Ý kiến của ĐBQH Phan Trung Lý

Thứ Hai 13:33 28-08-2006

Tôi cơ bản tán thành với những nội dung đã được trình bày trong báo cáo một số vấn đề cần tập trung thảo luận. Chúng tôi đã có dịp được tham gia góp ý, nhưng hôm nay có nhiều vấn đề muốn xin bày tỏ quan điểm của mình. Tôi rất đồng tình với một số thái độ và tiếp thu mà Ủy ban pháp luật và các cơ quan hữu quan dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có dự kiến. Cụ thể tôi xin có một số vấn đề.
Trước hết, về Điều 3 giải thích từ ngữ so với dự thảo mà trước đây, cơ quan soạn thảo trình Quốc hội đã có sửa đổi rất nhiều và có nhiều khái niệm đã được rút ra khỏi Điều 3 để đưa về các điều khác. Tôi thấy hiện nay trong Điều 3 có viết nhiều khái niệm, theo tôi cũng cần phải đưa về các điều khác. Vì đây là điều giải thích từ ngữ, còn trong khái niệm này và một số khái niệm ở đây không phải thuộc diện giải thích mà theo tôi phải được quy định ở trong các điều khoản cụ thể. Ví dụ, Khoản 1: Cư trú là gì? Theo tôi Luật cư trú thì phải có một điều về cư trú. Tôi đề nghị tách Khoản 1 thành một điều riêng về cư trú, sau đấy ta mới quy định được quyền tự do cư trú công dân, các thủ tục về quản lý, đăng ký và quản lý cư trú.
Khoản 2 tức là nơi thường trú, tôi đề nghị nơi thường trú ở Khoản 2 và Khoản 6 là đăng ký thường trú cũng rút ra khỏi điều này và đưa về thành một điều đầu tiên của Chương III, đấy là chương đăng ký thường trú. Các khoản tiếp theo như Khoản 3, Khoản 4, nơi đăng ký tạm trú và lưu trú. Tôi đề nghị rút ra và đưa về các Điều 31 là đăng ký tạm trú, Điều 32 là đăng ký lưu trú. Ở Khoản 7, đăng ký tạm trú, chúng ta đã có một điều đó là Điều 31 đăng ký tạm trú thì lý do gì chúng ta lại tách khái niệm đăng ký tạm trú để đưa lên giải thích từ ngữ, mà chúng ta không để ở Điều 31 là điều đăng ký tạm trú. Do đó tôi đề nghị các khái niệm, các vấn đề, các nội dung ở Điều 3 cần phải được đưa về các điều khoản cụ thể.
Vấn đề tiếp theo, tôi xin có ý kiến về Điều 21, điều kiện đăng ký thường trú cũng liên quan đến Điều 24 đấy là thay đổi nơi đăng ký thường trú và vấn đề mà trong báo cáo một số vấn đề cần tập trung thảo luận, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cũng vừa nêu lên. Tôi thấy trong này quy định ở Khoản 1 là người thuộc trường hợp dưới đây được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương:
Thứ nhất là có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 1 năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp cho thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê mượn, ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Theo tôi quy định này không phù hợp, vì tôi nghĩ quyền tự do cư trú là quyền của công dân. Còn việc cho đăng ký hay không đăng ký là đã có điều kiện của pháp luật quy định và nơi mà đăng ký thực hiện thủ tục đăng ký này là cơ quan Nhà nước. Do đó nếu chúng ta quy định như thế này thì vô hình chung chúng ta lại giao quyền cho đăng ký thường trú hay không cho đăng ký thường trú của một công dân nào đấy là giao cho người cho thuê hoặc cho mượn, cho ở nhờ. Theo tôi như vậy không hợp lý, tôi đề nghị bỏ quy định này và có thể có đồng ý hay không đồng ý, nhưng đấy không phải là điều kiện tiên quyết để cho người thuê, mượn, ở nhờ được đăng ký hay không được đăng ký. Theo tôi trong luật cần quy định trong trường hợp thuê, mượn, ở nhờ với thời gian bao lâu thì được đăng ký thường trú, thời gian bao lâu thì tạm trú. Như vậy, mới bảo đảm được quyền tự do cư trú của công dân, nếu như chúng ta cứ phụ thuộc, cứ quy định như luật này thì phải phù hợp với ý kiến chủ quan của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, theo tôi là không hợp lý.
Tôi đề nghị cần phải quy định ở đây là theo mức thời gian, trong luật cần quy định theo mức thời gian, một người có chỗ ở hợp pháp thì họ phải được đăng ký hoặc thường trú, hoặc tạm trú. Ở đây chỗ ở hợp pháp của họ là nơi thuê, mượn, ở nhờ, tôi thấy ví dụ 3 năm trở lên thì được đăng ký thường trú, không phụ thuộc vào ý chí của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ. Tôi đề nghị chỗ này nên quy định theo hướng như vậy chứ không nên quy định chỉ có ý chí của người cho thuê, cho mượn và cho ở nhờ.
Vấn đề tiếp theo, Điều 24, thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp. Tôi thấy ở phương án 1, nếu như chúng ta để trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày người đã đăng ký thường trú và thay đổi, chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới, có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú. Theo tôi, quy định như thế này cũng không phù hợp.
Báo cáo với Hội nghị, theo quy định hiện hành, những người thay đổi nơi đăng ký thường trú, khi có chỗ ở hợp pháp trong thời hạn 7 ngày là phải làm thủ tục đăng ký. Tất nhiên, ở quy định hiện hành về cư trú thì bao gồm cả thường trú, cả tạm trú. Như vậy, chấm dứt 7 ngày cũng phải làm thủ tục.
Tất nhiên, ở đây cũng có nhiều vấn đề lớn liên quan đến quyền tự do cư trú, liên quan đến hộ khẩu như chúng ta đã phân tích. Nhưng tôi thấy nếu như để 24 tháng, cũng không hợp lý, 24 tháng cũng có thể là dài, nhưng cũng có thể là ngắn. Nếu như chúng ta quy định 24 tháng, thì có trường hợp có cùng 1 lúc trong 24 tháng đấy người đã chuyển đi nhưng chưa chuyển hộ khẩu thì vẫn để hộ khẩu đấy, người chuyển đến và cần chuyển hộ khẩu đến. Như vậy, một lúc là cùng một địa chỉ sẽ có hai hộ khẩu. Do đó tôi đề nghị ở đây nên theo phương án 2, là phù hợp hơn.
Tiếp theo, xin báo cáo Quốc hội tôi thấy ở Điều 32 là thông báo lưu trú, tôi nhất trí với cách tiếp thu như thế này và quy định như trong dự thảo này. Tôi thấy quy định như thế này thì không biết có hợp lý lắm không. Tôi lấy ví dụ chúng ta quy định trong này là điểm tiếp nhận lưu trú, theo tôi có nên có một điểm tiếp nhận lưu trú riêng không hay vấn đề này là của công an xã, phường, thị trấn thì phải báo đến cơ quan xã, phường, thị trấn. Và các vấn đề liên quan đó nói chung, cử tri ở đó họ qua tổ dân phố, báo cho tổ dân phố hoặc báo cho công an xã, phường, thị trấn. Theo tôi cũng không nên bắt buộc công an xã, phường, thị trấn phải thông báo cho nhân dân biết điện thoại với địa điểm, chỗ này theo tôi cũng không hợp lý. Thường thì hiện nay có lưu trú thì báo cho tổ trưởng dân phố và tổ trưởng dân phố thì báo cho công an. Một vấn đề nữa khi bàn về tiếp thu chỉnh lý cũng có một số ý kiến tôi thấy cũng hợp lý. Hiện nay Điều 36 là trách nhiệm của cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý cư trú, ở đây chúng ta ghi chung là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý cư trú, nhưng cụ thể cơ quan này là cơ quan nào. Trong luật này những quy định ở các điều liên quan đến đăng ký, một số vấn đề liên quan đến quản lý, tôi đề nghị cũng quy định cho rõ hơn vì cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý cư trú cụ thể có thể là ở địa phương hoặc chung là cơ quan nào thì đề nghị quy định trong luật cho rõ hơn.

Các văn bản liên quan