Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga – Tỉnh Hà Tĩnh

Thứ Sáu 09:23 27-10-2006

Kính thưa Quốc hội.
Tôi xin được đóng góp vào Dự thảo Luật bình đẳng giới một số ý kiến như sau:
Trước hết, xin được nhấn mạnh bình đẳng giới là một vấn đề rất chung, một vấn đề rất lớn, sự ra đời của Luật Bình đẳng giới là cần thiết, quan trọng, tôi muốn nhấn mạnh điều này, vì khi bàn về Dự Luật này thì ngoài hành lang Hội trường Ba Đình cũng như tại diễn đàn Quốc hội ở kỳ họp trước, cũng đã có không ít ý kiến phát biểu Dự Luật với tinh thần là dự Luật của chị em phụ nữ.
Bình đẳng giới là một vấn đề của chúng ta, của toàn xã hội, một vấn đề mà cả thế giới quan tâm, bình đẳng giới là vấn đề quyền con người, là yêu cầu của sự phát triển hiệu quả, công bằng và bền vững, đây cũng là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta trong chiến lược phát triển con người, xây dựng đất nước, ta ghi nhận những kết quả mà ta đã đạt được về bình đẳng giới, nhưng sự bất bình đẳng giới còn diễn ra khá phổ biến trong gia đình, xã hội.
Bác Hồ có nói "Nam, nữ bình quyền là một cuộc cách mạng to và khó" Bác cho rằng vũ lực cách mạng đó là sự tiến bộ về chính trị, văn hóa, kinh tế và pháp luật. Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới với những quan điểm tiến bộ là cần thiết và đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn hội nhập và thực thi Công ước quốc tế, Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ.
Về Dự thảo Luật Bình đẳng giới, chúng ta đánh giá cao nội lực và tâm huyết của Ban soạn thảo, xin được đóng góp, trao đổi với Ban soạn thảo một vài ý kiến như sau:
Thứ nhất, về các biện pháp đặc biệt tạm thời mà dự thảo luật ta gọi là các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, tôi cho quy định như trong dự thảo còn mờ nhạt, rất ngập ngừng, lúng túng. Chúng tôi đề nghị cần phải tô đậm các biện pháp đặc biệt tạm thời. Bởi vì khi lý giải các nguyên nhân về sự bất bình đẳng hiện nay thì các nhà khoa học cho rằng lực cản lớn nhất là tư tưởng phong kiến còn nặng nề, dai dẳng.
Thứ hai, nhận thức về bình đẳng giới còn chưa tốt ngay cả trong tầng lớp trí thức.
Thứ ba, các nhà khoa học cho rằng các giải pháp đặc biệt tạm thời chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh để tạo ra sự chuyển biến về bình đẳng giới.
Trong Công ước Cedaw tại Điều 4 có quy định các nước thông qua các giải pháp đặc biệt tạm thời cũng không bị coi là phân biệt đối xử và Bác Hồ có nói: "Nam nữ bình quyền là một cuộc cách mạng" Do đó phải có những giải pháp đặc biệt, giải pháp mạnh, giải pháp quyết liệt thì mới đạt được mục tiêu bình đẳng giới.
Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên tô đậm những giải pháp đặc biệt tạm thời trong dự luật, cụ thể ở trong Chương III nên tách mục riêng, đó là những giải pháp đặc biệt tạm thời và gom tất cả những điều về quy định đặc biệt có ưu tiên cho một giới trong mục này. Ở đó có ưu tiên cho phụ nữ, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Về thuật ngữ, tôi đề nghị nên sử dụng thuật ngữ "các giải pháp đặc biệt tạm thời" vì đó là một thuật ngữ rất khoa học và thể hiện được tinh thần là những giải pháp đặc biệt, nó chỉ sử dụng cho một giới, nó phải chấm dứt khi mà mục tiêu bình giới đã đạt được. Nhưng để dễ hiểu hơn thì chúng ta phải sử dụng các biện pháp đặc biệt thúc đẩy bình đẳng giới, phải có chữ "đặc biệt" vì đó là những giải pháp hết sức đặc biệt.
Tiếp theo quy định tại Điều 19, tôi cho rằng rất lúng túng về giải pháp đặc biệt tạm thời, quy định tỷ lệ nam, nữ, hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia thụ hưởng. Tôi cũng không hiểu quy định tỷ lệ nam như thế nào? nữ như thế nào? tham gia cái gì? thụ hưởng cái gì? một quy định rất lửng lơ, không rõ ràng. Hoặc ví dụ giải pháp đặc biệt tạm thời mà lại quy định: "Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho nữ hoặc nam", hoặc lại quy định như thế này: "hỗ trợ để tạo điều kiện cơ hội cho nữ hoặc nam" nghĩa là một quy định rất trung tính, rồi "quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có điều kiện tiêu chuẩn như nam", rồi Khoản e lại quy định "việc ưu tiên nữ trong trường hợp có đủ điều kiện tiêu chuẩn như nam". Tôi thấy quy định như vậy ở hai khoản này thì nó cũng trùng lặp nhau. Có lẽ cần phải thiết kế lại một cách gọn gàng hơn và ở đó với một tinh thần là cần phải quy định một tỷ lệ thích đáng cho nữ trong việc tham gia vào mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội. Nói thẳng như vậy chứ không phải cứ nữ nữ, nam nam. Tôi cho rằng quy định về giải pháp này là giải pháp đặc biệt và đặc biệt tạm thời cho nữ giới, và ở đây là phụ nữ rất là rõ rồi.
Tôi cũng đề nghị nên chuyển tất cả những điều ở Chương II, các giải pháp, biện pháp ở Khoản 5, Điều 11, Khoản 4, Điều 13, Khoản 5, Điều 14, v.v... Những bộ phận thúc đẩy bình đẳng giới này chúng ta lại đặt ở trong Chương II là không phù hợp. Chương II thì ta nói rằng: bình đẳng giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình, rồi ở dưới các điều, cụ thể là bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, ở đó khoản cuối cùng lại có tiếp một khoản là: biệp pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Ta nên chuyển các khoản này sang Chương III, tức là các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới cho nó phù hợp, khoa học và chặt chẽ hơn. Tương tự như vậy, chúng tôi thấy rằng ngay trong việc giải thích thuật ngữ về các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, tôi thấy quy định như trong Điều 5, Khoản 6 chúng tôi thấy chưa phù hợp, Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm để quy định rõ hơn về vấn đề này.
Nội dung thứ hai, chúng tôi cũng xin được góp ý đó là về việc nghỉ hưu của người lao động quy định tại Điều 13. Tôi đồng tình với giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Bởi vì đây là một vấn đề rất lớn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và trên cơ sở chắt lọc khoa học. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ Khoản 3, Điều 13.
Vấn đề thứ ba, về việc quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Tôi đồng ý với việc quy định có tính nguyên tắc. Vì theo tôi con số 30% không phải là con số bình đẳng giới và con số 30% cũng không phải là con số của giải pháp đặc biệt tạm thời. Chúng tôi xin trình bày 1 băn khoăn đó là Đại hội Đảng vừa rồi thành công rất tốt đẹp, nhưng trong Uỷ viên Bộ Chính trị không có nữ và Đảng có quy định Đại hội các cấp vừa rồi là nữ phải đạt 15%, nhưng thực tế chỉ được 8%, 10%. Chúng tôi thật sự băn khoăn. Chúng tôi có đọc lịch sử và văn hoá dân tộc chúng ta, chúng tôi cũng biết rằng dân tộc Việt Nam chúng ta là một dân tộc anh hùng và người phụ nữ Việt Nam chúng ta cũng rất giỏi giang, một đất nước của Bà Trưng, Bà Triệu, đất nước của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Các nhà khoa học nói rằng chỉ số thông minh của phụ nữ và nam giới cũng như nhau và đặc biệt trong một thời đại đã phát triển Đảng, Nhà nước rất quan tâm dành nhiều sự ưu tiên, sự ưu ái cho phụ nữ, phụ nữ cũng được học hành, được nâng cao nhận thức trình độ. Thế mà tìm kiếm một con số 15%, con số 30% cũng làm cho rất nhiều các đại biểu băn khoăn, chúng tôi thực sự băn khoăn về vấn đề này. Tại kỳ họp trước chúng tôi cũng thấy có nhiều đại biểu nói rằng quy định con số 30% để khi cử tri đi bầu mà cử tri bầu không đạt 30% thì chẳng lẽ lại xử lý kỷ luật cử tri. Chúng tôi thực sự băn khoăn, chúng tôi không nghĩ vậy, chúng tôi nghĩ là một đất nước với hơn 50% phụ nữ và một đất nước để chọn 150 phụ nữ làm người đại diện cho nhân dân mà khó thế thì chúng tôi thực sự nghi ngờ và băn khoăn.
Cuối cùng xin được chia sẻ với ý kiến của chị Trương Mỹ Hoa phát biểu tại kỳ họp trước khi thảo luận về dự thảo Luật bình đẳng giới. Khi mà nói chuyện với chị em phụ nữ phương Tây thì chị Trương Mỹ Hoa có nói: không hiểu tại sao các chị thành đạt, các chị giỏi thế. Có chị phụ nữ phương Tây có nói: chúng tôi chủ yếu là trí tuệ. Chị Trương Mỹ Hoa nói: chị em phụ nữ chúng tôi ở Việt Nam chúng tôi ngoài tài năng phải có đức độ và hơn nữa chị em phụ nữ chúng tôi ở Việt Nam thì còn phải gánh cả một cái nhìn nữa. Nghĩa là chị em chúng tôi có tài năng, có đức độ mà đi tiếp xúc cử tri, đi vận động tranh cử mà mặc chiếc áo hơi rực rỡ một chút thì cử tri cũng không bỏ phiếu cho chúng tôi và có lẽ điều đó cũng làm cho chúng tôi hiểu là anh chị em, các đại biểu có băn khoăn về con số 30% là thế. Chúng tôi nghĩ, Luật Bình đẳng giới phải điều chỉnh được cái nhìn đó.

Các văn bản liên quan