Góp ý của VCCI

Thứ Bảy 22:28 24-03-2007

Sau khi nghiên cứu Dự thảo, tham khảo ý kiến doanh nghiệp và chuyên gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp ý kiến như sau:

I. 
NHẬN XÉT CHUNG

Việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 128/2003/TT-BTC và Thông tư số 88/2004TT-BTC hướng dẫn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là nhu cầu cần thiết trong việc cụ thể hoá các quy định pháp luật về thuế hiện hành. Xét về tổng thể, Dự thảo này đã quy định khá rõ ràng, cụ thể, phù hợp với nguồn luật, văn bản pháp luật liên quan.

II. 
MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ

1. 
Về đối tượng không phải nộp thuế TNDN (Phần II, Mục A)

Dự thảo thông tư quy định: "Tạm thời chưa thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hộ gia đình và cá nhân nông dân  sản xuất hàng hoá lớn, có thu nhập cao từ các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản cho đến khi có quy định của Chính phủ". Đề nghị Ban Soạn thảo xem xét lại nội dung này, bởi lẽ, việc "tạm thời chưa thu thuế TNDN đối với hộ gia đình, cá nhân nông dân sản xuất hàng hóa lớn, có thu nhập cao..." là chưa hợp lý, điều đó tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh về nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Nhiều ý kiến của doanh nghiệp cho rằng, trong nông nghiệp, lâm nghiệp hiện nay có rất nhiều trang trại với quy mô lớn, doanh thu tới 20 đến 30 tỷ đồng/ năm. Nhưng những trang trại này vẫn được coi là " Hộ gia đình", không phải mở sổ sách kế toán, không phải nộp thuế TNDN. Trong khi đó, một công ty TNHH có quy mô rất nhỏ, doanh thu chỉ khoảng 1 tỷ đồng/ năm lại phải thực hiện tất cả các nghĩa vụ về sổ sách kế toán và thuế. Đó là bất bình đẳng rất lớn.

2. 
Về doanh thu để tính thu nhập chịu thuế (Khoản III, Mục B)

Điểm đáng lưu ý trong hướng dẫn của dự thảo Thông tư hướng dẫn như sau:

"Trường hợp cơ sở kinh doanh phản ánh doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ không đúng với giá thực tế bán ra thì cơ quan thuế có quyền xác định giá bán hàng hoá, dịch vụ trên cơ sở tham khảo giá tại thời điểm của hàng hoá, dịch vụ trên thị trường hoặc giá bán hàng hoá, dịch vụ cho bên thứ ba".
Trên thực tế, cùng loại sản phẩm tại cùng thời thời điểm sản xuất nhưng không thể cùng giá, còn phải xét đến điều kiện sản xuất của từng loại doanh nghiệp để tính thuế, sao cho ngành thuế vừa có nghĩa vụ thu thuế, vừa có nghĩa vụ giúp doanh nghiệp phát triển (bạn đồng hành). Nên có tỷ lệ phần trăm chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá cơ sở kinh doanh thì cơ quan thuế mới có quyền xác định giá bán. Hướng dẫn như trên còn quá chung chung, dễ dẫn đến tranh cãi hoặc thỏa thuận ngầm giữa cán bộ, công chức thuế với doanh nghiệp.

Tại điểm 1, khoản II, mục B quy định đối với trường hợp cơ sở kinh doanh phản ảnh doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ không đúng với giá thực tế bán ra, quy định như vậy chưa hợp lý vì rất khó xác định giá thực tế bán ra, giá bán hàng hoá luôn biến động, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chất lượng, thương hiệu…do vây Dự thảo tư chỉ nêu chung chung “giá thực tế bán ra” và “tham khảo giá tại thời điểm của hàng hoá, dịch vụ trên thị trường” là rất khó cho cả cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong khi áp dụng và điều này dễ tạo điều kiện cho các hành vi gây sách nhiễu, khó dễ cho doanh nghiệp. Mặt khác, trong thực tế kinh doanh nhiều khi doanh nghiệp phải bán hạ giá hàng hoá không phải vì động cơ trốn thuế, hay bán phá giá… mà do gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nên phải hạ giá hàng hoá, dịnh vụ để thu hồi vốn, tái đầu tư doanh nghiệp. Do đó, nên để doanh nghiệp linh hoạt trong việc xác định giá bán thì sẽ phù hợp với cơ chế thị trường và chỉ có chế tài đối với doanh nghiệp khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật (pháp luật cạnh tranh, pháp luật thuế...)

3.  
Về chi phí khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (Khoản III, Mục B)

Đề nghị cân nhắc lại quy định trong đoạn sau:

a2) Cơ sở kinh doanh có xây dựng các công trình trên đất; có thuê đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (không trực tiếp thuê đất của Nhà nước hoặc thuê đất trong khu công nghiệp) để xây dựng công trình trên đất thuê mà các công trình này phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định thì được trích khấu hao vào chi phí hợp lý. Các công trình trên đất này phải có đủ các điều kiện sau:


- Hoá đơn, chứng từ mua vật liệu xây dựng, thuê nhân công hoặc thanh toán khối lượng xây lắp bàn giao kèm theo hợp đồng xây dựng công trình, thanh lý hợp đồng, quyết toán giá trị công trình xây dựng cơ bản mang tên, địa chỉ và mã số thuế của
cơ sở kinh doanh.

- Công trình được quản lý, theo dõi hạch toán theo quy định hiện hành về quản lý tài sản cố định.


- Hợp đồng thuê đất có công chứng Nhà nước (đối với trường hợp thuê dất).

           
Theo như quy định trên rất dễ xảy ra tiêu cực như mua bán hóa đơn giả, kê khống giá... Nên căn cứ vào tài sản cố định hiện hữu xem loại nhà cấp mấy, giá trị còn lại bao nhiêu % thì tính theo đơn giá tương đối của thị trường.

Đề nghị bỏ điều kiện: "Hợp đồng thuê đất có công chứng nhà nước" vì đó là điều kiện không cần thiết để xác định TSCĐ có thuộc quyền sở hữu của DN hay không.

Tại điểm a1, Khoản III Mục B: đề nghị bổ sung TSCĐ là các công trình thể thao…vào nhóm tài sản phục vụ cho người lao động (tại điểm a1) được tính chi phí khấu hao và xem đây cũng là một trong các khoản chi phí hợp lý được trừ để tính thu nhập chịu thuế. Bởi vì, xét về mục đích các công trình vui chơi giải trí, thể thao cũng như các công trình phục vụ cho người lao động như nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn… đều trực tiếp phục vụ cho sinh hoạt, sức khoẻ cho người lao động, nghĩa là trực tiếp phục vụ sản xuất. Nên cho phép tính 5% giá trị đối với các công trình xây dựng gọi là chi phí dự phòng cho quyết toán, kiểm toán vào chi phi hợp lý để trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, vì thực tế khi quyết toán, kiểm toán giá trị công trình thường bị cắt giảm so với đề nghị của nhà thầu.

4. 
Về chi phí nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, hàng hoá sử dụng vào sản xuất kinh doanh được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (Khoản III, Mục B)
          
Dự thảo quy định “Kết thúc năm cơ sở kinh doanh thực hiện quyết toán nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá theo mức tiêu hao thực tế và phải báo cáo khi có yêu cầu của cơ quan thuế. Trường hợp kết thúc năm mức tiêu hao thực tế nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá cao hơn mức tiêu hao đã xây dựng thì chỉ được chấp nhận tính vào chi phí theo mức tiêu hao đã xây dựng”, quy định như vậy chưa đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Đề nghị bổ sung “Nếu doanh nghiệp chứng minh được mức tiêu hao thực tế nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa cao hơn mức tiêu hao đã xây dựng thì sẽ được chấp nhận tính vào chi phí theo mức tiêu hao thực tế”. Nên để giám đốc doanh nghiệp bằng quản trị nội bộ chủ động trong việc sử dụng nguyên vật liệu, nếu vượt so với mức bình quân của các xí nghiệp cùng ngành thì họ đã bị lỗ hoặc mất lãi. Hơn nữa hệ thống quy định của nhà nước rất rườm rà thiếu tính thực tế sẽ tạo điều kiện cho cán bộ thuế gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đề nghị bỏ đoạn "Mức tiêu hao hợp lý theo định mức chuẩn của Nhà nước đã ban hành hoặc của các doanh nghiệp có định mức tiên tiến cùng ngành nghề và được xây dựng từ đầu năm hoặc đầu kỳ sản xuất sản phẩm". Bởi lẽ, sẽ khó có được "định mức chuẩn của Nhà nước đã ban hành" vì không phải ở bất kỳ ngành sản xuất nào cũng đã có định mức chuẩn này. Ngay cả với những ngành sản xuất ổn định, " định mức chuẩn Nhà nước đã ban hành" do cơ quan nào công bố cũng chưa rõ. Lấy định mức "của các doanh nghiệp có định mức tiên tiến cùng ngành nghề..." là không khả thi vì đó là tài liệu mật của các doanh nghiệp.

5. 
Về chi phí tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp; tiền ăn giữa ca được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

Đề nghị làm rõ hơn quy định "Đối với cơ sở kinh doanh khác: Chi phí tiền lương phải trả cho người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể". Trong thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chia thu nhập của người lao động thành hai phần:

- Phần thu nhập ổn định: là mức lương quy định trong Hợp đồng lao động. Đây cũng là mức lương được sử dụng để nộp BHXH, BHYT và trích kinh phí công đoàn.

- Phần thu nhập biến động theo doanh thu: là phần người lao động được hưởng thêm, ngoài mức lương quy định trong hợp đồng lao động tùy thuộc vào doanh thu đạt được trong từng tháng.

Tuy nhiên, do quy định không rõ ràng nên khi quyết toán thuế, một số Chi cục thuế chỉ thừa nhận mức lương theo hợp đồng lao động, phần tiền lương biến động theo doanh thu không được thừa nhận, điều đó là bất hợp lý.
           
Thêm vào đó, đề nghị bỏ quy định: "Hàng năm, cơ sở kinh doanh phải đăng ký với cơ quan thuế về tổng quỹ lương phải trả trong năm, căn cứ và phương pháp xây dựng tổng quỹ lương cùng với việc nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp". Việc quy định cơ sở kinh doanh hằng năm phải đăng ký với cơ quan thuế về tổng quỹ lương phải trả trong năm là chưa phù hợp với thực tiễn vì  tiền công, tiền lương của doanh nghiệp phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, nên rất khó xác định kết quả kinh doanh cũng như quỹ lương ngay từ đầu năm, hơn nữa việc đăng ký với cơ quan thuế về tổng quỹ lương phải trả trong năm sẽ làm hạn chế quyền tự chủ, linh hoạt của doanh nghiệp trong sử dụng công cụ đòn bẩy này. Hơn nữa, trong trường hợp nếu người lao động được trả lương cao thì họ đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Riêng quy định phải có hợp đồng lao động đối người lao động thì rất khó thực hiện trong ngành xây dựng, vì do đặc thù một số luợng không nhỏ lao động trong ngành xây dựng là lao động giản đơn, lao động “tự do”, thời gian làm việc không ổn định…và người lao động thường không muốn ràng buộc bằng hợp đồng nên rất khó thực thi.

Về quy định về chi phí bảo hộ lao động, trang phục để tính thuế thu nhập doanh nghiệp: nên làm rõ cụm từ “số người lao động đang làm việc”, thời điểm xác định, cách tính như thế nào. Không nên quy định định mức “không quá 500.000 đồng/ người/ năm” vì không phù hợp với thời giá thị trường và đặc thù từng ngành phải chi bảo hộ lao động cao hơn 500.000 đồng/ người/ năm. Nhà nước nên để doanh nghiệp tự chủ và khuyến khích họ có chế độ bảo hộ lao động tốt hơn để bảo vệ cho người lao động. Nghị định 24/2007/NĐ-CP quy định: "Một số cơ sở kinh doanh quy định người lao động phải mặc trang phục thống nhất tại nơi làm việc thì khoản chi mua trang phục được tính vào chi phí hợp lý". Đề nghị Thông tư hướng dẫn cụ thể hơn về quy định này vì hiện nay, việc quy định trang phục thống nhất tại nơi làm việc đã rất phổ biến và trở thành yêu cầu bắt buộc để xây dựng thương hiệu. Đề nghị Thông tư hướng dẫn rõ hơn " Một số cơ sở kinh doanh..." là những cơ sở nào? Việc phải mặc trang phục thống nhất do cấp nào quy định?

6. 
Về chi phí nghiên cứu khoa học, công nghệ, chi thưởng sáng kiến, cải tiến được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
           
Đề nghị sửa quy định: “Đối với chi thưởng sáng kiến, cải tiến thì cơ sở kinh doanh phải cung cấp văn bản nêu sáng kiến được thưởng và chứng minh hiệu quả mang lại; sáng kiến được khen thưởng phải mang lại hiệu quả kinh doanh”, thay bằng “hiệu quả kinh tế - xã hội” do có những sáng kiến thuộc về quan hệ công chúng (PR) hay nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm nâng cao hình ảnh doanh nghiệp trong mắt công chúng hoặc kích cầu sản phẩm mới chưa mang lại hiệu quả kinh tế ngay trong năm.

Đề nghị làm rõ hơn nội dung: "Chi phí nghiên cứu thị trường: thăm dò, khảo sát, phỏng vấn, thu thập, phân tích và đánh giá thông tin; chi phí phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường; chi phí thuê tư vấn thực hiện công việc nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường", trong đó có bao gồm chi phí đi phát triển thị trường ở nước ngoài không?

7. 
Về chi phí trả lãi tiền vay vốn
      
Nên cho phép trả lãi suất tiền vay của các đối tượng  khác theo lớn suất thực tế khi ký hợp đồng vay nhưng tối đa không quá 1.5 lần mức lãi suất cho vay của các cơ sở tín dụng cùng thời điểm.

8. 
Về chi phí quảng cáo, tiếp tân, khánh tiết, chi giao dịch đối ngoại...

Điểm mới trong dự thảo thông tư hướng dẫn như sau:

"Về chi phí quảng cáo, tiếp tân, khánh tiết, chi phí giao dịch, đối ngoại, chi hoa hồng môi giới, chi phí hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chi phí hội nghị và các loại chi phí khác theo số thực chi nhưng tối đa không quá 10% tổng số các khoản chi phí hợp lý từ khoản 1 đến khoản 9 của mục này. Đối với hoạt động kinh doanh thương mại chi phí hợp lý để xác định mức khống chế không bao gồm giá vốn của hàng hoá bán ra.

Tỷ lệ 10% là quá thấp.
Hơn nữa, cần có quy định phân biệt các tỷ lệ khác nhau giữa các doanh nghiệp mới được thành lập và những doanh nghiệp đã kinh doanh ổn định, có thương hiệu trên thị trường. Đề nghị quy định rõ hơn "Chi phí hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí" gồm những khoản chi gì?

Tại khoản III mục B: “ Các khoản chi phí hợp lý được trừ để  tính thu nhập chịu thuế là các khoản chi phí có đầy đủ hoá đơn…, thanh toán qua ngân hàng“. Việc Nhà nước khuyến khích việc thanh toán quan ngân hàng (không dùng tiền mặt) là chủ trương đúng, nhưng trong điều kiện nước ta: hạ tầng phục vụ cho việc thanh toán không dùng tiền mặt chưa hoàn chỉnh, thủ tục, thời gian thanh toán còn chậm… mặt khác, thói quen dùng tiền mặt hiện vẫn đang ăn sâu vào cuộc sống, do đó việc quy định điều kiện phải thanh toán qua ngân hàng nếu không cân nhắc kỹ sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Nhà nước chưa nên có những biện pháp bắt buộc thanh toán qua ngân hàng mà chỉ sử dụng các biện pháp khuyến khích mà thôi hoặc nếu phải bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng thì nên bắt buộc đối với những khoản thanh toán có giá trị lớn trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nên xem chi phí cho hoạt động từ thiện là chi phí hợp lý để tính thuế thu nhập vì hoạt động tự thiện gần như hoạt động không thể thiếu của bất cứ doanh nghiệp nào và nếu được xem là chi phí thì sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hoạt động từ thiện.

9. 
Về các khoản không được tính vào chi phí hợp lý
         
Trong quy định tại khoản 2, tuy các sáng lập viên và hội đồng quản trị không thực hiện tham gia điều hành công ty nhưng họ phải quyết những chính sách chủ yếu để công ty có phương hướng họat động hiệu quả vì thế không có khoản tiền công cho họ thì sẽ không công bằng.
         
Quy định “các khoản chi thưởng bằng tiền hoặc hiện vật” không được tính vào chi phí hợp lý để trừ khi xác định thu nhập chịu thuế mâu thuẫn với chi thưởng sáng kiến, cải tiến được tính khi xác định thu nhập chịu thuế. Các khoản thưởng bằng tiền hoặc hiện vật cũng phải được tính vào chi phí hợp lý, có như vậy mới khuyến khích doanh nghiệp thưởng cho người lao động. Tuy nhiên, nếu tính các khoản thưởng này vào chi phí hợp lý thì nên quy định các khoản thưởng bằng tiền hoặc hiện vật đối tượng được thưởng là ai? Trong trường hợp nào sẽ thưởng? mức thưởng trị giá tối đa là bao  nhiêu?

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng để thuận lợi cho doanh nghiệp trong khi thực hiện, Thông tư chỉ nên nêu mục những chi phí được coi là không hợp lý, không cần nêu danh mục các chi phí hợp lý, như vậy tránh được việc bỏ sót do ý chí chủ quan của người soạn thảo mà không dự đoán trước được thực tiễn phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp.

10. 
Về phạm vi áp dụng thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thu đất

Về giá thực tế chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất:

Đề nghị hướng dẫn cụ thể hơn quy định sau:"Trong mọi trường hợp giá chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất kê khai không phù hợp với giá thị trường tại thời điểm thoả thuận mua bán thì cơ quan thuế có thẩm quyền tổ chức xác định lại hoặc trưng cầu giám định giá chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất theo giá thực tế theo quy định". Nếu quy định thiếu cụ thể như vậy thì với thị trường đất đai ở Việt Nam hiện nay, bất kỳ trường hợp nào cơ quan thuế cũng "có thẩm quyền tổ chức xác định lại hoặc trưng cầu giám định...". Đó là một kẽ hở cho tiêu cực, sách nhiễu.Quy định trong trường hợp này cũng không khuyến khích các nhà đầu tư và chưa hợp lý.

11. 
Về Phạm vi áp dụng thuế TNDN do chuyển nhượng vốn:

Đề nghị làm rõ hơn quy định: "1. Chuyển nhượng vốn là chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn đã góp bằng tiền hoặc bằng tài sản để trực tiếp kinh doanh dưới mọi hình thức theo qui định của Luật doanh nghiệp".

Viết như đoạn trên có thể dẫn đến cách hiểu là, mọi hoạt động chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn đã góp bằng tiền hoặc bằng tài sản để trực tiếp kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp" đều thuộc phạm vi áp dụng thuế TNDN. Và cách hiểu như vậy mâu thuẫn với mục 3: " 3. Tài sản góp vốn để thành lập doanh nghiệp; tài sản cố định điều chuyển giữa các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong cơ sở kinh doanh; tài sản cố định điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp không thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp".

Đề nghị Ban Soạn thảo xem xét thiết kế lại phần này theo hướng quy định những trường hợp chuyển nhượng vốn không phải chịu thuế TNDN, các trường hợp còn lại thuộc diện phải nộp thuế TNDN.

12.  
Về quyết toán thuế TNDN

Đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm quyết toán thuế TNDN hàng năm với các doanh nghiệp của cơ quan thuế. Đây là vấn đề gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, bởi lẽ, cơ quan thuế thường để hai đến ba năm, thậm chí 5 năm sau mới quyết toán thuế tại doanh nghiệp.

Đề nghị quy định rõ trách nhiệm quyết toán thuế với doanh nghiệp của cơ quan thuế khi doanh nghiệp giải thể, di chuyển địa điểm. Hiện nay, hồ sơ giải thể DN thường không được giải quyết kịp thời, có trường hợp kéo dài tới hàng năm vì cơ quan thuế không thực hiện việc quyết toán thuế cho doanh nghiệp.

13. 
Đối với đặc trưng ngành xây dựng

Do đặc thù của ngành xây dựng, đề nghị Bộ Tài Chính có thông tư hướng dẫn cho riêng ngành xây dựng. Đôí với ngành này, doanh thu để tính thuế thu nhập chịu thuế xác định khi doanh nghiệp xuất hoá đơn và khi thực hiện thanh lý hợp đồng, vì thực tế khi nhà thầu đề nghị chủ đầu tư thanh toán giá trị công trình thì khi kiểm toán, quyết toán thì khi giá trị công trình thường bị cắt giảm so với đề nghị của nhà thầu. Không nên áp đặt một định mức về đơn giá “cứng” về tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu cho ngành xây dựng theo đơn giá Nhà nước đưa ra, vì trong thực tiễn mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu còn phụ thuộc vào trình độ người quản lý, chất lượng nguyên vật liệu địa điểm từ nơi cung cấp đến chân công trình…Đề nghị nên xem đơn giá tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu do Nhà nước ban hành chỉ có tính chất tham khảo và chấp thuận mức tiêu hao nguyên, nhiên  vật liệu tại doanh nghiệp có biên độ  ± 10% so với đơn giá mà Nhà nước đưa ra.

Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế thu nhập doanh nghiệp. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo. 

Các văn bản liên quan