Một số trao đổi về dự án Luật thuế thu nhập cá nhân

Thứ Hai 09:12 09-07-2007


TS. Đinh Dũng Sỹ
Phó Vụ trưởng,
Ban Xây dựng pháp luật - VPCP.
Hội thảo TP HCM, ngày 2-3/7/2007.
____________________________ 
 

 
MỘT SỐ TRAO ĐỔI
VỀ DỰ ÁN LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
________ 
  
        

  1. Bối cảnh
 
          Sau 20 năm đổi mới và phát triển, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đã có những bước tiến dài và đáng tự hào: kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao và ổn định; hoạt động đầu tư kinh doanh không ngừng được mở rộng và ngày càng phát triển; số lượng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh ngày càng ra tăng, đặc biệt là từ khi chúng ta có các luật về doanh nghiệp, về đầu tư. Xét trên góc độ tài chính, các nguồn vốn được đưa vào đầu tư kinh doanh ngày càng nhiều, thu nhập của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh và thu nhập của người dân nói chung ngày càng tăng. Đó là một trong những nhân tố quyết định phải có sự điều chỉnh chính sách thu tài chính quốc gia, cải cách hệ thống pháp luật thuế, nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng, giữa lợi ích doanh nghiệp, người lao động và nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Một trong những nội dung điều chỉnh chính sách, pháp luật thuế hiện hành đó là nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ở Việt Nam, thay thế cho thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện nay.
 
          Thuế thu nhập cá nhân trên thế giới
 
          Trên thế giới, thuế TNCN ra đời cách đây hơn 200 năm: được áp dụng đầu tiên tại Hà Lan vào năm 1797; Mỹ, các nước châu Âu và những nước công nghiệp phát triển khác áp dụng từ thế kỷ XIX; các nước châu á vào thế kỷ XX; các nước thuộc hệ thống XHCN cũ chỉ bắt đầu áp dụng khi thực hiện cải cách, chuyển đổi nền kinh tế vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Ngày nay, thuế TNCN được áp dụng ở hầu khắp các nước trên thế giới (khoảng 180 nước) và đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của ngân sách quốc gia, nhất là ở các nước phát triển (Đan Mạch 50%; Anh 35%; Mỹ, Canađa, úc là 40%, 30% và 54% trong tổng số thu về thuế của ngân sách liên bang; Trung Quốc khoảng 12% tổng thu thuế của nhà nước).
         
         Thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam
 
          Việt Nam đã có thuế TNCN hay chưa? trong nghiên cứu cũng có ý kiến cho rằng chúng ta chưa có thuế TNCN, nếu hiểu thuế TNCN là loại thuế đánh vào mọi đối tượng là cá nhân có thu nhập và đánh từ đồng thu nhập đầu tiên của cá nhân. ý kiến này cho rằng ở Việt Nam mới chỉ có thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, tức là mới chỉ đánh thuế thu nhập đối với những đối tượng - cá nhân có thu nhập đến một mức nhất định theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao ở nước ta hiện nay cũng chính là thuế thu nhập cá nhân, mặc dù đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế cũng như cách tính loại thuế này có nhiều điểm rất khác biệt so với pháp luật thuế TNCN của các nước trên thế giới.
 
            Dù còn có những ý kiến khác nhau nói trên, song, thực tiễn Việt Nam đã tồn tại một loại thuế thu trực tiếp vào thu nhập của cá nhân, đó là Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (sau đây gọi tắt là thuế thu nhập cao) ra đời vào năm 1990, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1994, 1997, 1999; đến năm 2001, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh mới thay thế Pháp lệnh năm 1990 và Pháp lệnh thuế thu nhập cao năm 2001 gần đây đã được sửa đổi, bổ sung bởi Pháp lệnh ngày 24 tháng 3 năm 2004. Ngoài ra còn có 2 sắc thuế khác cũng trực tiếp điều tiết thu nhập của cá nhân đó là Thuế thu nhập doanh nghiệp (đánh vào thu nhập của các cá nhân kinh doanh) và Thuế chuyển quyền sử dụng đất (đánh vào thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất của cá nhân). Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng số thu thuế đối với thu nhập của cá nhân năm 2005 đạt khoảng 8.300 tỷ đồng (trong đó, thuế thu nhập cao 4.400 tỷ đồng, thuế TNDN của hộ kinh doanh 3.000 tỷ đồng, thuế chuyển quyền sử dụng đất 900 tỷ đồng), chiếm 4,1% tổng thu ngân sách từ thuế, phí, lệ phí, tương đương 1,1% GDP.   
 
         2. Đánh thuế từ đồng thu nhập đầu tiên hay từ đồng thứ mấy?
 
          Xét về nguyên lý thì khi đánh thuế thu nhập, nhà nước phải khấu trừ các chi phí tạo ra thu nhập và khấu trừ các suất miễn thu, phần thu nhập còn lại mới thuộc diện chịu thuế.
 
          Tuy nhiên, xét về mặt kỹ thuật hay cách thức thu thuế thì trên thế giới có hai cách thu thuế: hoặc là thu từ đồng thu nhập đầu tiên, hoặc là đặt ra ngưỡng thu nhập chịu thuế. Mỗi cách thức thu thuế này đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, song đa số các nước trên thế giới thường áp dụng cách thu từ đồng thu nhập đầu tiên.
 
          Cách thức thu từ đồng thu nhập đầu tiên mang lại nhiều ưu điểm hơn vì nó tạo được sự công bằng và đơn giản hơn so với cách thức xác định ngưỡng thu nhập chịu thuế. Điều này thể hiện ở chỗ, mọi người dân có thu nhập đều được nộp thuế, tức là đều được đóng góp một phần thu nhập của mình cho đất nước. Tất nhiên để đạt được sự công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế thì việc thiết kế thuế suất phải tính đến những người có thu nhập thấp, thậm chí đối với phần thu nhập thấp (theo biểu thuế luỹ tiến từng phần) thì thuế suất rất thấp, và việc nộp thuế có khi chỉ mang tính chất tượng trưng. Tuy nhiên, xét ở góc độ kỹ thuật lại tạo ra tính kỷ luật cao trong thu thuế vì tất cả mọi người dân có thu nhập đều phải kê khai thuế và nộp thuế. Cũng có ý kiến cho rằng, thu thuế theo cách này tạo ra sự tốn kém không cần thiết vì ai cũng phải kê khai nộp thuế dù thu nhập rất nhỏ, khoản thu về thuế từ các đối tượng này không đáng kể. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chính điều đó lại tạo ra 2 cái lợi, đó là: Nhà nước có cơ hội tốt nhất để kiểm soát thu nhập của người dân; mặt khác những người có thu nhập thấp lại được hưởng lợi từ những chính sách trợ cấp của nhà nước, vì qua kê khai nộp thuế, nhà nước biết được thu nhập của họ để thực hiện trợ cấp, và vì vậy, tránh được ý định trốn kê khai nộp thuế của nhiều đối tượng, vốn dĩ là một vấn đề không dễ kiểm soát của mọi nhà nước khi thu thuế TNCN.
 
          Cách thu thuế trên cơ sở xác định ngưỡng thu nhập chịu thuế thực ra là chỉ đánh thuế đối với những người có thu nhập cao đến một mức nhất định, không phải mọi người dân có thu nhập đều phải nộp thuế. Điều đó làm mất đi bản chất của loại thuế với tên gọi là thuế TNCN; không tạo ra sự công bằng trong nộp thuế của người dân ở cả góc độ quyền lẫn nghĩa vụ. Và tất nhiên, do chỉ có một số người có thu nhập vượt ngưỡng mới phải nộp thuế nên phát sinh một vấn đề thực tế là chỉ những người đó mới kê khai thu nhập, do đó nhà nước khó có thể kiểm soát được thu nhập của dân chúng và tất nhiên việc thất thoát nguồn thu này là rất lớn (thực tiễn thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao ở Việt Nam hiện nay đã minh chứng điều đó).
 
          Vậy, Việt Nam hiện nay nên chọn cách đánh thuế nào? theo quan điểm của tôi, nên chọn cách đánh thuế từ đồng thu nhập đầu tiên, vì những ưu điểm của cách đánh thuế này như nói trên và hầu hết các nước trên thế gới đều làm như vậy. Rất tiếc là nhiều ý kiến lại lựa chọn theo cách thứ hai: xác định ngưỡng thu nhập chịu thuế. Lập luận cơ bản mà các ý kiến này đưa ra là do thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay còn thấp, nên việc thu thuế từ đồng thu nhập đầu tiên nghe ra không hợp lý, nhiều người dân thu nhập còn chưa đủ sống thì lấy đâu để nộp thuế !!! Quan điểm này mới nghe có vẻ rất nhân văn nhưng nếu chúng ta có sự tuyên truyền và giải thích cặn kẽ cho mọi người cùng hiểu rằng, thuế TNCN là loại thuế mà về nguyên lý là phải thu vào mọi người dân có thu nhập, vì vậy mọi người đều được quyền cũng như có nghĩa vụ phải kê khai nộp thuế. Tất nhiên, biểu thuế được thiết kế hợp lý theo luỹ tiến từng phần: ai có thu nhập nhiều thì nộp thuế nhiều, ai có thu nhập thấp thì nộp thuế ít, ai có thu nhập không đủ sống thì được nhà nước trợ cấp, và điều quan trọng là phần thu nhập chúng ta coi là chi phí để tạo ra thu nhập, hay cũng có thể coi như để bảo đảm mức sống tối thiểu của mỗi người dân, hoặc cũng có thể coi như phần thu nhập trong ngưỡng không phải chịu thuế sẽ được thiết kế một thuế suất rất thấp, để những người có thu nhập thấp cũng có thể chịu đựng được. Một cái lợi nữa, nếu chúng ta thiết kế sắc thuế này theo cách đánh thuế nói trên thì chúng ta sẽ tránh được sự tranh cãi về ngưỡng chịu thuế bao nhiêu là hợp lý: 3, 4 hay 5 triệu/tháng, như cách thiết kế của dự thảo Luật hiện nay.
 
          Dự thảo Luật thuế của chúng ta về mặt kỹ thuật, được thiết kế là giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân là đối tượng nộp thuế. Tuy nhiên, xét về bản chất vẫn là xác định ngưỡng chịu thuế. Chúng ta phê phán về những hạn chế của Pháp lệnh thuế TN đối với người có TN cao hiện hành, trong đó có vấn đề xác định ngưỡng thu nhập chịu thuế thì vô hình chung dự thảo Luật thuế TNCN vẫn vấp phải điểm hạn chế này. Chính vì thế đã có những ý kiến cho rằng, dự thảo Luật thuế TNCN của chúng ta vẫn chưa phải là là thuế TNCN theo đúng bản chất của nó mà vẫn chỉ là một dạng thuế thu nhập đôí với người có thu nhập cao ?!
 
          Việc thay đổi cách đánh thuế trong dự Luật của chúng ta vẫn còn là một cơ hội đang bỏ ngỏ (!!!). Tuy nhiên, nếu chúng ta không thay đổi cách đánh thuế như đã thể hiện trong dự thảo Luật thì theo chúng tôi, chúng ta cần giải thích cho người dân hiểu rõ vấn đề này theo một hướng tiếp cận khác, rằng về mặt nguyên tắc, thuế TNCN là phải thu từ đồng thu nhập đầu tiên, việc quy định khoản tiền giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 3, 4 hay 5 triệu đồng một tháng đó được coi như là Nhà nước đã miễn thuế cho người dân đối với phần thu nhập này. Vì chưa hiểu rõ điều này nên hiện nay người dân vẫn tư duy là mức giảm trừ ấy phải làm thế nào đủ bảo đảm cuộc sống của họ (như chúng tôi đã nói ở trên, nếu chúng ta đánh thuế từ đồng thu nhập đầu tiên thì sẽ không còn câu chuyện tranh luận về mức giảm trừ hay cũng chính là mức khởi điểm chịu thuế là bao nhiêu). Mặt khác, với câu hỏi loại này (khi chúng ta chưa giải thích rõ cho mọi người dân hiểu rõ về bản chất của loại thuế này như nói trên và căn cứ theo tâm lý của người nộp thuế là càng nộp ít càng tốt) thì tôi có thể dự đoán được ngay rằng kết quả là đại đa số những người được hỏi sẽ đồng ý với phương án mức giảm trừ cao nhất.
 
         3. Đối tượng nộp thuế TNCN gồm cả hộ gia đình, cá nhân kinh doanh; hộ gia đình, cá nhân chuyển quyền sử dụng đất ?
 
          Việc dự án Luật đưa đối tượng là hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đang thuộc diện điều chỉnh của Luật thuế TNDN; hộ gia đình, cá nhân có hoạt động chuyển quyền sử dụng đất đang thuộc diện điều chỉnh của Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất sang điều chỉnh tại dự án Luật thuế TNCN là hoàn toàn hợp lý. Điều này đem lại 5 ưu điểm là: (i) tách bạch được thu nhập của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế với thu nhập của cá nhân để có chính sách điều tiết riêng phù hợp hơn với từng loại đối tượng này; (ii) thống nhất được chính sách điều tiết thu nhập đối với thu nhập của đối tượng là cá nhân hiện đang còn phân tán ở nhiều đạo luật, pháp lệnh và không có sự thống nhất về mặt chính sách; (iii) bảo đảm sự phù hợp giũa tên gọi của các sắc thuế với phạm vi điều chỉnh của chúng; (iv) làm cho hệ thống pháp luật thuế của nước ta ngày càng tương thích hơn với pháp luật quốc tế và các nước; (v) việc chuyển các đối tượng này sang thu thuế TNCN và áp dụng các hình thức kê khai của loại thuế này có thể tránh được cách khoán thuế như hiện nay, làm mất đi mục tiêu, ý nghĩa và tính công bằng của thuế thu nhập.
 
          4. Việc thu thuế vào thu nhập từ lợi tức cổ phần có phải là thu thuế trùng?
 
          Có một số ý kiến cho rằng, việc thu thuế vào thu nhập từ lợi tức cổ phần là thu thuế trùng. Vì các ý kiến này cho rằng, phần lợi tức cổ phần được chia là một bộ phận thu nhập của công ty đã phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, phần thu nhập còn lại (sau thuế) được chia cho các cổ đông dưới dạng cổ tức, nếu tiếp tục thu thuế TNCN đối với phần thu nhập này thì coi như nhà nước đã đánh thuế một lần nữa!
 
          Theo chúng tôi, quan niệm như vậy là không hoàn toàn chính xác. Chúng ta cần phân biệt rõ vấn đề này ở cả hai góc độ, kinh tế và pháp lý. Nếu xét trên khía cạnh kinh tế với cách nhìn nhận đơn giản, tách bạch, cắt khúc quá trình kinh tế hay các chu kỳ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thì quả thật là phần cổ tức được chia cho các cổ đông chính là một phần thu nhập của công ty và đã được xác định trong tổng thu nhập chịu thuế của công ty khi tính thuế và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tức là phần thu nhập này thực tế đã bị đánh thuế. Tuy nhiên, quá trình kinh tế của doanh nghiệp là sự liên tục của những chu kỳ sản xuất kinh doanh, và nếu quan niệm như theo kiểu cắt khúc nói trên thì còn có thể suy ra nhiều khoản thu nhập hay nguồn vốn khác cũng bị đánh thuế hai lần, thậm chí là rất nhiều lần. Ví dụ: phần lợi nhuận sau thuế có khi được doanh nghiệp sử dụng để đầu tư lại và nó lại tiếp tục tạo ra thu nhập và phần thu nhập mới được tạo ra ấy sẽ lại bị đánh thuế tiếp, cứ tiếp tục như vậy thì thu nhập sẽ bị đánh thuế trùng nhiều lần qua nhiều chu kỳ sản suất, kinh doanh khác nhau của doanh nghiệp; hoặc tương tự như vậy, trường hợp thu thuế TNCN đối với phần lãi từ tiền gửi tiết kiệm cũng có thể coi là thu thuế trùng.
 
          Còn xét trên khía cạnh pháp lý thì việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế TNCN là hai quan hệ pháp luật hoàn toàn khác nhau, áp dụng đối với hai loại chủ thể pháp luật khác nhau. Xét về kinh tế, hai loại thu nhập đó đều có cùng nguồn gốc kinh tế, nhưng xét về pháp lý lại là nghĩa vụ của hai loại chủ thể hình thành từ hai sắc thuế khác nhau khi chúng có thu nhập, bất kể là thu nhập được hình thành từ nguồn nào. Do vậy, thu thuế TNCN vào lợi tức cổ phần không thể coi là đánh thuế trùng. Trên thế giới, hầu hết các nước đều thu vào loại thu nhập này (các nước phát triển như Mỹ, Nhật; các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Philíppin; nước gần gũi với chúng ta như Trung Quốc đều đánh thuế TNCN vào loại thu nhập này). Thực tế có nước không đánh thuế vào phần lợi tức cổ phần không phải vì lý do tránh thu trùng mà là vì lý do khuyến khích, ưu đãi.
 
          5. Có nên thu thuế đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm?
 
          Dự Luật lần này đã đưa khoản thu nhập này vào diện thu nhập không chịu thuế. Nhưng trong các dự thảo trước, đây cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Chúng tôi xin được nhắc lại là, về nguyên tắc, thuế TNCN đánh vào mọi khoản thu nhập mà người dân có được, bất kể thu nhập đó được hình thành từ nguồn nào. Tuy nhiên, việc thu hay không thu đối với loại thu nhập nào điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của nhà nước, xuất phát từ nhiều chính sách và mục tiêu kinh tế, xã hội khác nhau.
 
          Theo chúng tôi, ở Việt Nam hiện nay, chưa thu thuế TNCN đối với khoản thu nhập này là phù hợp vì 4 lý do sau đây: (i) đa số người dân có thu nhập thấp, gửi tiết kiệm chủ yếu với mục đích là lấy lãi để bổ sung cho tiêu dùng chứ chưa phải là một hình thức đầu tư manh tính tích luỹ; (ii) xét về hiệu quả, lợi nhuận thu được từ gửi tiết kiệm hiện nay là không đáng kể, với mức lãi suất tiết kiệm bình quân hiện nay khoảng 8,5%/năm, trong khi tỷ lệ trượt giá cũng rơi vào khoảng 7 đến 8%/năm thì phần thực lãi từ gửi tiết kiệm là rất thấp; (iii) việc kiểm soát, xác định được thu nhập từ lãi tiết kiệm của các cá nhân trên thực tế là rất khó, ngoài việc cần thiết phải có cơ chế phối hợp của hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng thì cần phải có các biện pháp nghiệp vụ có hiệu quả thì mới có thể kiểm soát đưọc khoản thu nhập này; (iv) và cuối cùng, một yếu tố nữa cũng cần phải cân nhắc thêm là hiện nay chúng ta đang thực hiện mọi biện pháp để huy động vốn trong dân cư cho đầu tư phát triển kinh tế, việc thu thuế vào khoản lãi tiết kiệm ít nhiều sẽ có tác động đến tâm lý của người gửi tiền, làm giảm khả năng huy động vốn của các ngân hàng, hoặc muốn huy động được vốn thông qua hình thức tiết kiệm, các ngân hàng buộc phải tính đến chuyện bù đắp cho người gửi tiền thông qua việc điều chỉnh lãi suất, từ đó làm tăng thêm chi phí cho nền kinh tế.
 
          Từ những vấn đề thực tiễn nói trên, xét cả khía cạnh lợi ích kinh tế thu được lẫn yếu tố kỹ thuật và cả trên khía cạnh dự báo tác động đến kinh tế - xã hội thì việc thu thuế TNCN đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm ở thời điểm hiện nay là không hiệu quả và không khả thi.
 
          6. Về phần thu nhập được khấu trừ không phải chịu thuế và cách thức thiết kế biểu thuế luỹ tiến từng phần
 
          Phần thu nhập được khấu trừ không phải chịu thuế là bao nhiêu: 4 triệu hay 5 triệu? thậm chí đã có lúc chúng ta định đưa ra tới 3 phương án (bao gồm cả phương án 3 triệu) để xin ý kiến nhân dân.
 
          Việc đưa ra quá nhiều phương án mức giảm trừ, trong khi chỉ thiết kế một mức thuế suất là không có cơ sở khoa học. Tuy nhiên theo chúng tôi, điều quan trọng là nếu chúng ta đã xác định là mức giảm trừ này cũng tức là mức khởi điểm chịu thuế và cũng tức là số thu nhập mà người dân (một cá nhân) có thể đủ trang trải cuộc sống ở mức tối thiểu so với điều kiện thu nhập và giả cả của Việt Nam thì hãy để cho các nhà kinh tế tính toán cụ thể là bao nhiêu. Và đã là con số được tính toán dựa trên những cơ sở thực sự khoa học thì tại sao lại cần phải hoỉ là nên 4 triệu đồng hay 5 triệu đồng/tháng! Và như chúng tôi đã nói, kết quả xin ý kiến chắc chắn là đại đa số dân chúng sẽ đồng ý với phương án 5 triệu đồng.
          Theo quan điểm như vậy, tôi xin không đưa ra ý kiến của mình rằng mức 4 triệu hay 5 triệu là hợp lý, hãy để cho các nhà khoa học làm phép tính này.
 
          Điều tôi muốn nói là chúng ta có thể có cách thiết kế khác không?
 
          Theo quan điểm đánh thuế từ đồng thu nhập đầu tiên, tôi xin đưa ra đây 2 phương án (2 cách thiết kế) với 2 biểu thuế khác nhau để so sánh. Cũng trên cơ sở biểu thuế của dự Luật, chúng ta có thể thiết kế thành 2 biểu thuế khác mà về hình thức là theo quan điểm đánh thuế từ đồng thu nhập đầu tiên (tức là phần khấu trừ đối với cá nhân người nộp thuế là bằng không, tất nhiên là đã trừ các suất miễn thu cho những người phụ thuộc (nếu có), nhưng xét về hiệu quả điều chỉnh (số thu ngân sách, tỷ lệ điều tiết thu nhập của người dân) so với biểu thuế của dự Luật là như nhau.
 
            Phương án 1. Chuyển biểu thuế thu nhập luỹ tiến từng phần của dự Luật (giả sử đã giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 5 triệu đồng/tháng) sang biểu thuế theo cách đánh thuế từ đồng thu nhập đầu tiên bằng cách thêm 1 bậc thuế đầu tiên với thuế suất 0%. Tức là ngoài 7 bậc thuế như dự thảo, chúng ta thêm bậc thuế đầu tiên là thu nhập đến 5 triêu đồng/tháng áp dụng mức thuế suất 0%. Và các bậc sau đó sẽ được điều chỉnh lên nhưng vẫn giữ nguyên khoảng cách thu nhập và mức thuế suất như biểu thuế của dự Luật. Với biểu thuế có mức thuế suất 0% dưới đây thì cũng coi như người dân được khấu trừ 5 triệu đồng không phải chịu thuế (thuế TNCN của Thái Lan và Malaysia cũng có thuế suất bậc 1 là 0%). Biểu thuế cụ thể sẽ là:
 


Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/tháng

Thuế suất (%)

1

Đến 5 triệu đồng

0

2

Trên 5 triệu đến 10 triệu

5

3

Trên 10 triệu đến 15 triệu

10

4

Trên 15 triệu đến 23 triệu

15

5

Trên 23 triệu đến 37 triệu

20

6

Trên 37 triệu đến 57 triệu

25

7

Trên 57 triệu đến 85 triệu

30

8

Trên 85 triệu

35

 
          Phương án 2. Nếu chúng ta cảm thấy ái ngại với mức thuế suất 0% thì có thể thay mức thuế suất 0% bằng mức thuế suất 1%, các bậc thuế từ 2 đến 8 vẫn giữ nguyên như phương án 1 nói trên. Cụ thể như sau:
 

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/tháng

Thuế suất (%)

1

Đến 5 triệu đồng

1

2

Trên 5 triệu đến 10 triệu

5

3

Trên 10 triệu đến 15 triệu

10

4

Trên 15 triệu đến 23 triệu

15

5

Trên 23 triệu đến 37 triệu

20

6

Trên 37 triệu đến 57 triệu

25

7

Trên 57 triệu đến 85 triệu

30

8

Trên 85 triệu

35

 
          Như vậy, với 2 phương án thiết kế theo 2 biểu thuế nói trên, phương án 1 có số thu ngân sách và tỷ lệ động viên thu nhập của người dân so với biểu thuế được thiết kế trong dự Luật là như nhau; ở phương án 2 người dân phải nộp nhiều hơn một chút so với biểu thuế của dự Luật, nhưng có thể chấp nhận được (ví dụ người có thu nhập 1 triệu đồng phải nộp 10 nghìn đồng/tháng..., người có thu nhập 5 triệu đồng phải nộp 50 nghìn đồng/tháng là có thể chấp nhận được, vì coi như mức khởi điểm đã được nâng lên 5 triệu đồng). Tuy nhiên, cái được của phương pháp tính thuế kiểu này theo chúng tôi là ưu việt hơn về nhiều phương diện so với phương pháp khấu trừ, hay cũng có thể gọi là phương pháp xác định mức khởi điểm chịu thuế như đã phân tích ở mục 2 nói trên.

Các văn bản liên quan