Góp ý của Bà Trần Quỳnh Nga – Bộ Tài chính

Thứ Hai 14:20 06-08-2007

1. Về sự cần thiết: Xuất phải từ thực tế về những bất cập về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp, trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, vi vậy thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực thực hiện pháp luật của doanh nghiệp và tăng cường việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

2. Về nội dung dự thảo Nghị định: Nhìn chung dự thảo Nghị định đã đưa ra được một số nội dung cần thiết cho việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hoàn chỉnh dự thảo tôi xin tham gia thêm một số điểm sau:

(1) Điều 6. Biên soạn, xuất bản tài liệu giới thiệu, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo quy định: Các bộ có trách nhiệm biên soạn, xuất bản tài liệu giới thiệu, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có liên quan đến lĩnh vực do mình quản lý cho doanh nghiệp. Đề nghị xem lại vì hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật đã được đăng Công báo theo quy định và các Website của các Bộ, ngành, địa phương.Vì vậy không nên quy định phải biên soạn, xuất bản tài liệu mà chỉ nên quy định có hình thức tuyên truyền, phổ biến giới thiệu những văn bản mới ban hành trong thời gian khoảng 1 quý/lần về những quy định liên quan đến doanh nghiệp. Mặt khác, trong quá trình soạn thảo các văn bản liên quan đến doanh nghiệp cần phải lấy ý kiến công khai các doanh nghiệp để văn bản phù hợp thực tế, các doanh nghiệp có thể hiểu để thực hiện ngay sau khi ban hành văn bản.

(2) Điều 7. Xây dựng, cập nhật tài liệu và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp.

- Đề nghị nêu rõ các Bộ bồi dưỡng kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực mình quản lý hay bồi dưỡng kiến thức cho các doanh nghiệp trực thuộc Bộ quản lý. Theo tôi vấn đề này nên giao cho 1 cơ quan chủ trì, các Bộ phối hợp tham gia.

- Nên nhập phần xây dựng, cập nhật tài liệu tại Điều 7 vào Điều 6, Điều 7 chỉ nêu về vấn đề đào tạo.

(3) Điều 8 Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về nội dung các quy định của pháp luật.

- Khoản 2 Điều 8 không rõ đề nghị xem lại, theo tôi Bộ nào chủ trì về lĩnh vực đó thì Bộ đó lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan và trả lời doanh nghiệp, ý kiến tham gia của các Bộ, ngành có thể không thống nhất với nhau và không thống nhất với Bộ chủ trì nhưng Bộ chủ trì phải ký văn bản trả lời doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình, không nhất thiết phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ đẩy cho Thủ tướng phải giải quyết những việc mang tính chất sự vụ.

- Khoản 4 đề nghị xem lại đoạn: "Trong trường hợp không trả lời thắc mắc của doanh nghiệp thì cơ quan có trách nhiệm phải nêu rõ lý do". Theo tôi các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm trả lời mọi thắc mắc của nhân dân nói chung và của doanh nghiệp nói riêng, mọi câu hỏi của doanh nghiệp đều phải có văn bản trả lời, nếu lĩnh vực doanh nghiệp vướng mắc chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định thì phải nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện bổ sung hệ thống pháp luật.

(4) Điều 11. Xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Khoản 1. Đề nghị bỏ từ "hàng năm", theo tôi Chương trình trình thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên là 5 năm trở lên và định hướng cho giai đoạn tới, tuy nhiên trong Chương trình thì sẽ phân tiến độ thực hiện theo từng năm. Theo đó, sửa lại những khoản 2,3,4 cho phù hợp. Việc đề nghị các Bộ, địa phương gửi đề xuất cần phải được quy định rõ nội dung, thời hạn lập và gửi để có thể tổng hợp lập Chương trình. Đề nghị trước khi xây dựng được chương trình nên có điều tra, khảo sát, đánh giá về nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp.

Mặt khác, đề nghị xem lại đối tượng, nội dung Chương trình để tránh chồng chéo với các Chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp hiện nay đang thực hiện như Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2004-2008.

(5) Điều 13. Khoản 2,3 không cần thiết phải đưa vào Nghị định. Nên đưa vào nội dung của Chương trình trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (trong chương trình sẽ có nội dung về kinh phí thực hiện Chương trình), Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí khi những nội dung thực hiện của Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên đây là một số ý kiến tham gia của Tôi để Ban soạn thảo nghiên cứu./.

                                                          Ngày 23 tháng 7 năm 2007
                                                                   Người tham gia
                                                     Trần Quỳnh Nga (Bộ  Tài chính)
 

Các văn bản liên quan