Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thạc Nhượng – Tỉnh Bắc Ninh

Thứ Sáu 09:57 27-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Chúng tôi xin tham gia mấy ý kiến sau:

Thứ nhất, chúng tôi tán thành với mấy ý kiến đề nghị lấy tên luật là Luật Bình đẳng nam, nữ. Bởi vì như mấy ý kiến đã phát biểu và phân tích rồi, nên chúng tôi không phân tích lại nữa. Nhưng chúng tôi thấy nội dung của luật này, chẳng hạn như bình đẳng giới trong Chương II có tất cả 8 điều đều nói bình đẳng nam, nữ chứ không nói gì đến giới cả và nhiều điều khác cũng nói đến nam, nữ mà khẳng định bình đẳng đây là bình đẳng nam, nữ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục, thể dục, thể thao v.v... thì chứng tỏ chúng ta làm luật này là Luật Bình đẳng nam, nữ. Chính vì vậy tên luật nên lấy là Luật Bình đẳng nam, nữ, phân tích như các đại biểu trên.

Thứ hai, chúng ta có thảo luận những ý kiến khác nhau rất nhiều, nhưng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu tại Điều 13 và Khoản 3 tức "điều kiện hưởng lương hưu của cán bộ công chức và lao động nam, nữ theo quy định của Bộ Luật Lao động", Pháp lệnh Cán bộ công chức và Luật Bảo hiểm xã hội. Tôi cho rằng đây là vấn đề mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chúng tôi rất tán thành với vấn đề này, quan điểm này. Nhưng mà theo tôi là không nên khẳng định ở trong luật này nữa, bởi vì đã có Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm, Pháp lệnh Cán bộ công chức hay là các văn bản pháp luật khác rồi. Cho nên chúng ta lại khẳng định vào đây, ý khẳng định ở đây là muốn chấm dứt việc trao đổi về vấn đề tuổi lao động. Như vậy chúng ta đã ghi vào đây, chẳng qua là khẳng định lại, mà khẳng định lại có luật thì theo tôi là không cần phải khẳng định vì đã có luật riêng điều chỉnh, điều chỉnh trong này là thừa.

Thứ ba, tôi tán thành với một số ý kiến nói thanh tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới ở Điều 35, chúng tôi cũng tán thành ý kiến của đại biểu Hoàng Thiện Cát, vì điều này không đem lại đặc thù gì trong lĩnh vực thanh tra bình đẳng giới, mà vì chúng ta đã giám sát và thực hiện Luật Bình đẳng giới này ở các cơ quan có trách nhiệm. Nếu chúng ta nói vậy là có thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực này của một cơ quan của cấp Bộ nào đó thì theo tôi không nên. Vì vậy, không cần thiết thành lập một cơ quan thanh tra để thực hiện việc nhận nhiệm vụ của thanh tra mới như thế này. Hay là tổ chức thanh tra về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật thanh tra, vì pháp luật thanh tra cũng có tổ chức thanh tra về bình đẳng giới, cho nên tôi thấy không cần thiết. Đó là ý kiến thứ ba.

Ý kiến thứ tư của tôi là: như đại biểu Lê Xuân Thân nói là chúng ta nên xem lại một loạt 8 điều mới, từ Điều 40 đến Điều 47, nói về các hành vi vi phạm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bình đẳng giới. Tôi thấy, khi cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 cũng như ý kiến thảo luận tại Hội nghị Chuyên trách, không có ai bàn về điều luật xử lý vi phạm trong lĩnh vực bình đẳng giới cả. Nhưng tiếp thu lần này thì tự nhiên thêm 8 điều mới này mà 8 điều mới lại quy định khá chi tiết.
Vậy thì liệu còn các vi phạm khác trong lĩnh vực bình đẳng giới này có bị xử lý nữa không, khi mà chúng ta đã đưa ra những quy định cái gì bị vi phạm thì mới xử lý. Vì vậy, theo tôi, 8 điều này là 8 điều không cần thiết. Vì nó đã được thu hút vào Điều 10. Trong Điều 10 có một điều cấm là: ngay Khoản 1 của Điều 10 là: Những hành vi bị cấm trong lĩnh vực bình đẳng giới này, một là Cản trở nam nữ thực hiện bình đẳng giới. Thế mà 8 điều từ Điều 40-Điều 47 đều như đại biểu Thân nói đều là cản trở nam nữ thực hiện bình đẳng giới, không thực hiện bình đẳng giới, tổ chức cơ quan không thực hiện thì bị xử lý vi phạm, thậm chí là xử như thế nào, ở cấp độ nào xử lý thì cũng chẳng nói gì được ở 8 điều này cả, tôi đọc lại không thấy thể hiện được định lượng trong vấn đề xử lý, biện pháp xử lý, chế tài xử lý cũng không thấy có. Cho nên, theo tôi 8 điều này nên bỏ, quá chăng chúng ta có thể thu hút lại 1 điều về xử lý vi phạm, cũng nhắc lại là Điều 10, hành vi bị cấm, Khoản 1 đã nói cơ bản đủ, đã cấm mà lại vi phạm thì tức là vi phạm rồi, phải xử lý, xử lý Luật này là theo quy định của pháp luật. Trong lĩnh vực khác, ví dụ vi phạm về bình đẳng giới trong lĩnh vực chia tài sản vợ chồng chẳng hạn là trách nhiệm của Toà án nếu không hoà giải được, hay thừa kế tài sản, thực hiện bình đẳng trong chính trị chẳng hạn, tuổi lao động chẳng hạn, nếu vi phạm thì đã kiện ra toà bằng Pháp lệnh về lao động hay về bảo hiểm v.v.... Theo tôi nên bỏ toàn bộ tám điều, từ Điều 40 đến Điều 47, vì nó quy định là mới mà đại biểu Quốc hội cũng chưa thảo luận vấn đề này, hai nữa là nó cũng lại nhắc lại, mà nó rất chi tiết nhưng không đầy đủ được. Đấy là những ý kiến tham gia của tôi.

Các văn bản liên quan