Ý kiến của ĐBQH Lê Thị Nam – Tỉnh Bình Dương

Thứ Sáu 15:01 10-11-2006
Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia vào những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về sự cần thiết phải ban hành luật này, tôi cũng nhất trí theo giải trình của Chính phủ và theo đánh giá tình hình thực hiện chính sách thuế mà Chính phủ đã cung cấp cho đại biểu. Chúng ta thấy hiện nay tồn tại và hạn chế của chính sách thuế chúng ta đang bàn ở đây thì tên của dự thảo luật này là "Luật Thu nhập cá nhân hay là Luật Thuế thu nhập của người có thu nhập cao". Nhưng hiện nay theo chính sách thuế thì những người dân không phải là cán bộ, công chức thì người ta đang chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Như báo cáo chúng ta thấy, nếu phân tích trong thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay có nhiều hộ cá thể, nhóm kinh doanh, rồi những hộ gia đình, những cá nhân kinh doanh, rồi cá nhân hành nghề độc lập, cá nhân có tài sản cho thuế đều nằm trong đối tượng chịu thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp. Một điều bất hợp lý hiện nay,vì họ nằm trong đối tượng chịu thuế của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, họ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là 28%, mà họ lại phải đóng thuế thêm nữa là thuế giá trị gia tăng và cả thuế môn bài. Tôi lấy ví dụ như hiện nay người dân do có nguồn thu thấp, người ta chịu sống chật hẹp, người ta cho thuê mặt bằng ở trước, để người ta có tăng thêm thu nhập. Hiện nay những người đó khi có hợp đồng cho thuê một tháng thêm được 1 triệu, 2 triệu thì người ta chịu đóng thuế theo thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng vì trong thuế thu nhập doanh nghiệp có một khoản gọi chung là cơ sở kinh doanh, vì vậy, cơ quan thuế coi như họ là cơ sở kinh doanh, họ phải đóng 28% thuế thu nhập doanh nghiệp, họ phải đóng thêm thuế giá trị gia tăng, họ phải đóng thêm thuế môn bài. Mặc dù họ không phải là cửa hàng kinh doanh, họ không phải là kinh doanh, buôn bán, sản xuất hàng hoá v.v...nhưng họ hiện nay phải đóng thuế 3 loại thuế như trên. Đó là những người mà người ta chấp hành tốt hoặc những người mà người ta bị thanh tra, kiểm tra, phát hiện là người ta có cho thuê thì người ta phải đánh thuế 3 loại thuế đó, đó là một điều bất hợp lý, có nhiều cử tri đã phản ánh, thắc mắc, khiếu nại đến Bộ Tài chính thì Bộ Tài chính cũng trả lời là vì họ là cơ sở kinh doanh nên phải đóng thuế 3 loại thuế, mặc dù người ta chịu đóng thuế 3 loại thuế, mặc dù người ta chịu ở chật hẹp để cho thuê nhà để có tăng thu nhập thêm, hoặc người ta có một mảnh đất nhàn rỗi người ta cho thuê, để thu nhập thêm thì phải đóng 3 loại thuế như trên. Như vậy, đây là một cái bất hợp lý mà nó tồn tại hiện nay của chính sách thuế.

Vì vậy, chúng ta cần có Luật thuế thu nhập cá nhân như hiện nay, chúng ta bàn, đối với cán bộ công chức thì chúng ta đã biết rồi, phải 5 triệu trở lên thì chúng ta mới đóng thuế. Như vậy thì giữa người dân không phải là cán bộ công chức và cán bộ công chức hiện nay có sự không công bằng. Vì vậy, tôi cũng thống nhất là cần phải có ban hành Dự thảo Luật thuế này.

Về tên Dự thảo Luật. Tôi thống nhất như ý kiến của các đại biểu cũng như của Ban soạn thảo là thuế này nên gọi là Thuế thu nhập cá nhân, chứ không nên để Thuế thu nhập của người có thu nhập cao. Lý do là nếu thực hiện theo Dự thảo luật này thì người dân được giảm trừ gia cảnh là 4 triệu hoặc 5 triệu, nhưng đó chưa phải là thu nhập cao. Theo như tính toán của Chính phủ thì đó chỉ là trên mức trung bình ở năm 2009 và trong Dự thảo luật thì chúng ta cũng không nói là tới 4 triệu hay 5 triệu mới đóng thuế, mà trong đối tượng chịu thuế, nộp thuế là cá nhân có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, từ tiền công là phải chịu thuế. Nhưng trong khi đi tính thuế thì người ta mới giảm trừ gia cảnh. Tôi cho đó là hợp lý. Giống như cơ sở kinh doanh là lấy từ doanh thu, nhưng khi tính thuế thì người ta trừ chi phí hợp lý, ở đây chúng ta gọi là giảm trừ gia cảnh. Điều đó là hợp lý. Chứ không vì giảm trừ gia cảnh cho người đóng thuế 4 triệu, 5 triệu thì còn lại mới đóng thuế mà chúng ta sửa tên luật là Luật thuế của những cá nhân có thu nhập cao. Do đó, tôi thống nhất với tên trong Dự thảo luật của Ban soạn thảo.

Về những điều cụ thể tôi xin đề nghị ở Điều 4, đối tượng chịu thuế nói như trình bày ở trên có một đối tượng là cá nhân có tài sản cho thuê hiện nay còn điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì tôi đề nghị trong dự thảo luật lần này chúng ta để là thu nhập từ kinh doanh, nhưng nếu có giải thích là từ kinh doanh thì chúng tôi cũng đề nghị nên đưa vào đối tượng là cá nhân có tài sản cho thuê. Ví dụ như cho thuê nhà ở hoặc cho thuê đất thì nên điều chỉnh ở luật này, chứ hiện nay họ đang bị điều chỉnh ở Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thứ tư, về đối tượng chịu thuế, hồi nãy đến giờ đại biểu đã bàn nhiều về vấn đề đưa lãi suất tiền gửi vào để đóng thuế thì tôi cũng nhất trí là không nên. Nhưng còn có một đối tượng nữa là lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì chúng tôi chưa thấy đại biểu phát biểu, tôi thấy phần này có nên đưa vào để chịu thuế hay không, đưa vào đối tượng chịu thuế mà lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì ngân sách chúng ta sẽ thu được là bao nhiêu. Theo tôi không nên đưa vấn đề này vào.

Về vấn đề không chịu thuế tôi cũng thống nhất như đại biểu Lợi là nên chăng chúng ta không nên đưa Điều 5 này vào mà chúng ta chỉ quy định đối tượng chịu thuế thôi. Ví dụ như trong đối tượng chịu thuế dự thảo có đề những người thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công, có tính chất như lương v.v... chúng ta gọi chung là tiền lương, tiền công thì mới tính vào đối tượng chịu thuế. Như vậy ngoài những cái đó, ngoài không phải là tiền lương, tiền công thì chúng ta sẽ không đóng thuế. Chứ còn nếu chúng ta đưa Điều 5 như thế này thì càng cụ thể càng thiếu. Ví dụ: Trong Ban dự thảo đề là các đối tượng hưởng ưu đãi thì không chịu thuế, nhưng lại cụ thể thiếu ưu đãi, ví dụ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp hay giáo viên hiện nay có ưu đãi trực tiếp giảng dạy đó là ưu đãi nghề nghiệp và một số ngành cũng có. Thì ưu đãi này hiện nay không tính trong việc mà để đóng bảo hiểm hay các đóng góp khác, tôi nghĩ rằng nếu vẫn giữ Điều 5, tôi đề nghị bổ sung thêm là những người mà hưởng phụ cấp ưu đãi khu vực, những người hưởng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp thì không nên là đối tượng chịu thuế.
Điều 18, giảm trừ gia cảnh, tôi thống nhất nhiều với ý kiến đối với người nộp thuế nên 5 triệu, vì 4 triệu hiện nay trên mức trung bình thôi. Mà trên mức trung bình thì người ta chỉ là có thể đủ sống, còn tích luỹ để xây dựng nhà như tôi thống nhất với đại biểu Trân ở An Giang thì không phải người ta chỉ sống để ăn, để đủ mức trung bình ăn, còn ở thì sao? Nếu chúng ta không tích luỹ thì không thể nào có nhà ở được, cho nên chúng tôi đề nghị nên 5 triệu. Nhưng tôi cũng băn khoăn là có nên để mức cụ thể là 5 triệu hoặc 4 triệu trong Dự thảo luật hay không, nên chăng chúng ta để hệ số mức lương như Ban soạn thảo đã lý giải, tại sao 4 triệu, 5 triệu là căn cứ vào hệ số 3 phẩy của người tốt nghiệp đại học làm việc 10 năm, chúng ta tính lương tối thiểu, tới trượt giá v.v...đến năm 2009 thì chúng ta căn cứ đóng là 4 triệu thuế, như vậy chúng ta có nên đưa ra một công thức tính và chúng ta tính là ai từ 3 phẩy trở lên, căn cứ vào công chức, người dân cũng ở mức đó thì đóng, tôi thấy đề xuất theo hướng đó. Về giảm trừ đối với người phụ thuộc, chúng tôi thấy nên cụ thể hơn và ở đây chúng tôi muốn nói đối với người độc thân, Ban soạn thảo cho rằng người độc thân không trừ cho con cái thì nó phù hợp hiện nay, nhưng chúng tôi thấy không công bằng, vì người có con cái được giảm trừ để nuôi con cái, sau này con cái có thể lo lại cho họ, người độc thân bây giờ nghĩa vụ đóng thuế là nhiều hơn, khi người ta không còn sức lao động, người ta già yếu thì Nhà nước nuôi người ta như thế nào, hoặc con cháu thì ai nuôi họ, do đó tôi đề nghị nên tính cho người độc thân có một giảm trừ ngoài giảm trừ cá nhân họ và có một mức nào đó để cho người ta có thể tích luỹ. Còn các vấn đề khác tôi xin thống nhất với đại biểu. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan