Bản tổng hợp ý kiến về Thuế Thu nhập cá nhân của Chi nhánh VCCI Đà Nẵng

Thứ Tư 15:09 25-07-2007

PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Số: ….…/ PTM-ĐN

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------µ-------
                                   
                                 Đà Nẵng, ngày    tháng    năm 2007


 
Kính gởi :  Ban Pháp Chế - VCCI
 
TỔNG HỢP Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CỦA DOANH NGHIỆP
CHO DỰ LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
 

  
Thực hiện Chương trình xây dựng và phổ biến pháp luật do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì. 

Ngày 12/07/2007 tại thành phố Đà Nẵng, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI-ĐN) tổ chức hội nghị góp ý Dự luật thuế thu nhập cá nhân với hơn 50 đại biểu tham dự.
Thành phần tham dự hội nghị gồm:

-         Đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

-         Đại diện HĐND, Sở Tư Pháp, Cục Thuế thành phố Đà Nẵng

-         Đại diện VCCI-Đà Nẵng
 
Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân thay thế các sắc luật hiện hành điều tiết về thuế đối với cá nhân có thu nhập, nhằm phù hợp với thực tiển phát triển KT-XH, góp phần huy động tốt nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, thực hiện công bằng xã hội và đáp ứng được yêu cầu hội nhập...Bên cạnh đó, các đại biểu kiến nghị nên bổ sung, sửa đổi một số điểm như sau:
 
- Khi ban hành luật phải tính đến sự phù hợp của luật với  trình độ, điều kiện phát triển KT-XH...của nước ta nhằm tránh tình trạng do không đủ điều kiện áp dụng nên quy phạm pháp luật khi ban hành rất khó thực thi hoặc không thể thực thi, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý lẫn chủ thể bị quản lý, điều chỉnh…vô hình chung làm cho quy phạm pháp luật bị vô hiệu, và luật ban hành không đạt được những mục tiêu đề ra. Đơn cử, Dự luật thuế TNCN đưa các đối tượng là các cá nhân sản xuất kinh doanh là các đối tượng điều chỉnh của luật thuế TNCN, trong đó thu nhập chịu thuế được xác định bằng doanh thu trừ chi phí. Thực tế, do đặc thù hộ kinh doanh cá thể này thường không có bộ máy kế toán, không có sổ sách theo dõi và phương thức thanh toán bằng tiền mặt…nên rất khó có cơ sở để xác định được đầy đủ chi phí đầu vào, đầu ra…việc “ kê, kích “ chi phí đầu vào, ghi giảm giá bán…để trốn thuế trở nên dễ dàng và phổ biến. Do vậy, nếu quy định như Dự luật thì nhà nước rất khó thu được thuế thu nhập với các hộ kinh doanh có thu nhập cao, nếu không muốn nói là không thể thu được.
 
- Trong Dự luật nên nêu thu nhập chịu thuế như điều 4 là đủ, không nên nêu thêm điều 5 ( thu nhập không chịu thuế) để làm cho luật được rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và “tuổi thọ” của luật sẽ cao hơn. Thật vậy, nếu chỉ quy định thu nhập chịu thuế như điều 4 thì những thu nhập không thuộc những thu nhập được nêu ở điều 4 thì nghiễm nhiên không phải chịu thuế thu nhập, quy định như vậy cơ quan quản lý, chủ thể bị quản lý dễ dàng tham chiếu, đồng thuận trong cách hiểu, thực hiện. Hơn nữa, nếu như nêu dự luật thì liệu Dự luật đã nêu đầy đủ các thu nhập chịu thuế và thu nhập không chịu thuế phát sinh  trong thực tế hay chưa và trong điều kiện Luật thường ở trạng thái “tỉnh” hơn trong khi điều kiện KT-XH, KH-KT…thì ở trạng thái “động” thì liệu dự luật có tính đến các loại thu nhập mới phát sinh sau này.  Đối với những loại thu nhập chịu thuế đặc biệt thì cần làm rõ luôn trong phần thu nhập chịu thuế.
 
- Với thời giá hiện tại và mức sống của người Việt Nam, hầu hết các đại biểu đề nghị quy định phần giảm trừ đối với cá nhân là đối tượng nộp thuế là 5 triệu đồng / tháng.

Có đại biểu đề nghị luật nên tính đến mức độ trượt giá, bằng cách quy định thêm hàng năm trên cơ sở phần giảm trừ cá nhân 5 triệu đồng / tháng của luật nên tính đến mức trượt giá và tỷ lệ lạm phát. Ví dụ: Năm 2009, lạm phát là 7% thì phần giảm trừ cá nhân tự động điều chỉnh là: 5 triệu + 5 triệu x 7%. Thực hiện điều này sẽ góp phần nâng cao mức sống người dân Việt Nam mà hiện nay còn thấp và luật ban hành có tính điều kiện phát triển KT-XH, luật sẽ có sự ổn định cao hơn…

Có ý kiến đề nghị luật không nên quy định số tuyệt đối đối với khoản giảm trừ cá nhân mà căn cứ vào mức lương tối thiểu do nhà nước quy định để xác định phần giảm trừ cá nhân, ví dụ mức lương tối thiểu là 500.000 đồng thì luật quy định mức giảm trừ cá nhân bằng 10 lần mức lương tối thiểu = 500.000 đồng x 10 lần = 5.000.000 đồng và cứ thế mỗi lần có sự điều chỉnh của nhà nước về mức lương tối thiêủ thì phần giảm trừ với cá nhân người nộp thuế cũng tự động đuợc điều chỉnh theo.
 
- Về giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thì luật nên nâng tổng mức giảm trừ từ 10 triệu đồng lên 15 triệu đồng, luật không nên khống chế số người phụ thuộc < 7 người vì thực tế xã hội ta có không ít người có hơn 7 người phụ thuộc.  Và với cách tính mức giảm trừ của mỗi người phụ thuộc là bằng 40% so với mức giảm trừ của cá nhân người nộp thuế thì nếu luật không khống chế số người phụ thuộc tối đa thì về bản chất, mặt công bằng so với quy định của dự luật vẫn không có gì thay đổi mà luật vẫn tính đến các trường hợp cá nhân có nhiều người phụ thuộc.

-  Có ý kiến đề nghị, để dễ thực hiện luật nên ấn định số tuyệt đối mỗi người được giảm trừ đối với mức giảm trừ đối với người phụ thuộc.
 
- Về mức giảm trừ của người phụ thuộc là 40% so với mức giảm trừ cá nhân người nộp thuế có địa biểu cho rằng với thời giá như hiện nay quy định như dự luật là quá thấp, tác động đến các gia đình có quy mô nhỏ ( gia đình có cha mẹ và hai con ) mà hiện nay ở nước ta là phổ biến, thực tế mức nuôi dạy con ( trẻ nhỏ ) gọi là tương đối thì chi phí mỗi tháng phải lớn hơn 2,5 triệu đồng / tháng / 1 người con.
 
-  Có ý kiến đề nghị nên làm rõ thu nhập chịu thuế từ hoạt động đầu tư vốn quy định ở điều 4. Trong thực tế có nhiều trường hợp doanh nghiệp huy động vốn từ người lao động với lãi suất thấp về bản chất đây không phải là hoạt động đầu tư vốn của người lao động mà vì trách nhiệm, sự gắn bó với công ty, vì công ăn việc làm của họ nên người lao động cho công ty vay với lãi suất thấp để đáp ứng nhu cầu về vốn trên cơ sở họ thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng họăc dùng tiền nhàn rỗi của mình để cho doanh nghiệp vay… và nếu đánh thuế thu nhập vào các khoản lãi mà công ty phải trả cho người lao động thì e rằng không đúng bản chất của thuế thu nhập là điều tiết thu nhập của người có thu nhập cao, thực hiện công bằng xã hội và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn từ người lao động và không khuyến khích được hình thức huy động vốn có nhiều ưu điểm này ( thể hiện sự gắn bó, trách nhiệm giữa người lao động với doanh nghiệp ). Đề  nghị không nên đánh thuế thu nhập ở trường hợp người lao động cho doanh nghiệp mà họ đang làm việc vay.
 
- Đề nghị giảm thuế suất đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng, chuyển đổi bất động sản và thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán (ở điều 22) từ 25% xuống còn 15% thì phù hợp hơn, sẽ khuyến khích đối tượng nộp thuế tự nguyện trong đóng thuế, giảm thiểu tình trạng trốn thuế mà nguyên tắc thuế suất cao chưa hẳn thu được nhiều thuế đã trở nên phổ biến, đúng ở nước ta .
 
- Về thuế chuyển nhượng, chuyển đối bất động sản: thu nhập chịu  thuế được tính = giá chuyển nhượng, chuyển đổi bất động sản trừ giá vốn và các chi phí có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bất động sản: Có ý kiến cho rằng trong thực thuế quy định này rất khó thực hiện và nếu áp dụng như dự luật thì chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ sẽ không thu được thuế hoặc thuế thu được từ hoạt động chuyển nhượng, chuyển đổi bất động sản không những không tăng mà còn giảm mạnh so với khi còn áp dụng theo pháp luật hiện hành. Trong thực tế, trong thời gian ngắn thì giá bất động sản ít có biến động, hơn nữa giá đầu vào và các chi phí trực tiếp liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản rất khó xác định, liệu cơ quan chức năng có quản lý được hay không?  nếu quy định như dự luật thì sẽ dễ xảy ra tình trạng nâng giá đầu vào bất động sản để trốn thuế và nếu áp dụng mức giá do cơ quan chức năng quy định thì e rằng sẽ không phù hợp với thực tế vì bất động sản là hàng hoá đặc biệt phụ thuộc rất nhiều yếu tố tâm lý, vị trí địa lý…các yếu tố vô hình, hữu hình nói chung nên giá trị bất động sản rất khó xác định. Đề nghị, do thực tế nước ta chưa có đủ điều kiện để xác định các chi phí đầu vào, đầu ra của hoạt động này, do vậy Dự luật nên ấn định tỷ suất thuế là 4% giá trị chuyển nhượng như hiện nay cho từng hoạt động chuyển  nhượng, chuyển đổi bất động sản thì tính khả thi của luật sẽ cao hơn.
 
- Về đánh thuế đối với hoạt động đầu tư vốn, chuyển nhượng: có ý kiến cho rằng quy định như luật là chưa bình đẳng, bởi những lý do sau:  Một là, thực tế ở Việt Nam các công ty cổ phần, thị trường chứng khoán còn non trẻ, việc chia cổ tức hàng năm đa số có tỷ suất thấp ( thông thường tương đương với tiền gởi tiết kiệm ) trong khi thuế thu nhập đánh vào thu nhập từ cổ tức thì tiền lãi tiết kiệm lại không chịu thuế, sẽ tác động không thuận lợi đến quá trình cổ phần hoá, xã hội hoá đầu tư, phát triển thị trường chứng khoán ở Việt Nam và phát triển loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần có nhiều tính ưu việt này; Thứ hai: cũng là hình thức đầu tư mua trái phiếu, trong khi thu nhập từ lãi mua trái phiếu của chính phủ thì không bị đánh thuế, thì thu nhập từ lãi mua trái phiếu do doanh nghiệp phát hành thì bị đánh thuế.

Mặt khác, về xác định thu nhập chịu thuế của hoạt động đầu tư chứng khoán cụ thể là trường hợp mua bán cổ phiếu liệu có khả thi trong khi ở ta hiện hình thức giao dịch cổ phiếu qua thị trường không tập trung (OTC) là phổ biến, liệu chúng ta có đủ điều kiện, cơ sở để xác định giá mua vào các cổ phiếu giao dịch qua thì trường OTC này không?
Việc đánh thuế thu nhập đối từ hoạt động đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn quy định như dự luật liệu có tránh được trình trạng “ lãi chồng lãi, thuế chồng thuế” hay không?
 
- Ỏ điều 4 và điều 5: Thu nhập từ “ thừa kế, quà tặng là cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu công ty” ở tiết 6, điều 4 thì bị đánh thuế thu nhập, trong khi ở tiết 9, điều 5 thì quy định “ thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản…” thì được miễn thuế, quy định như vậy chưa cụ thể, chưa rõ dự luật nên cụ thể hơn, chi tiết hơn và bình đẳng hơn giữa đánh, miễn thuế thu nhập từ thừa kế, quà tặng là bất động sản với thu nhập từ thừa kế, quà tặng là cổ phiếu, quyền sở hữu công ty…              
                                                    
Mặt khác, việc không đánh thuế thu nhập từ thừa kế, quà tặng là bất động sản trong khi thu nhập từ thừa kế, quà tặng là cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu công ty thì bị đánh thuế đối với các đối tượng là “ vợ, chồng, con nuôi, con đẻ…” là không công bằng, hợp lý.  Hơn nữa, việc xác định giá trị quyền sở hữu công ty để đánh thuế thu nhập là rất khó, vì giá trị doanh nghiệp bao gồm cả giá trị vô hình  hữu hình…liệu có dễ dàng, đủ cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp, tính đúng, tính đủ thuế thu nhập đối với thu nhập từ thừa kế quyền sở hữu công ty hay không.
 
- Điều 16: Dự luật chỉ đánh thuế thu nhập đối với thu nhập từ tiền bản quyền, nhượng quyền thương mại và chuyển giao công nghệ vượt trên 10 triệu đồng, quy định như vậy là chưa chặt chẽ, chưa công bằng. Vì:  đối tượng nộp thuế thu nhập có thể chia nhỏ hợp đồng ( mỗi hợp đồng có giá trị < 10 triều đồng ) để trốn thuế; hơn nữa, trong khi các thu nhập khác vượt 5 triệu đã đóng thuế, thậm chí có hoạt động có phát sinh thu nhập là phải đóng thuế thu nhập rồi, trong khi thu nhập từ tiền bản quyền, nhượng quyền thương mại và chuyển giao công nghệ vượt trên 10 triệu đồng mới chịu thuế thu nhập. 
  
  - Trong điều kiện chúng ta chưa tính tất cả các khoản chi phí vào tiền lương để trả cho công chức nhà nước thì dự luật nên nghiên cứu làm thể nào để tính đúng, tính đủ, thu đủ thuế thu nhập của các công chức nhà nước, nhất là công chức có chức vụ cao để bình đẳng với các giới khác trong xã hội. Thông thường các quan chức có chức vụ thu nhập từ lương đã tương đối cao trong khi còn được những quyền lợi khác của nhà nước như xe cộ đi lại, nhà cửa…thì liệu có thể xác định được thu nhập thực tế của các vị có chức vụ cao và thông thường thì thu nhập các vị này cao hơn số tiền lương, tiền công được nhận vì chưa tính đến các chi phí xe cộ đi lại, nhà cửa…do nhà nước chịu. 
  
 - Dự luật này chưa tính đến những trường hợp thu nhập từ lương hưu cao hơn 5 triệu / tháng, đối với những trường hợp này thì thuộc diện chịu thuế thu nhập hay là không? dự luật cần nêu rõ.
 
- Điều 22: quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trả thu nhập và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú, dự luật nên xây dựng theo hướng cá nhân tự kê khai tự và nộp thuế, không nên dùng hình thức khấu trừ thuế từ đầu nguồn rất phức tạp và chưa nâng cao ý thức tự giác trong thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước của người dân. Việc quản lý kê khai, đóng thuế thu nhập của người dân sẽ đơn giản hơn nếu chúng ta ứng dụng tốt CNTT vào trong quản lý.
           
Trên đây là tổng hợp ý kiến góp ý của doanh nghiệp cho Dự luật thuế thu nhập cá nhân.
 
 

 
                                    CN PHÒNG THƯƠNG MẠI & CN VN TẠI ĐÀ NẴNG
                                                                 

Các văn bản liên quan