Góp ý của Th.s-Ls.Phan Thông Anh – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam

Thứ Sáu 09:13 30-11-2007


GÓP Ý DỰ THẢO THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN
VIỆC GIAO KẾT HỢP ĐỒNG TRÊN WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
----------------------------
Th.s-Ls.Phan Thông Anh – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
 

Hội nhập kinh tế quốc tế là một quy luật tất yếu và là một xu thế phát triển trên thế giới, các quốc gia cần có chính sách mở cửa tham gia hội nhập với các tổ chức kinh tế liên minh khu vực và các tổ chức kinh tế quốc tế để phát triển. Do sự phát triển nên phương thức hoạt động mua bán hàng hóa, đầu tư quốc tế ngày càng đa dạng và phương thức giao dịch mua bán, đầu tư trên các mạng thông tin điện tử (websites) là một phương thức phổ biến và đang là một vấn đề Việt Nam cần quan tâm trong tiến trình hội nhập. Chủ thể tham gia các giao dịch thương mại điện tử hiện nay không chỉ dừng lại các tổ chức cá nhân nước ngoài với tổ chức cá nhân Việt Nam mà còn có giao dịch giữa các tổ chức cá nhân Việt Nam với nhau.

Để đảm bảo sự phù hợp của pháp luật quốc gia khi tham gia hội nhập, Việt Nam đã từng bước ban hành các văn bản điều chỉnh liên quan đến các giao dịch điện tử trong đó đáng lưu ý là Luật giao dịch điện tử được Quốc Hội thông qua ngày 29/11/2005, có hiệu lực từ ngày 01/3/2006 ; Nghị định của Chính phủ về thương mại điện tử ngày 09/06/2006 ; Nghị định của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số ban hành ngày 15/02/2007 ; Quyết định của Bộ Thương mại ( nay là Bộ công thương) về việc ban hành Quy chế sử dụng chữ ký số ngày 25/07/2006 và nhiều lĩnh vực khác cũng có các văn bản pháp luật khác do các bộ ngành và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác ban hành điều chỉnh tương ứng về giao dịch điện tử như trong hoạt động tài chính, về cấp chứng chỉ xuất xứ hàng hóa điện tử ; trong hoạt động ngân hàng ; trong việc sử dụng in phát hành, sử dụng và quản lý vé máy bay điện tử; Quy chế chứng thực chữ ký số ; Quy định về thí điểm thủ tục hải quan điện tử ; Quy định về các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử. . . . . .

Chương trình đầu tư tài chính lừa đảo thông qua trang thông tin điện tử "colonyinvest.com" là một vấn đề đang khá nóng và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cũng chưa thống kế hết số thiệt hại của các nhà đầu tư, cái giá mà các nhà đầu tư Việt Nam đã phải trả quá đắt cho sự cả tin của mình và cũng là một tiếng chuông đã gióng lên cho các cơ quan nhà nước cần phải tăng cường hơn nữa xây dựng các hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử nhằm bảo vệ các thương nhân, các nhà đầu tư giao dịch mua bán hàng và đầu tư thông qua các mạng thông tin điện tử. Do vậy việc xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định thương mại điện tử về giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử là điều hết sức cần thiết và theo chúng tôi cần phải sớm ban hành để đưa giao dịch thương mại điện tử vào đời sống xã hội với một hành lang pháp lý chặt chẻ.

1)-Sự hợp lý của dự thảo Thông tư : 

Trước tiên chúng tôi xin ghi nhận sự nỗ lực và cố gắng của ban dự thảo xây dựng Thông tư này tuy chỉ mới là dự thảo 2 nhưng những nội dung cơ bản để có thể đủ tầm điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử hiện nay. Ngoài một số quy định chung dự thảo đã giải quyết được hai nội dung chính đó là

1.1- Quy định các điều kiện về đề nghị giao kết, chấp nhận giao kết hợp đồng

(-) Đề nghị giao kết hợp đồng của thương nhân ; (-) đề nghị giao kết hợp đồng của khách hàng (-) Trả lời đề nghị giao kết hợp đồng của khách hàng ;(-) chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng của khách hàng; (-) quy định về thời điểm giao kết hợp đồng khi sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử ; (-) xác định giá trị pháp lý của hợp đồng giao kết bằng chức năng đặt hàng trực tuyến; (-) quy định phải cung cấp các điều khoản của hợp đồng khi sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử.

1.2- Quy định về các điều khoản phải có đối với một hợp đồng điện tử

(-) Thông tin của thương nhân; (-) Thông tin về hàng hóa dịch vụ; (-) Thông tin về các điều khoản giao dịch; (-) Thông tin về vận chuyển và giao nhận; (-) Thông tin về giá cả; (-) Thông tin về các phương thức thanh toán và hai thông tin khác có liên quan đến hợp đồng được quy định ở một mục khác đó là (-) về thủ tục chấm dứt hợp đồng đối với hợp đồng cung ứng dịch vụ trực tuyến dài hạn ; (-) về giải quyết tranh chấp  liên quan đến các hợp đồng giao kết trên website thương mại điện tử. 

Song song đó dự thảo cũng còn một số vấn đề mà theo chúng tôi cần góp ý bổ sung như sau :
 
2)-Về tên gọi của Thông tư cần xem lại và bổ sung :

Nghị định được xây dựng với tên gọi là hướng dẫn Nghị định thương mại điện tử về giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử theo chúng tôi là chưa đủ mà cần bổ sung thêm cụm từ “ và thực hiện “ để thông tư có thể điều chỉnh hai nhóm hành vi hướng dẫn giao kết và thực hiện hợp đồng trên website thương mại điện tử chứ không phải chỉ giao kết không.

Cơ sở pháp lý chúng tôi đề nghị bổ sung nội dung này là trên cơ sở chương IV Luật giao dịch điện tử ( từ điều 33 đến điều 38) quy định là Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử và theo sự hợp lý của nó chúng ta nên điều chỉnh tiếp hành vi thứ hai sau giao kết là thực hiện hợp đồng mà ở đây là hợp đồng trên website thương mại điện tử. Sự bổ sung này nếu được chấp nhận còn mang một ý nghĩa là sự thống nhất hướng dẫn từ văn bản Luật xuống đến văn bản thi hành của một lĩnh vực riêng biệt.
 
3)-Về nội dung thực hiện hợp đồng giao kết trên website thương mại điện tử 

Như đã trình bày ở trên nội dung của hợp đồng giao kết trên website thương mại điện tử trong dự thảo quy định khá cơ bản nhưng theo chúng tôi cần quy định bổ sung việc thực hiện hợp đồng trên website sẽ thực hiện như thế nào về giao hàng và thanh toán. . .Cần quy định về chế độ phản hồi thông tin khi các bên đã thực hiện các quyền nghĩa vụ phát sinh trong hợp đồng.

- Nếu bên khách hàng phải ký quỹ một số tiền thì sau khi thực hiện việc ký quỹ xong việc phản hồi thông tin cho bên thương nhân như thế nào ? để bên thương nhân tiến hàng giao hàng ? và sau khi giao hàng xong việc phản hồi thông tin của hai bên như thế nào ? để cho bên khách hàng thanh toán tiếp số tiền còn lại . . .

- Nếu hàng giao không đủ số lượng và đúng chất lượng thì khách hàng cần phản hồi cho thương nhân theo chế độ thông tin nào để khiếu nại ?. . . . 

Đây cũng là cơ sở pháp lý để  giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến việc chậm thanh toán và chậm giao hàng trong giao dịch mua bán hàng hóa trên website thương mại điện tử.
 
4)-Cơ sở pháp lý để xác định thông tin chủ thể một bên trong giao dịch “ khách hàng khi đặt mua hàng “

Dự thảo thông tư đã quy định rõ đối tượng áp dụng bao gồm ba nhóm đối tượng

(1)     Tổ chức, cá nhân sử dụng website thương mại điện tử để bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc tiến hành các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác (sau đây gọi là thương nhân);

(2)     Tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch trên website thương mại điện tử (sau đây gọi là khách hàng);

(3)     Tổ chức, cá nhân quản lý và vận hành website thương mại điện tử (sau đây gọi là người quản lý website).

Nhưng trong nội dung của hợp đồng điện tử lại không quy địnhthông tin về khách hàng ( nhóm 2) chỉ quy định thông tin của Thương nhân ( nhóm 1)

Nếu có những vấn đề liên quan đến người mua hàng (khách hàng) chứ không phải liên quan đến người bán hàng (thương nhân) thì thông tin sẽ được xác định như thế nào ? với quy định của pháp luật hiện hành thì khó có thể truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với người mua hàng nếu họ đặt hàng xong nhưng họ không nhận hàng.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp trong thương mại đã có trường hợp một thư điện tử do A viết và gửi đi nhưng A  phủ nhận là không có viết và không có gửi và họ cho đó là thư giả mạo  vì cơ chế lưu trữ thông tin thư điện tử đối chiếu hiện nay chỉ lưu trữ có 6 tháng.Quá thời gian 6 tháng không có cơ sở đối chiếu xác minh.

Vấn đề được đặt ra là cơ sở pháp lý nào để có thể quy trách nhiệm pháp lý cho người đặt hàng(khách hàng)qua mạng họ là người đã đặt hàng.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì trong tranh chấp thương mại dân sự thì nghĩa vụ chứng minh là của các bên yêu cầu nên trong trường hợp này nếu có thiệt hại thì người bán hàng khó có thể có cơ sở để chứng minh yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đặc biệt Tòa án khó có thể chấp nhận dữ liệu trong hệ thống của người bán hàng được in ra làm bằng chứng để yêu cầu bồi thường thiệt hại.Do đó theo chúng tôi để giải quyết rốt ráo vấn đề pháp lý này cần quy định bổ sung những vấn đề sau :

(1)    Cần quy định bổ sung về thông tin của khách hàng ( có thể 3 chi tiết a,b và c như thông tin của thương nhân.

(2)    Quy định bổ sung các thương nhân khi đăng ký bán hàng qua mạng phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Ý nghĩa pháp lý : có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước với vai trò là giám sát giao dịch có thật, nhà nước sẽ thực hiện vai trò bảo vệ cả hai phía thương nhân và khách hàng.
 
5)-Phương thức giao kết hợp đồng điện tử :

Theo quy định của Luật giao dịch điện tử Điều 23 quy định về Nguyên tắc sử dụng chữ ký điện tử

1. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, các bên tham gia giao dịch điện tử có quyền thỏa thuận:

a) Sử dụng hoặc không sử dụng chữ ký điện tử để ký thông điệp dữ liệu trong quá trình giao dịch;

b) Sử dụng hoặc không sử dụng chữ ký điện tử có chứng thực;

c) Lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử trong trường hợp thỏa thuận sử dụng chữ ký điện tử có chứng thực. 

Theo chúng tôi việc giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử cần quy định sử dụng chữ ký điện tử để ký thông điệp dữ liệu trong quá trình giao dịch nhưng không cần thiết phải chứng thực và chỉ chứng thực khi cần thiết cho hoạt động cung cấp chứng cứ giải quyết tranh chấp trong tố tụng thương mại.
         
6)-Việc giải quyết tranh chấp liên quan đến các hợp đồng giao kết trên website thương mại điện tử : 

Giải quyết tranh chấp là vấn đề hết sức phức tạp, khi Tòa án và tổ chức trọng tài giải quyết các tranh chấp đòi hỏi phải có đầy đủ các chứng cứ liên quan. Hiện nay vấn để liên quan đến việc giải quyết tranh chấp giao dịch thương mại điện tử được quy định :

(*) Khoản 21 của dự thảo Thông tư quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến các hợp đồng giao kết trên website thương mại điện tử

a) Các website thương mại điện tử phải có cơ chế hiệu quả để tiếp nhận khiếu nại của khách hàng liên quan đến hợp đồng được giao kết trên website và công bố rõ thời hạn trả lời khiếu nại; 

 b) Việc giải quyết tranh chấp giữa thương nhân và khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng phải dựa trên các điều khoản của hợp đồng được công bố tại website vào thời điểm giao kết hợp đồng; 

c) Thương nhân không được lợi dụng các ưu thế của mình trên môi trường điện tử để đơn phương giải quyết những vấn đề tranh chấp khi chưa có sự đồng ý của khách hàng.

 (**) Điều 52. Giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tửcủa Luật giao dịch điện tử  quy định

1. Nhà nước khuyến khích các bên có tranh chấp trong giao dịch điện tử giải quyết thông qua hòa giải.

2. Trong trường hợp các bên không hòa giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về giao dịch điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chỉ với những quy định trên chúng tôi cho rằng không ổn vì các chứng cứ liên quan của các bên sẽ được cung cấp như thế nào để các cơ quan tài phán xem xét;  có thể chấp nhận dữ liệu của hai bên tự in trong hệ thống mình ra hay không ? tổ chức giám định nào có thể giám định được các giao dịch này là có thật để các cơ quan tài phán có thể gải quyết.Theo chúng tôi cần quy định bổ sung thêm những nội dung sau :

(1)    Các loại văn bản, hệ thống dữ liệu thông tin nào được cung cấp

(2)    Các cơ quan nào có thẩm quyền xác minh các giao dịch đó là chứng cứ xác định giao dịch thương mại điện tử được thừa nhận.

(3)    Quy định thực hiện việc chứng thực chữ ký điện tử bổ sung khi có tranh chấp xảy ra để có cơ sở xác định giao dịch của hai bên là có thật.
 
Trên đây chỉ là một số vấn đề mà chúng tôi  đặt ra để ban soạn thảo Thông tư xem xét nghiên cứu. Chúng tôi thiết nghĩ còn nhiều vấn đề nữa cần phải tiếp tục đặt ra để cho dự thảo của Thông tư được đầy đủ hơn trước khi trình người có thẩm quyền ký ban hành nhằm điều chỉnh kịp thời một lĩnh vực hết sức nhạy cảm hiện nay nhất là thời điểm sau khi Việt Nam tham gia tổ chức thương mại thế giới.
 
Xin chân thành cám ơn các đại biểu tham gia hội thảo đã lắng nghe phần trình bày tham luận của chúng tôi.
 
Trân trọng kính chào.

Các văn bản liên quan