Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Hoá chất

Thứ Tư 22:41 09-05-2007
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy - Tỉnh Sơn La
Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin phát biểu về Điều 7, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hóa chất. Ở đây, tôi bày tỏ sự đồng tình của tôi với đại biểu ở Thanh Hóa vừa phát biểu trước tôi. Tại Khoản 4 là cấm bán, tặng hóa chất độc hại cho người dưới 18 tuổi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với lý do: Trước hết là người bán hàng có thể rất khó xác định người nào dưới 18 tuổi, trên 18 tuổi hay người nào bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hay là không bị hạn chế. Thứ hai là tôi đơn cử một trường hợp gần đây nhất là có một trường mầm non cô giáo đã sử dụng hóa chất độc hại để diệt chuột, nhưng chẳng may cô giáo quên đóng cửa và các cháu đã ăn nhầm phải cái bánh để diệt chuột và đã dẫn đến bị ngộ độc, rất may là chưa dẫn đến tử vong thì khi phiếu xét nghiệm hình sự chẳng hạn truy đến trước nhất cô giáo phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu như lần từ cô giáo này ra đến người bán thì người bán lại bảo tôi bán cho người này trên 18 tuổi hoàn toàn tỉnh táo chẳng hạn thì lúc này không xử lý được người bán. Do đó tôi thấy ở Khoản 4 quy định như vậy không hợp lý.

Thứ hai, vấn đề Điều 57, tôi có ý kiến khác với đồng chí phát biểu trước tôi và đại biểu Thanh Hoá, ở đây cũng là luật chuyên ngành và chúng ta cũng nói nhiều đến việc chúng ta tránh luật khung, luật ống làm sao luật ban hành thì thi hành được ngay. Tôi cho rằng việc quy định cụ thể các Bộ như thế này để khi luật này ra đời thì những trách nhiệm của Bộ nào chúng ta vẫn thi hành được ngay. Còn những Bộ nào mà chưa quy định trong này đã có Khoản 11 là Bộ và các cơ quan ngang Bộ khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công nghiệp thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động hoá chất. Bây giờ chúng ta chưa thấy rằng còn thiếu, chưa nghĩ ra có Bộ nào chẳng hạn thì sau này chúng ta bổ sung vào các văn bản dưới luật. Tôi cho rằng như vậy là hợp lý.

Thứ ba, vấn đề xử lý chất thải, hoá chất độc hại và vấn đề liên quan đến việc sử dụng hoá chất trong phòng thí nghiệm. Thành thực tôi cũng không biết bây giờ đề xuất thì không biết đề xuất như thế nào, nhưng tôi cũng xin phản ánh thêm một thực trạng để Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào chỗ nào đó.

Thứ nhất, vấn đề về xử lý chất thải, bỏ hoá chất độc hại. Tôi thấy trong phòng thí nghiệm bây giờ ở các trường phổ thông cũng như các trường đại học, trung học chuyên nghiệp hầu như là ở đâu cũng có các phòng thí nghiệm, nhưng không hề có cán bộ chuyên trách về hoạt động hoá chất. Ở các trường phổ thông mặc dù bé nhưng vẫn có, bởi vì tôi đơn cử trước đây tôi ở trường phổ thông cũng đã có một giáo viên dùng hoá chất độc hại ở phòng thí nghiệm tự tử. Vậy khi hoá chất này để cho học sinh thí nghiệm hoặc thực hành, vậy sau khi thí nghiệm xong thì xử lý cái này như thế nào? Hầu như các trường phổ thông đều không có dụng cụ, cơ sở vật chất nào để xử lý những hoá chất độc hại này. Đối với trường tôi chẳng hạn, trước đây việc xử lý hoá chất độc hại sau khi thí nghiệm nó có lớn hơn ở các trường phổ thông. Khi chúng tôi đề xuất lên Ban giám hiệu rất nhiều về việc xử lý hoá chất độc hại sau khi thí nghiệm thì nhà trường cũng đề xuất cho giáo viên phải đề xuất lên thiết kế cái bể như thế nào và hạch toán kinh phí, cũng báo cáo với Quốc hội rằng giáo viên hoá chỉ biết xử lý, ví dụ đưa ra một dụng cụ là đá ở trên, than hoạt tính ở dưới v.v... chứ không học xây dựng, cho nên không biết xây dựng bể này như thế nào, quy mô, kỹ thuật ra làm sao và cũng không biết hạch toán giá cả, vậy cứ tạm thời dùng mấy cái xô nhựa khoảng 100 lít đến khi nó đầy không biết xử lý như thế nào, sau tìm tòi, mày mò cũng rất may ở kỳ họp thứ 3 tôi cũng được quen biết một đồng chí ở Bộ Công nghiệp, lợi dụng sự quen biết này tôi có nhờ đồng chí thiết kế miễn phí cho trường tôi một cái bể xử lý hoá chất độc hại trong thí nghiệm. Tôi muốn nêu lên một thực trạng như vậy để các đồng chí nghiên cứu, bổ sung xem trách nhiệm này thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Bộ Khoa học công nghệ.

Các văn bản liên quan