loại dịch vụ xuất khẩu trong đó có vận tải quốc tế. Nếu đưa vận tải quốc tế trở về đúng bản chất của dịch vụ xuất khẩu thì Luật thuế GTGT phải công nhận nguyên tắc khấu trừ thuế đầu vào đối với doanh nghiệp sử dụng hàng hóa và dịch vụ phục vụ cho vận tải quốc tế [5] . 

Ngoài ra, còn phải bàn tới việc đánh thuế GTGT đối với dịch vụ bảo hiểm. Luật thuế GTGT hiện hành cũng như Dự thảo Luật thuế GTGT qui định: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm học sinh, bảo hiểm vật nuôi cây trồng và dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài là đối tượng không chịu thuế.

Như vậy, hầu hết các loại bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm liên kết đầu tư thuộc đối tượng chịu thuế. Do hoạt động bảo hiểm này thuộc đối tượng chịu thuế, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) khi bán bảo hiểm phải tính thêm 10% thuế GTGT để nộp cho Nhà nước. Do thuế tính gộp vào  phí bảo hiểm nên vô hình trung đã làm tăng giá mua bảo hiểm.

Nếu xem xét bản chất hoạt động bảo hiểm kinh doanh do NNBH tiến hành thì có thể thấy, việc đánh thuế GTGT vào hoạt động bảo hiểm là bất hợp lý. Theo quan điểm của Hiệp hội Bảo hiểm thì bản chất của bảo hiểm không có giá trị gia tăng, tức là thỏa thuận thu phí bảo hiểm chỉ nhằm mục đích tạo lập quĩ bảo hiểm để bồi thường cho những tổn thất phát sinh cho người được bảo hiểm [6] .  Thực chất với thỏa thuận thu phí bảo hiểm, DNBH có nghĩa vụ chi trả tiền bồi thường với giá trị gấp nhiều lần so với phí bảo hiểm do người tham gia bảo hiểm đóng khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Xuất phát từ đặc thù của hoạt động bảo hiểm, nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản và Hàn Quốc công nhận dịch vụ bảo hiểm - phí bảo hiểm không thuộc diện chịu thuế.

Từ lý luận về thuế giá trị gia tăng và thông lệ quốc tế về điều chỉnh pháp luật, cần đưa các loại bảo hiểm do DNBH cung cấp vào đối tượng dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT.

3. Vận dụng nguyên tắc công bằng trong xác định mức thuế suất thuế GTGT

Luật thuế GTGT nước ta và các nước trên thế giới áp dụng nguyên tắc công bằng theo chiều ngang để xác định mức thuế suất đối với hàng hóa và dịch vụ chịu thuế. Có nghĩa là, khi tiêu dùng cùng một loại hàng hóa hay dịch vụ thì phải chịu loại thuế suất như nhau. Theo đó, cá nhân có mức thu nhập ngang nhau có khả năng đóng một khoản thuế tiêu dùng như nhau. 

Nguyên tắc công bằng theo chiều dọc với qui định về ngưỡng đánh thuế và thuế suất lũy tiến không được áp dụng. Bởi vậy, trên thực tế sẽ phát sinh một nghịch lý là người có thu nhập thấp cũng phải chịu chung một mức thuế như người có thu nhập cao khi tiêu dùng cùng một loại hàng hóa.

Để khắc phục nhược điểm trên đây, Luật thuế GTGT qui định nhóm hàng hóa và dịch vụ không thuộc diện chịu thuế mang tính chính sách xã hội, và mức thuế suất thấp hơn đối với hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Ở nước ta, Luật thuế GTGT qui định hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong nước với mức thuế suất là 5% và 10%. Trong đó, thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Nếu so sánh mức thuế suất GTGT cơ bản áp dụng ở Trung Quốc là 17% và thuế suất thấp hơn là 13% áp dụng đối với ngũ cốc, dầu ăn, phân bón và 4% đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp bởi doanh nghiệp thương mại có qui mô nhỏ, thì có thể nói, mức thuế suất GTGT ở nước ta tương đối thấp. Nhưng nếu so sánh mức thuế suất 5% áp dụng chung cho mọi đối tượng chịu thuế ở Nhật Bản thì có thể nói, mức thuế GTGT ở nước ta còn cao.

Đứng trên quan điểm Nhà nước động viên một nguồn tài chính từ tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, thì thuế suất càng thấp sẽ khuyến khích tiêu dùng và gánh nặng về thuế không tạo ra sự phản ứng từ phía người tiêu dùng. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là Dự thảo Luật thuế GTGT cần qui định mức thuế thấp phù hợp với khả năng đóng thuế gián thu nói chung, đặc biệt là phải chú ý tới một bộ phận đông đảo cư dân ở nông thôn cần sử dụng nhiều sản phẩm và dịch vụ thiết yếu cho sinh hoạt và sản xuất hiện tại.

*

Có thể nói, thuế GTGT là công cụ hữu hiệu để tạo ra  nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Dự thảo sửa đổi Luật Thuế GTGT ở nước ta mới chỉ nhằm điều chỉnh nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp qua các khâu. Để sửa đổi có tính khoa học và phù hợp với thực tế, cần phải dựa trên nguyên tắc công bằng và xác định chính xác giá trị tăng thêm của hàng hóa và dịch vụ. Với những sửa đổi phù hợp, có thể kỳ vọng Luật Thuế GTGT mới sẽ góp phần tạo ra ý thức về thực hiện nghĩa vụ chịu thuế của người tiêu dùng, đồng thời tạo lập ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Người tiêu dùng tuy không trực tiếp nộp thuế nhưng là người chịu gánh nặng về thuế, bởi vậy, bên cạnh hoàn thiện các qui định của Luật Thuế GTGT thì cần phải hoàn thiện pháp luật về ngân sách nhà nước liên quan đến quyền hưởng lợi từ ngân sách nhà nước của người đóng thuế và lợi ích của địa phương, nơi có nhiều tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ.

[1] Thuế tiêu dùng các loại dịch vụ khác trừ dịch vụ gia công và sửa chữa áp dụng theo Luật Thuế kinh doanh.

 

[2] Dự thảo sửa đổi Luật thuế GTGT tháng 2/2008.

[3] Tham khảo Tờ trình Chính phủ về Dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) 1/2008, trang 2,3.

[4] Theo Luật thuế tiêu dùng Nhật bản,  hoạt động xuất khẩu không chỉ bao gồm hàng hóa mà còn  bao gồm vận tải quốc tế, điện thoại quốc tế và dịch vụ cung cấp cho nước ngoài, các chi phí mua hàng hóa và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu như chi phí về thông tin liên lạc, mua bán vật dụng cho vận chuyển hàng hóa và hành khách được khấu trừ đầu vào. Luật thuế GTGT của Hàn Quốc qui định áp dụng mức thuế suất là 0% đối với dịch vụ vận chuyển quốc tế bằng tầu biển và máy bay ( Đ iều 11).

[5] Trên thực tế, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ xuất khẩu chẳng hạn đối với doanh nghiệp vận tải quốc tế để cung cấp được dịch vụ xuất khẩu, họ phải sử dụng nhiều hàng hóa và dịch vụ đầu vào mua tại thị trường nội địa.

[6] Bản góp ý của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Báo cáo tham gia Hội thảo sửa đổi Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và Thuế GTGT. VCCI ngày 22/2/2008, trang 1.

TS Nguyễn Thị Lan Hương

Các văn bản liên quan