Góp ý của Luật sư Trần Xoa – Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang

Thứ Ba 15:03 04-03-2008


GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT THUẾ TNDN
 

LS Trần Xoa
Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang
 
1. Về việc Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Dự thảo Luật quy định:

Điều 21. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

Trong khi các Điều 5, 6, 8, 10, 12, 14 và 15 đã quy định phạm vi hướng dẫn và Điều luật nào Chính phủ sẽ hướng dẫn.
Điều 5. Thu nhập chịu thuế

Chính phủ quy định cụ thể thu nhập khác nhận được từ các nguồn và phương pháp xác định thu nhập chịu thuế.
Điều 6. Doanh thu

Chính phủ quy định chi tiết cách xác định doanh thu đối với từng hoạt động kinh doanh quy định tại Điều này.
Điều 8. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 10. Thuế suất

Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 12. Nơi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều này.

Điều 14. Miễn thuế, giảm thuế

Chính phủ quy định cụ thể thời gian miễn thuế, giảm thuế quy định tại Điều này.

Điều 15. Ưu đãi đối với đầu tư mở rộng

… được trích khấu hao nhanh đối với tài sản cố định đầu tư theo quy định của Chính phủ.
 
Đề nghị Điều 21. Hướng dẫn thi hành “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.” Có thể bỏ đi hoặc sửa thành “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 5, 6, 8, 10, 12, 14 và 15”.

Đồng thời các Điều luật quy định chi tiết hơn để thi hành luôn mà không đơi Chính phủ hướng dẫn thêm.
 
2. Về từ ngữ: “Tỷ giá hối đoái” ở Điều 6 và Điều 7 xin sửa thành “Tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng”

3. Bổ sung làm rõ: Khoản 6 Điều 8: “6. Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của đối tượng ngoài các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các tổ chức kinh tế vượt quá 1,2 lần mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại tại thời điểm vay;” xin sửa “ngân hàng thương mại” thành “ngân hàng mà cơ sở kinh doanh có quan hệ giao dịch” như Thông tư 134/2007/TT-BTC.
 
Điều 8.Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

« 4. Phần chi vượt mức theo quy định của pháp luật có liên quan về: trích lập dự phòng; tiền trang phục; tiền ăn giữa ca; »

4. Đề nghị làm rõ:  tiền trang phục, tiền ăn giữa ca khống chế mức khi chi bằng tiền hay cả khi có hoá đơn GTGT?
 
“9. Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên công ty không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; các khoản chi trả cho người lao động không được quy định trong hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể theo quy định của Bộ luật lao động ; »

5. Đề nghị bỏ đoạn “Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân” vì tiền lương của các thành viên Công ty hợp danh và tiền lương, tiền công của cá nhân chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên khi tham gia điều hành DN đều được tính vào chi phí, tại sao trường hợp chủ DN tư nhân trực tiếp tham gia điều hành DN lại không được tính vào chi phí?
 
“10. Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu;”

6. Xin sửa thành: “Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu so với quy định về góp vốn của Luật Doanh nghiệp” 
  
  Điều 10. Thuế suất

1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%.

7. Nên điều chỉnh Thuế suất thuế TNDN giảm còn 20% hoặc 22%, vì ngoài những nguyên nhân giảm thuế theo giải trình của Bộ Tài chính thì Luật Thuế TNCN hiệu lực từ năm 2009 thu thuế thu nhập cá nhân (sau khi đã chịu thuế TNDN) đối với thu nhập từ đầu tư vốn với thuế suất 5%.

Ví dụ: Trước đây với thuế suất 28%, thu nhập chịu thuế 100 đồng thì DN nộp thuế 28 đồng, chủ sở hữu còn lại 72 đồng. Nay áp dụng thuế suất thuế TNDN 25% và thuế thu nhập từ đầu tư vốn 5% thì thu nhập chịu thuế 100 đồng, DN nộp thuế 25 đồng, còn lại 75 đồng, chủ sở hữu nộp 5% thuế thu nhập cá nhân 3,75 đồng, còn lại 71,25 đồng. Như vậy, mang tiếng là giảm thuế nhưng thực sự là tăng thuế, giảm thu nhập của chủ đầu tư cá nhân, bởi vì họ chỉ còn thu nhập 71,25% thay vì 72% như trước đây.
 
8. Thuế suất ưu đãi và miễn giảm thuế TNDN đối với doanh nghiệp mới thành lập:  

* Đề nghị làm rõ doanh nghiệp mới thành lập.

Ví dụ:
-            Công ty A đầu tư vốn thành lập Công ty M thuộc diện ưu đãi thì Công ty M có được xem là mới thành lập hay không?
-            Công ty A góp vốn với cá nhân B thành lập Công ty N thuộc diện ưu đãi thì Công ty N có được xem là mới thành lập hay không?

* Ưu đãi về thuế suất và miễn, giảm thuế đối với “Doanh nghiệp mới thành lập hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, Khu công nghiệp do Chính phủ quyết định thành lập”

Có một số DN mới thành lập hoạt động tại địa bàn khu công nghiệp do Chính phủ có quyết định thành lập nhưng có cả 3 hoạt động: sản xuất, thương mại, dịch vụ. Hoạt động sản xuất thì ưu đãi là đúng nhưng thương mại cũng ưu đãi luôn thì cần xem lại quy định này cho chặt chẽ.
 
9. Điều kiện áp dụng ưu đãi thuế

Điều 19.Điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Luật này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện đầy đủ sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ theo quy định của pháp luật.
Thời gian vừa qua vấn đề này gây nhiều tranh cãi: thế nào là đầy đủ? Khi phát hiện doanh nghiệp thiếu một hai sổ kế toán chi tiết thì cán bộ thuế kết luận doanh nghiệp “không đầy đủ sổ sách kế toán” nên không giải quyết ưu đãi thuế. Ngoài ra, “không đầy đủ sổ sách kế toán” sẽ bị ấn định thuế phải nộp mặc dù doanh nghiệp đang bị lỗ. 

Theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính:

Các loại sổ kế toán

Mỗi doanh nghiệp chỉ có một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm. Sổ kế toán gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết.

   Sổ kế toán tổng hợp, gồm: Sổ Nhật ký, Sổ Cái.

   Số kế toán chi tiết, gồm: Sổ, thẻ kế toán chi tiết.

   Nhà nước quy định bắt buộc về mẫu sổ, nội dung và phương pháp ghi chép đối với các loại Sổ Cái, sổ Nhật ký; quy định mang tính hướng dẫn đối với các loại sổ, thẻ kế toán chi tiết.

Số lượng, kết cấu các sổ kế toán chi tiết không quy định bắt buộc. Các doanh nghiệp căn cứ vào quy định mang tính hướng dẫn của Nhà nước về sổ kế toán chi tiết và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp để mở các sổ kế toán chi tiết cần thiết, phù hợp.
Do vậy, khoản 1 Điều 19 đề nghị sửa lại như sau:

1. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Luật này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn chứng từ theo quy định của pháp luật.
 
10. Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi, miễn thuế, giảm thuế

Theo quy định hiện hành: năm bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh để xác định thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi là năm đầu tiên cơ sở kinh doanh phát sinh doanh thu, miễn thuế từ khi có thu nhập chịu thuế. Nay khoản 3 Điều 19 quy định “3. Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi, miễn thuế, giảm thuế được tính kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu.” là không không thoả đáng, bởi vì khi mới thành lập trong một hai năm đầu doanh nghiệp thường không có lãi, nếu tính miễn giảm thuế từ năm đầu có doanh thu thì cũng như không miễn.

Đề nghị sửa khoản 3 Điều 19 thành:

“3. Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi được tính kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu, thời điểm bắt đầu tính thời gian miễn thuế, giảm thuế tính liên tục kể từ kỳ tính thuế đầu tiên cơ sở kinh doanh có thu nhập chịu thuế.”.
 
11. Chuyển lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản

4. Việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 15 và Điều 16 không áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản quy định tại Điều 5 của Luật này. Doanh nghiệp có lỗ từ chuyển nhượng bất động sản chỉ được chuyển lỗ vào thu nhập chịu thuế của hoạt động này trong thời gian chuyển lỗ quy định tại Điều 17, Luật này.

Quy định này chỉ nên áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, còn một số doanh nghiệp chỉ có một hai nhà xưởng, vì lý do gì đó phải chuyển nhượng mà phát sinh lỗ thì được chuyển lỗ vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
 

Các văn bản liên quan