Ý kiến của ĐBQH Lê Xuân Thân – Tỉnh Khánh Hoà

Thứ Sáu 09:54 27-10-2006

Kính thưa Quốc hội,

Tôi thể hiện sự tán thành cá nhân tôi về Dự thảo Luật Bình đẳng giới và ý kiến giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi thấy, đây là một dự án Luật rất khó và rất mới chúng ta đã làm và xây dựng, cho tới giờ phút này đã chuẩn bị trao đổi để thông qua. Tôi nghĩ rằng, với cách trao đổi như thế này thì tôi thấy rất yên tâm là Luật sẽ thông qua trong Kỳ họp này.

Trước tiên, tôi nhất trí về tên của Luật là Luật Bình đẳng giới. Ngay trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho thấy 2 cách lý giải: một là tên Luật Bình đẳng giới, hay là tên Luật Bình đẳng nam nữ đều có những lý lẽ thuyết phục, khó có bắt bẻ. Vì thực ra, khái niệm giới chỉ xuất hiện ở những năm gần đây và trong xu thế hội nhập cũng như trong cái chung của cả thế giới. Còn ở Việt Nam chúng ta từ trước tới giờ vẫn dùng từ là bình đẳng nam nữ. Chính vì vậy, chúng ta có giải thích trong luật ở Điều 5 đã có khoản giải thích giới trong Luật này được hiểu như thế nào. Vấn đề này, chúng ta đã giải thích rất rõ và tôi tán thành với cách đặt vấn đề và tên của Luật là Luật Bình đẳng giới.

Vấn đề thứ hai mà tôi thấy trao đổi rất nhiều về tuổi nghỉ hưu. Tôi cũng chuẩn bị ý kiến khá dài về tuổi nghỉ hưu này. Nhưng tôi thấy ý kiến của đại biểu Đặng Ngọc Tùng và đặc biệt là ý kiến của đại biểu Vũ Thanh Lịch đã phát biểu trước tôi là rất xác đáng. Trước khi đi họp thì tôi đi tiếp xúc cử tri thì cử tri của Khánh Hòa cũng gửi gắm rằng, các vị đại biểu của Khánh Hòa hãy phát biểu giùm cho là đừng nâng tuổi lao động nữ lên 60 mà vẫn giữ như hiện nay, điều này để thể hiện tất cả những nguyện vọng, tâm tư của người lao động. Đặt vấn đề về sửa tuổi thì phải đặt vấn đề khi chúng ta xem xét sửa Bộ Luật lao động, chứ không phải xây dựng Luật bình đẳng giới này.

Vấn đề thứ ba, về thời điểm thi hành luật thì tôi cũng hoàn toàn tán thành với đề xuất cảu Ban Soạn thảo và của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là chúng ta lấy ngày mùng 8 tháng 3 năm 2007 làm thời điểm để thực hiện các điều, khoản quy định ở dự thảo luật này. Thực tế không phải là cái gì mới mà tất cả từ trước tới bây giờ chúng ta đã và đang làm, bây giờ chúng ta thực hiện theo quy định của luật, và chúng ta đưa vào tập hợp thành một văn bản như thế này. Vì vậy việc triển khai, tổ chức vẫn cứ làm và toàn bộ mọi việc thì chúng ta chọn ngày mùng 8 tháng 3 năm 2007 là rất có ý nghĩa.

Về một số nội dung mà tôi xin phép được đóng góp thêm, để hoàn thiện thêm một số điều của quy định dự thảo.

Điều 18, về bình đẳng giới trong gia đình. Trong Khoản 1, Điều 18 có quy định là phụ nữ đã kết hôn bình đẳng với chồng trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến gia đình. Tôi thấy từ "phụ nữ đã kết hôn bình đẳng với chồng" thì tôi thấy nó gượng thế nào đó, mà nó không đúng vì nếu lý giải ra về ngôn từ luật pháp thì tôi nghĩ là nên dùng một từ chung là vợ chồng bình đẳng nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân gia đình cho rõ nghĩa, nó cũng đồng nhất với các cách mà chúng ta thiết kế ở các khoản khác.
Khoản 3 Điều 18, có ghi vợ chồng có trách nhiệm bàn bạc, quyết định lựa chọn và thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình, tôi thấy đây là Luật Bình đẳng giới, cho nên không quy định về vấn đề bàn bạc, quyết định, lựa chọn biện pháp này, nếu quy định này nằm ở Luật Kế hoạch hoá gia đình, Pháp lệnh Dân số sau này nâng lên thành Luật Dân số thì có lý hơn. Cho nên, tôi đề nghị phải quy định đúng với nội dung của luật là vợ chồng bình đẳng nhau trong việc bàn bạc, quyết định và lựa chọn các biện pháp kế hoạch hoá gia đình thì nó chính xác hơn.
Nội dung tiếp theo tôi xin góp ý là Điều 26, trách nhiệm của Chính phủ. Khoản 6, Điều 26 quy định Chính phủ phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam chỉ đạo các cơ quan hữu quan trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong việc nâng cao ý thức về bình đẳng giới. Tôi thấy nếu chỉ có việc phối hợp của Chính phủ với Mặt trận và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ thì tôi thấy chưa đủ, mà phải là các cơ quan chức năng, tôi muốn nhấn mạnh đến, đó chính là các cơ quan tư pháp, đặc biệt là cơ quan Toà án. Cơ quan toà án trong quá trình thụ lý, xét xử các vụ án liên quan đến hôn nhân gia đình, đến quyền lợi người phụ nữ, trẻ em gái, nói chung là tất cả các lĩnh vực về ly hôn, về cuộc sống gia đình thì rất cận kề. Ở đây nếu chúng ta không đặt trách nhiệm, đặt vai trò, phối hợp với Toà án nhân dân và các cơ quan chức năng thì đó là một thiếu sót, tôi đề nghị là nên bổ sung về vấn đề này.

Về Khoản 3, Điều 37: Khiếu nại, giải quyết khiếu nại. Tôi thấy Điều 37 thiết kế 3 khoản, trong đó Khoản 1 và Khoản 2 quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại, Khoản 3 quy định những vấn đề khiếu nại ngoài quy định của dự thảo luật này. Tôi không rõ các khiếu nại nằm ngoài quy định này là quy định nào? Vì vậy, tôi thống nhất với 1 ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phát biểu trong chiều nay là bỏ Khoản 3, Điều 37 và chỉ quy định hết sức ngắn gọn, kể cả nhập Điều 37 và Điều 38 khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong cùng một điều luật và nói rõ các khiếu nại, tố cáo thực hiện theo Luật Khiếu nại, tố cáo thì nó rõ hơn. Chúng ta biết rằng toàn bộ các vi phạm về quyền bình đẳng giới thì có thể xử lý về biện pháp dân sự hoặc nếu vi phạm nghiêm trọng thì được xử lý theo Điều 30 của Bộ luật hình sự, về tội vi phạm bình đẳng.

Nội dung tiếp theo, trong 8 điều từ Điều 40 đến Điều 47 của quy định Dự thảo, tôi đọc thì thấy trùng lặp với nội dung của 8 điều từ Điều 11 đến Điều 18 quy định về việc thực hiện quyền bình đẳng giới trong các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục, văn hóa thông tin, thể thao, khoa học, y tế, gia đình. 8 điều từ Điều 40 đến Điều 47 lại quy định cũng y như vậy, chỉ có khác coi đây là các hành vi vi phạm, cho nên ở phía đầu ghi một câu là: "cản trở hoặc không thực hiện đối với các nội dung mà thực hiện quyền bình đẳng ở 8 lĩnh vực như trên" Tôi thấy cách diễn đạt của 8 điều này trùng lặp và không cần thiết.

Chính vì vậy, dẫn đến việc dài dòng trong cấu trúc của các điều luật này và nội dung hoàn toàn trùng lặp. Nếu như chỉ quy định đóng khung là các hành vi như vậy là vi phạm thì tôi nghĩ còn các vi phạm khác mà chúng ta cũng chưa dự báo trước, chưa dự đoán trước. Chính vì vậy tôi đề nghị phải tổng hợp 8 điều từ Điều 40 đến Điều 47 thành một điều rất ngắn gọn là:

Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, các hành vi cản trở không thực hiện, thực hiện không đúng các quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, 15, 16, 17, 18 của luật này là hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Tôi nghĩ như vậy nó rất gọn không cần phải diễn đạt nữa, nó trùng lặp và nó kéo dài điều luật. Nội dung cuối cùng tôi muốn phát biểu, đó là tôi thống nhất với ý kiến một số đại biểu phát biểu trước tôi. Đây là luật chúng ta cụ thể hoá quyền về bình đẳng trong nam nữ đã được Hiến pháp chúng ta quy định ở Điều 63 là một quyền tự do, dân chủ của công dân nói chung và của con người. Chính vì vậy không thể có một cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, rồi có một cơ quan chuyên đi thanh tra xem thực hiện quyền bình đẳng giới như thế nào, mà trách nhiệm đó thuộc về Chính phủ, các Bộ, ngành, Uỷ ban các địa phương, các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân phải thực hiện. Nếu đặt vấn đề như thế này tôi nghĩ phải kiến nghị ngược trở lại là Luật Hôn nhân và gia đình của Quốc hội ban hành cũng phải có một cơ quan thanh tra chuyên đi lo về việc xem hôn nhân và gia đình là phải thực hiện như thế nào và xử phạt ra sao, trong lĩnh vực này tôi thấy nó không phù hợp.

Các văn bản liên quan