Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Xuân Thiết – Tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ Sáu 10:09 10-11-2006
Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia một số ý kiến vào Dự án luật Phòng, chống bạo lực gia đình:

Trước tôi nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến, tôi cũng thấy đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu đó. Thực tế tôi cũng thấy rằng bạo lực gia đình xảy ra khá là phổ biến, dưới nhiều hình thức, với mức độ cao thấp khác nhau, cao nhất là tới mức phạm pháp hình sự, nạn nhân chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em, tức là những người yếu thế. Hậu quả để lại tôi thấy cũng hết sức nặng nề, là một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nguyên nhân của tình hình này có nhiều nhưng chủ yếu là do mấy nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội. Hiện nay tình trạng thanh niên sống thử vợ chồng, xảy ra nhiều nhất ở các cư xá, các trường đại học, khu tập thể. Hiện tượng này dư luận xã hội lên án rất ghê gớm, về luân thường đạo lý rất phản đối, cha mẹ cũng không bằng lòng. Bộ phận thanh niên này vẫn nghiễm nhiêm ăn ở chung sống với nhau, không hiểu là vai trò giáo dục thanh niên trong nhà trường như thế nào có một tình trạng xuống cấp đạo đức như vậy.

Về quản lý Nhà nước và xã hội, phải nói là còn rất nhiều bất cập. Có vị đại biểu Quốc hội đã nhắc đến vai trò của gia đình nó là tế bào của xã hội, tế bào có lành mạnh thì xã hội mới phát triển được, cái đó rất đúng, nhưng nếu cứ để bạo lực gia đình nó hoành hành như thế này thì đương nhiên tế bào đó bị tổn thương, và xã hội phát triển cũng không bền vững. Nhà nước chưa làm tốt được công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tới từng người dân, tình trạng vô cảm, coi thường pháp luật và không có trách nhiệm ngay với cả bản thân mình và gia đình mình, tôi nghĩ rằng không phải là hạn chế ở một địa phương nào, hoặc một bộ phận dân cư nào, mà có tính chất phổ biến.

Thứ ba, về công tác phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan, đoàn thể cũng chưa tốt, chưa phát huy tốt được vai trò của các tổ chức, cơ quan nào. Ở khu vực dân cư nào cùng có chi bộ, có đại diện bên chính quyền xã, phường như trưởng khu, trưởng thôn, rồi tổ chức mặt trận, thanh niên, phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, v.v... Nhưng khi lâm sự xảy ra thì hầu như không mấy khi có đầy đủ các cơ quan này, để chung vai, chung sức để giải quyết chuyện bạo lực gia đình xảy ra ngay ở khu dân cư của mình. Tình hình trên đòi hỏi phải được xem xét và xử lý bằng các quy định của pháp luật, nhưng giải quyết bằng một văn bản pháp luật riêng, như dự án luật phòng, chống bạo lực gia đình, hay xử lý bằng các quy định của pháp luật hiện hành. Tôi đề nghị với Ban Soạn thảo cần tiếp tục cân nhắc. Theo tôi, nếu có một văn bản riêng cũng tốt, coi văn bản này như 1 văn bản có tính đặc thù, đã đặc thù thì phải có những quy định phải phù hợp với những tính chất của văn bản pháp luật này. Muốn có 1 văn bản pháp luật riêng, tôi đề nghị phải khắc phục được mấy nhược điểm sau đây:

Thứ nhất, phải khắc phục được sự trùng lặp, chồng chéo với các văn bản pháp luật trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật đã nêu, như: Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính v.v...

Thứ hai, nâng cao tính khả thi của dự án luật. Tôi đã nghiên cứu sâu một số nội dung mà thấy rằng quy định trong này, cơ sở của nó thiếu vững chắc và tính khả thi của nó rất thấp. Ví dụ, vấn đề xây dựng cơ sở trợ giúp nạn nhân; vấn đề cách ly người có hành vi bạo lực, nhất là trong trường hợp người đó là chủ hộ, chủ sở hữu của nhà đó. Với việc áp dụng biện pháp này thực chất mà nói cũng làm căng thẳng và nặng nề thêm về quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Tôi cho là biện pháp này không hay. Cách ly người đó ở đâu? Đưa đi chỗ nào? Ai đưa? Khó lắm. Nhưng tại sao cứ đặt vấn đề là cách ly, rời khỏi nhà đó, cho nên tôi thấy quy định như thế này là không khả thi. Hay địa chỉ tin cậy, các hình thức giáo dục tại cộng đồng, tại xã phường. Trong khi đó chúng ta biết án dân sự hiện nay kết quả thi hành mới được trên dưới 50% hay nói một cách nghiêm túc cũng chỉ được khoảng 50%, còn 50% nữa không có điều kiện thi hành hoặc không thi hành được. Bây giờ chúng ta lại nghĩ đến chuyện giáo dục tại xã phường đối với những hành vi bạo lực gia đình ở mức xử phạt hành chính thì tôi thấy cũng không khả thi.

Các nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống bạo lực trong gia đình như quy định trong này là rất mỏng manh, rất khó khăn. Bây giờ đụng vào cái gì cũng cứ nói rằng phải có quỹ, đụng vào cái gì cũng nói rằng phải có ngân sách. Như các vị cũng biết ngân sách thì phải xem xét rất kỹ từng đồng một để chi vào cái gì, chi cho ai, cho đối tượng nào. Bây giờ lại nghĩ đến chuyện ngân sách chi cho việc này, không phải là tôi không ủng hộ nhưng tôi muốn nói rằng cơ sở để đảm bảo kinh phí cho hoạt động này cũng hết sức khó khăn.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan như chính quyền, mặt trận, đoàn thể như thế nào, trong dự thảo chỉ quy định về trách nhiệm của các cơ quan này. Quan trọng ai là người thực hiện công tác phối hợp này, ai là người thực hiện tác nghiệp đối với công việc này ở thôn, xóm, ở đơn vị cộng đồng, chính sách chế độ đối với họ ra làm sao? Bây giờ cơ chế thị trường rồi không như trước đây hô hào chính trị, động viên nhau đi làm để có thành tích, bây giờ làm cái gì thì phải có thu nhập tương xứng.

Thứ hai là đối tượng áp dụng, tôi thấy quy định cũng hơi chung, tôi nói như khái niệm cá nhân trong luật này hiểu như thế nào cho đúng. Trong quy định đối tượng áp dụng luật pháp, cá nhân trong gia đình, cá nhân ngoài xã hội, các vị nói là bạo lực xảy ra ngoài xã hội cũng có thể xảy ra giữa cá nhân ngoài xã hội, thế hiểu cá nhân như thế nào? Tôi thấy những điều đó trong luật quy định không mạch lạc, không rõ ràng, tính khả thi thấp. Nếu như có luật riêng thì phải khắc phục sự chồng tréo, phải nâng tính khả thi của luật này lên.

Vấn đề thứ hai, tôi xin tham gia vào một số nội dung cụ thể:

Thứ nhất về tên gọi, hiện nay xem xét về dự thảo luật cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội , có 3 tên gọi: Một là tên gọi như trong dự án luật; Hai là như hai tên gọi trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội. Cụ thể tên gọi thứ nhất là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Tên thứ hai là Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình. Tên thứ ba là Luật Phòng, chống bạo hành trong gia đình. Tôi cũng có suy nghĩ ba loại tên này nhưng tựu chung lại tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc. Nếu  không có tên nào khác nữa thì trong 3 tên này lựa chọn tên thứ ba thì xem ra có vẻ phù hợp hơn.

Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, Khoản 1 viết ở dòng trên chỉ quy định về phòng ngừa, ở dưới lại nói trách nhiệm trong cả việc chống bạo lực trong gia đình. Tôi cho viết như thế này là chưa hoàn chỉnh, tôi đề nghị đặt cả vấn đề phòng, chống chứ không phải chỉ có ngừa.

Điều 30 cũng cần quy định rõ cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình ở Trung ương là cơ quan nào. Ở địa phương thì cơ quan nào làm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân, chính quyền các cấp trong việc này.Điều 36 là xử phạt vi phạm hành chính, trên cũng đã nêu, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm để có quy định cho thực tế hơn và khả thi hơn. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan