Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Hoá chất

Thứ Tư 22:42 09-05-2007
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng - Tỉnh Đăk Nông
Kính thưa Quốc hội,

Về Luật Hóa chất, tôi cảm thấy chưa thỏa mãn lắm và rất mong được nhiều ý kiến đóng góp để cho kỳ sau chúng ta có thể thông qua được. Tôi có 3 ý kiến.

Ý kiến thứ nhất, chúng ta nhớ rằng chỉ 13 năm nữa thôi thì chúng ta phấn đấu trở thành nước công nghiệp phát triển hướng hiện đại, muốn trở thành nước công nghiệp không thể tách rời khỏi công nghiệp hóa chất. Công nghiệp hóa chất đem lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế mà chúng ta hiểu là công nghiệp hóa chất nó có từ 3 nguồn nguyên liệu.
Nguyên liệu thứ nhất là từ dầu mỏ, khí thiên nhiên sẽ ra rất nhiều các hóa chất quý giá.
Nguyên liệu thứ hai từ đường bột và chất sơ theo công nghệ sinh học cũng sẽ tạo ra rất nhiều các hợp chất nhờ công nghệ lên men rất quý giá nhất là các dược phẩm. Con đường thứ ba là từ hợp chất tự nhiên để chuyển chiết rút và chuyển hóa thành các hợp chất quý giá. Cho nên, luật này không bao gồm được các phương hướng, các quy phạm để phát triển ngành công nghệ hóa chất như đồng chí Phạm Quang Dự đã nói, tôi nghĩ quá nặng về chuyện quản lý các hóa chất đã có của công nghiệp, không nói nhiều đến phạm vi quy phạm pháp luật để phát triển ngành công nghệ hóa chất.

Ý kiến thứ hai của tôi là trong phần định nghĩa hóa chất không thì không ổn, bởi vì đã định nghĩa hóa chất rồi lại bảo trừ một số như thế này thì cái đó không phải. Hóa chất định nghĩa như thế nào thì bao gồm tất cả các chất đó, còn chất trừ ra phải đưa vào phạm vi điều chỉnh, định nghĩa hoá chất như vậy cũng không hợp lý. Theo tôi, hoá chất là các sản phẩm hoá học được sử dụng trong sản xuất và đời sống, vì sản phẩm hoá học có đầy trong thiên nhiên, nhưng nếu không được sử dụng trong sản xuất và đời sống thì không thuộc phạm vi của luật này.

Ví dụ oxy chẳng hạn, có trong 21% trước mặt chúng ta, trong không khí, nhưng nếu đưa vào bình oxy dễ nổ, dễ cháy thì lại phải quản lý bình oxy. Cho nên, định nghĩa thì dài nhưng lại không đủ, không đúng, tôi muốn đổi lại hoá chất là các hợp chất hoá học được sử dụng trong sản xuất và đời sống, vì định nghĩa đó nó không hợp lý. Cho nên, nó không bao gồm được những cái đúng là hoá chất, nhưng nó ở trong phạm vi của các luật khác. Theo tôi, mình phải thấy luật này là luật chính, viện dẫn chi tiết những luật khác liên quan đến hoá chất đặc thù.

Thứ ba, Luật Hoá chất phải làm sao đáp ứng được những yêu cầu bức xúc của cuộc sống cả về nhiệm vụ lâu dài cũng như bức xúc trước mắt. Trước hết, bức xúc trước mắt của cuộc sống phải được đáp ứng, ví dụ việc tạt axit, đây là tội phạm rất đê hèn, để lại hậu quả rất nặng nề, nhưng lại mua axít rất dễ dàng ở thị trường. Bởi vì axit sẽ là nguyên liệu để nạp ác qui, cho nên có thể mua dễ dàng. Làm sao Luật hoá chất quản lý thế nào để người ta không thể mua được hoá chất dùng vào mục đích tội phạm như vậy. Hay phooc môn chẳng hạn, tôi nhớ nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế anh Nhân anh đi ra nước ngoài họp, người ta thắc mắc tại sao người Việt Nam trẻ hơn tuổi, anh nói vui là vì chúng tôi ăn phở có phooc môn. Như vậy chuyện kỳ lạ phooc môn lại đưa vào trong thực phẩm, nhưng tại sao có thể mua dễ dàng phooc môn ở trên thị trường để đưa vào thực phẩm.

Đấy là  một sáng kiến rất phản khoa học chỉ cốt là bảo quản được lâu bánh phở, nhưng không biết đó là hoá chất độc hại. Hay hàn the, chúng ta đã không cho phép đưa vào thực phẩm, thế thì chúng ta bán ở trên thị trường để làm gì? Bán để dùng mục đích gì phải có người quản lý. Những vấn đề bức xúc như vậy rất cần và đặc biệt những chất quá độc hại như thuốc trừ sâu. Làm việc với các đồng chí chuyên môn mới biết rằng ở nước bạn người ta cấm loại gì thì giá thành cái đó rất rẻ và chuyển sang Việt Nam, mà không phải chuyển từng cân mà chuyển từng tấn. Như vậy làm thế nào hàng tấn thuốc trừ sâu bị cấm ở nước bạn lại vào được Việt Nam, đây là cả một vấn đề rất bức xúc, đó là những phốt pho hữu cơ, những clo hữu cơ, những chất rất độc hại mà người ta đã cấm và rất rẻ, vì rẻ mà thuốc trừ sâu rất độc hại phun sâu thì chết ngay, người ta lại nhập vào Việt Nam bằng con đường không chính thức, buôn lậu. Buôn lậu mà buôn lậu được hàng tấn, hàng chục tấn thì đó là điều rất bức xúc của nhân dân. Đặc biệt là thuốc trừ bệnh thực vật, lâu nay chúng ta cứ nghĩ làm nhà kính, nhà lưới để ngăn sâu là không dùng hóa chất nữa, không đúng, bởi vì thực vật bị rất nhiều bệnh nấm, bệnh vi khuẩn, bệnh vi rút nó từ dưới đất lên, cho nên nhà kính, nhà lưới không giải quyết được mà họ vẫn dùng rất lớn lượng thuốc trừ bệnh, trừ nấm, trừ vi khuẩn, trừ vi rút.

Cho nên ở Quảng Châu tôi thấy người ta làm rất hay, tức là người ta không dùng đến đất mà dùng các phân hữu cơ vi sinh đựng trong túi đặt trên nền xi măng và có một ống dẫn phân đi qua để họ tưới những cây đó, những ruộng rau ở Quảng Châu tôi thấy đúng là rau sạch để cung cấp cho thành phố. Chúng ta khái niệm là ở cửa hàng bán rau sạch thì vô lý, rau phải sạch không thể có rau sạch và rau bẩn được, mỗi người đều được cung cấp rau sạch. Hiện nay đây là vấn đề rất bức xúc không biết rau nào mà có thể mua được an toàn, đấy là những vấn đề làm thế nào chúng ta không thể loại bỏ khỏi phạm vi của Luật Hóa chất được hay là vấn đề Dioxin. Dioxin không chỉ tồn dư chiến tranh mà Dioxin còn thường xuyên sinh ra do việc không hiểu biết mà đốt chất dẻo, nhất là nông thôn tôi thấy họ vun bao nilông thành đống rồi họ đốt. Các nhà khoa học biết nếu đốt như vậy thì sẽ sinh ra dioxin, rất ít người biết điều đó. Và chúng ta vẫn đưa thêm dioxin vào môi trường và đặc biệt là chất dẻo thì hàng trăm năm vẫn không bị phân hủy.

Hiện nay, theo tôi biết thì chỉ có Đài Loan là cấm tuyệt đối các bao nilông, các chất dẻo vì họ đã làm được các bao tinh bột biến tính, các hợp chất mà tổng hợp được bị phân hủy dễ dàng. Đấy cũng không thể tách rời khỏi luật này. Hoặc nhiên liệu chẳng hạn, chúng ta thấy tự nhiên xuất hiện xăng pha aceton mà chúng ta không kiểm tra được, vì kiểm tra rất đắt tiền và những chuyện như vậy thì Luật Hóa chất có cách nào mà quản lý được những nhiên liệu đó hay không. Như một chị vừa nói về thuộc diệt chuột thì người ta cấm không được dùng những thuốc quá độc như vậy, vì nó diệt tận mấy  đời kia: con chuột chết, con mèo ăn con chuột đó cũng chết nốt và những viên rất đẹp thì trong như kẹo và trẻ con lại dễ nhầm lẫn là kẹo. Theo tôi biết, ở bên Trung Quốc thì người ta cấm tuyệt đối rồi thì tại sao trên thị trường Việt Nam vẫn có và phổ biến để diệt chuột. Những cái đó thì làm sao chúng ta có thể quản lý được.

Tóm lại luật này theo tôi nghĩ là phải đáp ứng được những vấn đề bức xúc của đời sống, mặc dù nó có trong những luật khác, nhưng phải bao quát lại trong luật này để ngăn cản tác hại của các hóa chất độc hại và mở ra một hướng phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hoá chất. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan