Luật Thuế thu nhập cá nhân hay luật thuế thu nhập cao (sửa đổi, bổ sung)?

Thứ Hai 09:08 09-07-2007


LU ẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
HAY LUẬT THUẾ THU NHẬP CAO (SỬA ĐỔI BỔ SUNG) ?

 Ông Nguyễn Cữu Việt

Từ cách nhìn của một công dân, mà không phải của chuyên gia về luật thuế, tôi thấy sắc thuế này chỉ giống như một thuế thu nhập cao kiểu mới

Được biết rằng hiện nay vẫn có hai quan điểm: 1) Mọi cá nhân có thu nhập đều có nghĩa vụ nộp thuế; 2) Cá nhân phải có thu nhập vượt trên ngưỡng nhất định và trừ khoản giảm trừ gia cảnh thì mới nộp thuế. Quan điểm thứ nhất, dù hiện nay có lẽ đang là thiểu số (cũng không được Tờ trình của Chính phủ (Tờ trình), và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách (Báo cáo thẩm tra) trên kỳ họp Quốc hội khóa trước), nhưng theo tôi, lại là quan điểm hợp lý, vì: 1) phù hợp với thông lệ quốc tế - đây chẳng phải vẫn là một trong các yêu cầu của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật khi chúng ta đã bước vào sân chơi WTO; 2) thực hiện đúng các mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong các nghị quyết của Đại hội Đảng IX và X và Chiến lược cải cách thuế đến năm 2010 của Bộ Chính trị; 3) tuân thủ đúng các nguyên tắc "lợi ích", "công bằng" và "khả năng nộp thuế" của biểu thuế này mà Tờ trình đã nêu; và 4) khác với thuế thu nhập cao hiện hành.

Một là, về yêu cầu phù hợp với thông lệ quốc tế:

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, thì khác với các nước, ở Việt Nam không phải tất cả mọi người dân đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân mà chỉ có những cá nhân nào có thu nhập trên mức trung bình của xã hội thì mới phải đóng góp cho ngân sách nhà nước. Không phải có thu nhập tới ngưỡng đã phải chịu thuế mà các cá nhân còn được tính giảm trừ gia cảnh rồi mới tính thuế. (Tin trên duthaoonline) Như vậy là quá rõ. Vấn đề là chúng ta có nên khác với các nướcở chỗ này không ?Nhiều thuyết trình khắp nơi, kể cả Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, về mọi vấn đề của Dự luật, luôn đề cập đến yêu cầu “phù hợp với thông lệ quốc tế” của Luật này. Vậy mà điều, theo tôi là cơ bản nhất này, lại không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hai là, về thực hiện các mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong các nghị quyết của Đảng:

Theo Tờ trình và Báo cáo thẩm tra thì tỷ trọng thuế thu nhập cá nhân trong tổng số thu ngân sách tại các nước trong khối ASEAN, như: Thái Lan, Ma-lay-xi-a, Phi-lip-pin... khoảng 12-16%, các nước đang phát triển khoảng 13-14% (Trung Quốc 6,3%, Philippin 16,8%), các nước phát triển như: Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức...  khoảng 30-40% (thấp nhất là Pháp chiếm 27,9%, cao là Mỹ chiếm tới 56,1%). Ở Việt Nam theo số liệu quyết toán NSNN năm 2004, số thu từ thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao chỉ chiếm khoảng 1,8% tổng thu NSNN; năm 2005, nếu tính cả thuế thu nhập doanh nghiệp của hộ cá thể và thuế chuyển quyền sử dụng đất thì chiếm 4,1% tổng thu NSNN từ thuế, phí và lệ phí, tương đương 1,1% GDP (tức là bao gồm cả 3 sắc thuế đang thực hiện: thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với cá nhân kinh doanh; thuế thu nhập cao; thuế chuyển quyền sử dụng đất). Con số thật là quá nhỏ nhoi so với các nước trên thế giới.

Có lẽ trước tình hình đó mà Nghị Quyết Đại hội Đảng IX và X đã xác định “Áp dụng thuế thu nhập cá nhân thống nhất và thuận lợi cho mọi đối tượng chịu thuế, bảo đảm công bằng xã hộivà tạo động lực phát triển” và “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế theo nguyên tắc công bằng, thống nhất và đồng bộ... Điều chỉnh chính sách thuế theo hướng giảm và ổn định thuế suất, mở rộng đối tượng thu, điều tiết hợp lý thu nhập”. Và Bộ Chính trị đã thông qua Chiến lược cải cách thuế đến năm 2010, trong đó đặt ra yêu cầu: “Cần sớm xác định các bước đi thích hợp để tăng tỷ trọng các nguồn thu trong nuớc cho phù hợp với tiến trình hội nhập. Mở rộng diện thuế trực thu và tăng tỷ lệ thu từ thuế trực thu”. 
Theo Tờ trình thì với Biểu thuế được thiết kế như Dự luật thì mức động viên về thuế thấp hơn so với hiện hành, thể hiện chủ trương “khoan sức dân” của Đảng và Nhà nước. Trước mắt năm 2009, số thu dự kiến sẽ không tăng so với việc nếu vẫn áp dụng chính sách thu hiện hành vào thời điểm đó. Nhưng như vậy có mâu thuẫn không, vì yêu cầu trong Nghị Quyết Đại hội Đảng IX và X và Chiến lược cải cách thuế đến năm 2010 của Bộ Chính trị  là tạo động lực phát triển”, “tăng tỷ lệ thu từ thuế trực thu ?

Ba là, yêu cầu tuân thủ đúng các nguyên tắc của biểu thuế này là nguyên tắc "lợi ích", "công bằng" và "khả năng nộp thuế":

Theo Tờ trình thì nguyên tắc “công bằng” và “khả năng nộp thuế” thể hiện ở chỗ:  người có thu nhập cao hơn thì nộp thuế nhiều hơn, người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khó khăn hơn thì nộp thuế ít hơn, người có thu nhập thấp chưa phải nộp thuế. Theo tôi, đây chỉ là một cách hiểu của nguyên tắc “công bằng”, mà đúng ra nó là “chính sách xã hội” hay thực hiện “công bằng xã hội”. Nguyên tắc “lợi ích” chính là một cách hiểu của nguyên tắc “công bằng”. Nguyên tắc công bằng còn có nghĩa khác.

Tờ trình nói rất đúng, rằng “Kinh tế - xã hội càng phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì nhu cầu chi tiêu của Nhà nước để giải quyết các vấn đề an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế ... cũng ngày càng gia tăng.” Điều đó đòi hỏi tăng thu ngân sách. Nhà nước thu từ đâu ? Từ thuở ra đời, nhà nước chỉ có nguồn thu duy nhất là thuế và đó vồn một trong 5 đặc điểm cơ bản của nhà nước. Nhà nước phục vụ cho mọi người dân thì mọi người dân cũng phải đóng góp cho Nhà nước. Có như vậy mới bảo đảm nguyên tắc lợi ích. Đây còn là cách hiểu của nguyên tắc công bằng.

Theo tôi, nguyên tắc công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế còn thể hiện ở chỗ, nộp thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của công dân, vì vậy, TTNCN không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn thể hiện trách nhiệm về mặt chính trị của công dân. Do đó, mọi người có thu nhập đều cần có phận sự đóng góp. 1 (một) đồng cũng nộp để nhớ nghĩa vụ và trách nhiệm với Nhà nước. Vì vậy việc nên bàn không phải bắt đầu từ mốc thu nhập nào thì phải nộp thuế, mà là cách tính thuế (biểu thuế!) thế nào cho hợp lý. Ở đây cần có cách nhìn linh hoạt.

Bốn là, khác với thuế thu nhập cao hiện hành:

Chính trong Báo cáo thẩm tra nói rằng trong Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách có ý kiến nên gọi loại thuế này là Luật thuế thu nhập cao mới đúng thực chất. Tôi rất đồng tình. Vì loại thuế này chẳng qua là gộp 3 loại thuế lại, bổ sung một số nguồn thu và điều chỉnh một số tỉ lệ thuế suất, còn nguyên tắc đánh thuế là theo kiểu TTN cao, như vậy chẳng phải là Luật thuế thu nhập cao kiểu mới sao. Đáng lẽ ra cái mới của thuế này chính là ở chỗ, bên cạnh “khoan sức dân” thì vẫn “động viên sức dân”. Người có thu nhập cao và thu nhập thấp cũng là dân, đều có trách nhiệm công bằng trước Nhà nước, sao lại phân biệt.

Vậy thì, chỉ có một phương án đảm bảo cả 4 yêu cầu trên là theo quan điểm một, nhưng cách tính thuế phải mềm dẻo, linh hoạt: Không tính lũy tiến theo 7 bậc, mà lũy tiến từ từ hơn, thu nhập thấp thì có thể theo từng 0,5% của thu nhập, thu nhập cao dần thì lũy tiến theo từng 1% hoặc cao dần lên. Ví dụ, thu nhập đến 2 triệu đồng/tháng thì chỉ nộp 20.000 đ (1%) “gọi là có” cho nhớ trách nhiệm với Nhà nước, thu nhập từ trên 2 triệu đồng/tháng đến 3 triệu đồng/tháng nộp cao nhất là 45.000 đồng/tháng (1,5%), thu nhập từ trên 3 triệu đồng/tháng đến 4 triệu đồng/tháng nộp cao nhất là 120.000  đồng/tháng (3%), thu nhập từ trên 4 triệu đồng/tháng đến 5 triệu đồng/tháng nộp  cao nhất là 200.000 đồng/tháng (4%), thu nhập từ trên 5 triệu đồng/tháng đến 6 triệu đồng/tháng nộp cao nhất là 250.000 đồng/tháng (5%), v.v. Trong Dự thảo từ một bậc này lên bậc kia chỗ giao điểm rất bất hợp lý: Ví dụ, từ Dự thảo suy ra, thu nhập 5 triệu nộp 5% thuế (250.000 đ), nhưng nếu thu nhập 5.000.001 đ (!) nhảy lên 10% (500.000,05 đ) ! Dù thu nhập chỉ cách nhau 1 đồng. Sẽ thấy bất hợp lý hơn nếu áp vào nhưng bậc thu nhập cao hơn (Dự thảo quy định biểu thuế 7 bậc với thuế suất bậc thấp nhất là 5%, bậc cao nhất là 35%).

Có lập luận cho rằng TTNCN thiếu tính chất "khoan sức dân" khi đã đánh vào hầu hết các đối tượng có thu nhập, với mức quy định chịu thuế là khá thấp khoảng 4 đến 5 triệu đồng. Biểu thuế lũy tiến hợp lý thì ý kiến về TTNCN thiếu quan điểm "khoan sức dân" cũng không còn cơ sở, vì khoản thuế mà những cá nhân có thu nhập dưới 5 triệu đồng phải nộp chỉ mang tính chất tượng trưng, tính chất trách nhiệm chính trị, chỉ như đóng Đoàn phí, Công đoàn phí, Đảng phí, hay đóng góp giúp nhà chùa, đóng góp giúp đồng bào bị thiên tai có khi còn nhiều hơn.

Cũng với quan niệm trên thì quy định về khoản giảm trừ gia cảnh cho cá nhân là đối tượng nộp thuế là không cần thiết mà chỉ cần trừ cho những người phụ thuộc rồi mới tính thu nhập chịu thuế, sau đó lũy tiến từ từ như trên đối với thu nhập chịu thuế. Thực ra thì với cách lũy tiến từ từ như vậy thì khoản trừ cho những người phụ thuộc chỉ có ý nghĩa thực tế khi có nhiều người phụ thuộc, còn nếu chỉ có 1 hoặc 2 người phụ thuộc thì khoản giảm trừ đó là không quan trọng.
Vài lời thô sơ, mong quí vị đại biểu bỏ quá.
     
        

Các văn bản liên quan