Góp ý của Ông Cao Bá Khoát

Thứ Ba 15:05 18-07-2006


Về dự thảo Nghị định ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở Công ty Cổ phần, Công ty TNHH

  Luật gia Cao Bá Khoát       
 
Sau khi đọc tờ trình và dự thảo Nghị định ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở Công ty cổ phần, công ty TNHH tôi xin có ý kiến như sau:

  I. Về tờ trình
 
1.             Về tư tưởng chủ đạo của quy chế thực hiện dân chủ phải được thực thi ở mọi doanh nghiệp không kể thành phần kinh tế nhằm tăng cường quyền dân chủ đúng pháp luật của người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động nhưng không xâm hại đến lợi ích của DN và quyền của chủ sở hữu doanh nghiệp tức là tìm điểm cân bằng lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động lấy lợi ích của doanh nghiệp làm lợi ích chung.
 
2.              Về kỹ thuật thiết kế dự thảo, những gì đã quy định tại các văn bản pháp luật khác thì không nên quy định lại.
 
3.              Số lượng doanh nghiệp nêu ở tờ trình là 56% là công ty cổ phần, đề nghị kiểm tra lại.
 
4.              Việc lấy ý kiến nên mở rộng ở hai phía: công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động.

  II.               Về nội dung dự thảo Nghị định:
 
1.                 Về bố cục và nội dung nhìn chung đều đã có quy định ở nhiều văn bản pháp luật nên đọc không thấy gì mới, cần điều tra xem hiện tượng mất dân chủ ở doanh nghiệp hiện nay thực chất là gì? Hiện tượng khá phổ biến là đình công bất hợp pháp, lương công nhân quá thấp nhất là ngành da giầy, may mặc, có lẽ quy chế dân chủ sẽ xử lý hai vấn đề nóng bỏng này ra sao?
 
- Pham vi điều chỉnh (Điều 1): nên mở rộng cho mọi loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế do đó tên Nghị định phải là quy chế thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp, còn việc thực hiện cụ thể ở từng doanh nghiệp lại có quy chế riêng trong doanh nghiệp.
 
- Tại sao lại chỉ quy định Công ty TNHH, Công ty cổ phần mới xây dựng quy chế?
Tại sao Công ty cổ phần, công ty TNHH Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ không thuộc phạm vi áp dụng quy chế này?
 
Công ty TNHH ở Việt Nam do người Việt Nam thành lập đa số là công ty gia đình, cái cơ chế gia đình liệu có thể áp dụng quy chế dân chủ kiểu dự thảo được hay không?
 
Do vậy tính khả thi của Nghị định này cần được tiên lượng trước. Có lẽ chính các DNNN, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những doanh nghiệp lớn nhiều công nhân mới chính là đối tượng cần áp dụng quy chế dân chủ. Vì vậy cần phải bàn thật rõ phạm vi áp dụng để quyết định tên Nghị định và chi phối toàn bộ cách viết dự thảo.
 
2.                      Về các nội dung doanh nghiệp phải công khai cho người lao động biết. Nếu quy định cứng như dự thảo thì có thể bị phản ứng ở nội dung công khai điều lệ công ty (Khoản 7 Điều 7) và công khai tài chính hàng năm (Khoản 6 Điều 7).
 
Thực tế doanh nghiệp sẽ công khai với người lao động những gì có lợi nhất cho doanh nghiệp và tùy từng doanh nghiệp mức độ công khai có thể rộng hẹp khác nhau. Dự thảo chỉ nên quy định một số vấn đề mang tính bắt buộc, như quy định tại Khoản 4, Khoản 5, Khoản 8, Khoản 9, nên bỏ Khoản 6, Khoản 7.
 
Thực tế nhiều doanh nghiệp muốn phát triển bền vững người ta còn có chủ trương chủ hoá người lao động để gắn kết lợi ích giữa người lao động và chủ doanh nghiệp.
 
3.                  Hình thức nội dung tham gia ý kiến của người lao động trên thực tế đã có trong các quy chế quản lý nội bộ của DN.
 
Những nội dung quy định tại Chương 4 (Điều 13, Điều 14) trên thực tế đều là những quyền cơ bản của công dân không cần quy định lại.
 
4.                  Giá trị pháp lý của Hội nghị công nhân lao động trong công ty (Khoản 2 Điều 12) về nguyên tắc chỉ có giá trị đối với người lao động, không có giá trị đối với người sử dụng lao động, mà chỉ mang tính kiến nghị với người sử dụng lao động .
 
5.         Những nội dung trong dự thảo hầu hết đã có ở những quy định pháp luật khác. Vì vậy có nên  quy định lại trong Nghị định này hay không? Do vậy cần nghiên cứu tiếp nhằm giải quyết những xung đột từ thực tiễn.
 

Các văn bản liên quan