Trích ý kiến ĐBQH Uông Chu Lưu – Tỉnh Sóc Trăng

Thứ Ba 09:26 20-06-2006

Sau khi nghe nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội phát biểu tham gia vào dự án Luật Trợ giúp pháp lý, tôi xin báo cáo thêm một số vấn đề như thế này.

Thứ nhất, có nhiều đại biểu băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự án luật này là nên mở rộng thêm cho việc tiếp cận pháp luật của tất cả các chủ thể trong xã hội, hay chỉ trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đây là một vấn đề trước đây trong phiên họp trước thì Quốc hội cũng đã phát biểu và tôi xin báo cáo như sau:

Hiện nay, nếu mà nói về các cơ chế, các kênh để giải quyết vấn đề tiếp cận pháp luật, chúng ta đã có một số văn bản quy định. Ví dụ, Luật Luật sư mà tới đây Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến để thông qua. Trong dự án Luật Luật sư, chúng ta có tổ chức là Văn phòng Luật sư, Công ty luật và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Họ tham gia với hình thức là tư vấn pháp luật, tham gia bào chữa, tham gia tố tụng, tham gia ngoài tố tụng và các hoạt động pháp lý khác. Những người nào, những ai có nhu cầu về trợ giúp pháp lý có trả phí, thì phải theo quy định của Luật Luật sư.

Hiện nay, chúng ta đối với cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân thì Chính phủ có Nghị định 122 về tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành, các cơ quan chuyên môn và các tổ chức pháp chế ở trong các doanh nghiệp Nhà nước. Rồi chúng ta cũng đã có Nghị định 65 quy định về tổ chức tư vấn pháp luật của các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, trong này có tiếp thu một phần để đưa vào trong dự án Luật Trợ giúp pháp lý. Và chúng ta cũng có các thiết chế như tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn, điểm bưu điện văn hoá xã như các đồng chí đã phát biểu. Ở đây nói là để tiếp cận pháp luật thì có rất nhiều kênh, nhưng dự án luật này, xin báo cáo với Quốc hội rằng khi Chính phủ lập dự án chương trình để Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì chính Chính phủ cũng đã trình bày với Quốc hội là dự án luật này chỉ điều chỉnh vấn đề trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Bởi vì chúng ta bây giờ nói rằng nguyện vọng mong muốn để tiếp cận pháp luật thì có thể có rất nhiều cách khác nhau. Nhưng ở đây chỉ xác định rằng trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Thế thì vấn đề tên gọi của luật cũng vậy. Có đồng chí đại biểu Quốc hội nói rằng nên thêm chữ "miễn phí" sau cụm từ "trợ giúp pháp lý" cho nó rõ, để phân biệt với các trường hợp trợ giúp pháp lý khác. Nhưng cũng có nhiều đại biểu thông cảm với Ban Soạn thảo cho rằng, bản thân "trợ giúp pháp lý" nó đã bao gồm chữ "miễn phí" rồi, cho nên không cần thêm chữ "miễn phí" nữa. Vậy thì xin báo cáo với Quốc hội ý thứ nhất là như vậy.

Ý thứ hai là chính sách xã hội hoá. Đây là một vấn đề rất lớn thuộc nội dung của dự án luật này mà trong tờ trình của Chính phủ và trong Báo cáo Giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nói rõ là, việc trợ giúp pháp lý đây là nhiệm vụ, là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước phải giữ vai trò nòng cốt trong sự nghiệp này, bởi vì chúng ta đang thực hiện việc xoá đói, giảm nghèo cho người dân chúng ta thì trách nhiệm đấy là Nhà nước là chính, thế thì việc giảm nghèo về mặt pháp luật cũng thuộc về Nhà nước. Nhưng Nhà nước huy động, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để có thể thu hút được những lực lượng khác cùng tham gia với Nhà nước trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý mà ở đây là cái gì? Xã hội hoá ở đây là gì? Hôm trước tôi đã có dịp báo cáo với Quốc hội rằng có rất nhiều kênh khác nhau.

Ví dụ như đối tượng, cái người mà thực hiện trợ giúp pháp lý, ngoài các cán bộ của Nhà nước được tuyển dụng vào làm việc này thì chúng ta hiện nay báo cáo với Quốc hội có gần 8.000 cộng tác viên trợ giúp pháp lý không phải là biên chế của Nhà nước, còn biên chế Nhà nước hiện nay chúng tôi có được chỉ có 483 người trong cả nước, ở 64 Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước, còn nữa là chúng ta dùng đội ngũ cộng tác viên. Đội ngũ cộng tác viên này gồm luật sư, gồm những người am hiểu pháp luật được quy định rất rõ trong Điều 22, ở đây không chỉ những người đã tốt nghiệp đại học, kể cả những người chỉ có trung cấp pháp lý, kể cả những người am hiểu lĩnh vực chuyên môn đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước thì chúng ta cũng huy động họ cùng tham gia vào đây.

Thứ hai, về nguồn lực tài chính, trong dự án Luật này có quy định quỹ trợ giúp pháp lý, quỹ trợ giúp này từ sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, những người hảo tâm, người ta có thể đóng góp vào đấy, nguồn kinh phí ở đây cũng là đa dạng hoá, ngoài ngân sách Nhà nước ra còn có sự hỗ trợ của các tổ chức khác nữa, cũng xin báo cáo với các đồng chí như thế.

Còn vấn đề quy định trong này các tổ chức, đoàn thể, xã hội, Mặt trận Tổ quốc, các thành viên của Mặt trận như thế nào? Báo cáo trong hơn 8 năm vừa rồi, từ khi có Quy định 674 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo, khuyến khích và ủng hộ việc có 6 trung tâm tư vấn pháp luật của các tổ chức, đoàn thể Trung ương hiện nay đang có sự hoạt động về trợ giúp pháp lý cùng với các trung tâm pháp lý của Nhà nước. Việc này là huy động, nhưng mà có ý kiến trong qúa trình thảo luận là nói như thế này thì cũng phải rành mạch ở chỗ bây giờ đã là tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức xã hội tham gia vào để làm tốt, nhưng mà Nhà nước có phải có nghĩa vụ bảo đảm ngân sách kinh phí, phương tiện, điều kiện cho các tổ chức đó như các tổ chức trợ giúp pháp lý Nhà nước hay không? Thì ý kiến rất khác nhau và nói rằng ở đây Nhà nước chỉ hỗ trợ tạo điều kiện một phần. Chứ còn trên cơ sở nguồn lực của các tổ chức, đoàn thể chính trị và các tổ chức đoàn thể chính trị này cũng được Nhà nước hỗ trợ về ngân sách. Vấn đề đó xin được báo cáo với Quốc hội để Quốc hội quyết định. Chứ còn hướng dự án luật và trong giải trình của Thường vụ Quốc hội là đi theo hướng đó.

Thứ ba, đối tượng trợ giúp pháp lý, báo cáo với Quốc hội, hôm trước chúng tôi đưa ra phương án Chính phủ trình bày phương án thứ nhất là chỉ cho người nghèo. Vì lúc đầu quan niệm người nghèo hiện nay chúng ta còn 26 % dân số và đến năm 2010 theo Nghị quyết của Đảng chúng ta phấn đấu chỉ còn 10%. Như vậy số lượng người nghèo rất đông, cho nên nếu mà làm được tốt thực chất cho đối tượng đó cũng là tốt rồi. Nhưng vì sao, bây giờ qua ý kiến của Quốc hội thấy cần phải mở rộng thêm đối tượng này, đó là đối tượng người có công, những người chịu những khuyết tật, đây cũng là một sự kế thừa của pháp luật hiện nay và trên thực tế chúng ta đang làm cho những đối tượng đó. Nếu đối tượng này đứng về mặt chủ trương rất phù hợp với ý nguyện của dân và cũng phù hợp với chủ trương của Đảng. Cho nên lần này Thường vụ Quốc hội mở rộng đối tượng ra, so với phương án Chính phủ đã trình, chúng tôi nhất trí phương án như vậy.

Vấn đề thứ tư, tính khả thi. Có đại biểu băn khoăn nếu, luật này được thông qua liệu có bảo đảm tính khả thi hay không? Tính khả thi ở đây được thể hiện ở chỗ là có hành chính hoá hoạt động tổ chức trợ giúp pháp lý Nhà nước này hay không? Xin báo cáo với Quốc hội, chúng tôi dự kiến trong này mỗi tỉnh chỉ thành lập một Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, trung tâm này đặt ở tỉnh, trực thuộc Sở tư pháp như là một đơn vị hành chính sự nghiệp. Còn tuỳ vào điều kiện tình hình của mỗi địa phương thì Chủ tịch sẽ quyết định thành lập các chi nhánh ở các liên huyện, liên xã, hoặc các khâu trợ giúp pháp lý. Đấy là cơ sở mà 8 năm nay chúng tôi chỉ đạo là ngoài vấn đề tư vấn pháp luật tại trụ sở thì Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước đi lưu động, đi lưu động xuống tận thôn, tận bản, tận ấp, tận làng, không phải ngồi tại trung tâm, số lượng biên chế không phải là lớn.

Một ý nữa, các đồng chí có nói đến luật sư công và trợ giúp viên pháp lý. Tại sao lại là một loại luật sư theo như đồng chí Minh nói là luật sư hạng hai lại tham gia cái này, cũng xin báo cáo với Quốc hội, bản thân lúc đầu Chính phủ trình trong Dự án Luật luật sư có cả luật sư công, dự án luật này có luật sư trợ giúp pháp lý Nhà nước để họ làm việc này, nhưng qua lần thảo luận trước tuyệt đại đa số các đại biểu Quốc hội không tán thành quy định luật sư công và luật sư trợ giúp pháp lý Nhà nước ở trong Luật luật sư và luật này, cho nên chúng tôi đã rút và thực hiện theo ý kiến đa số của đại biểu Quốc hội. Còn bây giờ không có luật sư trợ giúp pháp lý Nhà nước, thì ai sẽ thay mặt cho những người nghèo, đối tượng chính sách được tham gia tố tụng, thì dự án luật này căn cứ vào Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2004, trong đó Điều 56, 59, 63 đã nói rằng những người tham gia tố tụng bao gồm luật sư, người đại diện hợp pháp và bào chữa viên nhân dân, thế Ủy ban pháp luật và nhiều đồng chí đại biểu chuyên trách ủng hộ nên coi trợ giúp viên pháp lý như người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo, người có quyền lợi hợp pháp trong tố tụng để họ tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi cho người nghèo, đối tượng chính sách. Vì hiện nay chúng ta mới có hơn 3.000 luật sư và tỷ lệ số lượng các vụ án có luật sư tham gia chỉ chiếm 7%, hôm trước Quốc hội đã thảo luận Báo cáo về giám sát nói rất rõ. Bây giờ một nhu cầu bức thiết như vậy không có luật sư để cho ông chuyên viên trợ giúp pháp lý này được tham gia và điều kiện ông đã tham gia tố tụng thì phải đạt một chuẩn nào đó, một tiêu chuẩn, điều kiện nào đó thì mới được tham gia tố tụng. Thì bắt buộc trong Điều 21 của dự án luật quy định là phải có Đại học Pháp lý, có Đại học Luật, có được chứng chỉ về đào tạo, về tiêu chuẩn nghề này, ít nhất là phải có 2 năm hoạt động trong các cơ quan pháp luật, rồi đạo đức về cái này, cái kia nữa thì mới được tham gia. Xin báo cáo với Quốc hội ý kiến như thế để Quốc hội yên tâm rằng khi chúng tôi cùng với Uỷ ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan làm tờ trình giải trình của Thường vụ Quốc hội là đã cân nhắc tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phát biểu.

Các văn bản liên quan