Rắc rối Điều lệ mẫu…

Thứ Hai 23:51 07-05-2007

Rắc rối Điều lệ mẫu cho công ty niêm yết

 

 

Với lý do hàng loạt nội dung của Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC ngày 19/3/2007 của Bộ Tài chính về việc ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán, vi phạm Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật sư Lê Thanh Sơn - Điều hành Công ty Luật AIC đã buộc phải kiến nghị Bộ Tài chính tạm dừng hiệu lực của Quyết định này cho đến khi có những sửa đổi phù hợp với các quy định của Luật Doanh nghiệp. Bởi, theo ông Sơn, sự bất cập của Điều lệ mẫu ban hành kèm theo Quyết định 15 đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp trong diện điều chỉnh.

Cụ thể một vài ví dụ. Đối với việc bầu thành viên HĐQT, Điều lệ mẫu đưa ra quy định: HĐQT có thể bổ nhiệm thành viên HĐQT mới để thay thế chỗ trống phát sinh và thành viên mới này phải được chấp thuận tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngay tiếp sau đó. Sau khi được ĐHCĐ chấp thuận, việc bổ nhiệm thành viên mới đó sẽ được coi là có hiệu lực vào ngày được HĐQT bổ nhiệm.

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Sơn thì quy định này trái với nguyên tắc ĐHCĐ là cơ quan bầu thành viên HĐQT đã nêu trong Luật Doanh nghiệp. Không những vậy, nếu áp dụng theo Điều lệ mẫu, trong trường hợp người được HĐQT bổ nhiệm mới lại không được ĐHCĐ chấp thuận thì sẽ phát sinh hàng loạt vấn đề lớn. “Khi đó, tư cách thành viên của người được HĐQT bầu sẽ được xác định như thế nào? Giá trị của các quyết định, phiếu biểu quyết của người đó trong thời gian từ khi được HĐQT bổ nhiệm cho đến khi có quyết định của ĐHCĐ ra sao? Các hợp đồng, giao dịch mà người đó đã biểu quyết với tư cách là thành viên HĐQT có hiệu lực không…”, ông Sơn đặt vấn đề và cho biết, trường hợp này đã xảy ra tại ĐHCĐ một công ty cổ phần lớn tại TP. HCM vừa qua. “Hậu quả pháp lý sau đó của công ty này sẽ phải được giải quyết như thế nào?”, ông Sơn đặt câu hỏi.

Liên quan tới các quy định về mở rộng ngành nghề, Điều lệ mẫu cũng được phát hiện đã vi phạm quy định tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh khi bổ sung thêm điều kiện “được HĐQT phê chuẩn” khi thực hiện quyết định bổ sung ngành nghề. Theo quy định tại Nghị định số 88, trong trường hợp công ty cổ phần muốn bổ sung ngành nghề thì phải có quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của ĐHCĐ về việc đồng ý bổ sung ngành nghề kinh doanh. Đồng thời, việc bổ sung ngành nghề kinh doanh, theo ông Sơn, chính là việc mở rộng định hướng mới phát triển của công ty thuộc thẩm quyền quyết định của ĐHCĐ.

Không chỉ bổ sung những điều kiện ngoài luật, trong nghiên cứu của mình, ông Sơn còn phát hiện khá nhiều quy định rộng hơn hoặc hẹp hơn các quy định tương ứng trong Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn. Hậu quả pháp lý của những vi phạm này sẽ rất lớn trong trường hợp nội bộ công ty có vấn đề và cần phải viện tới sự phán xét của toà án. Ví dụ như Luật Doanh nghiệp quy định, phiếu biểu quyết của người được uỷ quyền dự họp ĐHCĐ vẫn có hiệu lực khi công ty nhận được thông báo bằng văn bản về thay đổi uỷ quyền dự họp ĐHCĐ chậm nhất 24 giờ trước giờ khai mạc. Thời gian mà Điều lệ mẫu đưa ra là 48 giờ trước giờ khai mạc cuộc họp ĐHCĐ là sai với Luật.

Điều lệ mẫu cũng “mở” thêm quyền cho chủ tọa ĐHCĐ trong trường hợp hoãn cuộc họp ĐHCĐ khi bổ sung thêm điều kiện “sự trì hoãn là cần thiết để các công việc của đại hội được tiến hành một cách hợp lệ”, bên cạnh 2 trường hợp Luật Doanh nghiệp đã nêu. Song cũng cần phải nói thêm rằng, Luật Doanh nghiệp cũng quy định trường hợp chủ tọa hoãn hoặc dừng họp ĐHCĐ trái với quy định của Luật thì ĐHCĐ bầu một người khác trong số những người dự họp để thay thế chủ tọa điều hành cuộc họp cho đến lúc kết thúc và hiệu lực các biểu quyết tại cuộc họp đó không bị ảnh hưởng. Với quy định như vậy thì quyền mà chủ tọa được hưởng do Quyết định 15 sẽ bị rơi vào tình thế bị phủ quyết trên. Và thực tế sẽ trở nên phức tạp hơn khi các quy định chồng chéo và va chạm nhau như vậy. Cổ đông trong công ty sẽ bị ảnh hưởng lớn khi thực hiện quyền của mình. Theo tinh thần mà các doanh nghiệp trong Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã thảo luận thì việc lấy ý kiến lại các doanh nghiệp và cơ quan có liên quan về nội dung Điều lệ mẫu phải được làm ngay.

Bảo Duy
Theo Đầu tư Chứng khoán 

Các văn bản liên quan