Góp ý của Ông Hoàng Văn Hiệu – Giảng viên Khoa Luật – Học viện cảnh sát

Thứ Năm 13:53 10-04-2008


 
GÓP Ý DỰ THẢO: “ LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ”
 

Hoàng Văn Hiệu
Giảng viên khoa luật - Học viện cảnh sát                                                       
 
So với “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” được ban hành năm 1996 với 10 chương, 87 điều và luật sửa đổi bổ sung năm 2002 thì dự thảo “luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” sửa đổi lần này với 13 chương, 98 điều đã thể hiện một bước tiến mới trong quá trình lập pháp. Đó chính là những quy định cụ thể, cần thiết cho quy trình xây dựng pháp luật, nó đòi hỏi các nhà làm luật phải tuân thủ các nguyên tắc, trình tự.

          Tuy nhiên, qua nghiên cứu, so sánh và từ thực tế cho thấy “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” sửa đổi lần này có một số nội dung cần góp ý sau đây:

-         Điều 1: Văn bản quy phạm pháp luật

Chúng tôi đồng ý với khái niệm “ văn bản quy phạm pháp luật” mà các nhà làm luật đưa ra, khái niệm này đã phản ánh đầy đủ nội hàm và cả ngoại diên của văn bản quy phạm pháp luật. Theo định nghĩa này thì đến nay chúng ta không còn hiểu “văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan Nhà nước ban hành”. Bởi thực tế cho thấy có những lúc Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hay Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành vẫn được coi là văn bản quy phạm pháp luật. Cho nên việc bổ sung cụm từ “hoặc phối hợp ban hành” là hoàn toàn có cơ sở. Chúng ta nhất trí với cách lập luận này.
-         Điều 2: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

So sánh giữa Điều 2 của Dự thảo lần này với Điều 1 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật  được sửa đổi, bổ sung năm 2002, chúng tôi thấy Dự thảo lần này đã “mạnh dạn” bỏ ra ngoài các loại văn bản quy phạm pháp luật: Nghị quyết của Chính phủ; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị và Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chỉ thị và Quyết định của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Nghị quyết , Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tổ chức chính trị - xã hội.

          Việc quy định hay “cắt bỏ” các loại văn bản quy pham pháp luật trên đã chứng tỏ rõ mục tiêu và mong muốn của Quốc hội và Chính phủ là đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, mong muốn cải cách hơn nữa công tác lập pháp, lập quy; đây cũng là đòi hỏi tất yếu của xã hội trong xu thế phát triển hiện nay.

          Tuy nhiên, chúng ta cần giữ lại các loại văn bản mà trước đây chúng ta coi nó là một dạng văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: “ Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ”

Vì hiện nay có những văn bản luật do Quốc hội ban hành hoặc văn bản pháp quy do Chính phủ ban hành cần phải có các Thông tư hướng dẫn của các Bộ ngành (hay nói cách khác là Thông tư liên tịch). Điều này sẽ giúp các cơ quan thực thi pháp luật cũng như người dân hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật vì không phải ai cũng có sự nhận thức cao và giống nhau.

Vì vậy, bổ sung vào Điều 2: Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Và như vậy, trong K5 Điều 71 cũng phải bổ sung thêm cụm từ: chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cùng ký nghị quyết, Thông tư liên tịch.

-         Điều 3: Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Tại  khoản 5 cần bổ sung từ “nước” trước “cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như thế câu văn sẽ không bị cụt

-         Điều 4: Tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Chúng ta đang xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng. Ở đó trách nhiệm và quyền lợi thuộc về nhân dân. Cho nên “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là mục tiêu trong xã hội hiện nay. Thế nhưng trong điều luật lại không thể hiện được quan điểm này.

Khoản 3 Điều 4 quy định: Ý kiến tham gia về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật  phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo

Theo chúng tôi Dự thảo quy định như thế chưa đủ, điều này sẽ không khuyến khích được mọi công dân trong việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng văn bản pháp luật, cần bổ sung thêm cụm từ “và phải trả lời cho cá nhân, tổ chức đã góp ý kiến về kết quả tiếp thu chỉnh lý dự thảo”

-         Điều 6: Dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài

Việc văn bản quy phạm pháp luật được dịch ra các ngôn ngữ khác nhau điều này sẽ góp phần phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho người dân, đây cũng là dịp để bạn bè quốc tế nhìn nhận, đánh giá kỹ thuật lập pháp của nước ta.

Tuy nhiên, theo chúng tôi nên bỏ từ “thiểu số” vì quy định như thế người nghe có cảm giác chúng ta (mà Quốc hội là cơ quan lập pháp) vẫn còn coi trọng dân tộc này, dân tộc kia, các dân tộc khác sẽ dễ bị mặc cảm.

Việc chúng ta bỏ từ “thiểu số” mà chỉ dùng cụm từ “tiếng dân tộc” cũng đã bao hàm toàn bộ dân tộc đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

-         Điều 60: Lấy ý kiến đối với Dự thảo

Việc Dự thảo quy định: “đối với dự thảo có nội dung liên quan hoặc ảnh hưởng tới thương mại hàng hóa, dịch vụ và sở hữu trí tuệ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý về dự thảo” là cần thiết. Tuy nhiên, với thời lượng ít nhất là 20 ngày kể từ ngày đăng tải dự thảo là quá ngắn. Bởi vì, hiện nay có những văn bản luật liên quan đến vấn đề sở hữu công nghiệp, thương mại và hợp tác quốc tế thì đòi hỏi phải có một thời gian dài để các cơ quan tổ chức, cá nhân góp ý. Cho nên theo chúng tôi cần kéo dài thời gian đến 60 ngày để các tổ chức, cá nhân góp ý kiến.

Trong dự thảo khoản 3 Điều 60 cần quy định thêm đó là: “ và phải trả lời cho tổ chức, cá nhân đã góp ý về kết quả tiếp thu chỉnh lý dự thảo” chứ không được quy định chung chung là: “ý kiến góp ý được nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự thảo”.

-         Điều 72: Các trường hợp soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn
Đây là một nội dung mới so với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, sửa đổi bổ sung năm 2002. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật như hiện nay ở nước ta thì việc dành riêng một chương để quy định về thủ tục rút gọn là hợp lý. Điều đó sẽ đáp ứng các yêu cầu trong việc điều hành các công việc mang tính vĩ mô của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc quy định thời gian để đăng tải dự thảo luật ít nhất là 15 ngày là chưa thỏa đáng. Theo chúng tôi cần phải kéo dài thời gian lên 30 ngày. Cụ thể là:

“thời gian đăng tải dự thảo văn bản trên trang thông tin điện tử (website) để cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia ý kiến ít nhất là 30 ngày”. Việc tăng thời gian góp ý kiến lên 30 ngày sẽ tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức và cá nhân đóng góp ý kiến

-         Điều 76: Hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết

Theo chúng tôi việc quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải ban hành văn bản chi tiết hoặc phải thực hiện nhiệm vụ cụ thể để văn bản đó được thực hiện trước khi văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực.

Quy định như vậy là rất cụ thể và rõ ràng bởi vì thực tế cho thấy hiệu lực áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật không giống nhau. Ví dụ luật được ban hành, có hiệu lực nhưng để thực hiện được thì phải chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

-         Điều 84: Căn cứ giải thích văn bản quy phạm pháp luật

Thực tế cho thấy không phải cá nhân, tổ chức nào khi đọc hoặc thực hiện một văn bản pháp luật cũng hiểu rõ mọi nội dung câu từ trong văn bản đó. Vậy khi cá nhân, tổ chức yêu cầu được giải quyết thì cơ quan soạn thảo, cơ quan ban hành dựa vào đâu để giải thích?

Điều này đã được lý giải trong Điều 84, đó là các nguồn như: Nghiên cứu hồ sơ dự thảo văn bản; mục đích ban hành văn bản; mục đích quy định của từng nội dung trong văn bản và từ ngữ dùng trong văn bản.

Quy định như trên là không rõ ràng, việc giải thích từ ngữ, văn bản quy phạm pháp luật phải dựa vào “văn bản gốc”.

Ví dụ: Giải thích Nghị định thì phải dựa vào văn bản luật mà Nghị định đó hướng dẫn. Giải thích luật thì phải dựa vào Hiến pháp. Tuyệt đối không được giải thích theo ý hiểu cá nhân.

Vì vậy, cần bổ sung trong điều luật cụm từ “văn bản luật gốc mà văn bản này hướng dẫn”, cụ thể:

“ Việc giải thích văn bản quy phạm pháp luật phải dựa trên cơ sở nghiên cứu văn bản luật gốc mà văn bản này hướng dẫn;…”
Có như vậy mới đảm bảo tính thống nhất trong việc giải thích các thuật ngữ của cơ quan ban hànhvăn bản, từ đó giúo cho người dân cũng như các cơ quan, tổ chức hiểu đúng và vận dụng vào trong thực tiễn .
                                   
Từ thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy kiến thức pháp luật chúng tôi mạnh dạn đóng góp ý kiến cho dự thảo “luật ban hành văn bản quy phạmpháp luật”(sửa đổi). Hy vọng ý kiến của chúng tôi sẽ góp phần nào đó trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay./.
 
                                                          Xin chân thành cảm ơn.
 
                                                               
                                                                 
 

Các văn bản liên quan