Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Hoá chất

Thứ Tư 22:39 09-05-2007
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân - Tỉnh Tây Ninh
Kính thưa Quốc hội.

Luật hoá chất là một luật chuyên ngành sâu, cho nên tôi xin góp ý một số điều mà ở lần thứ nhất tôi đã nghiên cứu được.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, luật này qui hoạch công nghiệp hoá chất, kinh doanh hoá chất, khai báo, đăng ký hoá chất v.v... Trong đây còn thiếu một hoạt động là sản xuất hoá chất, như nãy có đại biểu đã phát hiện điều này. Tôi thấy Điều 1 cần phải thêm phần sản xuất hoá chất.

Thứ hai, về áp dụng luật, Điều 3, Khoản 1, có ghi đối với các quan hệ xã hội phát sinh từ hoạt động hoá chất không được luật này điều chỉnh, thì áp dụng các quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam, lần đầu tiên tôi thấy một luật đưa ra câu này. Đương nhiên nếu luật này không điều chỉnh thì phải tìm luật khác, tìm văn bản khác nhưng mà pháp luật tương ứng của Việt Nam là cái gì, đây là một điều không rõ và cũng chưa thấy chuyên ngành nào ta ghi như vậy cả, tôi đề nghị bỏ đi.

Về giải thích từ ngữ, trong này chúng ta định nghĩa hoá chất theo cách như thế này thì không ổn vì định nghĩa hoá chất như vậy gồm tất cả những thứ xung quanh chúng ta, kể cả không khí chúng ta thở. Bởi vì gồm cả đơn chất, hợp chất, hỗn hợp các chất của nguyên tố hoá học v.v... Đây là định nghiã về hoá chất, nhưng không phải định nghĩa hoá chất trong luật này. Luật này  chúng ta không tham vọng điều chỉnh tất cả những loại như thế này, kể cả nước uống, không khí chúng ta đâu có điều chỉnh, nhưng ta đưa vào đây, rồi ta lại loại trừ ra một số cái như ma tuý. Vấn đề này như đại biểu Nguyễn Ngọc Trân vừa nói, tôi thống nhất, tức là nếu như những chất này không điều chỉnh trong luật này thì có khi điều chỉnh trong luật khác, không phải hoá chất lại trừ cái này ra.

Hoá chất nguy hiểm là hoá chất có một trong nhiều đặc tính nguy hiểm sau đây: Thứ nhất là dễ nổ, ôxi hoá mạnh v.v... cho tới độc hại tới môi trường. Xin thưa Quốc hội, gần như hoá chất nào cũng có những đặc tính này, vấn đề là liều lượng và nó nằm trong một hỗn hợp như thế nào, mà liều lượng là quan trọng nhất. Chúng ta có những ví dụ rất đơn giản, chẳng hạn như cồn là một chất độc, nhưng rượu thì có thể uống được. Cồn công nghiệp là hoá chất, còn cồn là thực phẩm. Như vậy sự khác nhau giữa cồn và rượu đơn giản là nồng độ của nó. Như vậy một chất chúng ta quy định chung như vậy thì gần như chất nào cũng sẽ nằm trong danh mục chúng ta phải kiểm soát. Thực ra có những chất nó chỉ là độc khi nó rất nhiều chẳng hạn như muối ăn nếu vào cơ thể một lượng quá nhiều thì nó mới gây độc, nếu ít cũng không có vấn đề gì. Cho nên tôi muốn chúng ta định nghĩa một hoá chất nguy hiểm thì phải có định nghĩa theo liều lượng nhất định, theo trạng thái hoạt động của nó nữa. Chẳng hạn như chì ở trạng thái kim loại thì ít độc, nhưng nếu nó bay hơi thì rất độc. Tôi nghĩ việc này chúng ta có thể làm được và thường thì nó phải có những danh mục, chứ còn định nghĩa chung như vậy thì chúng ta sẽ rất khó xử trong Luật, nó bao trùm lên mọi thứ rồi chúng ta lại không điều chỉnh được. Tương tự như định nghĩa hóa chất độc, hóa chất mới, các loại thì chúng ta phải nghiên cứu xem chúng ta đã đọc ở dạng nào thì chúng ta phải hạn chế nó lại.

Về Nghị định kèm theo, tôi thấy điều số 7 là phân loại hóa chất nguy hiểm và hỗn hợp chứa hóa chất nguy hiểm, ở đây các hợp chất chứa hóa chất nguy hiểm, ở trên ghi là hỗn hợp chứa hóa chất nguy hiểm, ở dưới ghi hợp chất, hóa chất nguy hiểm thì nó chỉ độc khi nó tồn tại của nó hoặc trong hỗn hợp của nó, chứ phần lớn khi chuyển sang dạng hợp chất thì có thể nó không độc nữa, rất nhiều những hóa chất ở dạng hợp chất nó không độc chẳng hạn axít Sunfuaric thì độc, nhưng Sunfát đồng thì rất ít độc. Cho nên ghi là hợp chất chứa hóa chất nguy hiểm mà lại chỉ có 0,1% hoặc 1% thậm chí 5% trong hợp chất mà chúng ta nói là nguy hiểm thì không phải và cũng không cần phải khai báo nếu nó ở dạng hợp chất. Nhưng nếu nó ở dạng hỗn hợp nguy hiểm thì phải khai báo.

Ở đây, tôi cũng nói rằng chúng ta có phân loại ra các loại hóa chất dùng trong các ngành khác nhau, nhưng như đại biểu nãy đã phát hiện là có những hóa chất dùng trong ngành này thì không sao, dùng ngành khác lại không được. Chẳng hạn, phân ure dùng nông nghiệp rất bình thường, nhưng dùng nó để ướp cá thì lại là độc, ví dụ nitratkali bản thân nó có thể chế ra một chất nổ mạnh, nhưng nhưng trong nông nghiệp nó lại dùng rất bình thường. Cho nên, trong luật tôi đề nghị điều chỉnh, kể cả nghị định hướng dẫn thì ghi thật rõ là những lĩnh vực nào chúng ta điều chỉnh, trạng thái nào chúng ta điều chỉnh, sau này những luật chuyên ngành, những danh mục cụ thể Chính phủ ban hành thì chúng ta có thể liệt kê ra được.

Thứ hai, trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động hoá chất, ghi rất rõ Bộ Công nghiệp làm gì, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm gì, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm gì, Bộ Khoa học và công nghệ làm gì. Như những luật chuyên ngành khác, chúng tôi đã phát biểu một lần rồi, chúng ta không cố gắng đưa những bộ cụ thể vào đây, vì đó là phân công của Chính phủ. Hoàn toàn trong nhiệm kỳ tới chúng ta có thể thay đổi tên của các bộ, sát nhập hoặc tách các bộ ra, luật này chúng ta lại trở nên lạc lõng, chẳng lẽ chúng ta lại sửa lại vài điều như vậy. Tôi đề nghị phần này chúng ta để chuyển sang phần Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, Chính phủ sẽ hướng dẫn lĩnh vực nào phân công cho ai, qua mỗi nhiệm kỳ có thể thay đổi. Tôi cho điều này hết sức bình thường.

Cuối cùng, thông tin về hoá chất, ở đây chúng ta có một vấn đề thế này, khi xảy ra việc xăng nhiễm axeton, chúng ta không xử phạt được vì lý do không có quy định hàm lượng axeton trong xăng là bao nhiêu là hợp lý. Cho nên, nó nhiều chúng ta cũng không biết nó nhiều so với cái gì, cái đó là do một lỗ hổng trong luật của chúng ta. Chúng ta phải quy định như thế này: các loại hóa chất, các loại thành phần tham gia cho một sản phẩm thì phải được đăng ký. Nếu cái nào không có trong đăng ký mà lại tồn tại trong sản phẩm thì đó đã là trái. Chứ chúng ta không thể nói được là cái gì không đăng ký mà nó có thì không so sánh được thì tôi cho là không đúng. Thí dụ như trong son môi thì có chất sudan, trong lòng đỏ trứng cũng có sudan hay trong thực phẩm có hàn the v.v. thì đó là những cái mà chúng ta cấm. Chẳng hạn lượng hàn the rất nhỏ thì có thể cho phép. Nhưng ở các nước đều quy định là nếu nó có thì buộc phải ghi vào trong nhãn và phải đăng ký. Cho nên chúng ta cũng theo cách này mà chúng ta làm là các hóa chất được sử dụng tạo thành một sản phẩm thì phải được khai báo, dù cho nó có hàm lượng là bao nhiêu thì cũng phải được khai báo nếu như nó có ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Các văn bản liên quan