Ý kiến của ĐBQH Lương Thị Hoa – Tỉnh Thanh Hoá

Thứ Sáu 10:11 10-11-2006


Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình và nghiên cứu Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội, tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về sự cần thiết phải ban hành luật, tôi cũng đồng tình với ý kiến của rất nhiều đại biểu phát biểu trước tôi và đã phân tích. Tôi xin hoàn toàn nhất trí thời điểm ban hành luật, đây là thời điểm quan trọng và cần thiết nhất.

Thứ hai, phạm vi áp dụng tôi nhất trí với quan điểm của đại biểu Phạm Quý Tỵ về đưa Điều 41 về phạm vi điều chỉnh về Chương I. Tôi nhất trí cao với phương án mà Ban soạn thảo đã đưa ra tức là Luật áp dụng các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình với cả nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ, chồng hoặc vợ chồng đã ly hôn là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở thực tiễn. Tôi nhận thấy việc quy định như vậy nhằm:

Thứ nhất, bảo vệ được tất cả những nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình. Thứ hai, nó phù hợp với Luật bạo lực gia đình của rất nhiều những nước tiến bộ trên thế giới như ở Philippin, Mailaixia, Úc v.v.... Ở những quốc gia này khái niệm vợ chồng được xây dựng khá rộng và bao gồm cả những đối tượng đã kết hôn hợp pháp và những đối tượng chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký, đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nên có nhu cầu bảo vệ rất cao, cho nên chúng ta không cần căn cứ vào tình trạng pháp lý của các mối quan hệ này. Hơn nữa, bối cảnh hội nhập quốc tế chúng ta cũng quy định theo hướng mở rộng đối tượng như trên, thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện.

Thứ hai, cách quy định như Dự thảo Luật đưa ra chỉ là vấn đề áp dụng pháp luật nhằm tránh bỏ lọt đối tượng, chứ không phải là thừa nhận tình trạng hôn nhân ngoài giá thú. Riêng với những đối tượng không có đăng ký kết hôn mà vẫn sống với nhau như vợ chồng, tôi cho rằng đã có Luật Hôn nhân và gia đình điều chỉnh, và các văn bản dưới Luật như hương ước, cam kết các quy chế, quy định v.v... Tuy nhiên, tôi cũng kiến nghị cách quy định như trên là chỉ mang tính tạm thời đến một thời điểm nào đó khi dân trí của chúng ta đã cao hơn, việc thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình nó tốt hơn thì tỷ lệ nam, nữ hôn nhân không giá thú đã giảm đi thì chúng ta cũng nên sửa lại phạm vi áp dụng của luật này.

Ý kiến thứ hai, về hành vi bạo lực trong gia đình. Tôi xin tham gia 2 ý kiến.

Ý kiến thứ nhất, trước thực trạng bạo lực gia đình đang gia tăng, bạo lực diễn ra hàng ngày, hàng giờ dưới nhiều hình thức khác nhau, rất phong phú, không chỉ bó hẹp ở mối quan hệ giữa vợ, chồng, nó còn diễn ra giữa mối quan hệ giữa con, cháu với ông, bà, cha, mẹ, anh, chị em, với nhau, vi phạm đến quyền con người, danh dự nhân phẩm, tính mạng của mỗi cá nhân, thậm chí bạo lực gia đình còn làm sói mòn đạo đức xã hội, làm ảnh hưởng đến thế hệ tương lai.

Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân khác nhau. Song, tôi cho rằng 1 trong những nguyên nhân cơ bản nhất là do hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế. Nhiều lúc họ chưa nhận thức được đầy đủ những hành vi, hành động của mình có vi phạm pháp luật hay không?  Do đó việc quy định về các hành vi bạo lực trong gia đình theo hướng cụ thể hoá như ở Điều 3 là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với thực tiễn. Bởi vì quy định như vậy không chỉ khắc phục được tình trạng luật khung mà còn thuận tiện trong quá trình hướng dẫn thực hiện, trong quá trình tuyên truyền, luật cũng dễ dàng đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại một cách kỹ lưỡng hơn, nhằm tránh để lọt hành vi bạo lực, đồng thời cần có chế tài phù hợp để xử lý một cách kịp thời. Với tinh thần đó tôi đề xuất thêm 2 hành vi bạo lực gia đình đang rất phổ biến hiện nay và gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Thứ nhất là hành vi đe doạ. Đây là hành vi có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng. Rất nhiều trường hợp do bị đe doạ đã gây tâm lý sợ hãi, khủng hoảng tinh thần, thậm chí có trường hợp vì quá lo lắng đã tìm đến cái chết.

Hành vi thứ hai là hành vi từ chối chăm sóc người thân. Có thể nói đó là hành vi từ chối thực hiện trách nhiệm đối với người thân trong gia đình. Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp con cháu không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng ông bà khi già yếu, ốm đau, khi không còn đủ sức lao động, sản xuất tạo ra thu nhập, họ không chỉ bị hắt hủi, ngược đãi mà còn bị đuổi ra khỏi nhà chính người thân của mình. Đây là hành động đi ngược với truyền thống, đạo lý của người Việt Nam, đang bị xã hội lên án một cách nặng nề. Do đó, rất cần đưa vào luật để điều chỉnh.

Ý kiến thứ hai, tôi bày tỏ sự nhất trí cao với phương án mà Ban Soạn thảo đưa ra, tức là luật không chỉ điều chỉnh bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần mà cần thiết phải điều chỉnh cả bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế, bởi vì hiện nay, hình thức bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế đang diễn ra rất phổ biến trong xã hội chúng ta, tôi cho đây là cách quy định rõ ràng, rành mạch và đúng với tinh thần xây dựng luật của Quốc hội chúng ta. Đối với hành vi bạo lực tình dục, đã xuất hiện từ rất lâu chứ không phải mới xuất hiện, bản thân chúng ta ít nhiều cũng từng nghe thấy ở đâu đó, nhưng có thể do mỗi cách gọi khác nhau mà thôi. Căn cứ vào kết quả khảo sát của Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho thấy, với 30% các cặp vợ chồng có hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục. Tôi cho đây là một thông số rất đáng để chúng ta lưu ý và suy nghĩ, vậy thì chúng ta phải làm gì để bảo vệ những nạn nhân của hành động này, thực tế đã có rất nhiều nạn nhân của bạo lực tình dục âm thầm chịu đựng hơn là tố cáo người có hành vi bạo lực tình dục, bởi đây là một vấn đề hết sức tế nhị, hay nói cách khác đây là vấn đề thầm kín của mỗi người, mỗi gia đình, không dễ gì mà đem nói ra cho mọi người biết, đặc biệt là trong mối quan hệ vợ chồng, thì "xấu chàng hổ ai", trừ trường hợp không thể chịu đựng nổi đã dẫn đến ly hôn, đến chia tay, còn đa số sống chung với bạo lực.

Vì vậy tôi mong rằng việc đưa hành vi bạo lực tình dục vào điều chỉnh trong luật là một việc làm hết sức cần thiết, tạo nên một làn sóng mới mang tính đột phá vào tư tưởng của những nạn nhân bị hành vi bạo lực gia đình. Giúp họ nhìn thẳng vào vấn đề và nhận thức rõ ràng hơn, đồng thời cũng thức tỉnh những người thường xuyên gây ra hành vi này tự suy nghĩ và nhìn nhận lại nhiều hành động của mình một cách tích cực hơn. Hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật của họ, tôi cho đây cũng là một tính nhân văn của luật. Tôi cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng quy định hành vi bạo lực tình dục trong luật sẽ làm tăng nguy cơ tan vỡ gia đình, tôi cho nói như vậy là không có căn cứ.

Ý kiến tiếp theo đó là các biện pháp khác để phòng ngừa bạo lực gia đình. Tại Khoản 2, Điều 15 có quy định: "Tạo điều kiện giúp đỡ người nghiện rượu, người đánh bạc trong việc chữa trị nghiện rượu, từ bỏ đánh bạc". Tôi thấy quy định như vậy là chưa đầy đủ bởi tại Khoản 3, Điều 12 quy định những đối tượng cần giáo dục, tư vấn về gia đình điểm đ ngoài đối tượng là người nghiện rượu, đánh bạc thì còn có một đối tượng là người nghiện ma túy. Vậy thì trong thực tế có những gia đình có những người nghiện ma túy thì đi liền với nó là thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình. Vậy thì tại Khoản 2, Điều 15 phải thêm vào đối tượng cần tạo điều kiện giúp đỡ đó là người nghiện ma túy. Khoản này tôi xin thiết kế lại như sau: "Tạo điều kiện để giúp đỡ người nghiện rượu, người đánh bạc, người nghiện ma túy trong việc chữa trị nghiện rượu, nghiện ma túy và từ bỏ đánh bạc". Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan