Có nên tiếp tục thu thuế GTGT đối với ngân sách?

Thứ Ba 09:05 25-03-2008
Có nên tiếp tục thu thuế GTGT đối với ngân sách?

Theo luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành, các công trình xây lắp phải chịu thuế suất GTGT 10%, nghĩa là, hàng năm, ngân sách phải chi khoảng 15.000 tỉ đồng (mười lăm ngàn tỉ đồng) cho thuế GTGT để trả cho các doanh nghiệp xây lắp. Sau đó, các doanh nghiệp xây lắp trích lại 15.000 tỉ đồng để nộp thuế GTGT theo luật định.   
 

H àng năm, ngân sách phải chi khoảng 15.000 tỉ đồng (mười lăm ngàn tỉ đồng) cho thuế GTGT để trả cho các doanh nghiệp xây lắp. Sau đó, các doanh nghiệp xây lắp trích lại 15.000 tỉ đồng để nộp thuế GTGT theo luật định.

Ví dụ, đối với trường hợp công trình Hầm Hải Vân ngân sách đầu tư 5.500 tỉ đồng, trong đó, chính phủ phải trả thuế GTGT là 500 tỉ đồng. Các doanh nghiệp xây lắp được nhận 500 tỉ đồng thuế GTGT từ ngân sách, sau đó phải nộp lại thuế (ngân sách) 500 tỉ đồng. Đồng tiền ngân sách chạy vòng quanh! Không khéo lại thất thoát! Dĩ nhiên, theo luật thuế GTGT hiện hành, doanh nghiệp nộp thuế GTGT làm hai lần (đầu vào khi mua vật tư và đầu ra theo phương pháp khấu trừ).

 

Tôi không có điều kiện đi các nước để học tập kinh nghiệm nước ngoài. Xin phép được hỏi, ở các nước khác, nhà nước có đánh thuế chính phủ không?


Mở rộng vấn đề ra, khi các cơ quan sự nghiệp mua sắm phương tiện đi lại và trang thiết bị bằng ngân sách: tài chính cân đối ngân sách cấp cho các cơ quan để trả cho các nhà cung cấp, dĩ nhiên, phải có thuế GTGT theo thuế suất quy định. Sau đó, nhà cung cấp phải nộp lại số thuế đó cho ngân sách. Nguồn thu ngân sách không tăng thêm gì cả?
 

Theo báo cáo quyết toán ngân sách những năm qua, Chính phủ cân đối mỗi năm khoảng 160.000 tỉ đồng (một trăm sáu mươi ngàn tỉ đồng) cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như cầu, đường, cảng, bệnh viện, trường học...

Xin phép được hỏi, có biện pháp nào đơn giản hơn để ngân sách không phải chạy vòng quanh như trên? Mong các chuyên gia kinh tế có cao kiến giúp đỡ việc này cho ngân sách đỡ phải cân đối hàng năm thêm 15.000 tỉ đồng chỉ để chi trả thuế giá trị gia tăng thì hay quá!
 
Trong thời gian Quốc hội đang họp bàn cân đối ngân sách thu chi năm 2007, tôi xin đề xuất ý kiến với các Đại biểu Quốc hội: các dự án sử dụng vốn ngân sách để xây lắp công trình công cộng và mua sắm phương tiện, thiết bị cho các cơ quan sự nghiệp được sử dụng thuế suất GTGT 0%. Hệ quả là:

 

- Ngân sách không phải cân đối chi thêm hàng năm từ 15.000 đến 20.000 tỉ đồng mỗi năm chỉ để nộp thuế GTGT.

 

- Ngành thuế không phải theo dõi đường đi của 15.000 tỉ đồng xuất ra của ngân sách cho thuế GTGT, mà chỉ tập trung kiểm tra các hoá đơn đầu vào khi xét hoàn thuế.

 

Thực chất, số tiền thuế GTGT, doanh nghiệp chỉ thu hộ ngân sách, vì theo định nghĩa, thuế GTGT là loại thuế gián thu, đánh vào người tiêu thụ sản phẩm. Trường hợp công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách (Trái phiếu chính phủ, ngân sách trung ương và địa phương, vốn ODA…), chính phủ là người tiêu thụ. Tóm lại, mỗi năm chính phủ nộp thuế GTGT cho ngành thuế 15.000 tỉ đồng!

- Ngành thuế không thu thêm 15.000 tỉ đồng của ngân sách, vì thực chất, các năm qua ngân sách phải cân đối chi ra để tạo con “số tăng” này.
 
Khi thông qua tổng thu chi ngân sách hàng năm, các Đại biểu Quốc hội có được thông tin đầy đủ và minh bạch rằng: “Trong tổng chi hàng năm của ngân sách đã bao gồm 15.000 tỉ đồng (mười lăm ngàn tỉ đồng) để nộp thuế GTGT cho ngành thuế”?
 

Nêu vấn đề này lên có người cho rằng: Đây là vấn đề chi tay phải thu lại tức thì tay trái, chính phủ có mất gì mà phải nêu lên cho mất thì giờ! Nhưng sự thật có phải vậy không?
 
Thử nhìn vấn đề trên theo một số khía cạnh khác:
 
Đau đầu thay cho các doanh nhân hành nghề xây lắp! Trường hợp nhà nước chậm thanh toán 80.000 tỉ đồng xây lắp (trong đó có 7.500 tỉ đồng thuế GTGT) cho các doanh nghiệp. Thông thường, ngân sách các năm qua phổ biến là giải ngân chậm, chỉ trả khoảng 50% còn ba, bốn năm sau mới trả hết kể từ khi nghiệm thu công trình xây lắp.


Tức là, chính phủ chưa nộp thuế GTGT 7.500 tỉ đồng thì doanh nghiệp xây lắp sẽ bị nợ thuế 7.500 tỉ đồng! Ngành thuế đến yêu cầu các doanh nghiệp xây lắp nộp thuế GTGT 7.500 tỉ đồng vì đã nghiệm thu bàn giao công trình cho nhà nước rồi, phải báo cáo doanh thu, phải hạch toán để nộp thuế GTGT căn cứ luật thuế GTGT hiện hành theo phương pháp khấu trừ “đầu ra trừ đầu vào!”


- Doanh nghiệp lấy tiền đâu ra mà nộp? Không lẽ lại vay ngân hàng?


- Chính phủ còn nợ doanh nghiệp 80.000 tỉ đồng chưa trả mà!


- Thế là ngành thuế báo cáo lên trên: Thuế đang thất thu 7.500 tỉ đồng


- Đề nghị phạt doanh nghiệp (có thể gấp đôi thành 15.000 tỉ đồng)!


- Không lẽ có chủ trương nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách này sao!
 
Ngành thuế thật sự thất thu 15.000 tỉ đồng. Khi nhà nước thanh toán đủ 15.000 tỉ đồng tiền thuế GTGT cho các doanh nghiệp.  Nếu doanh nghiệp không trung thực, cố tình dùng các hoá đơn đầu vào khống (như một số trường hợp báo chí đã nêu), ngành thuế sẽ mất trắng 15.000 tỉ đồng (hoặc ít hơn một chút nếu quản lý tốt). Không lẽ các nhà làm luật cứ duy trì tình trạng nhà nước thanh toán 15.000 tỉ đồng hàng năm để chịu thất thoát nếu không quản lý được hoá đơn đầu vào theo luật thuế GTGT hiện hành?
 
Giả định “Quốc hội điều chỉnh luật thuế GTGT”. Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách áp thuế GTGT theo  thuế suất 0% (hiện nay là 10%). Khi đó, ngân sách hàng năm không duyệt chi để thanh toán 15.000 tỉ đồng thuế GTGT nữa. Ngành thuế tập trung kiểm tra hoá đơn đầu vào khi xét hoàn thuế cho các doanh nghiệp, chấm dứt tình trạng ngân sách chi để trả thuế GTGT đầu ra, rồi ngành thuế phải kiểm tra để thu hồi lại bằng phương pháp khấu trừ (đầu ra trừ đầu vào).
 

Thử nhìn toàn cục của vấn đề theo hệ thống thuế  đang áp dụng, người nước ngoài nghiên cứu luật thuế GTGT tại Việt Nam sẽ rút ra nhận xét rằng: một công trình hạ tầng kỹ thuật khi xác định giá trị dự toán và quyết toán sẽ có ba giá trị cách biệt nếu đầu tư bằng ba nguồn vốn khác nhau:


- Rẻ nhất: nguồn vốn ODA không hoàn lại, thuế đầu ra 0%, được hoàn thuế đầu vào;


- Trung bình: nguồn vốn nhân dân đóng góp và được nhà nước hỗ trợ 30%, không tính thuế đầu ra, không được hoàn thuế đầu vào;


- Đắt nhất: nguồn vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, ODA được chính phủ đối ứng, có thuế đầu ra 10%, được hoàn thuế đầu vào;
 

Xem ra, lý thuyết thống nhất hệ thống thuế GTGT để có cùng một giá trị công trình xây lắp khó thực thi quá!
 
Cử tri Việt Nam có thể phân tích như sau: Thử suy nghĩ, nếu áp thuế GTGT cho các công trình xây dựng công cộng và mua sắm phương tiện, thiết bị cho các cơ quan sự nghiệp bằng nguồn vốn ngân sách với thuế suất 0% thì có tác động gì  đến tầm kinh tế vĩ mô:


- Các báo cáo thu ngân sách hàng năm của địa phương và trung ương sẽ giảm khoảng 6% (15.000/250.000), ảnh hưởng đến thành tích báo cáo tăng nguồn thu cuối năm.


- Ngành thuế giảm thu 6%, các thành tích của ngành thuế sẽ ảnh hưởng theo con số này.
 
Tuy nhiên, phân tích kỹ, giảm thu 6% (từ nguồn ngân sách), cũng đồng thời là giảm chi 6% (15.000 tỉ đồng) cho ngân sách và được lợi là chính phủ nắm phần chủ động, không chi ngân sách ra rồi ngành thuế phải kiểm tra công phu để thu lại, dễ thất thoát.
 
Thử hỏi các nước xung quanh ta vẫn áp dụng thuế GTGT (VAT hay TAV), họ có vướng như ta không? Có lẽ, ở các nước tư bản, đa phần nhà đầu tư xây dựng công trình công cộng là tư nhân nên chính phủ vẫn thu được thuế tăng cho ngân sách của họ, đúng bản chất thuế GTGT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng trong xã hội, không đánh thuế vào chính phủ.
 
Dù sao, trên đây vẫn chỉ là giả thiết để tranh luận cho rõ một khi luật thuế GTGT chưa được Quốc hội xem xét và  điều chỉnh.

 

Nguyễn Ngọc Phụng
Dia chi: 1A Nguyễn Thiện Thuật Nha Trang

Các văn bản liên quan