Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đình Lộc – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Sáu 10:15 10-11-2006

Kính thưa đồng chí Phó Chủ tịch, kính thưa các vị đại biểu Quốc hội.

Về dự án luật này thì ở Ủy ban Pháp luật đã có thẩm tra và tôi cũng có tham gia ý kiến. Hôm nay tôi xin tham gia một số ý kiến riêng của mình như sau.

Trước hết tôi xin hoan nghênh Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội ta, đây là một trong không nhiều Ủy ban của Quốc hội đã nhận về mình trách nhiệm rất lớn là sáng kiến lập pháp, từ xây dựng các dự án luật để trình ra Quốc hội. Đây là một biểu hiện rất đáng khuyến khích để các Ủy ban khác cũng nên đi theo hướng này.

Thứ hai là chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà Ủy ban Các vấn đề xã hội chọn vấn đề này là sáng kiến pháp luật của mình. Đúng như đồng chí Phó Chủ tịch đã nói, tôi cũng muốn nhấn mạnh tính bức xúc của nó. Một trong những biểu hiện tốt đẹp của xã hội ta phải là gia đình tốt đẹp. Có một điều mà chúng ta không hiểu được tác động của xã hội ta như thế nào đây mà để đến nỗi một bộ phận không nhỏ, chủ yếu là chị em phụ nữ, đương nhiên có cả con cái và các thành viên khác của gia đình nữa, phải chịu thiệt thòi, phải chịu những điều cay đắng trong một xã hội tốt đẹp. Tôi cho rằng tác dụng xã hội ở đây chúng ta phải tạo ra một đột phá, để tạo cho mọi người cảm thấy trách nhiệm của mình ở đây, trước hết là các tổ chức chính trị xã hội.
Tôi thấy rất buồn vì chính các tổ chức này dửng dưng bên cạnh các đau khổ của thành viên của mình, Hội Liên hiệp phụ nữ chẳng hạn, đã là người sáng kiến, nêu những vấn đề này ra trước dư luận bao nhiêu lần rồi. Tôi thấy rằng đây là vấn đề rất lớn mà một trong những nguyên nhân, tôi xin bổ sung nguyên nhân ở đây có vấn đề như thế này: Những nguyên tắc, những mẫu mực đạo đức mới của xã hội ta chưa được phổ cập, những giá trị tinh thần của quá khứ, vì Việt Nam chúng ta cũng là một xã hội có truyền thống về mặt này, đương nhiên nói truyền thống không có nghĩa mọi cá nhân đều tốt đẹp, nhưng rõ ràng có một truyền thống xây dựng gia đình hạnh phúc, "thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn", thế thì những truyền thống cũ không được phát huy, mà những chuẩn mực mới về đạo đức thì chưa được xác lập, cho nên con người đứng trước một cái như là tự sự, và trong trường hợp đó những yếu tố về văn hoá, về đạo đức của từng cá nhân lại có tính chất quyết định, và vì vậy đây là sự may rủi của từng chị em phụ nữ. Phải nói rằng, qua thực tế thì không phải chỉ ở nông thôn đâu, mà trong công nhân, trong trí thức đều có những biểu hiện về bạo lực và mức độ trầm trọng của nó thì đương nhiên ở nông thôn thì chúng ta thấy rõ nét, nhưng mà phần ở trí thức và công nhân không phải là không có những trường hợp mà cũng rất đau xót. Nên tôi nghĩ rằng, nếu chỉ chú tâm về những biện pháp phòng ngừa theo những dự kiến như trong này liệu nó có thích hợp với Việt Nam không? Tôi có cảm giác ở đây chúng ta nói rằng xuất phát từ thực tế, nhưng có lẽ kế thừa, tiếp thu của nhiều nước vào đây, những biện pháp đó tôi cứ băn khoăn nó có phải là thích hợp chưa.

Trong tình hình hiện nay, chúng ta phải đi hai bước, bước thứ nhất là tạo một bước đột phá về mặt dư luận xã hội, làm thế nào cho thật rõ ràng về mặt xã hội, thái độ của xã hội lên án như thế nào? Điều đó động đến từng cá nhân một, từng con người một, lâu nay thực ra chúng ta đang buông lỏng, cả một hệ thống chính trị nhưng chị em như thế có ai can thiệp vào đâu. Từ ông Bí thư Chi bộ, đến ông Tổ trưởng, đến Liên hiệp phụ nữ có ai đứng ra xem đây là công việc của mình đâu, gần như chúng ta dửng dưng, vô cảm, cho nên phải ngẫu nhiên dẫn đến tình trạng đó.

Trước hết là phải đánh thức tất cả các tổ chức, bây giờ phải chuyển động chứ thuần túy cấm thế này, thế kia, bằng biện pháp, pháp luật không thôi, thì không chuyển được. Đây là vấn đề rất lớn, mà khi làm Luật Hôn nhân gia đình, chúng tôi đã nghiên cứu, nhấn mạnh một tư tưởng rất lớn. Khi Bác Hồ về thăm Thái Bình, Bác được nghe báo cáo về tình trạng chị em phụ nữ bị bạo hành, bạo lực, Bác công khai nói trước cả một cuộc mít tinh hàng vạn người về sự cần thiết phải xây dựng tình nghĩa vợ chồng. Đây không phải là tình cảm, tình yêu nữa, mà là tình nghĩa vợ chồng, sự gắn bó với nhau suốt đời, đồng cam cộng khổ, sự gắn bó với nhau tình nghĩa vợ chồng, tình và nghĩa chứ không phải tình cảm không. Điều đó đã được đặt thành tiêu đề của điều luật khi nói đến quan hệ vợ và chồng, mặt này hình như chúng ta rất ít nói đến. Điều mà tôi rất lạ là ở nông thôn bây giờ ly hôn rất nhiều, không chỉ thành phố đâu, nông thôn ly hôn rất nhiều và rất dễ dàng. Những nguyên tắc đạo đức truyền thống là không còn, tôi cho ở đây trách nhiệm xã hội rất nặng.

 Cho nên chúng ta phải chú ý nhiều đến phương diện này, tôi đọc, tôi nghe thì thấy có phần hơi quá đà chăng về những biện pháp xử lý. Nhất là chúng ta lại định lập ra một cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, làm gì phải dữ thế. Nếu mà thế thì bao nhiêu cơ quan khác được thành lập, không có Trung ương nào chuyên trách được việc này mà là nhiệm vụ được chia đều cho các tổ chức như thế nào, từng vị trí một do vị trí của mình, do chức năng của mình mà thấy được trách nhiệm ở đây. Bây giờ mà thành lập một cơ quan quản lý, vì đây là một trong những vấn đề bức xúc nhưng có phải là vấn đề được đặt ngang hàng với bao nhiêu vấn đề khác không. Trong lúc đó lĩnh vực nào cũng có một cơ quan như thế này tôi cho rằng nó hơi cầu toàn quá và nó không phù hợp với thực tế. Cho nên tôi đề nghị nên cân nhắc lại việc này là việc chung cả xã hội, trước hết là Đảng chúng ta phải lo cái này và Đảng đây phải nói chung là Trung ương mình, chính từng cấp uỷ Đảng ở địa phương, từng bí thư, từng chi bộ, từng tổ Đảng làm thế nào thấu được cái này để tác động đến dư luận trong phạm vi của mình. Bây giờ đưa pháp luật không thôi thế này tôi cho rằng không thực tế.

Ở các nước, có lần tôi đã báo cáo trước Quốc hội là vợ không đồng ý mà chồng cứ đòi sinh hoạt, tôi xem như thế là hiếp dâm và đưa ra Toà một cách dễ dàng. Tôi nhớ đó là Luật của Hunggary, cho nên ông chồng nào cũng sợ cả, ở ta đã làm như thế chưa, vấn đề truyền thống ta chưa có tâm lý đó, cho nên chẳng hạn cấm tiếp xúc, tôi nghĩ không biết cấm tiếp xúc thì làm thế nào. Cấm tiếp xúc có nghĩa là người kia không được tiếp xúc, muốn thế thì giữ anh ta như thế nào, tôi không hình dung được là chúng ta sẽ cấm tiếp xúc như thế nào, cả đêm cả ngày 24 tiếng làm thế nào cấm tiếp xúc được, canh ngày thì người ta tìm đến ban đêm, tờ mờ sáng hoặc nửa đêm người ta cũng có thể đến được, cấm tiếp xúc thế nào được. Chúng ta chưa có truyền thống đó, chưa tạo ra được một tâm lý về mặt đó, cho nên đưa ra những biện pháp này tôi thấy như vậy và nói đến các thiết chế thì tôi thấy ở một số điều chưa chú ý đến. Không biết tôi có xa rời thực tế không mà lại đòi hỏi quá cao, vai trò của tổ hoà giải ở đây rất quan trọng. Khi tôi còn ở Bộ Tư pháp, còn ở Toà án Tối cao thì bản thân cũng học tập kinh nghiệm ở một số nước, đề cao vai trò của tổ hoà giải và tổ hoà giải nhiều người, người ta nói tôi phải đi mòn đường, chết cỏ đi thì mới thuyết phục được 1 gia đình, để làm thế nào từ sự đổ vỡ trở thành 1 gia đình đoàn kết, biết yêu thương nhau. Tôi thấy ở đây tuy phần đầu có nhấn mạnh đến mục tiêu của chúng ta, nhưng mục đích của việc chống bạo hành này chính là để xây dựng gia đình hạnh phúc, thế thì thuyết phục là chính. Còn nói đến những hành vi có tính chất hình sự, theo tôi là cần thiết, nhưng không phải là cái chính. Trong bước đầu này chúng ta tạo ra một dư luận xã hội đã, lôi cuốn tất cả các tổ chức vào đây, không chỉ dành riêng cho Toà án, cơ quan hành chính. Trong đó tôi thấy vai trò hết sức quan trọng, đó là mặt trận để phụ nữ đi thuyết phục nam giới không bạo lực gia đình là 1 điều không thể hình dung được, mà chính là Mặt trận, chính là các cụ già.

Các văn bản liên quan