Góp ý dự thảo Luật ban hành văn bản QPPL – LS Phan Thông Anh

Chủ Nhật 14:46 23-03-2008

GÓP Ý DỰ THẢO
LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT (SỬA ĐỔI)
------------------------------------------

Th.s.Ls.Phan Thông Anh – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
Trưởng VPĐD Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp Bộ Tư pháp tại TPHCM 
  
   Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành năm 1996 với 10 chương và 87 điều, sửa đổi bổ sung năm 2002 với nội dung sửa đổi 34 điều; và bổ sung 7 điều và bãi bỏ 3 khoản của 3 điều và 2 điều. Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi (3) ngày 27/2/2008 với cơ cấu gồm 13 chương với 98 điều về cơ bản dự thảo đã quy định ngày càng hoàn thiện hơn những nội dung cần thiết cho quy trình xây dựng pháp luật nhưng cũng còn một số nội dung cần góp ý bổ sung cho dự thảo như sau:

1)-Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật : 

     Khi so sánh điều 1 của LBHVBQPPL Sđ-Bs năm 2002 với Điều 2 của dự thảo quy định các loại văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì chúng ta thấy dự thảo lần nay đã bỏ ra ngoài các loại văn bản quy phạm pháp luật dưới đây : Nghị quyết của Chính phủ; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị và Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chỉ thị và Quyết định của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Nghị quyết, Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ , giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tổ chức chính trị xã hội. 

   Việc thu gọn các loại văn bản có chứa quy phạm pháp luật có ý nghĩa rất lớn trong việc sắp xếp lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có tính hiệu lực bắt buộc chung về cơ bản chúng tôi nhất trí nhưng riêng đối với loại văn bản Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ   đề nghị cần xem giữ lại và quy định bổ sung trong điều 2 của dự thảo và chương VII của dự thảo vì có những văn bản luật của Quốc Hội hoặc văn bản pháp quy của Chính phủ vẫn cần có Thông tư liên tịch của các Bộ ngành để hướng dẫn thực hiện.

2)-Tham gia ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 
      Khoản 3 điều 4 của dự thảo quy định  : “ Ý kiến tham gia về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo “. Theo chúng tôi cần quy định bổ sung thêm nội dung : “ và phải có sự phản hồi thông tin lại cho người góp ý về kết quả tiếp thu chỉnh lý dự thảo “ có như thế thì mới khuyến khích vận động mọi giới trong xã hội ngày càng tham gia nhiều hơn nữa vào hoạt động góp ý xây dựng văn bản pháp luật cho dù ý kiến của mình không được đưa vào chỉnh lý dự thảo trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét.

3)-Việc lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định 

   Thời gian lấy ý kiến dự thảo
: Dự thảo khoản 1 điều 60 quy định, thời gian lấy ý kiến đối với dự thảo có nội dung liên quan hoặc ảnh hưởng tới thương mại hàng hóa, dịch vụ và sở hữu trí tuệ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý ít nhất 20 ngày kể từ ngày đăng tải dự thảo trên trang thông tin điện tử (website) của Chính phủ hoặc cơ quan chủ trì soạn thảo theo chúng tôi là chưa hợp lý cần phải kéo dài thời gian lấy ý kiến từ 40 ngày đến 60 ngày vì đây là lĩnh vực khá quan trọng đối với các doanh nghiệp và cần có thời gian để lấy ý kiến các đối tượng bị điều chỉnh. 

   Hình thức lấy ý kiến dự thảo: chúng tôi thống nhất cao với dự thảo có thể bằng hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo để góp ý, tổ chức các cuộc hội thảo hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng

   Tiếp thu ý kiến góp ý dự thảo :  Dự thảo khoản 3 điều 60 quy định :” Ý kiến góp ý  được nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự thảo..” theo chúng tôi cần bổ sung thêm nội dung “ và phải có sự phản hồi thông tin lại cho người góp ý về kết quả tiếp thu chỉnh lý dự thảo

4)-Việc xây dựng,ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn: 

   Dự thảo quy định, trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành đất nước, cần ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung ngay luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì việc xây dựng, ban hành các văn bản này có thể được thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn

   Đây là một nội dung hoàn toàn mới chỉ được quy định trong dự thảo lần này và theo chúng tôi hết sức hợp lý vì đây là công việc hết sức cần thiết trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để có thể đáp ứng yêu cầu kịp thời điều hành hoạt động của chính phủ và tiết kiệm được chi phí nhưng về thời gian đăng tải dự thảo trên trang thông tin điện tử (Website) để cơ quan tổ chức và cá nhân tham gia ý kiến ít nhất là 15 ngày (điều 71 khoản 1 điểm c của dự thảo) cần xem lại vì quá gấp theo chúng tôi cần điều chỉnh lại: “thời gian đăng tải dự thảo trên trang thông tin điện tử (Website) để cơ quan tổ chức và cá nhân tham gia ý kiến ít nhất là 30 ngày ” thì mới có đủ thời gian tối thiểu để các đối tượng bị điều chỉnh cho ý kiến v à nên quy định về trình tự thủ tục rút gọn chỉ áp dụng cho những trường hợp hết sức cần thiết để tránh sự lạm dụng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được Luật cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn.

5)-Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật 
   
   Trước đây, ngoại trừ một số văn bản quy phạm pháp luật có quy định ngày hiệu lực còn lại hầu hết đều quy định  thời điểm có hiệu lực thường phụ thuộc vào thời điểm đăng công báo (ở điều khoản thi hành thường có quy định “nghị định/ thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo”). Nhưng theo điều 75 khoản 3 dự thảo quy định: Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành và thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật liên tịch được quy định rõ ngay trong văn bản nhưng phải bảo đảm đủ thời gian để công chúng có điều kiện tiếp cận văn bản, các đối tượng thi hành có điều kiện chuẩn bị thực hiện văn bản“ 

   Nội dung quy định này khá hợp lý vì thời gian vừa qua các đối tượng bị điều chỉnh tìm được ngày có hiệu lực của một văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống công báo rất khó khăn.

6)- Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết 
      Điều 76 của dự thảo có quy định : 
      Về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền ban hành hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật phải thực hiện trước khi văn bản quy phạm pháp luật đó có hiệu lực nhằm giải quyết tình trạng Luật chờ Nghị định và Thông tư. Về hiệu lực của văn bản hướng dẫn chí tiết có hiệu lực cùng với văn bản quy phạm pháp luật mà nó hướng dẫn và trong trường hợp nó được ban hành sau ngày mà văn bản quy phạm pháp luật nó hướng dẫn đã có hiệu lực thì việc tính hiệu lực được tính theo ngày hiệu lực văn bản đó quy định. 

      Quy định của điều này đã giải quyết được những ách tắc và cách áp dụng hiệu lực pháp luật của văn bản hướng dẫn đối với văn bản quy phạm pháp luật được hướng dẫn vì thời gian qua hiệu lực áp dụng văn bản này không giống nhau.

7)-Giải thích văn bản quy phạm pháp luật

      Việc giải thích văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong điều 82 ; 83; 84 và 85 của dự thảo về cơ bản chúng tôi hoàn toàn nhất trí cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thẩm quyền giải thích văn bản do mình ban hành nhưng Điều 84. Căn cứ giải thích văn bản quy phạm pháp luật của dự thảo quy định
“ Việc giải thích văn bản quy phạm pháp luật phải dựa trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ dự thảo văn bản, mục đích ban hành văn bản, mục đích quy định của từng nội dung trong văn bản và từ ngữ  dùng trong văn bản” như thế là chưa đủ theo chúng tôi căn cứ giải thích văn bản quy phạm pháp luật cần phải căn cứ vào văn bản gốc mà văn bản đó ban hành để hướng dẫn thí dụ như : Luật thì phải căn cứ vào Hiến pháp và văn bản luật đó; Nghị định thì phải căn cứ vào văn bản Luật mà Nghị định đó hướng dẫn; Thông tư thì phải căn cứ vào văn bản Luật hoặc Nghị định mà Thông tư đó hướng dẫn.Do đó theo chúng tôi cần bổ sung như sau:

“ Việc giải thích văn bản quy phạm pháp luật phải dựa trên cơ sở nghiên cứu văn bản luật gốc mà văn bản này hướng dẫn ; hồ sơ dự thảo văn bản, mục đích ban hành văn bản, mục đích quy định của từng nội dung trong văn bản và từ ngữ  dùng trong văn bản”./.

Các văn bản liên quan