Ý kiến đóng góp của Hiệp hội Bảo hiểm

Thứ Bảy 09:51 24-03-2007

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Vụ Pháp chế với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam xin góp ý Dự thảo Luật Chất lượng Sản phẩm Hàng hoá như sau:

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam hoan nghênh chủ trương ban hành Luật Chất lượng Sản phẩm Hàng hoá. Đây là nhu cầu cần thiết khi Việt Nam gia nhập WTO, mở cửa thị trường Việt Nam cho sản phẩm hàng hoá dịch vụ nước ngoài cũng như sản phẩm hàng hoá dịch vụ của Việt Nam được xâm nhập vào thị trường thế giới. Theo chúng tôi Luật này mới giới hạn ở sản phẩm hàng hoá còn thiếu một mảng lớn là sản phẩm dịch vụ chưa được điều chỉnh như chữa bệnh, thẩm mỹ viện, cắt nhuộm sấy tóc, tẩm quất massage, xông hơi, vũ trường, vận tải, dịch vụ pháp lý, dịch vụ kế toán kiểm toán, dịch vụ bảo vệ, tài chính, bảo hiểm, vận tải... Nếu vấn đề này được đề cập riêng vào Luật khác hoặc Luật chuyên ngành thì cũng cần được xúc tiến sớm.

Riêng với dự thảo Luật Chất lượng Sản phẩm Hàng hoá chúng tôi đóng góp như sau:

Điều 3:
Giải thích từ ngữ

Cần nói rõ hơn khoản 3 về chất lượng sản phẩm hàng hoá cần những yêu cầu gì để người sản xuất kinh doanh phải đáp ứng, người tiêu dùng kiểm tra và khi xảy ra tranh chấp dễ thương lượng giải quyết hoặc xét xử.

Cần bổ xung khái niệm Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hoá do doanh nghiệp ban hành và phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá do Hiệp hội ngành nghề, Cơ quan chủ quản ngành ban hành và tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá Việt Nam cũng như tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá nước ngoài hoặc của nước ngoài được Việt Nam công nhận. Vấn đề cơ bản nhất là khi Nhà nước đã ban hành tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá Việt Nam thì tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sản xuất hoặc kinh doanh hàng hoá này không được thấp kém hơn Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam.

Điều 5: Khoản 3 cần bổ sung sau từ tài sản cụm từ "cho người sử dụng, tiêu dùng, không lây hại lây bẩn cho người, động vật và tài sản khác, không làm ô nhiễm môi trường"
Khoản 6: Thay cụm từ “đảm bảo thuận lợi hoá thương mại” bằng cụm từ “đảm bảo phát triển sản xuất kinh doanh thuận lợi”.

Điều 15:
Khoản 1 mục b thay từ "trái" bằng cụm từ "thấp" hoặc "kém hơn".

Điều 26:
Thay cụm từ “tổ chức thử nghiệm” bằng cụm từ “tổ chức thử nghiệm giám định, đánh giá, kiểm tra để rõ ràng hơn".

Điều 38:
Khoản 3 bổ sung thêm cụm từ vào sau từ bảo quản "hướng dẫn chi tiết cách thức, phương thức".
Khoản 6 thay từ "có" bằng từ "thực hiện", bổ sung sau từ "hậu quả" cụm từ "nhanh nhất".

Điều 40:
Khoản 2 sau từ "duy trì" bổ sung thêm cụm từ "đảm bảo chất lượng hàng hoá không thay đổi".

Điều 46:
Thời hạn khiếu nại nên bổ sung trường hợp phát hiện thấy được gây độc gây hại (thuốc chữa bệnh đồ ăn uống, lương thực thực phẩm) hoặc khi sử dụng hàng hoá gây nên tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng sức khoẻ con người như ngồi vào ghế bị ngã do ghế chất lượng không tốt dẫn đến gãy cột sống... vì vậy bổ sung thêm khoản 3.
"6 tháng, kể từ ngày người sử dụng sản phẩm hàng hoá bị chính sản phẩm hàng hoá này gây ra tai nạn hoặc ảnh hưởng đến sức khoẻ tính mạng"

Điều 50:
Bổ sung Khoản 5.
Bồi thường trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh hàng hoá do hàng hoá không đảm bảo chất lượng, thiếu chỉ dẫn sử dụng, bảo quản, thiếu cảnh báo các yếu tố có thể gây độc gây hại làm phương hại đến người tiêu dùng theo quy định của Luật dân sự.

Điều 52:
Loại bỏ trường hợp tại điểm 1.C để người sản xuất kinh doanh không thể lợi dụng việc này đưa ra thử nghiệm, nghiên cứu thị trường làm từ thiện những sản phẩm kém chất lượng.

Điều 53:
Đề nghị tăng mức phạt bằng 2 lần hoặc 3 lần giá trị lô hàng hoá sản phẩm được đánh giá thay cho 10 lần phí vì rất thấp không thể nâng cao chất lượng trách nhiệm của họ được.

Đề nghị bổ sung 01 điều trong chương này

Người kinh doanh sản xuất sản phẩm hàng hoá thuộc nhóm 2, nhóm 3 phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm đối với hàng hoá này. Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn chi tiết bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm đối với hàng hoá của người sản xuất kinh doanh.

Theo thông lệ quốc tế quy trách nhiệm bồi thường rất nặng trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh đối với hàng hoá của họ. Bối cảnh hiện nay Việt Nam xuất khẩu nhập khẩu ngày càng nhiều liên quan đến luật pháp tố tụng của các nước vì vậy mua bảo hiểm trách nhiệm đối với hàng hoá không những tránh khỏi những vụ bồi thường thiệt hại lớn ngoài khả năng tài chính của người sản xuất kinh doanh mà còn thuận lợi hơn trong quá trình tham gia tố tụng tại nước ngoài (doanh nghiệp bảo hiểm phải lo việc này). Hơn nữa Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định những đối tượng gây mất an toàn an ninh xã hội và cộng đồng phải được bảo hiểm bắt buộc.

Các văn bản liên quan