Góp ý của VCCI

Thứ Tư 08:47 24-03-2010

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

------------------------------

Số:  0782 /PTM-PC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------------------------------

Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2010

 

Kính gửi: BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

V/v: góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của

Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của

 Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng

 

Phúc đáp Công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng (sau đây gọi là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến của các chuyên gia được hỏi ý kiến, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến góp ý như sau:

  1. Về các khái niệm “chủ đơn”, “chủ bằng bảo hộ”, “chủ sở hữu”, “tác giả” và giống cây trồng

Dự thảo Nghị định chưa có quy định phân biệt rõ các khái niệm này. Căn cứ các quy định của Luật SHTT 2005, Luật SHTT sửa đổi 2009 và bản Dự thảo có thể hiểu rằng “chủ đơn”, “chủ bằng bảo hộ” và “chủ sở hữu” là một và họ cũng có thể đồng thời là “tác giả” của giống cây trồng. Trong những trường hợp khác, khi tác giả giống cây trồng không đồng thời là chủ sở hữu giống cây trồng, cần có quy định cụ thể để xác định tư cách pháp lý cũng như quyền lợi của họ.

  1. Về trách nhiệm của chủ đơn và đại diện của chủ đơn (Điều 8)

Điều 8 Dự thảo yêu cầu “mọi bản dịch ra tiếng Việt của các tài liệu tiếng nước ngoài đều phải có cam kết của chủ đơn hoặc của đại diện hợp pháp…”. Điều này sẽ gây khó khăn khi thực hiện vì các lý do sau:

-                     Trong thực tế, khi nhận tài liệu bằng tiếng nước ngoài và/hoặc do một cơ quan, tổ chức nước ngoài ban hành, các cơ quan nhà nước của Việt Nam đều yêu cầu thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự và công chứng dịch. Trong trường hợp này, cam kết của chủ đơn sẽ là không cần thiết do đã có xác nhận của người dịch và của cơ quan công chứng bản dịch.

-                     Liệu cam kết của chủ đơn hoặc đại diện của chủ đơn đối với các bản dịch được nộp lên cơ quan nhà nước đã đủ để đảm bảo tính pháp lý của văn bản? Đối với các văn bản do cơ quan, tổ chức nước ngoài ban hành khi sử dụng ở Việt Nam, chủ đơn, đại diện của chủ đơn có phải thực hiện công chứng dịch và hợp pháp hóa lãnh sự không hay chỉ cam kết là đủ?

  1. Về việc yêu cầu hưởng quyền bảo hộ tạm thời (Điều 30)

Điều 30 Dự thảo quy định “Để được hưởng quyền tạm thời đối với giống cây trồng, từ thời điểm được cấp bằng bảo hộ, chủ bằng bảo hộ giống cây trồng có quyền yêu cầu được hưởng quyền bảo hộ tạm thời và phải thực hiện trình tự thủ tục sau....”. Trong khi khoản 1 Điều 189 của Luật SHTT 2005 quy định “1. Quyền tạm thời đối với giống cây trồng là quyền của người đăng ký bảo hộ giống cây trồng phát sinh từ ngày đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được công bố đến ngày cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng. Trong trường hợp giống cây trồng không được cấp Bằng bảo hộ thì người đăng ký bảo hộ không có quyền này.” Hai quy định này gần như hoàn toàn trái ngược nhau. Căn cứ theo quy định của Luật SHTT, có thể hiểu quyền tạm thời đối với giống cây trồng sẽ chấm dứt khi Bằng bảo hộ giống cây trồng được cấp, tuy nhiên nếu theo Điều 30 của Dự thảo thì “thời điểm được cấp bằng bảo hộ” sẽ là mốc thời gian để bắt đầu xét đến việc thực hiện thủ tục yêu cầu hương quyền bảo hộ tạm thời.

Đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản luật.

  1. Về thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ (Điều 34)

Điểm b khoản 4 Điều 34 của Dự thảo sử dụng thuật ngữ “chuyển nhượng quyền chủ sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng”, thuật ngữ này chưa được đề cập đến ở văn bản nào, do vậy cần xem xét và điều chỉnh lại cho thống nhất.

  1. Về dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng (Chương V)

Hiện nay đang có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của mình. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 cũng như Dự thảo này bổ sung thêm quy định về “dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng” cũng như các điều kiện đi kèm để cung cấp dịch vụ này. Tuy nhiên, ở cả hai văn bản này đều không đề cập đến việc liệu tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp có đương nhiên được là đại diện quyền đối với giống cây trồng hay không hay họ phải thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục theo luật quy định mới được công nhận mặc dù trước đó các đại diện sở hữu công nghiệp đã cung cấp dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng?

Để chuẩn bị điều kiện tốt cho việc thực thi quyền đối với giống cây trồng trong thực tế, đề nghị Dự thảo làm rõ điều này.

  1. Những góp ý khác

-        Khoản 2 Điều 9 Dự thảo: Đề nghị làm rõ hơn thế nào là "giấy tờ cần thiết đủ để xác nhận quốc tịch" để tạo thuận lợi cho việc thực hiện;

-        Khoản 1 và 2 Điều 11 Dự thảo: Đề nghị làm rõ người nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng phải nộp bao nhiêu bộ đơn; đồng thời làm rõ khoản 2 Điều này là cơ quan bảo hộ khi nhận được đơn và xác nhận, vào sổ đơn này thì sẽ "gửi 1 bộ cho người nộp đơn" như tại khoản 2 Điều 11 này, hay chỉ là gửi phiếu xác nhận là đã nhận được đơn đăng ký?

-        Điểm b khoản 2 Điều 13 và khoản 2 Điều 15 Dự thảo: Đề nghị bổ sung quy định về việc "thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn biết" khi cơ quan bảo hộ từ chối đơn đăng ký;

-        Điểm b khoản 2 Điều 35 Dự thảo: Đề nghị sửa đổi điểm này theo hướng việc sử dụng số tiền theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

-        Khoản 2 Điều 37 và khoản 1 Điều 38 Dự thảo: Đề nghị bổ sung nội dung thông báo là lý do của việc chuyển giao bắt buộc;

-        Khoản 3 Điều 43 Dự thảo: Đề nghị bỏ khoản này vì không cần thiết, tại khoản 2 Điều này đã quy định khi cá nhân đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra nghiệm vụ là được cấp chứng chỉ;

-        Khoản 4 Điều 45 và khoản 4 Điều 46 Dự thảo: 2 khoản này quy định việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn thực hiện việc ghi nhận, ghi nhận lại, xóa tên tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng và việc cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền. Đề nghị cân nhắc nên quy định cụ thể 2 nội dung này trong Nghị định vì liên quan đến quyền kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân và không nên giao cho cấp Bộ hướng dẫn (Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định, cấp Bộ không được quy định về điều kiện kinh doanh).

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

 

Nơi nhận:

-          Như trên;

-          Lưu VT, PC

 

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

 

(Đã ký)

 

 

TRẦN HỮU HUỲNH

 

 

 

 

 

Các văn bản liên quan