Về một số nội dung đăng ký kinh doanh chưa có quy định cụ thể của pháp luật

Thứ Hai 14:13 04-06-2007

Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực từ 01/07/2006 và Nghị định 88/2006/ND-CP này 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, đã được triển khai gần một năm. Tuy nhiên một số nội dung quy định trong Luật Doanh nghiệp nhưng chưa có quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác đăng ký kinh doanh. Mặt khác, còn một số nội dung đã có trong Luật Doanh nghiệp liên quan đến công tác đăng ký kinh doanh song cũng chưa có quy định cụ thể trong Nghị định 88/2006 nêu trên và cả những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong việc thực thi các văn bản pháp luật này có liên quan đến công tác đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký kinh doanh.

MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ NHƯ SAU:

1. Trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành, có nói đến vấn đề mua bán doanh nghiệp (điều 145 Luật Doanh nghiệp) Trong nền kinh tế thị trường thì đây cũng là một việc bình thường. Tuy nhiên nội dung này chưa có quy định cụ thể và hướng dẫn về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với các trường hợp mua bán doanh nghiệp.

2. Một số nội dung quy định tại Chương VIII Luật Doanh nghiệp:

2.1 Điều 154 Luật Doanh nghiệp quy định về công ty TNHH có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần và ngược lại được quy định như sau: “Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định chuyển đổi…”Tuy nhiên trong Nghị định 88/2006/ND-CP về đăng ký kinh doanh chưa thấy có quy định về hồ sơ đăng ký kinh doanh chuyển đổi Công ty TNHH một thành viên thành công ty cổ phần và ngược lại?

2.2 Quy định tại Khoản 2 Điều 155 Luật Doanh nghiệp: “Chuyển đổi công ty TNHH một thành viên”. Quy định: “Trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ cho một cá nhân…người nhận chuyển nhượng phải đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty…”Nhưng trong Nghị định 88/2006 nêu trên chưa có quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định tại điều khoản này.

2.3 Tại Khoản 5 Điều 158 “thủ tục giải thể doanh nghiệp” nêu: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sở giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh” và “kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ…”.Tuy nhiên chưa có quy định về Hồ sơ giải thể doanh nghiệp gồm những tài liệu gì? Do ai lập là hợp lệ và đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp.

2.4. Quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 163 (Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh), tuy nhiên đến nay chưa có quy định và hướng dẫn về hồ sơ xử lý vi phạm gồm những tài liệu gì? Do cơ quan nào lập được coi là hồ sơ hợp lệ, đúng với quy định của pháp luật để các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện xử lý không vi phạm vào quy định tại Khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp.

Thực tế trong các năm qua, việc vi phạm của doanh nghiệp, tuy chưa có tài liệu kiểm tra, đánh giá song qua công tác đăng ký kinh doanh thấy là cũng không phải là ít, song vì không có quy định chi tiết và hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan trong việc xử lý theo các nội dung quy định tại điều này, nên hầu như trong thực tiễn quy định này thực hiện như thế nào để không vi phạm vào khoản 1 điều 165 Luật Doanh nghiệp, kể cả các cơ quan đăng ký kinh doanh, là một việc rất khó xác định vì thiếu quy định cụ thể của pháp luật.

Mặt khác, theo quy định của các văn bản pháp luật, việc xử lý vi phạm pháp luật hầu như phải có hồ sơ để khẳng định hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng nào đó, mà nếu không có thì không thể xử lý được bất cứ nội dung gì, nhất là Luật doanh nghiệp đã nêu về trách nhiệm của cơ quan xử lý trong trường hợp xử lý không đúng với quy định của pháp luật, tại Khoản 1 Điều 165 Luật doanh nghiệp.

2.5 Hồ sơ, thủ tục để thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp về Tạm ngừng kinh doanh: “cơ quan đăng ký kinh doanh…có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh…khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật”. việc phát hiện như quy định trên đây của cơ quan đăng ký kinh doanh cụ thể là gì? Có cần hồ sơ, giấy tờ pháp lý gì không? Và nếu có thì loại giấy tờ, tài liệu gì? Tài liệu ấy như thế nào là hợp lệ và do cơ quan nào lập là đúng với quy định của pháp luật.

3. Một số nội dung quy định tại Chương X Luật Doanh nghiệp:

3.1 Tại khoản 1 Điều 166 Luật Doanh nghiệp quy định về Chuyển đổi công ty nhà nước đã nêu: “Chính phủ quy định về trình tự và thủ tục chuyển đổi”. Đến nay, trong Nghị định của Chính phủ về đăng ký kinh doanh chưa có nêu các quy định về trình tự, thủ tục, hồ sở đăng ký kinh doanh theo Điều 166 này.

3.2 Tại Khoản 2 Điều 166 Luật Doanh nghiệp: “Trong thời hạn chuyển đổi…nếu Luật này không có quy định”. Đối chiếu với quy định tại điều này, thấy Luật Doanh nghiệp đã có các quy định về đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên lại chưa có một điều nào của Nghị định 88/2006 của Chính phủ quy định về đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước thời hạn chuyển đổi, cả về hồ sơ, trình tự, thủ tục, mẫu các loại giấy tờ dùng trong đăng ký kinh doanh. Vì vậy việc áp dụng trong đăng ký kinh doanh theo Khoản 2 Điều 166 là thiếu căn cứ pháp lý, tạo ra sự khác nhau giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh trong cả nước, gây thắc mắc cho doanh nghiệp và khó giải thích.

3.3 Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải phòng và Phòng đăng ký kinh doanh Hải phòng đã có một số văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa về một số nội dung vướng mắc trong việc thực hiện Luật Doanh nghiệp liên quan đến đăng ký kinh doanh. Tuy Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cục phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có văn bản trả lời vể một số vấn đề mang tính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện, song đối chiếu với các nội dung quy định trong Nghị định 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ về đâng ký kinh doanh thì chưa có quy định nào như vậy, do đó vẫn chưa phải là căn cứ pháp lý để thực hiện. Chính vì vậy, các vướng mắc đó vẫn đang tồn tại và là một áp lực đối với việc thực hiện Luật Doanh nghiệp của cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước liên quan, trong đó có cả việc thực hiện công tác đăng ký kinh doanh, gây nhiều phức tạp, làm hạn chế hiệu lực và hiệu quả thực thi Luật Doanh nghiệp.

Chúng tôi xin phản ánh với Cục phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để có hướng giải quyết, xử lý kịp thời các vướng mắc trên theo quy định của pháp luật hiện hành để giải quyết việc đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp đúng với quy định của pháp luật.

Các văn bản liên quan