Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân – Tỉnh An Giang

Thứ Sáu 14:58 10-11-2006

Kính thưa Quốc hội.

Tôi đồng tình với tên luật là Luật thuế thu nhập cá nhân, hồi sáng, có một số đại biểu có nói khi bàn về tên luật, nên nghĩ của nghĩa vụ của công dân, phải nghĩ tới phần trách nhiệm của mình đối với ngân sách Nhà nước v.v...Cách đặt vấn đề như vậy tôi đồng tình, nhưng tôi cũng nghĩ rằng người dân mình là người dân rất rộng lượng, những bão, thiên tai người ta sẵn sàng đóng góp. Nhưng người dân của mình cũng rất chặt chẽ, nếu không công bằng, nếu làm không đúng thì một hạt thóc người ta cũng không cho. Cho nên, tôi nghĩ vấn đề này, đặt trở lại là vấn đề làm sao cho nội dung của luật nó phải thể hiện được sự công bằng, nó thể hiện được quan điểm xây dựng luật, không thể nói kêu gọi nghĩa vụ của dân rồi mình muốn làm sao mình làm, tôi muốn lưu ý điểm đó.

Vấn đề thứ hai, về nội dung, trong Tờ trình có nêu lên 4 quan điểm, mục tiêu, nhưng lại không nêu nguyên tắc xây dựng luật, luật này có lẽ là một trong những luật không nêu nguyên tắc xây dựng luật, đứng về mặt quan điểm thì có đại biểu và Ban soạn thảo cũng có nói đến vấn đề khoan sức dân, nhưng khoan sức dân không nêu lên thành quan điểm. Tôi đọc không biết có sót hay không, tôi nghĩ khoan sức dân này cụ thể là phải làm sao bảo đảm cho người thu nhập, một hộ gia đình có thể đủ sống, có thể có tiết kiệm, tiết kiệm để tạo lập cho mình một cái nhà, cho dù nhà dành cho những người thu nhập thấp, chứ còn chúng ta không nói đến chuyện này, rồi định mức thuế như thế này, như thế kia thì giảm trừ như thế này, như thế nọ tôi cho rằng nó không có cơ sở.

Vì vậy phải nêu quan điểm như vậy là phải khoan sức dân chính là chỗ cụ thể đấy, bây giờ tính ra nếu trở lại như thế này thì tôi thấy mình điều tiết như thế này, thu thuế như thế này thì tức là kẹt cho những người có thu nhập trung bình từ thấp trở xuống.

Vấn đề thứ hai, trong nguyên tắc xây dựng luật tôi đề nghị để trong đó nguyên tắc để xác định mức thuế nó thể hiện quan điểm như trên. Nhưng tôi nghĩ trong nguyên tắc phải bảo đảm tính khả thi và sự công bằng, sự khả thi của luật nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sự công bằng. Tôi xin dẫn chứng hiện nay trong nền kinh tế tiền mặt của mình như thế này thì chỉ có những người nào lương trả qua cơ quan mới bị điều tiết, còn những người có thu nhập bằng tiền mặt ở bên ngoài, ví dụ như tôi đi dạy tư 10 triệu/tháng hoàn toàn không ai biết cả, như vậy có công bằng hay không?

Thứ hai, sự khả thi nó ảnh hưởng tới vấn đề trốn thuế và khai gian.

Vấn đề thứ ba, cái khả thi của luật nó ảnh hưởng đến niềm tin của dân đối với luật, người ta đóng thuế, nhưng tiền thuế đó nếu không công bằng, mặt khác mình sử dụng tiền dân đóng góp mà không có hiệu quả thì người ta cảm thấy tiền tôi đóng như thế này là không bổ ích, không phải cho mục tiêu Đảng đã đề ra, thành ra tôi lưu ý một trong những nguyên tắc của xây dựng luật là đảm bảo tính khả thi. Nó tuy là đầu ra, nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều tới đầu vào, tới quan điểm và tới nguyên tắc xây dựng luật.

Ban soạn thảo có nói đây là một lần tập dượt. Tôi nhớ là, 20 năm trước, tôi đã đưa Bộ luật Thu nhập thuế cá nhân về cho Bộ Tài chính, lúc đó, tôi không biết anh Chu Tam Thức hay là anh nào, trước anh Nguyễn Sinh Hùng, thì tôi không biết. 20 năm rồi, chúng ta tập dượt tới chừng nào? Anh Tào Hữu Phùng có nói là, người nước ngoài cứ trách chúng ta là chúng ta thay đổi luật luôn, nhưng chúng ta tập dượt, có nghĩa là chúng ta sẽ thay đổi luật nữa. Tôi không biết, tới khi nào chúng ta mới hết tập dượt này. 20 năm xây dựng luật này rồi.

Ý thứ ba, về đối tượng kê khai và nộp thuế. Hôm kỳ họp ở Ao Vua, tôi đã góp ý trong Kỳ họp ở Thường vụ, tôi có nói các đồng chí thiên về, mỗi người, mỗi cá nhân thì phải làm một hồ sơ nộp thuế thu nhập cá nhân. Tôi có đề xuất một phương án khác là kê khai theo hộ gia đình. Tôi nghĩ có mấy cái lợi như sau:

Trước nhất, là số lượng hồ sơ của từng cá nhân sẽ giảm đi rất nhiều, nếu chúng ta làm theo hộ gia đình.

Thứ hai là, hộ gia đình, theo Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản của vợ chồng là tài sản chung. Thế tại sao nộp thuế thì tài sản của chồng riêng, tài sản của vợ riêng, thu nhập của chồng riêng và thu nhập của vợ riêng.

Thứ ba là, về con thì bao nhiêu đứa thì tôi khai, bao nhiêu đứa thì vợ tôi khai. Nếu 5 đứa thì vượt khung, thì thôi tôi đưa qua cho vợ tôi khai. Như vậy là mình tạo thêm một khe hở để cho người ta lách luật.

Thứ tư, nếu chúng ta kê khai theo hộ gia đình, thì chồng một phần, vợ một phần, mỗi đứa con là một nửa phần hoặc là3/4 phần gì đó thì mình tính ra, rồi bao nhiêu phần trong hộ gia đình đó thì mình tính, mình trừ ra mức chiết giảm để mình nộp thuế, rất đơn giản, rất công bằng, người ta cảm thấy cái này không ai có thể phủ nhận được. Tôi không hiểu sao Bộ Tài chính cứ khăng khăng làm theo cá nhân và nói như vậy là nó phù hợp với sức của mình. Hộ gia đình, sổ hộ khẩu mình có hết, gia đình có rồi, tại sao mình không làm chuyện này, trong lúc đó nếu làm cá nhân thì tôi kê khai, vợ tôi kê khai, nếu hai người này không có đàng hoàng thì như vậy làm sao mà biết được tổng số con bao nhiêu khi hồ sơ như vậy. Thành ra tôi đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc lại và tôi cũng kiến nghị với Quốc hội nghiên cứu thử cái này và có ý kiến với Ban soạn thảo, một mình tôi nói có lẽ không vào, chưa vào.

Ý kiến thứ tư, phương pháp hành thu, ở đây các đồng chí nói là kỳ thu thuế một là hàng năm, hai là theo các vụ, theo sự việc. Nhưng tôi nghĩ ngay hàng năm, kỳ khai thuế là hàng năm nhưng hành thu tôi cũng sợ, tôi e rằng các đồng chí sẽ trừ ngay tận gốc và trừ hàng tháng. Tôi lấy ví dụ lương của một người cán bộ mà hệ số 9 chẳng hạn nhân với 450, coi  như hơn mức 4 triệu thì hàng tháng các đồng chí sẽ trừ ngay cái đó, sau này cuối năm sẽ tính lại, nếu dư tôi sẽ hoàn lại cho anh. Cách hành thu như thế này là cách hành thu rất có lợi cho cơ quan thu thuế, không kể gì đến lợi ích của người nộp thuế, nó vẫn mang dáng dấp của Luật quản lý thuế, nặng về người đòi hỏi ở người nộp thuế, dành thuận lợi cho cơ quan quản lý thuế. Hiện nay các đồng chí biết, tôi nói cái này là tôi nói kinh nghiệm cá nhân, tôi xuất bản một cuốn sách ở nhà xuất bản Thế giới, quyền tác giả, bản quyền, automatic người ta trừ tôi số tiền bản quyền tác giả, vì cái đó là Bộ Tài chính yêu cầu nhà xuất bản phải nộp, tới bây giờ tôi cũng không biết, thôi tôi cứ nhắm mắt thôi coi như là cúng cho ngân sách. Chấp hành thu của mình như thế này hết sức thô sơ, thuận lợi cho người thu thuế mà không thuận lợi cho người nộp thuế. Tôi đề nghị Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế nên xem lại cách tiến hành thu này.

Vấn đề tiết kiệm trái phiếu kiều hối, vấn đề tiết kiệm tôi hơi khác ý kiến của các đồng chí, tôi nghĩ sổ tiết kiệm có thể tính, nhưng với điều kiện tiền gửi tiết kiệm trái phiếu và kiều hối và kể cả công trái Nhà nước huy động đều phải chịu thuế nếu phải chịu thuế. Bởi vì trước nhất đây là vấn đề nguyên tắc, tiền gửi tiết kiệm cũng như trái phiếu, công phiếu là thuộc về thị trường tiền tệ. Tại sao mình đánh thuế ở chỗ này mà không đánh thuế trái phiếu Chính phủ và điều này mở trong ngoặc đây là một cái mà thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ nằm trong Bộ Tài chính mà tôi đã có dịp nói rồi. Tôi nghĩ nếu đánh thuế thì phải đánh thuế hết và nhân đây cũng nói tới tiền kiều hối, tiền kiều hối mà bây giờ những người nhận tiền kiều hối coi như không đánh thuế gọi để sợ ảnh hưởng đến lượng kiều hối ở ngoài gửi về. Nếu nói như vậy thì tiền trong tiết kiệm tại sao lại vét làm gì chuyện này, còn nếu mà làm thì làm hết tất cả sự công bằng ở chỗ này, cái minh bạch là ở chỗ này. Tôi thấy người dân nhìn vào đây để thấy sự minh bạch hay sự tùy tiện, mình thấy cái gì lợi, thấy cái gì mình làm cái đó mà không kể đến nguyên tắc.

Điều cuối cùng, có thể tôi quá một vài giây, mong đồng chí Chủ tịch thông cảm.

Điều 10, thực hiện Điều ước Quốc tế trường hợp Điều ước Quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về thuế thu nhập cá nhân khác với quy định tại luật này, thì áp dụng theo Điều ước Quốc tế đó.

Câu hỏi đầu tiên, tôi không biết Ban soạn thảo có thể kể ra một Điều ước Quốc tế nào mà có quy định về Luật thuế thu nhập cá nhân hay không? Hay đây là một công thức để mà chúng ta nói cho qua chuyện này. Theo tôi nghĩ hiện nay Việt Nam có ký kết với một số nước về tránh đánh thuế hai lần, thì mình đỡ Điều 10 này trong trường hợp mà Việt Nam có ký kết Hiệp ước, Điều ước mà tránh đánh thuế hai lần thì áp dụng theo cái được đó, chứ bây giờ mình để Điều 10 như thế này chung chung, có thể hiểu biết của tôi nó hạn hẹp, cho nên tôi không biết Điều ước Quốc tế nào quy định thuế thu nhập cá nhân của một nước hay không? Và trong ký kết không biết mình có ký kết tới mức ký kết giữa Điều ước về thuế thu nhập cá nhân không?
Đó là một số ý kiến, tôi đề nghị Ban soạn thảo, Quốc hội xem xét, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan