Góp ý của Ông Vũ Xuân Tiền – Giám đốc công ty tư vấn VFAM
Góp ý của ông Vũ Xuân Tiền- Giám đốc công ty tư vấn VFAM
I- NHẬN XÉT CHUNG
Phần lớn các ý kiến góp ý của các doanh nghiệp và nhiều kế toán trưởng đều cho rằng:
1. Việc ban hành Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định mới trong giai đoạn hiện nay là cần thiết khách quan;
2. Nội dung của Chế độ mới theo dự thảo đã bao hàm tương đối đầy đủ những nội dung mới trong các Chuẩn mực kế toán có liên quan, cụ thể là: Chuẩn mực số 03 “ Tài sản cố định hữu hình”; Chuẩn mực kế toán số 04 “ Tài sản cố định vô hình”, ban hành và công bố theo quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
3. Những nội dung mới được bổ sung trong dự thảo cũng phù hợp với quy định trong Chế độ Kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC và Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành theo Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
II- NHỮNG GÓP Ý CỤ THỂ
Bên cạnh những nhận xét chung nêu trên, có những ý kiến góp ý cụ thể sau đây đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tham khảo:
1. Về đối tượng, phạm vi áp dụng:
Dự thảo bổ sung thêm về đối tượng và phạm vi áp dụng “đối với tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ”. Như vậy, đối tượng được mở rộng tới cả các cá nhân có sản xuất kinh doanh, hàng hóa dịch vụ. Đề nghị xem lại tính khả thi của nội dung này vì hộ kinh doanh cá thể không thực hiện công tác kế toán và áp dụng phương thức thuế khoán?
2. Về nguyên giá tài sản cố định: Nội dung của dự thảo phù hợp với Chuẩn mực kế toán có liên quan. Đề nghị bổ sung nội dung: Điều chỉnh nguyên giá tài sản cố định khi góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn liên doanh. Lý do để đưa ra đề nghị này là vì: gần đây, khá nhiều doanh nghiệp đã đem tài sản cố định (cả hữu hình và vô hình) đi góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn liên doanh. Nếu theo Điều 30 Luật Doanh nghiệp thì tài sản góp vốn chỉ cần được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí là được. Song, trên thực tế đã xuất hiện những trường hợp:
- Ngân hàng và các tổ chức tín dụng không chấp thuận việc định giá của các thành viên, cổ đông sáng lập khi xem xét xác định giá trị của tài sản thế chấp;
- Cơ quan thuế không chấp nhận khi xác định nguyên giá để tính khấu hao mặc dù vẫn thu thuế TNDN trên giá trị tăng thêm của tài sản khi đánh giá lại.
Đề nghị Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ có quy định rõ hơn về vấn đề trên tránh gây khó khăn cho các doanh nghiệp, bảo đảm phản ánh đúng giá trị của TSCĐ đem góp vốn và ngăn chặn những tiêu cực có thể xẩy ra trong những trường hợp này;
3. Về tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định hữu hình:
Dự thảo quy định như sau:
“Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định hữu hình:
Tư liệu lao động là từng tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thoả mãn đồng thời cả bốn tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:
a. Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
b. Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy;
c. Có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên;
d. Có giá trị từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên”.
Nhiều ý kiến đề nghị nên xem xét lại tiêu chuẩn d về giá trị từ 10.000.000đ trở lên. Bởi lẽ, lạm phát và sự mất giá của đồng tiền làm cho một công cụ lao động cũng đạt tới ngưỡng 10 triệu đồng. Xin kiến nghị đưa lên mức 20.000.000đ để không phải bổ sung, sửa đổi trong vài năm tới.
4. Về tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định vô hình:
Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn bằng tiền của giá trị tài sản cố định vô hình. Nếu quy định ở mức 10 triệu đồng có thể sẽ không phù hợp với thực tế, bởi lẽ, có những trường hợp doanh nghiệp chỉ cần chi 5 triệu đồng đã có một TCSĐ vô hình nhưng cũng có trường hợp phải chi hàng trăm triệu đồng mới có một tài sản cố định vô hình.
5.Về loại TSCĐ vô hình:
Đoạn 42, Chuẩn mục kế toán số 04 “ Tài sản cố định vô hình” quy định: “ Các nhãn hiệu hàng hóa, quyền phát hành, danh sách khách hàng và các khoản mục tương tự được hình thành trong nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là TSCĐ vô hình”.
Tuy nhiên, tại Thông tư 89/ 2002/TT-BTC và trong dự thảo đều có quy định:
“e. Quyền phát hành, bản quyền, bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích:
Nguyên giá của tài sản cố định là quyền phát hành, bản quyền, bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích: là toàn bộ các chi phí thực tế doanh nghiệp đã chi ra để có quyền phát hành, bản quyền, văn bằng về sáng chế,kiểu dáng công nghiệp và giải pháp hữu íchtheo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
g. Nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại (thương hiệu):
Nguyên giá của tài sản cố định là nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại (thương hiệu): là chi phí thực tế liên quan trực tiếp tới việc có được quyền sử dông nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại (thương hiệu) theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Việc ghi nhận giá trị tên thương mại (giá trị thương hiệu) phải thoả mãn tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định vô hình”.
Như vậy, phải chăng có mâu thuẫn giữa quy định của Chuẩn mực kế toán sô 04 với những văn bản hướng dẫn?
6. Về khấu hao TSCĐ:
Dự thảo quy định:
“3. Các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả kinh tế cao được khấu hao nhanh nhưng tối đa không quá 2 lần mức khấu hao xác định theo phương pháp đường thẳng để nhanh chóng đổi mới công nghệ. Tài sản cố định tham gia vào hoạt động kinh doanh được trích khấu hao nhanh là máy móc, thiết bị; dụng cụ làm việc đo lường, thí nghiệm; thiết bị và phương tiện vận tải; dụng cụ quản lý; súc vật, vườn cây lâu năm. Khi thực hiện trích khấu hao nhanh, doanh nghiệp phải đảm bảo kinh doanh có lãi. Trường hợp doanh nghiệp trích khấu hao nhanh hơn quy định, thì phần chi phí vượt khung quy định không được tính vào chi phí khấu hao hợp lý khi tính thuế thu nhập trong kỳ”.
Quy định này đã có trong Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ ban hành theo QĐ 206 hiện nay, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định đó chỉ là quy định cho vui thôi vì nó không đi vào thực tiễn. Nguyên nhân chính là “thế nào là hoạt động có có hiệu quả kinh tế cao” là câu hỏi chưa được trả lời.
7. Về đăng ký phương pháp trích khấu hao:
Dự thảo có quy định:
“4. Doanh nghiệp phải đăng ký phương pháp trích khấu hao tài sản cố định mà doanh nghiệp lựa chọn áp dụng với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi thực hiện trích khấu hao. Trường hợp việc lựa chọn của doanh nghiệp không trên cơ sở có đủ các điều kiện quy định thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày cơ quan thuế trực tiếp quản lý nhận được đăng ký phương pháp trích khấu hao tài sản cố định của doanh nghiệp (tính theo dấu bưu điện), cơ quan thuế có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để thay đổi cho phù hợp”.
Về vấn đề này có những ý kiến đề nghị nghiên cứu như sau:
a) Đề nghị cho phép DN đăng ký phương pháp khấu hao áp dụng cho từng nhóm tài sản trong doanh nghiệp, ví dụ: những TSCĐ phục vụ quản lý thì áp dụng phương pháp khấu hao theo đường thẳng; những TSCĐ phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh thì áp dụng phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần hoặc theo sản lượng.
b) Việc quy định các DN nhỏ và vừa chỉ được áp dụng phương pháp trích khấu hao theo đường thẳng là không hợp lý.
c) Đề nghị quy định rõ: Cơ quan thuế phải tôn trọng những nội dung đã đăng ký của doanh nghiệp. Thời gian qua đã có trường hợp, DN đăng ký khấu hao TSCĐ theo thời gian đúng trong khung của Chế độ quy định, nhưng khi bị lỗ, cơ quan thuế yêu cầu tính lại, kéo dài hơn thời gian khấu hao cho đến khi có lãi để thu thuê TNDN. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc đăng ký khấu hao cũng chỉ là hình thức.