Góp ý của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn

Thứ Sáu 09:44 02-11-2007

Kính thưa đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi hoàn toàn tán thành bản báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và về cơ bản tán thành với dự thảo Luật hoá chất. Để góp ý cho Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra hoàn thiện luật, tôi xin có một số ý kiến như sau. Tôi xin trình bày ý kiến về 2 loại vấn đề, thứ nhất là những vấn đề về kỹ thuật lập pháp, thứ hai là một số quy định. Phần đầu tôi chỉ xin nói lướt qua.

Chúng tôi thấy những luật trình ra Quốc hội, theo tôi nên có mục lục thì sẽ dễ theo dõi, người đọc dễ theo dõi và chính người soạn cũng dễ theo dõi. Tôi nói như thế bởi tôi đọc thì tôi thấy ở Chương II và Chương V các điều quy định và sắp xếp không được hợp lý. Ví dụ đang nói về hoá chất nguy hiểm sau đó lại đến một điều nói về hoá chất bình thường, sau đó lại quy lại nói về nguy hiểm, như thế hết sức khó theo dõi. Theo tôi Chương II và Chương V nội dung nhiều như vậy thì nên chia thành mục.

Thứ hai về phạm vi điều chỉnh, chúng tôi thấy sót hoạt động xuất nhập khẩu hoá chất, trong đó Điều 24 có quy định về xuất nhập khẩu hoá chất. Khi nói đến phạm vi điều chỉnh cũng liên quan đến một thuật ngữ mà đáng lẽ ra phát biểu ở Hội trường thì không nên đi sâu vào những chuyện này, nhưng vì đây là một thuật ngữ cơ bản được dùng lặp đi lặp lại trong luật chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cân nhắc thuật ngữ "hoạt động hoá chất".

Tôi nhớ ở Quốc hội Khoá XI khi Bộ Khoa học công nghệ trình ra Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thì các đại biểu đã phản đối cách dùng là hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Sau đó Ban soạn thảo tiếp thu và sửa lại là hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đây là mình nói là hoạt động hoá chất thì tôi thấy không hợp với cách đặt cụm từ của tiếng Việt. Tôi cứ nghĩ lan man, ví dụ có thể nói là hoạt động sinh vật được không? hay hoạt động vật lý được không? v.v.... chắc là không được. Chỗ này chúng tôi xin đề nghị cân nhắc sửa lại.

Về câu chữ chúng tôi thấy có nhiều vấn đề trong đó có cả điều là sai chính tả, che giấu viết thành chữ "d" trên chẳng hạn, tôi đã góp ý nhưng tôi không thấy sửa ở Điều 7.

Bây giờ tôi tập trung nói về quy định, ở đây tôi có 11 điểm góp ý và tôi cứ phát biểu đến khi nào hết giờ tôi xin dừng.
Thứ nhất, chúng tôi thấy có nhiều quy định thiếu cụ thể. Ví dụ như Điều 10, Khoản 4 nói là dự án đầu tư sản xuất kinh doanh hoá chất phải lấy ý kiến của nhân dân. Điều 58, Khoản 1, điểm d cũng nói là tổ chức cá nhân ở nơi có hoạt động hoá chất thì được quyền tham gia ý kiến. Nhưng ở đây không quy định cụ thể lấy ý kiến nhân dân thì ai lấy ý kiến, chính quyền địa phương hay là chủ đầu tư, chủ dự án lấy ý kiến, ai xử lý ý kiến và cách lấy ý kiến nhân dân như thế nào? Công bố trên phương tiện thông tin đại chúng rồi ai muốn góp ý thì góp hay là thế nào? Rồi cách xử lý ý kiến khi đa số nhân dân không đồng tình đặt nhà máy ở đấy, đặt dự án ở đấy thì xử lý như thế nào? Theo tôi cũng phải có quy định cụ thể hơn.

Điều 20, nói về vận chuyển hàng nguy hiểm đã có một đại biểu trước tôi phát biểu, tôi không lặp lại nữa. Tôi đề nghị phải quy định cụ thể hơn, nếu không thì phải dẫn chiếu điều bao nhiêu của luật nào? Chứ còn nói chung chung là phải quy theo quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, theo tôi chưa đủ.

Điều 21, có nói tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh cất giữ hoá chất nguy hiểm phải có các cảnh báo cần thiết về nơi cất giữ, chúng tôi xin đề nghị nói cụ thể hơn, cảnh báo bằng cái gì? Bằng ký hiệu hay cảnh báo bằng mồm, cái này phải nói rõ, nếu luật không nói rõ thì đến lúc đưa ra xử nhau rất là khó.

Trong dự luật này khi mà tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh này thì có cần phải công bố nơi cất giữ hoá chất với địa phương không? Cái này cũng cần phải nói rõ.

Thứ hai, nhận xét của chúng tôi là một số quy định thiếu tính khả thi. Ví dụ  Điều 16 nói: Hồ sơ xin cấp phép kinh doanh hoá chất bao gồm giấy tờ, chứng minh đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ cán bộ v.v... khi đó cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét 15 ngày thì phải cấp phép. Ở đây có điều khó là thế này, chủ dự án khi trình dự án ấy người ta chỉ trình dự kiến, thực ra người ta chưa thể có cơ sở vật chất, chưa thể có đội ngũ, ông có duyệt lúc đấy người ta mới tìm cơ sở vật chất, mới tuyển đội ngũ. Mình lại yêu cầu phải chứng minh được, như thế tôi nghĩ khó cho chủ đầu tư.

Về phía cơ quan chính quyền, quy định như thế này lỏng quá, cứ khi người ta có giấy tờ chứng minh được thì 15 ngày sau ông cần cấp phép, nhưng ông phải đi kiểm tra thực tế xem tất cả các chuyện người ta chứng minh như thế có đúng hay không, chỗ này theo tôi cần phải quy định.

Điều 42 có nói đến thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Vấn đề này giao cho Bộ, chúng tôi nghĩ không khả thi, vì Bộ quản lý rất rộng, nhất là Bộ Công thương hiện nay lĩnh vực hoạt động rất lớn, nếu bây giờ lại giao cho Bộ phải quản lý, duyệt kế hoạch của tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất trong toàn quốc thì tôi sợ không thể nào duyệt được, chỗ này phải có phân cấp.

Điều 52, quy định về sử dụng thông tin bảo mật, có nói cơ quan Nhà nước, ví dụ Tòa án được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoá chất nhưng phải bảo mật. Tôi cho vấn đề này không khả thi, vì Toà án xử là xử công khai, có tranh tụng, luật sư phải biết, đến 3 - 4 người biết như thế thì làm sao bảo mật được nữa, vấn đề này phải xem lại.

Nhận xét thứ ba, một số quy định chúng tôi thấy chưa hợp lý. Đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra xem xét lại.

Thứ nhất, tôi đếm không chính xác lắm, có thể thiếu là trong luật này giao Chính phủ và Bộ quy định cụ thể tới 24 điều, tất cả luật có 70 điều, như thế nhiều quá.

Điều 49, quy định về cung cấp thông tin. Tôi thấy quy định này chưa đầy đủ. Đề nghị xem lại 3 yêu cầu về cung cấp thông tin như thế đã đủ gọi là thông tin chưa?

Thứ hai cũng nói cung cấp thông tin cho cơ quan Nhà nước, còn Điều 59 quy định cung cấp thông tin cho dân, tôi thấy Điều 59 quy định cung cấp thông tin cho dân lại quá ít, tôi xin đọc: nghĩa vụ cung cấp thông tin đây là Điều 49, còn đến Điều 59 công khai về thông tin an toàn hoá chất quy định cho dân thế này không đủ chỉ nói biện pháp bảo đảm an toàn sức khoẻ con người, thứ hai là nội dung cơ bản phòng ngừa, còn chất ấy nó độc như thế nào v.v... cũng phải cung cấp thông tin cho dân, thì dân mới có thể quyết định được là phải ứng phó như thế nào, người ta còn thống nhất để làm cơ sở sản xuất kinh doanh ở đây không?

Điều 55, quy định thời hạn lưu giữ các báo cáo về hoá chất nguy hiểm là 5 năm, tôi nghĩ là quá ngắn, nếu đối với hoá chất xảy ra những chuyện gì đến lúc tìm đến hồ sơ sau 5 năm thì hồ sơ huỷ rồi, không thể làm được. Tôi nghĩ chỗ này phải xem lại.

Điều 57, quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường, nhưng không thấy quy định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, mới chỉ quy định trách nhiệm của các tổ chức sản xuất kinh doanh còn không thấy nói đến cơ quan Nhà nước. Nếu Luật bảo vệ môi trường đã nói, theo tôi luật này cũng cần phải dẫn chiếu theo điều bao nhiêu của Luật bảo vệ môi trường. Điều 61, Khoản 5 có nói chi phí xử lý lấy từ ngân sách, nếu chủ sở hữu không đủ khả năng tài chính để xử lý, chỗ này tôi thấy ngân sách Nhà nước gánh tất cả những chuyện như thế này thì không được. Theo tôi là trong trường hợp chủ đầu tư chủ sở hữu người ta không có đủ khả năng xử lý những tồn dư hoá chất hay chất độc hại, thì đúng là ngân sách phải bỏ ra đã, nhưng phải ghi nợ cho chủ đầu tư, nếu trong trường hơp này Nhà nước gánh lấy cả thì không ổn. Đó là một số ý kiến chúng tôi xin phát biểu, còn về kỹ thuật cụ thể, câu chữ cụ thể chúng tôi xin chuyển đến các đồng chí Uỷ ban Khoa học, công nghệ và Môi trường. Xin cảm ơn, xin hết.

Các văn bản liên quan