Trích ý kiến của ĐBQH Đỗ Trọng Ngoạn – Tỉnh Bắc Giang

Thứ Sáu 09:29 27-10-2006

Kính thưa Quốc hội,

Theo tôi, ra luật gì phải có cái mới, nên có một chút gì mới, chứ như cũ thì ra làm gì. Tuổi không nâng, định lượng không có gì cả, một vài quan điểm thôi. Nhất là trong này có một loạt quan điểm là nam, nữ bình đẳng trên kinh tế, trên văn hoá, giáo dục, nhiều điểm nó chỉ là quan điểm thôi, chẳng có gì mới cả, không có người ta vẫn làm thế. Cho nên theo tôi là phải có cái mới, dứt khoát phải có cái mới, không có thì thôi, đừng ra nữa.

Quan điểm của tôi về bình đẳng giới là rất phong phú, nó phát triển gắn liền với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước mình. Ngay thời kỳ Thế kỷ XV phong kiến, đạo luật Hồng Đức cũng đã xác định bình đẳng giới rồi. Lúc đó đã cho phép nữ giới được quyền ly hôn và bảo vệ nữ giới, người ta mạnh thế cơ mà. Đến bây giờ các nước, tôi không biết nhiều lắm, tôi cũng đi một số nước, không nước nào đặt vấn đề gọi là "hưu nữ giới kém nam giới" đâu, rồi bảo thích ứng với thời đại, phát triển trí tuệ nam, nữ bây giờ mạnh lắm và yêu cầu lao động phát triển của nữ giới bây giờ đang đòi hỏi một cách bức bách. Chúng ta xử lý như thế nào cho hợp lý. Ngay nước ta tuổi hưu của nam giới cũng khác nhau, quân đội bây giờ Thượng tá 49 tuổi được nghỉ rồi, có đồng chí 45 tuổi được nghỉ rồi, có phải chỉ có nữ giới được ít đâu. Vì vậy, theo tôi, đây là một luật chuyên đề sâu về bình đẳng giới, cho nên cần đề cập tới toàn diện, không nên chỉ đề cập đến những vấn đề mà luật khác đã nói đến rồi. Bởi luật khác nói về bình đẳng giới thì nhiều luật lắm, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, người ta hiểu bình đẳng giới bắt người dân phải đi lục 5, 6 luật khác à, không nên, theo tôi phải tương đối toàn diện, Luật này dính một chút Luật khác không sao cả. Ta chọn luật đấy ta hiểu một cách tương đối, hoàn chỉnh luật đấy, chứ đừng bắt tôi phải đi tìm Luật Dân sự, tìm Luật Hôn nhân gia đình, Luật Lao động để tìm hiểu đầy đủ về bình đẳng giới, như thế không được, cái đó là cái không đúng với dân, người dân bây giờ người ta không có điều kiện tìm lắm đâu, các đồng chí chuyên trách, chuyên nghiệp tìm được, còn tôi là người cao tuổi tôi khó tìm lắm. Cho nên, tôi đề nghị nên tương đối hoàn chỉnh một chút, đừng nên máy móc.

Về định nghĩa, theo tôi định nghĩa từ ngữ trong bình đẳng giới, trong Khoản 3 Điều 5, theo tôi định nghĩa như thế không được, nói rằng bình đẳng giới, nam nữ có vị trí, vai trò như nhau, nghe ra thì hay, nhưng thực chất là không bình đẳng đâu. Bình đẳng giới là gì? Theo tôi, phải nói rằng phát huy vai trò, vị trí của nam, nữ tạo điều kiện cho họ phát huy cao độ chức năng vị trí của họ, như thế mới bình đẳng, chứ nói ngang nhau 50/50, bắt phụ nữ phải ngang nam giới hay ngược lại là không được. Phụ nữ có thể làm Tổng thống hay Thủ tướng được, làm Bộ trưởng được cơ mà, lái tàu bay, vũ trụ được cơ mà, sao cứ phải ngang nhau với nam giới được. Vấn đề bình đẳng ở chỗ là được phát huy triệt để khả năng của mình, không ai cản trở cả, bình đẳng không có nghĩa là phải ngang nhau, 50/50 phần trăm. Theo tôi từ ngữ nói không chuẩn.

Điểm thứ ba, từ đó trong nhiều lĩnh vực thì phát huy cao độ tiềm năng của phụ nữ, có thể áp đảo nam giới. Ví dụ trong giáo dục, trong y tế, trong công nghiệp nhẹ, phải phát huy thế mạnh của chị em phụ nữ. Cho nên, vấn đề này không phải nhất thiết cứ ngang nhau, mà phải phát huy thế mạnh của chị em, cả trong văn học nghệ thuật cũng vậy. Tôi thấy bây giờ lực lượng nữ khá lớn và có vai trò trong văn hóa.

Vấn đề thứ tư, tôi thấy tuổi về hưu nam và nữ là như nhau, nữ 55 tuổi, theo tôi 55 tuổi, 56 tuổi xuất hiện nhiều ưu thế, trước đây không có đâu, trước đây bận con mọn liên tục, mấy chục năm con mọn, đến 55 tuổi lúc đó con mọn mới đỡ đi và ông chồng không rầy rà nữa cũng đỡ đi. Cho nên lúc đó chị em giải phóng, có điều kiện giải phóng, có cơ hội học tập, nghiên cứu khoa học và phát huy sự học của mình. Thì lúc đó lại bắt người ta nghỉ, một số nước người ta bảo tôi rằng: "ông Ngoạn ơi, bên nước ông lãng phí lắm, nữ giới người ta bắt đầu phát huy rồi thì ông cho người ta nghỉ". Cho nên đó là một điều không nên, cứ để chị em phát huy. Nhất là vừa rồi Chỉ thị của Chính phủ là phải nghỉ hưu đúng tuổi. Nếu làm đúng theo chỉ thị đó có lẽ bây giờ nhiều đồng chí giờ không còn ngồi đây nữa. Vấn đề như thế theo tôi là phải bằng nhau 60 tuổi. 55, 60 tuổi có điều kiện nhất là chị em trí thức bây giờ phát triển mạnh. Nhiều người làm việc nhiều, cho nên theo tôi là không nên. Trong đó có một khoản, một khoản được nghỉ hưu sớm cơ mà, xã hội có gì cấm đâu, không ai cấm anh em, chị em làm mỏ, không ai cấm chị em làm cao su nghỉ sớm cả. Có quyền nghỉ hưu sớm, có quyền được nghỉ sớm, không bị trừ vào lương hưu 5 năm cơ mà, mở ra triển vọng đấy rồi, có cấm đâu. Nhưng anh cấm cái kia là anh ngăn chặn phát triển chị em, đáng quan trọng đấy. Theo tôi, nam, nữ hưu như nhau, đó là cái mới, mới cần luật, không thì cần luật làm gì, như cũ thì luật làm gì nữa, làm cái mới cơ mà. Theo tôi tuổi như vậy.

Về nhân sự, điểm này nên cân nhắc. Nếu chúng ta không tính toán nhân sự, không có tỷ lệ cần thiết thì chẳng có gì mới cả. Cho nên các nước định ra là trong Quốc hội họ phấn đấu dứt khoát nữ phải chiếm 51%, Thuỵ Điển các bà ấy bảo chúng tôi nay 49%, nhưng khoá tới nhất thiết chúng tôi phải phấn đấu 51%, thế mới là bình đẳng giới chứ, nói xuông à.

Theo tôi chúng ta không phải quy định máy móc, nhất là có sự phấn đấu quyết liệt của chị em nữa, thì đây là một định hướng, một yêu cầu đặt ra, cộng với tín nhiệm của dân nữa, chứ không phải cứ bắt người ta bầu, không phải, mà đây là định hướng, một quan điểm phải rõ ràng. Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội có tỷ lệ thích đáng, hiện nay chúng ta có bao nhiêu? có 29%, hay 30% gì đó, nhưng phải phấn đấu tiến tới ít nhất 50% ở nữ cho Hội đồng nhân dân và Quốc hội. Có nghĩa là chị em phải phấn đấu quyết liệt, như một định hướng như vậy, chứ không ta cứ vô nghĩa, ta chẳng có định hướng gì cả. Về nhân sự thì như vậy.
Vấn đề trong gia đình, tôi đề nghị phải nói rõ thêm bình đẳng giới trong gia đình bây giờ là một vấn đề lớn. Tôi đề nghị phải có một điều ghi rõ nghĩa vụ của nam, chồng, con trai, có trách nhiệm đối với cuộc sống gia đình thế nào cho nó đúng với tính chất bình đẳng trong gia đình, mà còn luật, luật phải can thiệp trong gia đình đã chứ, phải từ gia đình.

Thứ hai, có cơ chế, tuy nhiên có luật riêng rồi nhưng chỗ này phải gắn vào có cơ chế chống bạo lực, nhất là người chồng đối với người vợ phải có cơ chế. Rồi phải có một, hai điều nói về bình đẳng giới trong gia đình nông dân và dân tộc. Hai lĩnh vực này đang rất nhiều vấn đề, trong nông dân tôi cho là chị em phụ nữ lao động cực nhọc lắm, không được học tập mà bị bạo lực nữa, thế thì phải có một số điều nào đó để hạn chế cực nhọc chị em phụ nữ trong nông dân. Vùng dân tộc cũng vậy, hủ tục khiến ảnh hưởng tới cuộc sống chị em phụ nữ. Phải có điều cụ thể, phải có chính sách, đừng nói xuông, phải theo luật, cho nên theo tôi phải có chính sách cụ thể, luật cụ thể.

Tôi xin có một số ý kiến như vậy, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan