Góp ý của Công ty Sở hữu trí tuệ INVENCO

Thứ Năm 15:31 23-08-2007

Góp ý Dự thảo Thông tư Hướng dẫn về hành nghề hoạt động giám định về quyền sở hữu công nghiệp

Công ty sở hữu trí tuệ INVENCO

Công ty sở hữu trí tuệ INVENCO đã nhận được công văn của quý phòng đề nghị góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn về hành nghề hoạt động giám định về quyền sở hữu công nghiệp. Sau khi nghiên cứu kỹ dự thảo Thông tư, Công ty INVENCO xin có ý kiến như sau:

1. Ngày 12/12/2005 Quốc hội đã ban hành Luật sở hữu trí tuệ. Tại khoản 1 điều 201 của luật có ghi về Giám định sở hữu trí tuệ như sau:

“Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân có thầm quyền sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Như vậy, về một luật pháp về sở hữu trí tuệ cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định thì có thể trở thành giám định viên và tổ chức giám định được. Tuy nhiên, tại Nghị định 105/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật sở hữu trí tuệ thì hạn chế lại (chỉ cho phép đối với các tổ chức khoa học công nghệ được Bộ khoa học và công nghệ cấp giấy đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ và giấy phép đăng ký kinh doanh hành nghề giám định theo pháp luật hiện hành). Việc hạn chế đối tượng là tổ chức được hành nghề giám định sở hữu công nghiệp là không phù hợp với tinh thần khoản 1 điều 201 Luật sở hữu trí tuệ.

2. Theo Cục sở hữu trí tuệ là đơn vị dự thảo Thông tư hướng dẫn thì giấy phép đăng ký kinh doanh được thay bằng giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp do Cục trưởng cục sở hữu trí tuệ cấp. Việc quy định tại điểm 3 của dự thảo thông tư Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp thay cho giấy phép đăng ký kinh doanh là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật khoa học và công nghệ vì theo Luật Đầu tư, các doanh nghiệp muốn được kinh doanh thì phải đăng ký tại một đầu mối là Sở kế hoạch và đầu tư. Hơn nữa giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp do Cục sở hữu trí tuệ cấp chỉ là một điều kiện cần nhưng chưa đủ với doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực có điều kiện. Về việc để Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định thay cho đăng ký kinh doanh dễ tạo ra hình ảnh một cơ quan “vừa đá bóng” “vừa thổi còi” tức là vừa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ lại vừa cấp giấy chứng nhận cho người có quyền phán xử lại ‘các quyết định của mình”. Vì vậy, đề nghị nên xem xét lại vấn đề này cho phù hợp với Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Khoa học và Công nghệ.

3. Về việc loại trừ 1 trường hợp không được cấp thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp (điểm 2.2): Nghị định 105/2006 (điều 44 khoản 3) quy định các điều kiện để được công nhận và cấp thẻ giám định viên ở hữu trí tuệ mà không có ngoại lệ. Dự thảo Thông tư hướng dẫn đưa vào 2 điểm lại trừ đó là đại diện Sở hữu công nghiệp và các công chức nhà nước thì không được cấp thẻ giám định là trái với nghị định và luật sở hữu trí tuệ. Công ty sở hữu trí tuệ INVENCO đề nghị nên để các đại diện sở hữu trí tuệ nếu kiểm tra mà đáp ứng các điều kiện của giám định viên thì cấp thẻ giám định viên, còn việc hành nghề của họ thì đã được quy định tại khoản 4 điều 44 Nghị định 105/2006: “Từ chối giám định cho những trường hợp người giám định viên có quyền và lợi ích liên quan đến đối tượng giám định”. Hiện nay các đại diện sở hữu công nghiệp là những người am hiểu pháp luật sở hữu trí tuệ và thườmg xuyên phải tham gia các hoạt động thực thi pháp luật do vậy có đủ trình độ chuyên môn để giám định và họ phải được làm giám định theo quy định của pháp luật.

4. Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành cải cách hành chính sâu rộng và bỏ giấy phép con, do vậy việc sinh ra giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định là một loại giấy con mà cần phải bải bỏ.

Vì vậy, đề nghị nên bỏ toàn bộ điểm 9 của dự thảo thông tư hướng dẫn.

5. Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thưong mại Thế giới (WTO) do vậy cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn WTO đề ra cụ thể là phải tách bạch hoạt động giám định Sở hữu trí tuệ với hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ để bảo đảm tính khách quan khi đưa ra các kết luận đánh giá về các vụ việc xâm phạm, vi phạm về Sở hữu trí tuệ nhưng phải mở rộng hoạt động này theo hướgn xã hội hoá coi giám định Sở hữu trí tuệ là một loại dịch vụ về sở hữu trí tuệ có thể do nhiều loại hình tổ chức và cá nhân cung ứng nếu có đủ điều kiện cần thiết trong Luật sở hữu trí tuệ có đề cập cá nhân có đủ điều kiện giám định (Điều 201) tuy nhiên trong dự thảo thông tư không hề đề cập đến đây là một thiếu sót nghiêm trọng. Do vậy cần đưa 1 điều khoản về hành nghề giám định với danh nghĩa cá nhân nếu là tổ chức thì phải tổ chức giám định có thể là tổ chức khoa học công nghệ có giấy đăng ký hoạt động khoa học công nghệ hoạc là tổ chức kinh doanh dịch vụ khoa học công nghệ được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp hoạc là các doanh nghiệp khác khi có đủ điều kiện các quy định tại điều 42 của Nghị định thì đều được quyền hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ.

Công ty sở hữu trí tuệ INVENCO kính đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam góp ý dự thảo Thông tư theo tinh thần của Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ và các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO kiên quyết thực hiện cải cách hành chính giảm phiền hà cho doanh nghiệp khi đăng ký hành nghề giám định Sở hữu trí tuệ.
 
 

Các văn bản liên quan