Góp ý của TS Nguyễn Đức Minh – Viện Nhà nước Pháp luật

Thứ Năm 15:38 23-08-2007


ĐÓNG GÓP Ý KIẾN DỰ THẢO THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN HÀNH NGHỀ, HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH VỀ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
 

I. VỀ SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC BAN HÀNH THÔNG TƯ

Ngày 22 tháng 9 năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Nghị định 105/2006/NĐ-CP). Nghị định 105/2006/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/10/2006. Mặc dù các quy định của Nghị định đã khá cụ thể và chi tiết, song có thể nói giám định sở hữu trí tuệ và một số vấn đề liên quan vẫn là vấn đề còn tương đối mới ở Việt Nam, do đó để thi hành tốt trên thực tế cần phải có hướng dẫn và quy định chi tiết hơn về một số vấn đề liên quan đến giám định sở hữu trí tuệ (đặc biệt là giám định về quyền sở hữu công nghiệp). Việc xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về hành nghề, hoạt động giám định sở hữu công nghiệp là đòi hỏi cấp thiết để nhanh chóng đưa quy định về giám định sở hữu công nghiệp của Nghị định 105 /2006/NĐ-CP vào thi hành, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

II. NHẬN XÉT CHUNG

Thông tư đó cụ thể hóa và hướng dẫn khá chi tiết, đầy đủ các quy định của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP về hành nghề, hoạt động giám định về quyền sở hữu công nghiệp. Chúng tôi cho rằng, các quy định của Thông tư là hợp lý, cú cơ sở khoa học và thực tiễn cao, vỡ thế, tính khả thi của nó cũng cao và có khả năng thực thi ngay trên thực tế mà không cần phải đợi có thêm văn bản hướng dẫn nào nữa.

III. VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU

1. Về phạm vi điều chỉnh của Thông tư

Về vấn đề này, có hai loại ý kiến khác nhau như trong Tờ trình Dự thảo (trang 6). Về loại ý kiến thứ nhất, nghe qua có vẻ như hợp lý bởi phạm vi điều chỉnh này sẽ bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản về giám định sở hữu trí tuệ và thuận tiện cho việc áp dụng. Song, thực tế lại không đơn giản như vậy. Chúng tôi đồng ý với Ban soạn thảo là nên theo loại ý kiến thứ hai, tức là không nên xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn chung về hoạt động giám định sở hữu trí tuệ. Điều này xuất phát từ những lý do sau đây:

Thứ nhất, quyền sở hữu có nội hàm rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau và mỗi lĩnh vực của quyền sở hữu trí tuệ (như: quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng) đều có những tính chất đặc thù và tương đối khác biệt nhau;

Thứ hai, nhu cầu đối với hoạt động giám định trong từng lĩnh vực cũng không đồng nhất với nhau, ví dụ: đối với lĩnh vực âm nhạc hoặc hội hoạ, việc giám định có thể chỉ cần các nhạc sỹ hoặc hoạ sỹ có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó tiến hành; trong khi đó đối với lĩnh vực nhãn hiệu, việc giám định chỉ có thể do những người đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được cấp thẻ giám định viên (đã qua kỳ kiểm tra nghiệp vụ giám định hoặc là người đã trải qua thời gian công tác liên tục từ 15 năm trở lên trong lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến hoạt động xác lập và bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu) tiến hành.

Do tính chất khác biệt của từng lĩnh vực, cho nên theo chúng tôi, hoạt động giám định đối với từng lĩnh vực cụ thể của quyền sở hữu trí tuệ nên được hướng dẫn trong các văn bản riêng, do các cơ quan, Bộ quản lý chuyên ngành quy định. Trong thực tế, trường hợp một cá nhân (hay tổ chức) cùng một lúc có yêu cầu tiến hành giám định trong cả ba lĩnh vực chỉ là trường hợp cá biệt, không nên lấy đó làm lý do để xây dựng một Thông tư liên tịch về hoạt động giám định.

2. Về việc giao thẩm quyền cho Cục Sở hữu trí tuệ trong tổ chức kiểm tra và cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp

Về vấn đề này cũng có hai loại ý kiến khác nhau (trang 6 của Tờ trình Dự thảo). Theo chúng tôi, trong mọi trường hợp, đảm bảo nguyên tắc độc lập, khách quan sẽ luôn đảm bảo cho công việc được thực hiện tốt. Vì thế, không nên quy định phân cấp cho Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì tổ chức kiểm tra và cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp để tránh tình trạng ”vừa đá bóng vừa thổi còi” có thể xảy ra.

Chúng tôi nhất trí với loại ý kiến thứ hai: Đề nghị giữ như quy định của Dự thảo, vì trong hoạt động giám định có những tính chất đặc thù, để bảo đảm nguyên tắc độc lập, khách quan của hoạt động này bắt đầu từ khâu tổ chức kiểm tra nghiệp vụ và cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp, cần quy định việc tổ chức kiểm tra nghiệp vụ và cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp sẽ do một Hội đồng kiểm tra thực hiện. Hội đồng kiểm tra này do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định thành lập và có thể hoạt động theo hai hình thức: thường xuyên hoặc theo từng vụ việc cụ thể. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định cấp thẻ giám định viên trên kết quả thẩm định hồ sơ và ý kiến đề xuất của Cục Sở hữu trí tuệ (hiện nay, việc cấp thẻ Giám định viên tư pháp cũng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định).

3. Về quy định hạn chế đối tượng không được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp

Về vấn đề này, có hai loại ý kiến khác nhau (trang 7 Tờ trình dự thảo). Chúng tôi nhất trí với Ban soạn thảo nên xây dựng theo loại ý kiến tứ hai, tức là quy định hạn chế việc cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp cho người đang có Thẻ đại diện sở hữu công nghiệp. Điều này được lý giải như sau:

Việc quy định về các trường hợp phải từ chối giám định tại điểm b khoản 4 Điều 44 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP chỉ phù hợp với một số trường hợp cụ thể, trong khi đó, yêu cầu về tính khách quan là yêu cầu chung, yêu cầu hàng đầu đối với hoạt động giám định. Xét về bản chất, hoạt động của các Đại diện sở hữu công nghiệp và cán bộ trong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp luôn có mối quan hệ chặt chẽ với chủ đơn/chủ văn bằng bảo hộ. Mối quan hệ công việc đó sẽ dẫn đến khả năng các tổ chức/cơ quan nói trên luôn có xu hướng bảo vệ cho quyền lợi của chủ đơn/chủ văn bằng bảo hộ do mình đại diện hoặc cấp văn bằng bảo hộ, trong khi các đối tượng đó cũng là khách hàng tiềm năng yêu cầu cung cấp dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp. Chính vì vậy, để bảo đảm nguyên tắc khách quan của hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, cần bổ sung quy định rằng những người đang làm việc trong các Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp hoặc trong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp không được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp.

4. Về thời hạn thâm niêm công tác của người được miễn một số môn kiểm tra

Về vấn đề này, quy định như loại ý kiến thứ hai (có ít nhất 15 năm làm công tác pháp chế (soạn thảo, xét duyệt dự thảo văn bản pháp luật, quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế (gồm cả giải pháp hữu ích), kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hóa) tại các cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia hoặc quốc tế; làm công tác giám định, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về sở hữu công nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp và thanh tra khoa học và công nghệ, công tác nghiên cứu, giảng dạy về pháp luật sở hữu công nghiệp tại các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp) không phải là không có lý, nhằm bảo đảm người được cấp thẻ phải đáp ứng được yêu cầu về kinh nghiệm công tác và có kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực giám định.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, không ít người có trình độ chuyên môn giỏi thật sự, lại được học và làm việc ở những nước phát triển trên thế giới, do đó tuy có thể ”chưa nhiều tuổi lắm”, song kiến thức chuyên môn về lĩnh vực của họ lại rất tốt, đủ điều kiện để được cấp thẻ. Do đó, theo chúng tôi không nên quy định cứng nhắc là 15 năm, trong một số trường hợp cụ thể (như đã nói ở trên), có thể rút điều kiện về thâm niên công tác xuống, có thể là 10 hoặc 12 năm.

IV. VỀ DANH MỤC CÁC CƠ QUAN CẦN GỬI THÔNG TƯ NÀY (NÊU TẠI MỤC “NƠI NHẬN”)

Trên cơ sở quy định tại điểm 1.c của Chỉ thị số 03/2007/CT-TTg ngày 15/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ, là “... chỉ gửi văn bản quy phạm pháp luật đến cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra xử lý văn bản, cơ quan trực tiếp thi hành và cơ quan Công báo, tuyệt đối không gửi đến cơ quan, tổ chức khác với mục đích để biết và tham khảo”, chúng tôi nhất trí với đề xuất của Cục Sở hữu trí tuệ chỉ gửi Thông tư cho Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo), Bộ Tư pháp (cơ quan có chức năng thống nhất quản lý nhà nước hoạt động giám định và có chức năng kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật); không nhất thiết phải gửi Thông tư này cho các cơ quan khác như trước đây (như: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW,...).

Sau khi Thông tư đã được đăng Công báo, Cục Sở hữu trí tuệ với vai trò Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp sẽ gửi Thông báo về việc thông tư được ban hành và có hiệu lực đến các cơ quan hữu quan (Sở Khoa học và Công nghệ, các Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp).

Trên đây là một số ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư hướng dẫn hành nghề, hoạt động giám định về quyền sở hữu công nghiệp, kính gửi Ban soạn thảo xem xét, sử dụng. 
  
  
   
TS. Nguyễn Đức Minh - Viện Nhà nước Pháp luật
  
  
 

Các văn bản liên quan