Ý kiến của ĐBQH Đặng Thị Kim Chi – Tỉnh Phú Yên

Thứ Sáu 10:13 10-11-2006


Kính thưa Quốc hội,

Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc họp hôm nay có nhận xét là ở các luật khác thì sự gặp nhau giữa Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra, rất thống nhất, nhưng ở Luật này thì khoảng cách còn xa. Vì ở các luật khác thì các cơ quan của Chính phủ soạn thảo trình riêng Luật này thì do Ủy ban của Quốc hội trình, nên sự gặp nhau giữa Quốc hội với Quốc hội không được thuận lợi như Chính phủ với Quốc hội.

Để tham gia góp ý vào luật này, tôi xin có một vài ý kiến về ý kiến khác nhau, để thể hiện quan điểm chính kiến của mình. Đa số đại biểu chúng ta ở đây thường là trình độ cao, nói chung về tất cả các mặt đều cao, nên có lẽ ít bị bạo lực gia đình, nhưng vì mình là đại biểu đại diện cho dân. Cho nên khi tham gia luật này cần phải đi  sâu vào đời sống của người dân, để thấy thực trạng ra sao, để có tiếng nói điều chỉnh những hành vi trong xã hội.

Ở những vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa hay là vùng nông thôn thì tình trạng bạo lực này rất nặng. Cho nên về sự cần thiết ban hành Luật, các đại biểu trước đã phát biểu rồi, tôi rất thống nhất và không có ý kiến gì thêm, tôi chỉ có một đề nghị là nên thông qua Luật này tại kỳ họp sắp tới bởi, vì tính cấp thiết của nó. Bởi vì luật này do Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội soạn thảo mà những người chủ trì, tức thành viên của Uỷ ban không biết khoá tới Ban soạn thảo có được tiếp tục bầu nữa hay không. Nếu như sau đó thành viên khác của Uỷ ban lại làm chủ sị của Ban soạn thảo này thì rồi người ta lại phải đi điều tra lại, tôi nghĩ rằng rất khó khăn chứ không phải là một cơ quan soạn thảo là ổn định như những luật khác. Cho nên, theo quan điểm của tôi tôi nghĩ nên thông qua luật này tại kỳ họp thứ 11 sắp tới. Tôi xin có ý kiến như vậy.

Về cái chung, tôi cũng thống nhất với nhiều đại biểu trước tôi là Luật chúng ta nên thiên về hướng giáo dục, phòng ngừa là chính. Tuy nhiên, khi bạo lực đã xảy ra thì rõ rằng chúng ta phải có những sự điều chỉnh cho thích hợp.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, tôi thống nhất tức là phạm vi điều chỉnh kể cả ở Điều 41, tức là những thành viên không phải trong gia đình như Luật Hôn nhân gia đình đã nói, bởi vì nhiều đại biểu trước đã phân tích là đối tượng này mặc dù chúng ta không khuyến khích nhưng hiện nay rất đông và thường là yếu thế, cho nên bị bạo lực nhiều.

Ví dụ: Đối với những người có nhiều lý do cho nên đôi khi họ có đám cưới nhưng họ lại không đăng ký kết hôn, hoặc có khi không cưới, không đăng ký kết hôn nhưng họ sống với nhau, thường là họ yếu thế. Thứ hai, ví dụ với những cặp vợ, chồng khi người ta đã ly hôn rồi, người ta vẫn có những mố ràng buộc với nhau, ví dụ: Chăm sóc con cái, cha, mẹ hoặc có những mối quan hệ này, khác ràng buộc với nhau thì họ về họ chăm sóc. Thường là khi ly hôn rồi, những ông chồng không chịu ly hôn, nhưng buộc phải ly hôn thì vì tự ái, vì sỹ diện, vì cay cú v.v... họ tìm mọi cách, vẫn tiếp tục hành hạ người vợ đã ly hôn. Do đó trong đối tượng này xảy ra rất nhiều, cho nên có thể những người người ta sống với nhau không đăng ký kết hôn, đúng là mình không khuyến khích, nhưng không phải vì giận họ, vì như thế mà mình lại bỏ rơi đối tượng này, không điều chỉnh trong luật này, tôi nghĩ đó là 1 điều rất thiếu sót. Cho nên về phạm vi điều chỉnh, tôi đề nghị nên kể cả Điều 41, Điều 42. Vì vậy luật này tôi thống nhất lấy tên là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, vì nếu trong gia đình thì chỉ là đối tượng trong gia đình.

Thứ hai, về hành vi bạo lực gia đình. Tôi nghĩ luật chỉ nên quy định theo hướng khái quát là có 4 loại, đó là:

Bạo lực thể xác.

Bạo lực tinh thần.

Bạo lực tình dục.

Bạo lực kinh tế.

Tôi thống nhất không loại trừ hành vi bạo lực tình dục. Tất nhiên đây là chuyện rất riêng tư, chuyện phòng the người ta ít nói, nhưng khi bạo lực này đã xảy ra một cách rất nặng nề, trở thành như 1 bệnh hoạn của 1 đối tượng nào đó thì cũng phải có điều chỉnh trong luật này, người ta phải có phản ánh để được bảo vệ. Ví dụ, việc buộc phải đẻ con trong khi sức khoẻ của người phụ nữ không đảm bảo, hoặc buộc phải phá thai, cái đó cũng có thể xem lại bạo lực tình dục. Nếu không đưa vào thì tôi thấy nó không đầy đủ. Nên theo hướng 4 nhóm như vậy để các văn bản dưới luật có thể điều chỉnh thì nó phù hợp hơn. Vì luật chúng ta là áp dụng cho lâu dài, mà xã hội chúng ta đang phát triển, thì các tội phạm cũng phát triển càng ngày càng nhiều, cũng như hành vi bạo lực cũng sẽ phát sinh. Nếu mình quy định cụ thể thì sợ thiếu hoặc khi phát sinh thì luật điều chỉnh nó khó hơn văn bản dưới luật.

Thứ ba, về biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình. Theo tôi quy định ở Điều 18, 19 là cần thiết và khá chặt chẽ. Ví dụ, Điều 18 quy định rõ về việc Uỷ ban nhân dân xã chỉ cách ly, tức là cấm khi có hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại nghiêm trọng, hoặc đe doạ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của nạn nhân và có đơn yêu cầu của nạn nhân. Thực ra số này không nhiều, vì thường người ta cũng hay cam chịu  và tới mức người ta thấy có thể nguy hại đến tính mạng của họ, họ mới yêu cầu, lúc đó xã hội mới can thiệp, như vậy là cần thiết. Bởi vì cũng có những trường hợp tôi thấy thực tế có nhiều người cũng trí thức đàng hoàng nhưng ví dụ bị chồng đánh, đánh rất dữ, có những anh bình thường anh hiền lắm nhưng khi rượu vào thì hung như thú, anh đánh và chị ta chạy đến nhà hàng xóm trốn. Khi trốn thì anh này tới phá nhà hàng xóm và bảo là tại sao lại chứa chấp này khác.

Cho nên nếu chúng ta không quy định là cấm và có những cơ sở nạn nhân bạo lực gia đình trong này, thì dù có những người muốn cưu mang người ta cũng không dám. Bởi vì như vậy là phạm luật, anh nói vợ của tôi tại sao lại chứa chấp, thế này, thế khác, cho nên tôi nghĩ việc cấm là cần thiết. Cũng như việc Tòa án có quyền cấm, bởi vì trường hợp này đã là không thể nào chịu đựng được nữa rồi cho nên mới đưa ra tòa để ly hôn. Như khi nãy tôi nói, trong giai đoạn làm thủ tục ly hôn thì thường người chồng đánh vợ rất ghê, do đó nếu không có việc cấm tiếp xúc này thì có thể sẽ xảy ra án hình sự. Tôi biết có trường hợp có chị kể chồng đánh dữ lắm nhưng chị không dám đưa đơn ly hôn, vì nếu đưa đơn ly hôn nó nói là nó sẽ giết, do đó nếu mình không có biện pháp này thì không bảo vệ được những nạn nhân, bạo lực gia đình mà đã tới mức không thể chịu đựng được nữa. Tôi cũng thống nhất với đại biểu trước tôi là cấm, nhưng không nên quy định cụ thể thời gian là mấy tháng mà tùy theo tính chất phức tạp, tình tiết của vụ án mà Tòa án sẽ có phán quyết.

Về cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình ở Điều 23 cho tới Điều 28 theo tôi nghĩ cũng cần thiết, tuy nhiên chúng ta cũng có quy định cho cụ thể hơn, để nó có thể có khả năng thực thi trong cuộc sống. Ở đây cũng có quan điểm cho rằng nếu chúng ta quy định như vậy thì nó không khả thi, nhưng tôi nghĩ hiện nay có thể có những điều luật không phù hợp với đạo lý truyền thống người Việt Nam chúng ta. Nhưng ở đây nói không phù hợp thì không đúng, vì chúng ta chưa quen với cách như thế, vì ở ta xã hội phong kiến tồn tại lâu quá rồi cho nên quen cam chịu, quen chịu đựng. Vì vậy có những cái mới thì chúng ta thấy như có gì đó làm thay đổi truyền thống gia đình Việt Nam. Tôi nghĩ ví dụ như việc người phụ nữ phải cam chịu trong khi bạo lực đang xảy ra, mình là người thiệt thòi nhất, một gia đình như thế thì con cái học được gì khi cha mẹ hàng ngày đánh nhau. Hoặc là nó cũng sẽ bạo lực như thế khi nó có gia đình hoặc là nó ra xã hội nó bạo lực hoặc là nó sẽ trở thành thụ động, rụt rè, e ngại tiếp xúc với xã hội và như vậy nó sẽ phát triển không bình thường. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan