Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Loan – Tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ Sáu 10:17 10-11-2006
Kính thưa Quốc hội!

Trước tiên, tôi cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình. Bởi vì chúng tôi thấy ra đời luật này đúng với tình hình thực tế, nhằm khắc phục những hành vi làm sói mòn đạo đức, thay đổi nhận thức của xã hội đối với bạo lực trong gia đình. Từ đó phòng ngừa, tạo dư luận trong xã hội lên án những người có hành vi bạo lực trong gia đình. Đây không còn coi là 1 vấn đề riêng tư của mỗi gia đình và mỗi cá nhân, mà nó là trách nhiệm của toàn xã hội. Do vậy mỗi cá nhân và mỗi gia đình phải sống theo một quy tắc xã hội.

Về vấn đề cụ thể, trước tiên về tên luật chúng tôi cũng thấy nhất trí như Ban soạn thảo, nhưng chúng tôi cũng thấy băn khoăn một số điều như sau:

Thứ nhất, nếu chúng ta lấy tên là Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình thì chúng ta cũng phải thể hiện những điều luật trong luật này phù hợp với tên của luật. Nhưng trong Điều 3 luật của chúng ta thì lại ghi rằng các hành vi quy định tại Điều 3 của luật chỉ ghi là hành vi đánh đập, hành hạ, cưỡng ép, chửi mắng, lăng mạ, xúi giục đến danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi. Báo cáo với các vị, những hành vi này không phù với định nghĩa của phòng, chống bạo lực, bạo lực là phải dùng sức mạnh để cưỡng bức, để trấn áp hoặc để lật đổ. Trong hành vi của Điều 3 chúng ta lại không ghi được điều này, chúng tôi cũng đề nghị với Ban soạn thảo chúng ta nghiên cứu lại như thế nào để điều luật phù hợp với tên của luật.

Vấn đề thứ hai về phạm vi điều chỉnh của luật, chúng tôi thấy đối với Luật bạo hành trong gia đình hoặc bạo lực trong gia đình thì chúng ta cũng phải quy định cho hết đối tượng để nó phù hợp với hệ thống pháp luật của chúng ta. Điều 1 là phạm vi điều chỉnh thì chúng ta không quy định việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng hay là vợ chồng đã ly hôn rồi mà lại chung sống với nhau như vợ chồng thì chúng ta không quy định. Ở đây Luật Hôn nhân, gia đình lại quy định hôn nhân thực tế và khi đã quy định hôn nhân thực tế thì nó lại đảm bảo các tính chất của gia đình khi ly hôn cũng vẫn được chia theo nguyên tắc của gia đình. Chúng tôi thấy rằng trong bạo lực gia đình thì hầu hết nằm ở đối tượng này nhiều, chồng đôi vợ ba chung chạ với nhau mới sinh ra vấn đề bạo lực nhiều hơn. Do vậy chúng tôi thấy nếu chúng ta không đưa đối tượng này vào điều chỉnh thì một là chúng ta bỏ sót đối tượng, hai là cũng không phù hợp với Luật Hôn nhân gia đình. Do vậy, chúng tôi đề nghị Ban Soạn thảo cũng nghiên cứu tiếp để chúng ta có những điều chỉnh cho nó phù hợp với hệ thống của luật.

Vấn đề thư ba, tại Điều 3. Tôi đề nghị không đưa Khoản 5 của điều luật, đó là cưỡng ép quan hệ tình dục trong vợ chồng. Bởi vì, nếu đưa như thế này thì chúng tôi thấy là đúng là nó cụ thể thật, nhưng đối với Việt Nam chúng ta nó chưa phù hợp, mà chúng ta chỉ nên đưa khái quát quy định về hành vi bạo lực về thể chất và tinh thần đối với người bị bạo hành và bạo lực, bởi vì chúng tôi trong thực tế thấy vấn đề này là vấn đề riêng tư của mỗi người, vấn đề này là vấn đề thầm kín, phòng the của mỗi người, không mấy chốc mà đưa ra. Nếu như khi vợ, chồng không còn tình cảm nữa, đã phải đưa ra, thì tôi nghĩ đã đến lúc ly hôn rồi. Đã đến lúc ly hôn thì do Luật Hôn nhân gia đình sẽ điều tiết, chúng ta không quy định ở đây. Đấy là 1 vấn đề chúng tôi thấy nếu chúng ta đưa vào đây thì rất khó khả thi. Vì trong thực tế một số chị em, khi bị chồng đánh, có khi đánh rất đau, tím hết cả mặt mày, chân, tay nhưng khi Ban tư pháp đến, Hội Phụ nữ đến thì bảo em ngã. Trong tình dục không mấy chốc mà, chị em kể lên những chuyện đó, khi đã kể ra thì tôi nghĩ tình cảm vợ, chồng không còn. Trong Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định khi được ly hôn là tình cảm vợ, chồng không còn, cho nên buộc phải ly hôn thì do Luật Hôn nhân và gia đình điều chỉnh. Tôi đề nghị vấn đề này chúng ta không đưa vào đây, nó không phù hợp.

Một vấn đề nữa, Điều 18 trong luật có quy định cấm người có hành vi bạo lực trong gia đình tiếp xúc với nạn nhân bị bạo lực gia đình theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta quy định ở đây là bạo lực gây tổn thương nghiêm trọng, nhưng nói nghiêm trọng tôi thấy nó chung quá. Bây giờ nghiêm trọng phải lấy cái gì ra căn cứ để thấy nghiêm trọng, đánh gãy chân, gãy tay hay đánh không đi được thì nó phải quy định bằng tỷ lệ %,  % bao nhiêu là nghiêm trọng, % bao nhiêu là đặc biệt nghiêm trọng và % bao nhiêu thì xử lý hành chính, % bao nhiêu là đưa ra hình sự. Tôi nghĩ rằng chỗ này Luật nên quy định nếu đánh lần 1 thì ta đưa kiểm điểm trước dân, lần 2 thì chúng ta xử lý như thế nào, lần 3 thì khi nhận được đơn thư đó và người đó phải đến y tế để khám xét tình hình xem mức độ nghiêm trọng đến bao nhiêu để đưa ra chuyện là Uỷ ban nhân dân tỉnh có cấm anh ở lại đây hay không hoặc bị cách ly như thế nào.

Tôi đề nghị điều này Luật đều phải quy định rõ, nếu không quy định rõ thì tôi nghĩ chúng ta lại làm tăng thêm mâu thuẫn trong gia đình, bởi vì khi vợ chồng đánh nhau, như các đồng chí phát biểu trước tôi, tôi cũng nói là đánh nhau đấy, nhưng sau lại làm lành và chửi nhau đấy, xong lại chung sống với nhau, nếu chúng ta cách ly sớm quá, chúng ta làm việc này sớm quá không có quy định cụ thể, thì tôi nghĩ không đảm bảo được tính đoàn kết trong gia đình, Luật này mục đích là điều chỉnh để cho gia đình được đoàn kết, hôn nhân được duy trì chứ không phải chúng ta chia tách, cho nên chỗ này tôi đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu quy định thế nào là nghiêm trọng và phải đến cơ sở y tế hay không, chúng tôi đề nghị chúng ta phải có quy định cụ thể.

Một vấn đề nữa, vấn đề Ủy ban nhân dân cũng bắt người có hành vi bạo lực phải cách ly, thế cách ly thì điều luật cũng phải quy định thời gian bao nhiêu, ai trực tiếp để chỉ đạo người này cách lý, nơi cách ly để cho người này ở được thì ở vào đâu? Chúng ta có dùng cơ sở để cho tạm lánh đối với những người bị bạo hành, nhưng những người bạo hành thì ta để vào đâu? đưa lên phòng giam giữ không có chỗ, ở huyện cũng không có chứa được, chúng ta để ra xã cũng không có chỗ, vậy chúng ta để người này ở đâu để chúng ta làm được việc cách ly. Hay là Tòa án cũng dùng hình thức cách ly thì như thế nào để cách ly, chúng tôi đề nghị trong điều luật, chúng ta phải ghi đầy đủ những vấn đề này, để chúng ta đảm bảo luật có thực thi và luật có thể áp dụng được, chứ nếu không thì cũng rất khó khăn.

Một vấn đề nữa, tại Điều 14 có quy định là giáo dục tại cộng đồng dân cư, tại Khoản 3 có quy định người đứng đầu cộng đồng dân cư, người đứng đầu đó là Trưởng thôn, Trưởng ấp, Trưởng làng. Nhưng khi người đứng đầu đó chịu trách nhiệm là viết giấy triệu tập người gây bạo lực hay không? ai triệu tập hay đoàn thể triệu tập, hay ban tư pháp xã triệu tập? phải có quy định cụ thể. Sau khi triệu tập, người đó phải phối hợp với mặt trận và các tổ chức thành viên để chủ trì hội nghị, tôi thấy như thế mới phù hợp, nếu không chúng ta đưa ra điều luật không cụ thể như vậy nó rất khó trong vấn đề thực hiện và thực thi điều luật. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan