Trích ý kiến của ĐBQH Trương Thị Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD-TN-TN và NĐ

Thứ Năm 09:28 17-08-2006

Kính thưa các đồng chí.
Về cơ bản tôi thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin có thêm một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về tên gọi của luật, tôi thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng báo cáo là nhiều ý kiến thống nhất với tên gọi đã trình. Nhưng riêng ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa tỏ quan điểm của mình là nghiêng về ý kiến nào, đặc biệt đối với loại ý kiến thứ nhất, thì lại đưa ra nó chưa phản ánh được nhiều hoạt động của xuất khẩu lao động, chưa phản ánh đúng bản chất của nội dung luật cần điều chỉnh. Như vậy nếu không phản ánh đúng bản chất của luật cần điều chỉnh thì chúng ta có cần thiết phải gọi tên luật là Luật đưa người đi lao động ở nước ngoài hay không? Vì nó không phản ánh đúng bản chất thì chúng ta chọn tên gọi liệu rằng là giữa tên gọi và luật như thế nào? nó tương thích với nhau như thế nào? Tôi nghĩ cần phải tính toán thêm.
Ý kiến thứ ba, Luật xuất khẩu lao động, chúng ta đã trình bày ý kiến nhưng chúng ta cũng cho rằng đây là tên gọi nêu đúng bản chất của vấn đề. Tôi nghĩ nên nghiên cứu vì hiện nay trong Nghị quyết của Đại hội Đảng X đang đứng tên là xuất khẩu lao động, chúng ta đã chấp nhận một việc là phát triền thị trường lao động là một trong những mục tiêu rất lớn trong 5 năm sắp tới. Phải chăng chúng ta cũng cần thiết nghiên cứu và tính toán lại tên gọi làm sao cho nó phản ánh đúng bản chất của sự việc. Vấn đề quy định trong luật như thế nào thì nó sẽ thể hiện được toàn bộ chính sách quan điểm của Đảng và Nhà nước ta.
Đi vào cụ thể, tôi xin tham gia mấy vấn đề như sau:
Điều 5 liên quan đến chính sách, tôi thấy luật cũng đã có sửa đổi lại và cũng tương đối cụ thể các chính sách. Tuy nhiên, tôi nghĩ có mấy vấn đề tiếp tục nghiên cứu để làm rõ thêm. Ví dụ như chính sách tạo điều kiện thuận lợi để công dân Việt Nam có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của luật này. Tôi đọc chính sách này tôi hoàn toàn không hiểu chính sách này là chính sách gì, tức là tạo điều kiện thuận lợi để công dân Việt Nam có đủ điều kiện để làm việc tại nước ngoài theo quy định của luật này. Đây không phải là chính sách, nếu có điều kiện gì cụ thể mà tạo điều kiện thuận lợi thì chúng ta phải ghi ra, điều kiện đó là những điều kiện gì dù ở mức độ khái quát và phải có nội dung. Nếu ghi chính sách như thế này thì tôi nghĩ đây không phải là chính sách.
Hai, thường là quy định chính sách ở những chương quy định chung thì những chính sách đó phải được cụ thể ở các chương sau. Tôi đọc toàn bộ luật thì thấy các chính sách này chưa được cụ thể ở các chương sau, ví dụ như chính sách thứ ba về hỗ trợ đầu tư mở thị trường lao động mới, thị trường có thu nhập cao, thị trường tiếp nhận nhiều lao động đào tạo cán bộ quản lý dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động. Tôi thấy việc hỗ trợ đầu tư cho thị trường có lao động mới, thị trường có thu nhập cao, thị trường tiếp nhận lao động không thấy được cụ thể trong các chương sau nó được thể hiện như thế nào. Hoặc là có chính sách tuyển dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách xã hội, các đối tượng chính sách xã hội ở đây được quy định như thế nào và họ được hỗ trợ như thế nào thì cũng không được quy định cụ thể trong chương sau, đặc biệt là chương quyền và nghĩa vụ của người lao động. Tôi đề nghị chúng ta nghiên cứu để tiếp tục cụ thể được vấn đề này.
Đại hội X có ghi đoạn rất ngắn mà tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải thể chế hoá một cách cụ thể hơn trong chính sách tại Điều 5. Đó là phát triển thị trường sức lao động, trong đó có vấn đề đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đặc biệt là xuất khẩu lao động đã qua đào tạo nghề và lao động nông nghiệp. Tôi thấy lao động nông nghiệp hoàn toàn chưa được đề cập, đó là vấn đề đã được xác định trong Nghị quyết cần được thể chế hóa trong chính sách đối với luật này.
Thứ hai, tại Điều 7 các hành vi bị nghiêm cấm, tôi thống nhất với ý kiến của chị Bạch Mai, tại sao lại có một khoản rơi ra là Chính phủ quy định khu vực ngành nghề trong việc cấm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tôi đề nghị nếu chúng ta có một điều cấm thì chúng ta biến thành một khoản được không, tức là khoản cấm đưa đi lao động trong những khu vực ngành nghề mà Chính phủ cấm. Như vậy nó trở thành một khoản và nó rất cụ thể, chứ chúng ta không nên để một khoản rơi ra.
Khoản 13 là các hành vi nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật, tôi đề nghị nên bỏ những khoản quét. Bởi vì thực ra chúng ta có cấm gì thì chúng ta cấm còn nếu không thì thôi. Nếu chúng ta đưa khoản quét như vậy thì nó quá rộng và cũng biết các hành vi khác là hành vi nào hay theo quy định của pháp luật như thế nào.
Tôi xin góp ý tiếp tục ở Điều 8 và Điều 9, Điều 9 ở đây chúng ta có đưa ra đây là doanh nghiệp có điều kiện, nhưng tôi thấy toàn bộ luật này có lẽ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng là một doanh nghiệp mà là doanh nghiệp có điều kiện. Như vậy quan hệ giữa luật này với Luật doanh nghiệp như thế nào, toàn bộ tôi thấy không có quy định một điều nào áp dụng Luật doanh nghiệp mặc dù các doanh nghiệp này là doanh nghiệp có điều kiện và phần nào đó họ phải thực hiện đúng quy định của Luật doanh nghiệp. Tôi thấy không thể hiện quan hệ giữa luật này với Luật doanh nghiệp.
Thứ hai là Khoản 4, Điều 9 có ghi về tiền ký quỹ, tôi thống nhất là có lẽ ở đây trong luật này có hai loại tiền ký quỹ. Một là tiền ký quỹ của doanh nghiệp và hai là tiền ký quỹ của người lao động, phải làm rõ cơ sở và tiêu chí của tiền kỹ quỹ này được thực hiện trên cơ sở nào. Chúng ta chỉ ghi theo quy định của Chính phủ thì không rõ, ví dụ doanh nghiệp đến mức độ nào thì phải ký quỹ trên một tiêu chí như thế nào, có lẽ phải tiếp tục cụ thể thêm.
Điều 15 quy định thu hồi giấy phép, điểm b Khoản 1 là doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép trong các trường hợp sau. Chúng ta có đưa ra một trong các trường hợp là ngừng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tôi đề nghị chúng ta phải quy định rõ thời gian là trong bao lâu thì chúng ta mới thu hồi giấy phép. Bởi vì có thể người ta ngừng 1 tuần, 2 tuần trong điều kiện nào đó cũng không phải doanh nghiệp nào cũng ký được hợp đồng liên tục để đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, có khi họ có một khoảng thời gian họ chưa ký được hợp đồng, chưa đưa đi được thì có lẽ đối với việc thu hồi giấy phép, thì tôi đề nghị cũng phải trong khoảng thời gian bao lâu đó cũng như Khoản đ chúng ta quy định là sau khi cấp phép 24 tháng mà không đưa được 300 người thì chúng ta thu hồi. Trong trường hợp họ đang hoạt động nhưng họ ngừng trong thời gian bao lâu thì chúng ta mới thu hồi giấy phép, chúng ta ghi như vậy thì tôi nghĩ chưa cụ thể để chúng ta có thể quyết định thu hồi giấy phép.
Điều 21, 22, 23 tôi thấy có lẽ phải tiếp tục cụ thể thêm mấy vấn đề, ở đây chúng ta có quy định tiền dịch vụ là khoản tiền mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp để bảo đảm hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước trong và ngoài nước của doanh nghiệp. Tôi nghĩ nếu đóng góp như vậy thì có quá đáng với doanh nghiệp hay không, hoạt động quản lý của bộ phận doanh nghiệp có rất nhiều vấn đề mà người lao động phải gánh toàn bộ hoạt động của bộ máy quản lý trong và ngoài nước của doanh nghiệp. Tôi nghĩ không hợp lý một chút nào hết, hoạt động quản lý này bao gồm những khoản gì và người lao động phải gánh chịu thông qua tiền dịch vụ.
Tôi đề nghị cũng phải cụ thể tiền dịch vụ bao gồm khoản gì để cho người lao động người ta đọc luật người ta biết người ta phải đóng góp những khoản dịch vụ gì, ngoài ra những khoản mà luật không quy định thì doanh nghiệp không được quyền thu. Tôi nghĩ cần phải tiếp tục làm rõ:
Một là tiền dịch vụ là bao gồm những khoản gì gọi là tiền dịch vụ.
Hai, không thể dùng tiền dịch vụ này để bảo đảm cho bộ máy quản lý trong và ngoài nước được, tiền dịch vụ này phải bảo đảm một phần nào đó để cho bộ máy hoạt động quản lý này có thể hoạt động được, người lao động phải bao trọn vẹn cái này thì biết chừng nào, nó rất vô cùng và tôi nghĩ người lao động không gánh được.
Tiền ký quỹ của doanh nghiệp hồi nãy tôi cũng đã phát biểu, tiền ký quỹ của người lao động tôi cũng đề nghị như vậy. Tức là phải có cơ sở để tiến hành quy định tiền ký quỹ của người lao động, để người lao động người ta ký quỹ trên cơ sở gì, trên tiêu chí gì để trên cơ sở đó chúng tôi tiếp tục có quy định cụ thể.
Hai, ở đây chúng ta có quy định Khoản 3, Điều 23, trả cả gốc lẫn lãi, tiền lãi này được tính trên cơ sở gì, chúng ta cũng có thể làm rõ trong luật. Tôi nghĩ chúng ta có thể hoàn toàn làm lãi trong này theo Luật lãi suất ngân hàng hay lãi trên vấn đề gì, chúng ta cần quy định cụ thể.
Điều 27, các nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với người đi lao động. Tôi thấy ý kiến của anh Nguyễn Văn Thuận tôi nhất trí. Chúng ta đưa ra Khoản đ là tổ chức quản lý bảo vệ quyền lợi người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài. Tôi nghĩ có lẽ nếu tiếp tục cụ thể được điều này, chúng ta có thể bảo vệ được quyền lợi người lao động tốt hơn. Chúng ta cũng thấy lao động xuất khẩu cũng đem lại nguồn rất lớn cho quốc gia và kể cả cho cá nhân trực tiếp đi lao động xuất khẩu. Nhưng vấn đề lao động xuất khẩu cũng là một vấn đề bức xúc trong dư luận và đặc biệt đời sống của người lao động, những nơi tập trung lao động nhiều như Đài Loan, những người đi làm việc nhà ở Malaixia, chúng ta thấy đời sống của họ về vật chất, tinh thần có nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Do vậy chúng ta ghi một câu như vậy, tôi nghĩ không cụ thể, nên tiếp tục ghi nhận thêm vấn đề cụ thể để đảm bảo. Ở Đài Loan chúng ta có thể tổ chức những hoạt động để họ có thể được thông tin tiếp tục về những vấn đề mà liên quan đến cuộc sống của họ hay không? Hay ở Malaixia, nơi tập trung lớn thì nơi ăn, chốn ở của họ như thế nào? Doanh nghiệp có trách nhiệm và có hỗ trợ hay quan tâm đến mức độ nào đó dù rất nhỏ để tạo điều kiện cho người lao động hay không? Tôi đề nghị làm rõ vấn đề này tiếp tục trong Khoản đ.
Điều 45, chúng ta có đưa ra về nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tôi thấy ngoài việc rất tích cực của người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì cũng có mặt trái của nó. Chúng ta đi nước ngoài, chúng ta cũng có lúc xấu hổ khi nghe các sứ quán thông tin về những vấn đề của người lao động Việt Nam. Như vậy phải chăng nếu chỉ đưa giữ gìn phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc quá chung và quá lớn. Tôi đề nghị phải quy nó trở thành đạo đức cụ thể của người lao động đi làm việc nước ngoài. Bây giờ truyền thống tốt đẹp dân tộc thì nhiều lắm, dựng nước và giữ nước cũng là truyền thống tốt đẹp. Tôi đề nghị chúng ta phải tiếp tục cụ thể ra. Điều 59, chúng ta có nêu về hỗ trợ việc làm, ở đây có nói Khoản 1 là cơ quan lao động thương binh xã hội địa phương có trách nhiệm phải thông báo cho người lao động với nhu cầu tuyển dụng ở trong nước. Sao lại cơ quan của địa phương mà lại thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động trong nước, họ không làm được có lẽ chỗ này phải ghi lại để cho nó phù hợp với quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan lao động thương binh xã hội địa phương.

Các văn bản liên quan