Cứu hộ tàu mắc cạn: Mạnh ai người ấy làm!

Thứ Hai 23:34 07-05-2007
Cứu hộ tàu mắc cạn: Mạnh ai người ấy làm!
 

Thời gian qua, với việc mực nước trên một số con sông xuống thất thường, đặc biệt là tuyến sông Hồng có lúc xuống quá thấp nên việc thực hiện cứu hộ đã trở thành một thị phần béo bở cho không ít doanh nghiệp tư nhân tham gia kiếm lợi, dẫn đến tình trạng lộn xộn, vô tổ chức, và vi phạm các quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường thủy cho biết, thời gian qua, trên tuyến đường thủy nội địa sông Hồng (tuyến đường thủy nội địa quốc gia), xảy ra tình trạng một số công ty tư nhân xô xát, tranh giành cứu hộ tàu thuyền bị mắc cạn. Diễn biến phức tạp nhất là từ Việt Trì về đến Hà Nội. Tuyến đường thủy này dài 75,5 km, qua 55 xã của 10 huyện, thuộc 4 tỉnh, thành phố như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây và Hà Nội. Nổi cộm nhất là những nơi thường xuyên xảy ra tình trạng tàu mắc cạn cần được cứu hộ do có nhiều điểm nước sông Hồng khô cạn, đồng thời có nhiều tàu trọng tải lớn trên 200 tấn chạy qua.

Luồng tuyến bị khan cạn thường xuất hiện tại các xã Cao Đại (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), Phú Châu (Ba Vì, Hà Tây). Theo quy định, tiêu chuẩn luồng chạy tàu phải có độ sâu tối thiểu là 1, 8m nhưng vào thời điểm này, có những đoạn độ sâu của luồng chỉ đạt 1,1 m (chỉ có những phương tiện nhỏ, không tải mới hoạt động được). Chiều rộng của luồng chạy tàu được quy định mức tối thiểu phải từ 30 m, nhưng tại nhiều nơi hiện chỉ đạt 25 m...

Ông Trần Sỹ Duy - Phó Thanh tra Cục Đường sông (Bộ GTVT) - cho biết, việc xuất hiện nhiều điểm khan cạn ảnh hưởng lớn đến việc chạy tàu, nhất là đối với tàu có trọng tải lớn trên 200 tấn. Những nơi mực nước xuống quá thấp, luồng chạy tàu bị thu hẹp dẫn đến lưu tốc dòng chảy lớn, đòi hỏi trình độ và kinh nghiệm lái tàu của các thuyền trưởng rất cao mới đảm bảo an toàn.

Hiện có 6 doanh nghiệp tư nhân được Sở Kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố cấp đăng ký kinh doanh dịch vụ cứu hộ trên tuyến giao thông đường thủy nội địa sông Hồng là: Công ty TNHH cứu hộ cứu nạn Thượng Phong; Công ty TNHH cứu hộ, cứu nạn Hoa Nam; Công ty TNHH đầu tư thương mại Biển Đông; Công ty TNHH cứu hộ, cứu nạn Thăng Long; Công ty TNHH Hoa Hồng và Công ty TNHH Sông Hồng. Tuy nhiên, thực chất hoạt động của các đơn vị này như thế nào các cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết được.

Theo Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp được đăng ký kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm, trong đó có ngành dịch vụ hoa tiêu và cứu hộ đường thủy. Tuy nhiên, theo thanh tra Cục Đường sông và các Đoạn quản lý đường sông của 4 tỉnh thành phố, 6 doanh nghiệp trên chưa đảm bảo yêu cầu cơ bản được quy định tại Luật Giao thông đường thủy và các thông tư của Bộ Giao thông vận tải.  Còn theo quy định của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và quy định của Bộ Giao thông vận tải thì muốn thành lập tổ chức hoa tiêu (dẫn luồng) phải có hoa tiêu đủ tiêu chuẩn như được đào tạo bài bản và quan trọng là phải có chứng chỉ hành nghề. Đồng thời phải được sự thỏa thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Bên cạnh đó, việc dẫn luồng, thông báo luồng, khai thác luồng… cũng là chức năng do Bộ Giao thông vận tải đảm nhiệm, những cá nhân đơn vị muốn thực hiện phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, các Sở Kế hoạch đầu tư không  thực sự chú trọng đến những quy định này và vẫn cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ cho doanh nghiệp.

Được biết, sở dĩ các công ty trên hoành hành ngang dọc trong một thời gian dài như vậy là nhờ  tấm "bùa hộ mệnh" - giấy phép kinh doanh do các Sở Kế hoạch đầu tư cấp. Các đoạn quản lý đường sông cũng bó tay "nhìn" các doanh nghiệp này, dù biết rằng họ có những hoạt động bất hợp pháp. Thậm chí, cả cảnh sát giao thông đường thủy cũng chỉ thực hiện việc kiểm tra bằng lái, đăng kiểm chứ không thể can thiệp vào quá trình thu phí hay các hoạt động khác của doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề này có ý kiến đã chỉ ra thẳng thắn: Việc các Sở Kế hoạch đầu tư cấp phép cho các doanh nghiệp cứu hộ, không cần bàn bạc với các cơ quan chuyên môn là phủ nhận chức năng quản lý nhà nước của các Đoạn đường sông. Ngoài ra cũng còn một số bất cập khác như công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông đường thủy đối với các doanh nghiệp cứu hộ trên tuyến chưa kiên quyết dẫn đến các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn vẫn hoạt động...

Quang Trung

Theo Báo Đời sống và Phát luật, số ra ngày Thứ Năm, 12/04/2007

 

Các văn bản liên quan